Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
01:27 (GMT +7)

10 sự kiện chính trị – an ninh thế giới nổi bật năm 2016

VNTN - Năm 2016, chúng ta đã chứng kiến nhiều sự kiện kinh tế, chính trị, quốc phòng và an ninh, làm thay đổi đáng kể cục diện thế giới, khu vực và có tác động mạnh mẽ tới quan hệ quốc tế. Dưới đây là 10 sự kiện chính trị - an ninh thế giới nổi bật năm 2016


Chủ tịch Cuba Fidel Castro qua đời

Ngày 26/11/2016, lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro đã từ trần, hưởng thọ 90 tuổi. Fidel Castro sinh ngày 13/8/1926, là một nhà cách mạng vĩ đại, một trong những nhân vật kiệt xuất nhất của thế kỷ 20; người đã ghi danh Cuba vào lịch sử nhân loại với cuộc cách mạng lật đổ chế độ độc tài, dẫn dắt Cuba đến con đường độc lập ngày nay. Fidel Castro là người tập hợp các lực lượng cách mạng Cuba vào một chính đảng duy nhất và sáng lập Nhà nước xã hội chủ nghĩa tại đảo quốc Caribê, ghi lại dấu ấn đậm nét không chỉ trong lịch sử của “hòn đảo tự do” mà còn cả trong lịch sử của Mỹ Latinh, châu Phi và thế giới. Ông từng nắm giữ chức vụ Thủ tướng Cuba từ năm 1959 tới năm 1976, và sau đó là Chủ tịch nước cho tới khi từ nhiệm vào năm 2008. Ông cũng là Bí thư thứ nhất của Đảng Cộng sản Cuba trong giai đoạn 1965 - 2011. Ông đã được ghi danh vào sách kỷ lục Guinness là người sống sót qua nhiều âm mưu ám sát nhất do CIA cùng các thế lực vây cánh tiến hành (638 vụ). Fidel Castro là người bạn lớn của nhân dân Việt Nam.

Bầu cử Tổng thống Mỹ

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 được coi là một sự kiện đặc biệt. Donald Trump và Hillary Clinton là hai cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong cuộc đua giành chiếc ghế Tổng thống Mỹ năm 2016. Kết quả bầu cử của đại cử tri ngày 19/12/2016, Donald Trump đã giành chiến thắng, trở thành Tổng thống đắc cử thứ 45 của nước Mỹ. Donald Trump sinh ngày 14/6/1946, là tổng thống lớn tuổi nhất trong lịch sử nước Mỹ (70 tuổi). Ông cũng là người New York đầu tiên đắc cử trong 71 năm qua, tính đến thời điểm tổng thống mới của nước Mỹ chính thức tuyên thệ nhậm chức vào đầu năm 2017. Chiến thắng của Donald Trump trước Hillary Clinton là một chiến thắng ngoạn mục, bởi trong vòng hơn 60 năm qua tại Mỹ, chưa có ai được bầu làm tổng thống mà chưa từng có kinh nghiệm làm thống đốc bang hoặc chưa từng có ghế trong Quốc hội. Điều đặc biệt nữa là không có ứng viên tổng thống nào trước đó từng sở hữu một chuỗi sòng bài và khách sạn như Donald Trump. Chính sách đối nội và đối ngoại của tân tổng thống Mỹ tác động đến thế giới và khu vực như thế nào vẫn còn là một câu hỏi lớn.

Anh quyết định rời khỏi EU

Ngày 23/6/2016, tại Anh  đã diễn ra cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý lịch sử, với kết quả 51,89% cử tri ủng hộ rời khỏi EU (Brexit), trong khi 48,1% ủng hộ ở lại. Như vậy, cử tri Anh đã lựa chọn rời EU sau hơn 40 năm gắn bó.

Anh sẽ mất khoảng 2 năm để thay đổi lại các quy định về luật pháp, ký lại các hợp đồng quốc tế... Do đó, nhanh nhất khoảng cuối năm 2018, Anh mới chính thức rời khỏi EU. Brexit sẽ có tác động không nhỏ đến nước Anh, EU và thế giới. Đây được coi là đòn giáng mạnh vào EU kể từ khi ra đời. EU sẽ không còn là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới hay một liên minh quân sự chính của thế giới. Brexit có thể là tiền lệ cho các quốc gia khác trong EU. Sự kiện Brexit cho thấy, ngay cả khi người Anh bỏ phiếu ở lại EU, liên minh này cũng vẫn phải đối mặt với sức ép buộc phải thay đổi cơ chế, trong đó có thể phải trao nhiều quyền tự quyết hơn, dành thêm các cơ chế riêng cho thành viên.

Chiến lược toàn cầu mới của EU

Ngày 28/6/2016, EU công bố Chiến lược toàn cầu mới với tiêu đề: “Tầm nhìn chung, hành động chung, vì một châu Âu hùng mạnh”, trọng tâm là đẩy mạnh sự hợp tác chặt chẽ, toàn diện hơn vì một châu Âu hùng mạnh. Đây được coi là sự thay đổi có tính nền tảng về chính sách đối ngoại và an ninh của châu Âu kể từ năm 2003 đến nay và được dự báo, sẽ có tác động mạnh mẽ tới cục diện an ninh quốc tế. Cốt lõi của Chiến lược toàn cầu mới của EU là tăng cường vai trò an ninh - phòng thủ nội khối, tăng cường hợp tác an ninh giữa EU với NATO; đồng thời, tăng cường năng lực triển khai các hoạt động quân sự độc lập của Liên minh. Thông qua Chiến lược, EU quyết tâm thực hiện tham vọng gia tăng sự hiện diện và đóng góp thực chất hơn vào vấn đề an ninh châu Á, đồng thời thể hiện rõ tính chất vừa hợp tác, vừa đấu tranh trong quan hệ với Trung Quốc. EU chủ trương tăng cường phối hợp với Mỹ, đòi hỏi Trung Quốc hành xử có trách nhiệm và tôn trọng luật pháp và các chuẩn mực quốc tế; trong khi tiếp tục cấm vận vũ khí và chưa công nhận quy chế kinh tế thị trường của Trung Quốc.

Phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực

Việc Tòa trọng tài thường trực (PCA) ra phán quyết về vụ kiện Philippin -Trung Quốc ngày 12/7/2016, trong đó Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường lưỡi bò" và không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể mang lại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cho Trung Quốc. Đây có thể được coi là thắng lợi bước đầu quan trọng của Philippin trong cuộc chiến pháp lý. Bất chấp sự phản đối quyết liệt của Trung Quốc, vụ kiện trên đã được nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế quan tâm theo dõi và bảy tỏ quan điểm ủng hộ việc duy trì một trật tự và chuẩn mực ứng xử dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Bên cạnh đó, những động thái gây căng thẳng trên Biển Đông thời gian qua của Trung Quốc, nhất là những hành động bồi đắp, xây dựng các công trình quân sự, đường băng trên một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa; triển khai vũ khí, trang bị trên quần đảo Hoàng Sa và bãi Châu Viên, đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của các nước trong và ngoài khu vực, là minh chứng cho cách hành xử coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

Diễn tập Nga - Trung "Hợp tác biển 2016" trên Biển Đông

Từ ngày 12-19/9/2016, hải quân Trung Quốc và Nga đã phối hợp tổ chức cuộc diễn tập mang tên “Hợp tác biển-2016” (Joint Sea-2016). Đây là lần đầu tiên cuộc diễn tập “Joint Sea” diễn ra ở khu vực ngoài khơi tỉnh Quảng Đông, phía Đông Bắc đảo Hải Nam (Biển Đông), trong bối cảnh tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng, nhất là từ sau phán quyết của PCA về vụ kiện Philippin - Trung Quốc. Nội dung diễn tập bao gồm các khoa mục bắn đạn thật; tác chiến chống tàu mặt nước; chống ngầm; ngăn chặn, kiểm soát tàu; tìm kiếm, cứu nạn; tiến công đổ bộ đánh chiếm đảo. Mục đích của cuộc diễn tập được Nga và Trung Quốc công bố là nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ quân sự Trung - Nga; phép thử đối với phán quyết của PCA; răn đe các nước có tranh chấp chủ quyền trên biển với Trung Quốc và thách thức vị thế sức mạnh của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.

