
Góc biếm họa số 6 (2025)

Các tác phẩm nghệ thuật ngoài nội dung chủ đề, cảm nhận dòng chảy cuộc sống không ngừng hàng ngày xung quanh ta, từ đó nảy sinh ý, tứ sơ khai, còn một yếu tố quan trọng là nguyên liệu sản xuất tác phẩm.
Thí dụ về âm nhạc, các nhạc sĩ lắng nghe tiếng gió thổi qua rặng tre, tiếng bà con ra đồng, thậm chí nằm võng nghe tiếng ru con theo làn điệu cũng là một trong những nguyên liệu thô, khắc vào tâm trí nhạc sĩ. Hội họa cũng như các thể loại nghệ thuật khác khi sáng tác ra tác phẩm đều phải thâm nhập thực tế mắt thấy tai nghe hơi thở cuộc sống. Trước đây mỗi khi đi thực tế, họa sĩ ngoài tắm mình trong khung cảnh sinh động nơi đó, còn dùng bút chì, than chì, màu nước… trực tiếp ký họa con người, đồ vật, phong cảnh. Thường thường phải mất một tuần để nét bút nhuần nhuyễn, bắt kịp hình dáng rất động của người, vật, của màu sắc, ánh sáng vô vàn phong phú và thay đổi liên tục theo thời gian, do đó công việc ký họa lấy tài liệu là phải liên tục và cực nhọc. Nhưng có công thì trời không phụ. Những bản vẽ các nét các mảng chồng lên, thêm bớt bám theo sự vận động của vật thể làm cho bức phác họa rất động và mềm mại, sau này đưa vào tác phẩm có chất hội họa rõ nét. Vậy nên mới có một loạt tên tuổi các danh họa lớn của Việt Nam như: Bùi Xuân Phái, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn…
Khoa học kỹ thuật phát triển, sản phẩm hàng hóa công nghệ cao có chất lượng ngày càng nhiều, trong đó các phương tiện nghe nhìn như camera, máy ảnh kỹ thuật số, điện thoại thông minh… đi cùng với các phần mềm chỉnh sửa, cắt ghép, bố cục… hiện đại và thuận tiện. Ngoài việc lấy tài liệu theo cách truyền thống, hội họa cũng nhanh nhạy tận dụng lợi thế công nghệ để bổ khuyết cho các sáng tác truyền thống trước kia, rút ngắn thời gian đầu tư vào khâu nguyên liệu, dư thời gian suy ngẫm tác phẩm và tìm tòi những cái mới khi dùng công nghệ thay thế một phần ký họa. Ngoài ra việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật số cũng giúp cho các họa sĩ vốn có ít thời gian rỗi dễ dàng ký họa bắt nhịp với cuộc sống đương đại ngày càng bận rộn.
Vẽ chân dung qua ảnh chụp
Vẽ một bức tranh Lễ hội cung đình Huế, nếu đi vẽ ký họa lấy tài liệu mà ở xa thì phải nói là khó. Nhưng truy cập hệ thống mạng lấy tài liệu phù hợp với nội dung, bố cục, tư tưởng thể hiện và kết hợp tay nghề và kiến thức hội họa cũng cho ra được một tranh có chất lượng.
Tranh Lễ hội cung đình Huế được vẽ từ tài liệu qua mạng
Hoặc vẽ tranh về cảnh bộ đội hành quân, tôi đã vận dụng những năm tháng rèn luyện gian khổ, từng đi qua bao miền quê đất nước có thể vẽ theo ký ức và cảm xúc, kết hợp với một số dáng, động tác khai thác trong ảnh tư liệu làm cho bức tranh đạt chất lượng trong triển lãm tranh về lực lượng vũ trang. Hoặc giả dụ một công đôi việc, qua ảnh chụp vừa có tranh, ảnh kỉ niệm mà không cần bắt người mẫu ngồi lâu, qua vẽ chân dung, nâng cao việc miêu tả hình khối của mẫu - một phần của môn hình hoạ - mà hoạ sĩ là phải rèn luyện thường xuyên.
Bộ đội hành quân được vẽ từ tài liệu qua mạng
Đã là hội hoạ thì nét vẽ, mảng miếng, hòa sắc thể hiện cảm xúc qua bàn tay của người nghệ sĩ, đó là điều đặc trưng không gì có thể thay thế được. Một bức ký họa bằng tay sẽ có sự tính toán, chủ động sắp đặt bố cục hơn là một bức ảnh chụp. Tuy nhiên, cuộc sống ngày càng hiện đại, công cụ kỹ thuật số, tin học ứng dụng phong phú, chất lượng cao và rất tiện lợi. Các ngành đồ họa, vẽ tranh cổ động hoặc nghệ thuật ứng dụng đã áp dụng thành công tiến bộ khoa học kỹ thuật. Ở đây tôi không cổ xúy cho việc thay thế thâm nhập thực tế bằng cách lấy tài liệu vẽ tranh qua các công cụ khác. Đây chỉ có thể là một gợi ý cho suy ngẫm rằng cần khai thác cái mới nằm trong sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật mà theo nguyên lý từ xưa đến nay về sự tồn tại và phát triển là phải khai thác, áp dụng cái mới một cách hợp lý và có hiệu quả.
Văn Thúy
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...