VNTN - Cuối tuần đi xem “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” để tận mắt trải nghiệm “hiện tượng điện ảnh chưa từng có ở Việt Nam”, người viết ấn tượng với một cụ ông khoảng 70 tuổi đứng xếp hàng sau một đoàn các cô cậu tuổi teen. Ánh mắt già đầy vẻ suy tư, không biết do ngượng nghịu vì xung quanh toàn hàng con cháu hay bởi cảm động gặp lại chính mình mấy mươi năm về trước…
Vùng sáng trong kí ức
Cụ Cao Văn Đức (phường Đồng Quang) theo gia đình lên Thái Nguyên từ thời chạy loạn. Cả đời gắn bó với mảnh đất này, nên những kỉ niệm về Thái Nguyên xưa trong cụ vẫn rõ mồn một. Những năm 60, 70 của thế kỉ trước, trong khi nhiều tỉnh thành còn chưa có điện thì thành phố Thái Nguyên đã có tới 2 rạp chiếu bóng “xịn”. Đó là bởi Thái Nguyên xưa vốn là thành phố công nghiệp rất phát triển của miền Bắc. Rạp chiếu bóng Nhân dân Thái Nguyên nằm giữa trung tâm thành phố, rạp chiếu bóng ngoài trời Phúc Lợi trấn ải phía nam, được coi như thủ phủ văn hóa của khu công nghiệp Gang Thép. Chập tối, nhất là những đêm biểu diễn đặc biệt, rạp nào cũng chật ních khán giả. Người xứ Thái có khách ở quê ra đều đưa đi xem chiếu bóng như một niềm tự hào mãnh liệt về mảnh đất lập nghiệp của mình.
Khán giả xếp hàng vào phòng chiếu tại rạp phim Beta - cineplex
Ngày ấy, người ta gọi đi xem phim rạp bằng nhiều tên khác nhau. Nếu “trò chớp bóng” là cách gọi phản chiếu vẻ tò mò, ngơ ngác của người nông dân về trò ảo thuật điện ảnh vừa ma mị, vừa quyến rũ thì “xi nê ma” lại là cách gọi đậm chất “văn minh” gợi không khí một thời “Âu hóa”… Tìm hiểu về “văn minh chiếu bóng” xưa thật dễ, bởi từ các bác U50 đến các cụ U90 đều háo hức và minh mẫn lạ. Trong đống hồi ức hỗn độn đời người, kỉ niệm về những buổi chiếu phim là một trong những vùng sáng, lấp lánh và rực rỡ nhất. Cụ Phạm Thị Thái (phường Tân Lập) bồi hồi nhớ lại:
- Ngày ấy, nhà tôi ở khu Đầm Đục, mỗi lần cầm bút, sách đi “bình dân học vụ” mà biết có chớp bóng là kiểu gì cũng phải trốn học đi xem. Không có tiền mua vé, lại thấp bé chẳng dám trèo rào, mấy đứa con gái toàn ở ngoài, rình đến lúc hết 2/3 tập phim mới ùa vào tranh thủ tý đầu thừa đuôi thẹo theo chế độ “tháo khoán”.
Những ngày tháng ấy, xem phim là một trong những thú tiêu khiển cuốn hút và sang trọng nhất. Cũng giống như niềm vui đón Tết, người ta hân hoan gặm nhấm sự sung sướng từ khi nghe tiếng loa phát thanh thông báo sắp có chiếu bóng hay trông thấy mấy tấm áp phíc viết bằng phấn màu trên giấy bản dán tường. Trai gái nhấm nháy hẹn hò, người già nhắc nhở con trẻ ăn cơm, tắm giặt cho sớm rồi vác ghế con, áo mưa, đèn pin mà đi nhận chỗ. Giữa các đoạn phim, khán giả phải giải lao, đợi “anh chiếu bóng” loạch xoạch rút cuộn phim cũ ra, thay cuộn phim mới vào. Tối tăm nên nhầm lẫn là chuyện thường, thậm chí xem hết cả cuộn rồi mới biết bị mất một đoạn, lại lắp đoạn ấy vào xem tiếp, ngược xuôi, xuôi ngược, chẳng thấy ai la ó.
Nhìn chung, thời chiến tranh và bao cấp, ở miền Bắc, phim nước ngoài chiếu rạp rất ít, có chăng chỉ là nhưng bộ phim cách mạng của các nước xã hội chủ nghĩa. Những năm ấy cũng chưa phổ biến kĩ thuật thuyết minh, lồng tiếng, nên phim nước ngoài phải có người thật ngồi sau màn chiếu để dịch trực tiếp lời của từng nhân vật. “Thuyết minh viên” cây nhà lá vườn nên chẳng hiếm trường hợp, vì không quen nghề, không hiểu tiếng mà hình ảnh trên sân khấu một đằng, lời dịch một kiểu, thế mà ai nấy đều vui vẻ cả.
Những năm 90 trở đi, khi các gia đình có tivi, máy tính, rạp chiếu bóng cũng dần vắng khách. Rạp Phúc Lợi Gang Thép nấp sau bệnh viện, bể bơi, sân tennis, bị lãng quên trong cỏ lá um tùm. Rạp chiếu bóng Thái Nguyên sầm uất hơn vì nằm giữa trung tâm thành phố, nhưng cũng chẳng thoát khỏi quy luật phát triển của xã hội. Người ta hờ hững, lạnh nhạt với rạp chiếu bóng dễ đến hai thập kỉ dù ở thành phố phồn hoa hay tỉnh lẻ ít trò tiêu khiển, cho đến khi, những trào lưu hiện đại ra đời…
Thú vui của thời đại
Vài năm trở lại đây, sự ra đời của thế hệ phim 3D, 4D, 5D và sự “bùng nổ” của mạng xã hội đã thổi hồn cho trào lưu xem phim rạp. Không chỉ có phim bom tấn, kinh dị cần cảm giác mạnh hay phim tình cảm lâm lý hứa hẹn nhiều cảnh “hot” mới thu hút khán giả mà dòng phim nghệ thuật cũng bắt đầu giành được chỗ đứng, cho thấy thị hiếu người xem đang dần nâng cao.
Dù chưa thật phổ biến tới mức đại chúng nhưng chuyện cuối tuần, ngày lễ, người già, con trẻ (chủ yếu là con trẻ) rủ nhau đi xem phim (như những đêm chiếu bóng ngày trước) đã không còn xa lạ. Rạp chiếu phim Beta - cineplex Thái Nguyên, mỗi ngày bán được khoảng 600 - 700 vé, cá biệt, ngày lễ hoặc khi có phim “khủng”, số vé bán ra có thể lên tới trên 1000.
Câu hỏi: “Bạn đến rạp để làm gì?” không còn “dở hơi” chút nào bởi ngoài lý do chính là thưởng thức nghệ thuật thì còn rất nhiều nguyên nhân để các bạn trẻ mua vé xem phim. Một số người đi xem phim theo trào lưu, họ chỉ quan tâm đến việc mua một đôi vé, vào rạp, “check in” công khai với cả thế giới, rằng tôi đã đến đây, vậy là hoàn thành nhiệm vụ. Một số nhóm khách chọn rạp chiếu phim làm chốn tụ tập cuối tuần hay tận hưởng phút lãng mạn riêng tư, nhiều sinh viên đến rạp với mục đích học tập. Rạp Beta tại khu đô thị mới Phú Thái, gần trụ sở của Đại học Thái Nguyên, đã từng đón nhiều sinh viên ngành Văn học, Báo chí, Việt Nam học, Lịch sử… đến xem phim nghệ thuật hay phim chuyển thể từ tác phẩm văn học.
Được quảng cáo miễn phí nhờ mạng xã hội, phong trào xem phim rạp còn cuốn hút hơn với những “cơn sốt” rầm rộ của giới trẻ. Gần một tháng sau hiện tượng “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, đâu đó vẫn xuất hiện hình ảnh cặp vé xem phim, poster “chế” cảnh 3 đứa trẻ khệ nệ ôm đống đồ cũ, hay câu nói cửa miệng “tôi thấy” trong mọi cảnh huống ngôn ngữ. Bên cạnh đó, trào lưu tỏ tình trong rạp, chèn phụ đề cho ảnh như phim hay “check in” tại rạp chiếu phim vẫn chưa lắng xuống. Tất cả những yếu tố ấy góp phần lôi cuốn giới trẻ và cả những người không còn trẻ rời màn hình tivi hay máy tính để đến rạp chiếu phim như xu hướng mới của thời đại.
So sánh văn hóa xem phim xưa và nay nhiều người có chung cảm nhận: Bây giờ đi xem phim sướng hơn trước nhiều, được ngồi phòng mát, ghế tựa, hình ảnh nét căng, lại có nhân viên tận tình hướng dẫn. Người xem cũng ứng xử văn minh theo hệ thống quy tắc cho khách hàng như không nói chuyện, không nghe điện thoại, chụp ảnh, quay phim hay tự tiện thay đổi vị trí…
Tuy nhiên, vẫn còn không ít hình ảnh xấu xí mà chỉ cần một lần đến rạp, ta có thể ác cảm mãi. Đó là chuyện xả rác bừa bãi, ăn mặc thiếu lịch sự, ngả ngốn như trong phòng ngủ nhà mình hay bình luận vô duyên, thô tục. Jame Smith, một người nước ngoài sống ở Thái Nguyên than phiền: Anh ta ngại nhất là ngồi xem phim cạnh các “bà mẹ”, họ mua một vé nhưng dắt díu theo cả đàn trẻ con, trong đó có đứa đang bế ngửa. Trẻ con chẳng ngồi được lâu, chỉ một lúc là đứa khóc, đứa hét, đứa trèo sang ghế người khác, đi vệ sinh, đòi bú,… cứ như vườn trẻ. Vào rạp khó chịu một phần nhưng chủ yếu là thương cho người mẹ kia, xem phim như vậy còn đâu ý nghĩa!.
Văn hóa xem phim vận động cùng lịch sử. Sự khác nhau giữa niềm hạnh phúc và sự xuề xòa đến lạ kì của khán giả xưa với những đòi hỏi khó tính của khách xem phim ngày nay phản ánh quy luật phát triển tất yếu. Phim rạp không còn là món quà phúc lợi khan hiếm để phân phối mà đã trở thành một dạng hàng hóa đặc biệt. Ở đó, chất lượng nghệ thuật là tiêu chí định giá quan trọng hàng đầu.
Suối Linh, Nguyễn Ly
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...