Hội nghị Trung ương 6, Đảng Cộng sản Trung Quốc

Từ ngày 24-27/10/2016, tại Bắc Kinh đã diễn ra Hội nghị toàn thể Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 6 (khóa 18). Nội dung chính của Hội nghị bao gồm Bộ Chính trị báo cáo công tác với Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nghiên cứu các vấn đề quan trọng trong việc quản lý Đảng một cách nghiêm minh, toàn diện, ban hành “Một vài quy định về sinh hoạt chính trị trong Đảng dưới bối cảnh tình hình mới” và sửa đổi “Điều lệ giám sát trong Đảng của Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Đây là lần đầu tiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc ra nghị quyết gọi Tổng Bí thư Tập Cận Bình là "lãnh đạo hạt nhân", một danh hiệu quyền lực từng trao cho Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân trước đây. Hội nghị ra Thông cáo kêu gọi các đảng viên nâng cao ý thức để duy trì sự đoàn kết, toàn vẹn chính trị, làm theo sự lãnh đạo của Đảng trong vai trò là nòng cốt của ban lãnh đạo nhà nước Trung Quốc và hành động phù hợp với đường lối của Ban chấp hành Trung ương Đảng; cam kết bài trừ tham nhũng, chấm dứt tệ mua bán chức quyền hoặc gian lận lá phiếu. Thông cáo cũng cho biết Đại hội lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ được tổ chức vào nửa cuối năm 2017 tại thủ đô Bắc Kinh. Đây sẽ là một sự kiện có ý nghĩa to lớn trong đời sống chính trị của Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc.

Vụ bê bối "Choi-gate" tại Hàn Quốc

Gần đây, chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye phải đối mặt với vụ bê bối chính trị nghiêm trọng, mà báo chí nước này gọi là "Choi-gate," làm tê liệt quốc gia, đẩy Hàn Quốc rơi vào tình trạng khoảng trống lãnh đạo, đồng thời kéo theo những nguy cơ bất ổn lớn. Chấn động chính trị tại Hàn Quốc bắt nguồn từ cáo buộc các quan chức cấp cao Phủ Tổng thống lợi dụng chức quyền, áp đặt các tập đoàn lớn thuộc Liên đoàn công nghiệp Hàn Quốc phải ủng hộ hàng chục triệu USD cho 2 quỹ phi lợi nhuận, do bà Choi Soon-sil, người bạn thân lâu năm của Tổng thống Park, làm chủ. Cùng với việc bà Choi bị bắt giữ, hàng loạt quan chức thân cận của Tổng thống, trong đó có các cố vấn và thư ký cấp cao, đã phải từ chức hoặc bị sa thải, thậm chí bị bắt giữ để điều tra xét xử. Hàng loạt lãnh đạo các tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc như Samsung, Huyndai, LG, Lotte... đã bị thẩm vấn vì nghi ngờ liên đới trách nhiệm. Bê bối lên đến đỉnh điểm khi ngày 9/12/2016, Quốc hội Hàn Quốc thông qua kiến nghị của phe đối lập luận tội Tổng thống và bà Park đã lập tức bị đình chỉ chức vụ. Theo một số nhà phân tích, việc Tổng thống Park bị đình chỉ chức vụ có thể làm chệch hướng chính sách cứng rắn của Hàn Quốc đối với Triều Tiên và ảnh hưởng tới chính sách của Hàn Quốc đối với những thay đổi có thể xảy ra khi Tổng thống đắc cử Donald Trump quyết định rút lực lượng Mỹ đóng tại Hàn Quốc. Cho dù Tổng thống Park có phải từ nhiệm hay không, cuộc khủng hoảng hiện nay có thể sẽ làm tê liệt chính quyền Hàn Quốc trong thời gian tới.

