Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
04:11 (GMT +7)

Nhậu ơi, từ đâu tới?

Trước hết cần phải nói rằng "nhậu" không phải là từ hiện đại trong tiếng Việt và cũng chẳng phải là từ lóng, nó chính là từ cổ, xuất hiện vài trăm năm nay, thường được dùng trong lời ăn tiếng nói hàng ngày ở Đàng Trong, tức vùng lãnh thổ Đại Việt do chúa Nguyễn cai trị (từ phía Nam sông Gianh tỉnh Quảng Bình trở vào miền Nam).

"Nhậu" là từ cổ, thường được dùng ở Đàng Trong (từ phía Nam sông Gianh tỉnh Quảng Bình trở vào miền Nam) với nghĩa cổ xưa là “uống”.

Ngày xưa, "nhậu" có nghĩa là "uống" (nước, rượu). Trong từ điển Việt - Latin của Pigneau de Béhaine ghi nhận khái niệm "nhậu nước" (chữ Nôm: ?著, tr.432; Từ điển Taberd cũng ghi nhận như vậy, và giải thích "nhậu" tương ứng với từ bibere (uống) trong tiếng Latin (tr.358). Xin nói thêm, cái từ "bia" trong tiếng Việt có nguồn gốc từ chữ bière trong tiếng Pháp, còn bière lại có gốc từ chữ bibere (uống) trong tiếng Latin.

Nhìn chung, từ "nhậu" xuất hiện vào thời Trung cổ, có khả năng bắt nguồn từ âm *ɲuːʔ (uống) trong Ngữ chi Việt (Proto-Vietic), từ âm *ɲuuʔ (uống) trong Ngữ hệ Tiền Nam Á (Proto-Mon-Khmer). "Nhậu" là từ cùng gốc với âm "nyu" (uống rượu) của người Cơ Ho sống chủ yếu ở tỉnh Lâm Đồng (Việt Nam) và âm /ɲaə/ của người Wa (người Va) ở Myanmar và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Tương tự ta có thể thấy từ "nhậu" tương ứng với từ qb  (ñu, có nghĩa là "uống") trong tiếng Santal thuộc ngữ chi Munda (Ấn Độ).

Trong hệ thống chữ Nôm từ "nhậu" có 3 cách viết như sau: 嚅,? và ?. Chữ đầu tiên (嚅) do người xưa mượn nguyên xi từ chữ "nhu" (nói huyên thuyên) trong Hán ngữ, hai chữ còn lại là thuần Nôm.

Trong tiếng Việt, xét về tính từ, "nhậu" dùng để chỉ trạng thái vật chất giao thoa giữa chất rắn và lỏng. Thí dụ như "nhão", "nhão nhẹt"… Trong Vân Đài loại ngữ của Lê Quý Đôn có đoạn cho thấy từ "nhậu" mang ý nghĩa này: "Tục nước Nam ta, lấy sáp ong xắt mỏng, hòa với dầu sở hoặc dầu vừng, bỏ vào nồi đun cách thủy, nặn thành bánh, ướp hoa thơm, để cách đêm hôm sau lại nhậu cho thật mượt, thơm mát"…

Nhìn chung, từ "nhậu" về sau bị biến âm thành "nhào, nháo, nhão", chẳng hạn như động từ "nhậu cữu" (nhào vữa). Đôi khi từ này lại mang ý nghĩa khác: "núa nhậu" là nói láo...

Xét về lịch sử thế giới thì "nhậu" có từ thời cổ đại, bằng chứng khảo cổ cho thấy việc sản xuất rượu vang ở Georgia vào khoảng 6000 năm TCN, còn ở Iran khoảng 5000 năm TCN. Riêng về bia thì được biết đến ở châu Âu vào thời đồ đá mới (3000 năm TCN). Trong những hội nghị, người Hy Lạp và La Mã cổ đại đã biết dùng rượu để giao tiếp, một số xã hội còn coi rượu là món quà từ các vị thần, dẫn tới việc sáng tạo Thần Rượu nho Dionysos trong thần thoại Hy Lạp (trong thần thoại La mã thì thần này được gọi là Bacchus).

Ở phương Đông thì có lẽ Lưu Linh bên Tàu được tôn là thần rượu. Ông tên là Tự Bá Luân, sống vào thời nhà Tấn, một nhân vật trong nhóm Trúc lâm thất hiền. Lưu Linh tính tình phóng khoáng, uống không biết say, sáng tác bài "Tửu đức tụng" nổi tiếng, ca ngợi việc uống rượu mà nhiều người trong giới văn chương biết đến.

Giai thoại về rượu khá nhiều, trong đó phải kể đến Lý Bạch đi thuyền trên sông Thái Thạch, do say rượu nên ông đã nhảy xuống ôm vầng trăng dưới nước và bị chết đuối. Ở Việt Nam thì có Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật (1255 -1330). Ông là con trai thứ sáu của vua Trần Thái Tông. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Trần Nhật Duật đã uống rượu bằng mũi trong trại quân của Trịnh Giác Mật (vừa nhai thịt vừa ngửa mặt, cầm gáo rượu dốc từ từ vào mũi)...

Uống rượu cũng có thể gây hại cho sức khỏe, vì vậy một số người còn tuyên bố “bỏ rượu”. Nhưng xem ra việc này cũng chẳng khác nỗi niềm của Nguyễn Khuyến trong bài thơ "Chừa rượu" mà thôi:

"Những lúc say sưa cũng muốn chừa,

Muốn chừa nhưng tính lại hay ưa,

Hay ưa nên nỗi không chừa được,

Chừa được nhưng ta... cũng chẳng chừa”.

Vương Trung Hiếu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy