Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
01:44 (GMT +7)

Xu hướng remake của phim Việt

VNTN - Khi Ban tổ chức Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 (sẽ diễn ra tại Đà Nẵng vào cuối tháng 11/2017) quyết định đưa phim remake vào hạng mục tranh giải chính thức đối với cá nhân (trừ giải kịch bản và phim), thì xem như điện ảnh Việt đã chấp nhận chính thức xu hướng remake phim Việt. Liệu đây có phải là một bước lùi của điện ảnh Việt Nam, phản ánh một trong nhiều khiếm khuyết chưa thoát ra khỏi tình trạng nghiệp dư của một nền công nghệ giải trí?


Remake có nghĩa là “làm lại”. Phim remake là phim làm lại từ một phim đã nổi tiếng, mua kịch bản và chuyển câu chuyện từ bối cảnh gốc sang bối cảnh của mình. Có thể xem như Việt hóa phim.

Phim remake không phải là xa lạ đối với điện ảnh thế giới, Hollywood vẫn thường mua bản quyền và làm lại những tác phẩm đã thành danh, và cũng trở nên “siêu phẩm” với phiên bản mới, gần nhất như: The Departed (Infernal Affairs - Vô Gian Đạo - Hồng Kong), The Lake House (Il Mare - Hàn Quốc), Oldboy (Oldboy - Hàn Quốc), My sassy girl (My sassy girl - Hàn Quốc), The Ring (Ringu - Nhật)… Bởi đây là xu hướng thịnh hành trên thế giới, vì muốn tiết kiệm thời gian đầu tư vào một kịch bản phim hay nhằm đạt hiệu quả cao. Nhưng thành công hay không lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và là thử thách không phải ai cũng vượt qua. Phim remake đòi hỏi nhà sản xuất phải đủ khả năng làm mới, tạo linh hồn mới vào một cái cũ, không quá giống nhưng cũng không được quá xa lạ, mất đi tinh túy của bản gốc. 

Phim “Sắc đẹp ngàn cân” Việt hóa từ “200 Pounds Beauty” của Hàn Quốc

Trong truyền hình thì phim Việt remake phim ngoại đã có từ hơn 10 năm nay, có phim thành công, có phim “nửa đường gãy gánh”, và vẫn tiếp tục như một tất yếu không thể khác, thậm chí hiện tại có phần chiếm thế “thượng”, nhất là từ thành công bất ngờ của “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng” vừa phát sóng trên VTV1, VTV3.

Nhưng với phim điện ảnh, thấp thoáng vài chi tiết “mượn” phim ngoại và chỉ hao hao ở vài scene như với phim “49 ngày” (Hello Ghost - Hàn Quốc), “Gái già lắm chiêu” (Not suitable for Children - Úc), mãi tới năm 2015 khi Việt Max cho ra mắt tác phẩm đầu tay là “Yêu”, làm lại từ tác phẩm The Love of Siam của Thái Lan năm 2007, vẫn chưa tạo dấu ấn gì, thì cuối năm 2015, phim “Em là bà nội của anh” (Miss Granny - Hàn Quốc, năm 2014) với doanh thu phòng vé hơn 100 tỉ đồng, chiếm kỷ lục phim Việt ra rạp tính đến thời điểm đó, đã thổi bùng ngọn lửa remake đối với phim Việt, đặc biệt remake phim Hàn Quốc và Thái Lan trở thành một xu hướng của năm 2016, 2017 và bước sang 2018…

Bùng nổ phim remake

Năm 2016 từng được dự đoán là năm bùng nổ của điện ảnh Việt Nam khi một số "đại gia" trong ngành sản xuất và phát hành phim mở thêm nhiều cụm rạp với nhiều phòng chiếu được nâng cấp cả về chất lượng và số ghế, mở rộng thêm hệ thống rạp ở các tỉnh, thành… Rạp tăng, kéo theo nhu cầu phim Việt ra rạp tăng lên, đòi hỏi các nhà làm phim cũng phải "tay năm tay mười", không thể chỉ sản xuất 30-40 phim/năm, mà cần nhiều hơn nữa. Cũng từ năm 2015 trở lại đây, phim Việt không còn phân định giới hạn theo mùa, mà gần như tháng nào trong năm cũng có vài phim ra rạp, thậm chí có tháng 5 - 6 phim cùng chiếm “giờ vàng”. Nhưng cũng chính vì cần số lượng nên có rất nhiều phim ra rạp bị chê là kịch bản dở, diễn xuất chưa tới, kỹ xảo chưa đạt v.v… Không ít phim ra mắt rầm rộ nhưng sau vài suất chiếu khá “lạnh” phòng vé đã lặng lẽ từ biệt rạp để xếp lại cất kho.

Sau cú “hit” Em là bà nội của anh “cháy” phòng vé, trở thành “hiện tượng” của phim điện ảnh Việt, không ít người đã cho rằng remake chính là "giải pháp" cứu nguy, khi kịch bản là khâu yếu nhất, đồng thời lại như một món lạ, có thể tạo không khí mới để hút khách đến rạp xem phim Việt. Và rồi như một cuộc đua của các nhà sản xuất, trong danh mục phim Việt của năm 2016 - 2017 và các dự án của năm 2018 xuất hiện nhiều phim remake.

Đầu năm 2017, “Bạn gái tôi là sếp”, theo bản gốc ATM: Er Rak Error năm 2012 của Thái Lan. Bộ phim kể về chuyện tình éo le giữa cô sếp Oanh và chàng nhân viên Cường. Ngân hàng nơi họ làm việc có quy định nếu yêu đồng nghiệp thì một trong hai người sẽ bị đuổi việc. Nhân việc cây ATM ở Cần Thơ bị thất thoát tiền, bộ đôi quyết định cá cược xem ai thua sẽ phải viết đơn xin nghỉ... Đạo diễn Hàm Trần đã mạnh dạn chỉnh sửa, thêm bớt khá nhiều chi tiết để phù hợp với khán giả Việt, và với tạo hình của phiên bản Việt khá độc đáo và đa dạng, nên phim được cho là hay hơn bản gốc, mang lại chút ít thành công cho phim dù chưa như ý.

Và như có đà, hàng loạt các dự án phim được sản xuất, trước tiên là “làn sóng” remake phim Hàn Quốc như: “Sắc đẹp ngàn cân” (200 Pounds Beauty), “Yêu đi, đừng sợ!” (từ Spellbound), “Cô nàng ngổ ngáo” (My Sassy Girl)... Tiếp theo khán giả Việt sẽ được thấy bộ phim ăn khách nhất Hàn Quốc năm 2008 Speed Scandal được remake lại phiên bản Việt với tên gọi “Ông ngoại tuổi băm”, “Cú té trời tính - Sát thủ đầu mang mủ”, dựa trên phiên bản Luck-Key của Hàn (bản quyền truyện tranh Key of Life, Nhật Bản), “Mối tình đầu của tôi” remake từ phim She was Pretty, một dự án remake khác cũng vừa được bấm máy là “Ngựa hoang - Tháng năm rực rỡ” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, làm lại bộ phim lãng mạn Sunny (2011) của Hàn Quốc…

Với mục tiêu từ 40-60 phim ra rạp trong năm, và song hành cùng các phim ngoại, phim điện ảnh Việt đứng trước nhiều thách thức, trong đó kịch bản là khâu yếu và thiếu trầm trọng. Vì thế remake sẽ vẫn là xu hướng của phim Việt ít nhất là vài năm nữa.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Phim ngắn: Có phải là vấn nạn?

Điện ảnh - Truyền hình 1 tháng trước