Cuộc chiến chống ma túy ở Philippin

Sau khi nhậm chức ngày 30/6/2016, Tổng thống Philippin Rodrigo Duterte đã phát động một chiến dịch trấn áp tội phạm quyết liệt nhất từ trước tới nay ở Philippin, nơi được coi là "một trong những thiên đường của ma túy". Theo đó, Tổng thống Philippin cho phép cảnh sát, quân đội, thậm chí là dân quân, nổ súng bắn chết các đối tượng tình nghi sử dụng hoặc buôn bán ma túy.

Theo số liệu từ cơ quan cảnh sát quốc gia Philippin, cho đến nay, tỉ lệ tội phạm đã giảm 13% kể từ khi ông Duterte đắc cử Tổng thống; hơn 1.000 người tình nghi buôn bán, sử dụng ma túy đã bị giết trong các chiến dịch truy quét, hơn 15.000 người bị bắt và khoảng 686.000 người đã "tình nguyện đầu thú". Tổng thống Duterte đã nhiều lần tuyên bố sẽ không ngừng cuộc chiến chống tội phạm ma túy và tội phạm tham nhũng, đồng thời cũng cảnh báo sẽ trừng trị các quan chức, nhân viên nhà nước nếu lợi dụng cuộc chiến chống ma túy để trục lợi cá nhân, bao che cho tội phạm.

Mặc dù cuộc chiến chống tội phạm của Philippin đã phát huy tác dụng khi hàng chục nghìn người buôn bán và sử dụng ma túy đã ra đầu thú, nhưng mặt trái của cuộc chiến này cũng dần dần bộc lộ. Các nhà phân tích cho rằng, an ninh và ổn định xã hội ở Philippin có được bảo đảm hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào kết quả của cuộc chiến chống tội phạm và ma túy.

Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 5

Ngày 9/9/2016, Triều Tiên đã tiến hành thử thành công vụ nổ đầu đạn hạt nhân lần thứ 5 tại khu vực Punggye-ri, tỉnh Bắc Hamgyong. Ngay sau khi Triều Tiên tuyên bố tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 5, Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc triệu tập một cuộc họp khẩn để thảo luận về vụ thử hạt nhân này. Tổng thống Mỹ B. Obama cảnh báo "các hậu quả nghiêm trọng" mà Triều Tiên sẽ phải gánh chịu, đồng thời tuyên bố sẽ thực hiện mọi biện pháp trong khuôn khổ Hiệp ước phòng thủ chung với Hàn Quốc, trong đó có việc thực hiện các biện pháp để bảo vệ Hàn Quốc trước mối đe dọa của Triều Tiên. Từ đầu năm 2016, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục leo thang với những diễn biến mới hết sức phức tạp với việc Triều Tiên tuyên bố thử bom nhiệt hạch, ngày 06/01/2016 và phóng tên lửa mang vệ tinh vào quỹ đạo Trái Đất ngày 07/02/2016.

Tiếp theo các hành động trên của Triều Tiên là hàng loạt những động thái nhằm gia tăng trừng phạt Triều Tiên và trả đũa lẫn nhau giữa Triều Tiên với Hàn Quốc và Nhật Bản, làm cho tình hình khu vực trở nên căng thẳng. Phản ứng trước việc Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần thứ 5, ngày 30/11, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết trừng phạt mới, nhắm vào ngành công nghiệp khai thác và xuất khẩu khoáng sản của Triều Tiên, nhất là than đá, gây sức ép lên chính quyền Triều Tiên.

Vũ Khanh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy