Thứ tư, ngày 04 tháng 12 năm 2024
00:38 (GMT +7)

Yêu nước rất cần có kiến thức

VNTN - Kể từ ngày Trung Quốc đặt giàn khoan HD 981 lên vùng biển Việt Nam,  lòng dân Việt dậy sóng, hành động ấy như làm “rỉ sét” những gì mà người ta từng ảo tưởng về một tình hữu nghị giữa hai nước anh em theo phương châm 16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt. Một năm qua, nước lớn ấy vẫn không ngừng tự bôi xấu hình ảnh lòng dạ hẹp hòi khi liên tục bồi đắp, xây dựng các đảo và đá ngầm ở quần đảo Trường Sa - nơi chúng ta có đầy đủ bằng chứng trong lịch sử để tuyên bố chủ quyền. HD 981 đã “khoan” vào những trái tim Việt Nam, bừng sống dậy ý thức, tự tôn dân tộc. Sinh viên trường tôi khi ngồi quán nước đã quả quyết với nhau rằng, một khi Nhà nước gọi tên, họ sẵn sàng lên đường để bảo vệ biển đảo. Tôi tin, các bạn trẻ ấy không “chém gió”. Tham gia giao thông trên đường, tim tôi như rung lên khi thấy những chiếc xe khách, xe tải cắm lá cờ đỏ sao vàng bên trên dòng chữ ngay ngắn “Hướng về biển Đông”, nhiều người, có đủ trai - gái - già - trẻ, khoác trên mình chiếc áo phông in dòng chữ “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”… Người trẻ, họ không bao giờ đứng ngoài cuộc khi vận mệnh dân tộc gặp cơn “gió giục mây vần”.

Nhưng, tôi lại nghe đâu đó có chuyện một bạn sinh viên vì phẫn nộ trước tình hình biển Đông mà chạy về nhà, mang tất cả những đồ dùng “made in China” ném ra ngoài sân mà đốt. Một vài lớp học có du học sinh đã cô lập những người bạn đến từ Bắc Kinh, Thượng Hải. Bạn tôi, một nghiên cứu sinh đang làm luận án ở Quảng Đông than thở rằng, cô phải chịu áp lực rất lớn khi gia đình liên tục giục cô bỏ đi gần 5 năm du học để trở về, bởi người Việt Nam không thèm mọi thứ đồ Trung Quốc, kể cả tấm bằng tiến sĩ và vì họ nghĩ rằng: “Thời buổi này, thơ Đường, Tam Quốc hay Kinh Thi cũng đáng cho vào sọt rác!”.

Tôi hoàn toàn ủng hộ nhiệt liệt khẩu hiệu “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, tôi cũng rất thận trọng khi mua một món đồ nào đó dán nhãn China, nhưng tôi không cho rằng tất cả hàng hóa Trung Quốc đều phải mang đốt hết thì mới là yêu nước. Hành động yêu nước tự phát kiểu “vứt hết, đốt hết” không làm tổn hại là bao nền kinh tế khổng lồ của người Trung Quốc, nhưng lại gây hậu quả không nhỏ đối với mỗi gia đình Việt Nam. Nó khác nào chuyện vợ chồng nhà kia giận nhau mà ném bát đĩa ra sân để rồi xót xa mua lại từng thứ một vào ngày hôm sau. Tôi căm phẫn hành động của kẻ láng giềng khi họ lấy mạnh hiếp yếu, nhưng tôi không thể phủ nhận tôi (và nhiều người thế hệ trước) vẫn ngưỡng mộ Đỗ Phủ, Lỗ Tấn, vẫn cảm động trước những câu truyện như Mẹ điên, Những con thú giấy và vẫn trân trọng tấm bằng “made in Trung Quốc” của cô bạn giàu nghị lực.…

Lòng yêu nước cũng cần phải có kiến thức để không bị sa đà vào chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hẹp hòi. Một diễn đàn trên mạng xã hội đã khẳng định như vậy khi kêu gọi người Việt Nam bình tĩnh, bởi việc làm của chính phủ Trung Quốc không đại diện cho nhân tâm của những người dân lao động Trung Quốc. Và tôi đã tin vào nhận định khôn ngoan của những người trẻ ấy.

Nguyễn Tiến Dũng

(Trường Cao đẳng Công nghệ và Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên)

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tết ở Trường Sa

Hướng về biển đảo quê hương 2 năm trước

Yêu biển đảo qua lời thơ, câu hát

Hướng về biển đảo quê hương 3 năm trước

Đảo Sơn Ca… rì rào sóng vỗ

Hướng về biển đảo quê hương 3 năm trước

Các anh mang mùa xuân đến cho quê hương

Hướng về biển đảo quê hương 3 năm trước

Gửi những “thiên sứ bảo vệ hòa bình”

Hướng về biển đảo quê hương 4 năm trước

Yêu từ trong tâm tưởng đến hành động

Hướng về biển đảo quê hương 4 năm trước