Chủ nhật, ngày 28 tháng 04 năm 2024
20:17 (GMT +7)
TRUYỆN NGẮN ĐẶC SẮC

Xác Đào

VÀI NÉT VỀ TÁC GIẢ:

Nhà văn Như Bình tên thật là Lê Thị Thanh Bình, sinh năm 1972 tại Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Chị là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hiện là Trưởng ban Chuyên đề, Báo Văn nghệ Công an Thư ký Tòa soạn Báo Công an Nhân dân.

* Đã từng đoạt các giải thưởng: Giải C Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1995; Tặng thưởng tác phẩm hay nhất của Báo Văn nghệ trẻ năm 1996; Giải B Giải thưởng văn học Nguyễn Du 5 năm (1995 - 2000), v.v..

* Đã xuất bản 7 đầu sách gồm các thể loại truyện ngắn và bút ký.

XÁC ĐÀO

Cha tôi ngồi bệt xuống cội gỗ xoan, không buồn chùi hai bàn tay ngày một thô sần hơn, lấm đầy đất vào chiếc quần bảo hộ. Ông với lấy điếu cày, hí húi nhồi thuốc vào nỏ, chậm rãi, xòe diêm châm lửa rít lấy một điếu rõ no. Trên tay vẫn giữ cái điếu, ông tựa hẳn tấm lưng gù gù dày một cục vào chân chiếc bàn gỗ xoan nhẵn thín, nhắm mắt phả một ậng khói đặc quánh.

Hình minh họa.

Khí trời đang vào đông, đủ lạnh để đám khói nhả từ cổ họng cha tôi ứ ra một cục. Cục khói từ từ cuộn mình quanh quẩn hồi lâu trước mặt cha rồi mới phụt lên, khuấy loãng ra rồi tan vào không khí. Cha tôi thường chỉ rít một điếu. Rít cho thật sâu, một hơi kiệt lực. Là khi trời vào chiều, ánh dương xuống tà tà trên cánh đồng đã vắng bóng người. Ấy là lúc ông đã mệt bã ở ngoài ruộng, chỉ còn muốn lê gót trở vào chòi. Cơn mệt mỏi về thể xác đã lộ rõ ở dáng đi chậm chạp, ở cái nhìn xa xôi hoang lạnh, và điệu ngồi bệt xuống cội gỗ xoan, duỗi hai chân, nhét một vê thuốc lào đầy nõ điếu rồi xòa lửa rít một hơi thật sâu…

Mỗi lần cha tôi rít thuốc lào, tôi cứ tưởng như ông không thở nữa. Mọi giác quan ông dồn hết vào cú rít, tinh thần như an trú bất định trong lơ mơ khói thuốc. Ông thu hết chút sức lực còn sót lại để nhốt cái bụm khói xám ngoắc ấy vào ngực, giữ cho nó nén thật lâu ở đâu đó trong vòm ngực rồi sau đó chừng không chịu đựng được hơn nữa, mới há mồm cho từng từng bụm khói bật tung ra. Rồi lấy hết sức cha tôi phả một hơi cuối cho mù mịt tầm nhìn. Khói thuốc lào đặc quánh, lờ đờ bay trong không gian căn chòi nhỏ. Mắt cha tôi từ từ khép lại.

Những lúc ấy, tôi không đoán được cha đang thư giãn, hay đang cố nén sâu vào ngực một hơi thở dài. Cảm giác là lúc cha tôi trống không nhất. Tách rời với bọn đào ở vườn, ông chỉ còn làm bạn với cái đám khói xám ngoắc. Ông và khói, nhập nhòa vào nhau, như thể, phần xác ông tựa vào mỏi mệt ở góc nhà, còn phần hồn ông đang thoát bay vơ vẩn mông lung cùng đám khói. Ông ngồi đó, lơ mơ nhìn linh hồn mình bay lượn một cách vô nghĩa. Tôi không biết, có lúc nào ông cảm thấy tôi đang tồn tại rất gần ông hay không, hay thế giới của cha chỉ có đào, và triền miên chìm trong những giây phút rỗng không tôi vẫn thường bắt gặp ở ông suốt những năm tháng ông bỏ phố lên vườn đào để ở...

Cả ngày chẳng bao giờ thấy cha nghỉ tay để hút thuốc. Cả ngày ông cằm cặm ngoài vườn bên ruộng hoa. Đôi bàn tay những ngón thanh mảnh là thế giờ thô sần lên, ngày một to bè những nốt u cục vì đào hố, cuốc đất, cả ngày lấm lem bụi cát. Cha tôi yêu hoa, ông thích trồng hoa và đam mê đến độ bỏ cả công việc của một bác sĩ hái ra tiền để lên hẳn bờ sông thuê một công đất dựng chòi trồng hoa. Nhiều người nói cha gàn dở, còn cha thì im lặng.

Tôi lớn lên đã thấy mình như một cái bóng nhỏ nhoi quẩn quanh bên sự câm lặng của cha, hết vườn đào lấm đất cho đến căn chòi nhỏ. Thế nên những ký ức về thành phố sáng đèn, về người cha với cặp kính cận trắng thư sinh và chiếc áo blouse trắng muốt cũng được chăm sóc kỹ càng của một tiến sĩ y khoa hầu như không có trong tôi. Với tôi, ông là một người cha trầm uất, không bao giờ chia sẻ và sống lặng lẽ. Lặng lẽ đến mức tôi chưa bao giờ tin, tôi có thực là con của cha hay không, hay tôi chỉ là một cá thể bé nhỏ như những cây đào kia tồn tại bên cha. Nhưng cha chăm chút cho đào, còn tôi cứ mặc nhiên lớn. Ông yêu loài hoa mỗi năm chỉ nở đúng một lần vào mùa xuân, đúng dịp Tết Nguyên đán này đến nỗi quanh năm ông hãm một vườn đào be bé con con độ 100 mét vuông trên cánh đồng hoa mùa nào thức nấy của ông. Vườn đào trái vụ của cha tôi xanh mướt mát giữa cánh đồng hoa muôn màu sắc. Nó như một đôi mắt im lặng mở ra một cái nhìn vui vẻ hồn nhiên ở giữa không gian đồng áng bát ngát bên triền sông. Nó cũng như một thiên đường lộng lẫy nhất cha tôi dựng lên để chờ đón một điều gì kỳ diệu nhất trong thế giới tâm hồn bí mật của cha mà tôi chưa một lần được bước vào. Cha tôi dựng một cái chòi nhỏ, đủ kê một cái giường nhỏ, một chiếc võng đay cho tôi nằm chơi, hoặc khi cha mệt ghé lưng thư giãn. Cái võng đay là chỗ yêu thích nhất của hai cha con. Tôi thường nằm chơi, ngắm hoa đào mỗi khi cha làm vườn và đợi cha xong việc. Cha đặt thêm ở đó một cội gỗ xoan để ngả lưng hút thuốc lào và ngắm hoa đào. Cha tôi thích ngắm hoa đào tàn cuối vụ. Cánh hoa rụng như mưa đào bay trong khu vườn mỗi khi gió thổi. Tôi thì chỉ thích ngắm hoa đào khi hoa vừa hé nụ. Những bông hoa màu hường như những mặt trời hồng bé xíu đậu trên đám lá xanh nõn, ngậm sương tinh khiết long lanh nhìn tôi và mỉm cười hé chào ánh mặt trời. Tôi không thích những ngày hoa đào tàn, cánh đào rụng như mưa bay, nụ hoa đào vốn đã bé chỉ một chốc đã trơ lại cái cồi không. Nhưng cha tôi thì lại thẫn thờ cả tiếng đồng hồ trên ghế ngắm nhìn xác đào rụng xuống. Vốn ít nói nên mùa hoa đào rụng cha lại càng trở nên im vắng, tĩnh lặng hơn. Đôi khi tôi bỏ quên nỗi sợ sệt im vắng của cha. Tôi nghịch như quỷ sứ trên chiếc võng đung đưa góc lán với những trò chơi đồ hàng mẹ con. Tôi quen chơi một mình. Một mình đóng đủ ba vai cả cha lẫn mẹ và tôi nữa. Tôi đùa nghịch và hét vang lán. Lần nào ông Bền cũng đe tôi giữ yên tĩnh cho cha mày thiền. Đừng có phá làm động ý nghĩ của ông ấy. Tôi lè lưỡi rụt cổ cười. Ông Bền bảo với cha lớn lên cho tôi về thành phố đi học kẻo để con bé chơi một mình thấy tội. Tôi vênh mặt cãi ông Bền: “Ai bảo ông là con buồn. Con thích ở đây, con thích ở giữa vườn đào này”.

Những lúc tôi và ông Bền cãi nhau, cha ngồi đó, chìm trong ánh hoàng hôn nhạt, chìm trong sắc màu rực rỡ của vườn đào, không một mảy may để ý đến ông cháu tôi nói gì. Tôi không biết trong ý nghĩ của cha, tôi có bao giờ có mặt không, và tôi ở đâu trong nỗi cô đơn đến tịnh vắng của cha như vậy. Tôi nhớ rất lâu những giây phút đó, những khoảnh khắc đó. Hình như, trong một nỗi đau câm nào đó, ông đã đánh rơi tâm trí mình vào đâu đó trong những cơn mưa đào đang rụng thẫm cả mặt vườn.

Vườn đào bé của cha tôi tha lôi đủ các loại đào. Nào đào rừng Tây Bắc, đào rừng Mộc Châu, đào ta của miền Trung, đào bích, đào phai của Hà Nội. Mỗi loại đào một dáng vẻ, tự nhiên tươi tốt, tự nhiên xanh, và cứ thế trổ hoa tùy ý. Những gốc đào trồng thả tự nhiên không uốn éo, cắt tỉa nên có một sức sống hoang dại và vạm vỡ. Lá đào xanh biếc, nụ hoa còi cọc, căm cắm như bà cô khó tính nhưng đến lúc bung nở thì cánh nào cánh nấy mập mạp, nụ đào mẩy hồng, tươi rói, mạnh mẽ, kiêu hãnh trong gió xuân.

Cha không bao giờ chặt cành hay bán bất kỳ một gốc đào tự nhiên nào trong vườn đào bé con của mình. Ông Bền nheo nheo mắt cười bảo tôi, cha mày trồng vườn đào này là để ngắm, là để chờ mẹ mày về đấy. Nhưng từ bé đến lớn, không ai nhắc hay nói cho tôi về mẹ nên tôi không có khái niệm mẹ. Ông Bền nói thế tôi chỉ biết ngẩn cái mặt tò te ra cười nhe nhởn với ông như không.

Có được vuông vườn hoa này trong cánh đồng hoa mấy công đất cha thuê, ông Bền bảo cha tôi phải bán cả cái cổ phần nho nhỏ ở bệnh viện để lên đây bỏ vốn thuê đất trồng đào. Cha trồng đào thế để bán vào dịp Tết, nhưng chủ yếu là cha ươm vườn đào tự nhiên để có một góc tĩnh vắng ngồi thiền. Ông Bền nói với tôi, trồng cây là một cách để “dưỡng tâm dưỡng trí”. Tôi không hiểu lắm những vấn đề rối rắm phức tạp của người lớn. Tôi cũng không bận tâm nhiều đến việc cha chưa bao giờ gọi tên tôi hay ôm tôi vào lòng. Tôi chỉ thấy sung sướng khi được chạy chân trần dẫm lên những xác đào tơi tả dưới đất ẩm vừa mềm, vừa mịn vừa xốp. Tôi mặc sức chạy chơi dưới nắng, nằm lăn trên đất trong vườn đào để cho hoa đào rụng man mát trên má. Và sung sướng hơn nữa, tôi chưa bao giờ phải đến trường như đám con nít mũi dãi phải đi học lớp lá lớp chồi ở đây. Tôi và cha sống cái đời sống thô mộc như thời tiền sử ở trong ruộng hoa bát ngát này.

Tết năm nay đến sớm. Nắng vẫn còn chan chát trên những ruộng đào chỉ chực bung nụ, cha tôi đã xoay trần với những gốc đào thế được khách đặt sớm. Mỗi sáng, tôi cùng cha lấy nước ở bến sông lên tưới cho các gốc đào thế. Những gốc đào thế cha ươm trồng nơi đây thường được công nhân trồng đào của cha gom về khi hết Tết. Những gốc đào thế kiêu hãnh, oai dũng, sang chảnh lúc chớm Tết là thế, giờ tàn lụi xơ xác trong cái sự tàn tã của hết Tết. Khi những nụ hoa cuối cùng rữa nát, Tết cũng đã hết cái hương vị nồng nàn của hơi hướng mùa xuân, người ta ném thẳng cành đào ra đường. Cha tôi dặn những người thợ trồng đào qua Tết, đạp xe thồ khắp phố phường lượm những gốc đào thế đã tàn lụi nhưng còn khỏe mạnh để mang về cho cha ươm lại. Cha nói, không nỡ nhìn thấy xác đào hấp hối đầy đường, những gốc đào mình dành cả một năm, hai năm thậm chí dăm mười năm trời để chăm bẵm.

Tôi không thích Tết. Là khi cha rít thuốc lào nhiều hơn lệ thường. Những buổi chiều tà, khi cánh đồng hoa đã tắt những vạt nắng cuối trên đám ruộng. Những người thợ hoa cuối cùng đã xếp quang gánh liềm hái vào góc vườn và cởi chiếc áo bảo bộ lao động nặng trịch bụi đất xuống để ra về. Đó cũng là lúc cha trở về căn chòi nhỏ và dựa lưng hút thuốc. Cha hút nhiều, hút sâu, hút chậm như muốn nuốt lấy bầy khói đậm đặc kia vào ngực, như muốn nín giữ những cơn ho sặc sụa vào trong...

Trong những buổi hoàng hôn cận Tết, tôi nhìn theo ánh mắt cha ra mênh mông vườn đào đang bời bời trổ mã không hãm phanh, nụ hoa nở bung chi chít. Hoa đào nở khoe sắc rực rỡ, rồi lụi tàn, rồi lả tả rụng… đẹp như một giấc mộng.

Tôi không thích Tết bởi những gốc đào trong ruộng đào của cha và những người thợ trồng đào đã được bứng đi hết. Chỉ còn lại những hố sâu vuông vuông, lởm chởm những đất được đào lên. Những người thợ trồng đào sau khi thu hoạch đào phục vụ cho Tết, họ bảo nhau để nguyên những cái ô vuông đất đấy chờ xác đào sau Tết đưa về trồng lại xuống hố. Có một lần, ông Bền nói với tôi, nhìn những ô vuông như những cái huyệt đào. Tôi hỏi ông sao lại gọi là huyệt đào. Ông Bền giải thích: Thì đào bứng đi khỏi đất, như thể người ta đã khai tử cho nó. Nếu không được trồng lại, coi như đào chết. Để nguyên huyệt đào để ra Giêng ông đi lượm lại gốc, mang về chôn xuống, ông cho nó lại sống khỏe re mà.

Tôi không thích ruộng đào của cha tôi có những cái huyệt đào nằm trơ hốc suốt mùa xuân. Thi thoảng tôi dẫn đám bạn mon men lại ruộng đào, tò mò ngó xuống những cái huyệt đào trống hoác phủ ngập bóng tối và tưởng tượng về những chuyến chu du của đào để kể cho chúng bạn nghe, khiến lũ bạn tròn xoe mắt. Những cái huyệt đào con con làm cho cha tôi buồn mỗi chiều về. Khi bóng cha bị chìm lấp trong bóng hoàng hôn mênh mông ngập phủ, cha thường ngó đăm đắm vào ruộng đào không còn một bóng cây. Ông Bền than cha mày kỳ dị. Đã xác định trồng đào để bán kiếm tiền mà bán hết vườn đào lại ngồi buồn như chết lụi đâu rồi.

Năm nào, cha cũng phờ phạc hết cả Tết. Ông chỉ uống rượu và rít thuốc lào. Ông Bền nói, cha mày trồng đào để bán, để kinh doanh mà mỗi khi cắt cành đào, bứng gốc đào đưa đi cho khách, cha mày như phải bả đào. Cha mày chẳng giống ai, chắc là chữa bệnh thần kinh cho bệnh nhân nhiều quá rồi mình cũng sinh thần kinh ra đấy. Tôi nghe ông Bền nói thế lại nhe nhởn cười. Mặc kệ, tôi thích cha tôi ở đây với tôi và trồng đào. Ngày Tết, cha chở tôi về phố, thăm ông bà nội, thăm các bác một tí tẹo trong chiều ba mươi Tết, đón Giao thừa với ông bà nội, chở tôi ra bờ hồ Hoàn Kiếm du xuân được một lát, rồi lại vội vã chở tôi trở về khu vườn tĩnh mịch của mình. Hết Giao thừa, vườn đào vắng hoe. Ông Bền về quê đón Tết. Mấy bác thợ đào cũng dắt díu về quê, tận ngoài rằm mới lại kéo lên. Lũ bạn cũng đi đâu hết, hai cha con tôi đón Tết trong vườn đào bung nở khoe sắc rực rỡ, giữa những tiếng đào rơi như mưa bay, giữa im lìm những huyệt đào thế, cây đã được bứng đi bán chỉ còn trơ lại hốc đất. Tôi thấy lạ, cha tôi trồng cả một vườn đào có đến dăm chục gốc đào tự nhiên, chăm bẵm, đẹp mê hồn, có giá cao đến thế nhưng cha không bao giờ bán. Kể cả khi có những cây đào được khách nài nỉ trả tới hàng chục triệu đồng. Tôi không biết tại sao cha làm vậy, cha trồng đào, kinh doanh đào rốt cục cũng chỉ để có điều kiện thỏa mãn thú chơi đào. Hay ông trồng lên đó ký ức của mình, nỗi buồn của mình, sự thất vọng về một điều gì trong thẳm sâu tâm hồn ông mà không thể chia sẻ. Buổi chiều, khi hoàng hôn loang lổ phủ bóng tối lên những hốc đất trơ trọi... cha ngồi đó nhìn những gốc đào đã bị bứng đi hết, nhìn vào những lỗ đen vô tận như một kẻ bị đào thải...

Nhưng tôi cũng sợ mỗi lần hết Tết. Bởi sang tháng 3, khi những gốc đào đã được tái sinh lại, đang mơn mởn xanh non thì ông Bền và thợ đào của cha tôi sẽ cưa cụt hết tất cả các nhánh cành, chỉ chừa lại mỗi cái cội gốc ứa nhựa trụi lủi, hay cái thân cây bị phạt ngang hết cành lá trơ khấc. Cả cái thân cây, cội cây què cụt ấy, cha tôi trát lên đó bùn, trấu và bọc lại bằng ni lông đen. Cả vườn đào thế trông dị dạng, tật nguyền… Ông Bền nói đào đang chịu đau để ủ lấy những nhánh mầm mới xanh non chíu chít đầy hoa cho mùa Tết sau. Nhưng tôi ghê sợ mỗi lần nhìn thấy cả vườn đào, rừng đào sau Tết như những kẻ tật nguyền bị cắt cụt hết đầu, hết chân hết tay. Những cây đào kỳ dị, què quặt, đứng nhẫn nại chịu đựng sự hành hạ thân xác của con người để mọc đúng hình thế mà con người mong muốn, rồi đau đớn chờ đợi để trổ hoa, để làm cái danh phận mua vui cho thiên hạ trong ba ngày Tết. Tôi nói với ông Bền, con thà nhìn những cái huyệt đào trơ đất còn không thấy sợ như khi nhìn những gốc đào thế bị cưa cụt hết cành thế này. Ông Bền cười bảo tôi: Đã mang thân đào thế thì phải chịu. Đào thế thường mọc cành non trên thân cổ thụ. Thân càng già, càng xù xì cội gốc càng đắt giá. Chịu đau một tí nhưng đến Tết có tiền triệu cháu ạ. Ông Bền nói với tôi chừng nào con trai ông học xong đại học trên phố ông bỏ nghề trồng đào. Ông thích trồng hoa nhưng không phải là trồng đào. Trồng đào cay cực lắm, nhất là khi chặt cành, chiết cây, uốn thế đào. Cây đau, mình cũng trào nước mắt.

Nhưng Tết năm nay, cha giao hết vườn đào thế và cả vườn đào tự nhiên cho ông Bền để dắt tôi trở về thành phố. Tôi nhớ vườn đào quay quắt, nhớ cái võng đay tôi nằm chơi đùa nghịch còn cha thì ngồi lên cội gỗ xoan tựa cửa hút thuốc lào. Tôi nhớ cảm giác khi cả hai cha con im lìm lắng nghe âm thanh mơ nhẹ của những cánh hoa đào rụng lả tả trong gió xuân. Tôi nhớ ông Bền, nhớ những cây đào thế bị đào đi hết còn trơ lại những hốc đất. Tôi không quen với nhịp sống hối hả của thành phố. Tôi không thích nền nhà lát đá hoa của ông bà nội. Tôi thèm cảm giác úp mặt vào đất ẩm mềm, tơi xốp và nghe mưa đào bay bay trên má mình. Cha không biết, tôi vẫn trốn trong nhà vệ sinh và tơi bời khóc.

Giao thừa, cha diện comple đeo cà vạt đỏ, sơ mi trắng phía trong, đi giày da đen, uống rượu sâm banh với cả nhà ông bà nội để đón giao thừa. Năm nay cha không còn chở tôi đi dạo bờ hồ Hoàn Kiếm.

Có một người phụ nữ trẻ tên là Thoa mang một bó dơn đỏ tươi và hai bình hoa thủy tiên trắng muốt đến nhà ông nội. Ông bà nội vui vẻ, dặn cha nhớ mang một gốc đào thế cha trồng sang biếu bố mẹ của cô Thoa. Cha chở tôi lên vườn đào, bảo ông Bền qua vườn đào tự nhiên của cha chọn lấy một cây đào rừng thật đẹp chặt để cha mang về đi biếu khách. Ông Bền nhìn cha ngạc nhiên. Mang một nét mặt ngẩn ngơ, ông Bền đi chặt đào, thần hồn nát thần tính để ở đâu mà lại chặt vào ngón tay trào máu. Tôi giấu cha lén qua vườn đào nằm úp mặt vào đất bên những gốc đào và khóc. Không hiểu sao tôi đã buột miệng gọi “Mẹ ơi!”. Một tiếng mẹ xa lạ lần đầu tiên bật ra từ lồng ngực thổn thức khiến cha tôi đang đi lại ngoài vườn đào ngắm cây, cũng dừng bặt lại ngây người nhìn.

Tôi tiếc những cây đào sum suê tự nhiên trong vườn đào cha trồng dành riêng để ngắm mà không bán. Thế mà bây giờ cha nỡ chặt nó mang đi biếu. Cha còn bảo với ông Bền có khách thì bán hết cây trong vườn đào đi, thu tiền về trả công nợ tiền lương cho thợ. Cha nói với ông Bền năm sau cha bận đi làm bác sĩ rồi, không còn về đây trông vườn đào cùng ông được nữa.

Cha bỏ vườn đào, bỏ thú hút thuốc lào vặt và ngồi hàng giờ ngắm mưa đào bay thẫn thờ những ngày cuối xuân…

Đám cưới của cha với cô Thoa tổ chức ở khách sạn tưng bừng. Tôi lên 7 tuổi. Ông bà nội nói với cha sẽ giữ tôi lại ở nhà ông bà nội chăm sóc và đưa đón đi học. Cha ôm tôi vào lòng. Tôi nhớ có lẽ đã lâu lắm rồi cha mới lại ôm tôi. Lâu đến mức tôi không nhớ lần cuối ông ôm tôi vào lúc nào. Mà cũng có thể tôi tưởng tượng ra là có lần nào đó cha đã ôm tôi nhưng thực tế thì ông chưa bao giờ làm thế với con gái mình. Cha ghì chặt đầu tôi vào lồng ngực rộng bè của ông. Tôi thấy rõ tim cha đập mạnh sau mấy lần áo. Cha hỏi tôi: “Con muốn gì không?”. Tôi ngạc nhiên thấy mình khô đét như một xác đào đã chết, và lặng câm như một huyệt đào trên mặt ruộng. Dù tôi muốn đến chết đi được cái vườn đào cỏn con cha trồng lên đó bao nhiêu đào rừng, thả cho cây mọc tự nhiên chỉ để dành riêng cho hai cha con thỏa thuê ngắm đào. Tôi đã đau tê dại như một gốc đào thế bị chặt hết ngọn. Dù tôi muốn đến có thể khóc òa lên được để van xin cha cho tôi quay lại vườn đào với ông Bền. Tôi muốn nhiều thứ lắm, tôi muốn cha ôm tôi thêm một lần nữa chứ không phải là một lần duy nhất. Tôi muốn được trở lại như ngày xưa, và nếu muốn cha cứ đi đi, để tôi ở lại với vườn đào, với ông Bền. Thế nhưng, thay vì nói, tôi đã lặng phắc nhìn cha và lắc đầu, dù tôi muốn đến chết đi được cầu xin cha đừng chặt hết cây trong vườn đào, đừng bán mảnh ruộng cho ông Bền hay bất kỳ ai khác… để tôi có thể trở lại nằm bệt dưới đất ngửa mặt đợi mưa đào bay bay qua má, lọt xuống khe cổ của mình nhồn nhột và khóc một trận cho đã đời.

Tôi đã khóc rất lâu... lâu đến nỗi tôi không biết mình đã hết nước mắt mỗi khi gặp chuyện gì đó buồn đến nỗi muốn khóc òa lên thật rõ to cho nhẹ bớt.

Trong những giấc mơ thiếu nữ, tôi vẫn thường mơ thấy có một thiếu phụ trẻ tóc dài, đón tôi ở nhà ông bà nội và đưa tôi trở về vườn đào dạo chơi. Tôi không thể nhớ được gương mặt người thiếu phụ đó, nhưng tôi nhớ rõ những lần đập mạnh sau vòm ngực gầy, hệt như lần đập mạnh trên ngực cha mỗi khi ôm tôi vào lòng. Tôi háo hức chạy theo bà về vườn đào. Chúng tôi chạy đuổi nhau dưới gốc đào rồi ngã lăn ra đất cười khanh khách. Tóc của thiếu phụ dài, quấn lên những gốc đào, bay bay. Bà ôm tôi vào lòng và bảo: “Mẹ chỉ có thể sống được trong một ngôi nhà nhỏ mà khu vườn có trồng những cây đào rừng trổ nụ hồng phai”. Trong mơ, tôi hỏi mẹ: “Sao lại thế ạ?”. Mẹ kéo tôi vào lòng: “Có sao đâu, mẹ thích sống trong một mảnh vườn trồng nhiều đào đến mùa trổ hoa mẹ ngắm mãi không biết chán”. Tôi ôm riết lấy hơi ấm của mẹ và hỏi: “Sao cha trồng cả vườn đào rất đẹp, vậy mà bao lâu mẹ không trở về”. Mẹ tôi quay lưng, bóng bà hút dần trong những cành đào chi chít nụ đang lả tả rụng. Tôi choàng tỉnh dậy thấy nước mắt mình đầm đìa trên mặt.

Tôi đủ lớn để có quyền được nghe câu chuyện của đời mình nhưng ông bà nội tôi không đả động tới bất kỳ chuyện gì khác ngoài cô Thoa và cha. Ngày dọn phòng cưới, cha lưỡng lự mãi trước một bức tranh cô gái mặc áo dài dạo chơi dưới vườn đào. Tôi thấy cha tôi ngồi ôm đầu trước bức tranh. Gương mặt ông phủ trên đó bóng tối nhăn nhúm muộn phiền. Hồi lâu tôi thấy cha gỡ bức tranh treo tường xuống. Mân mê bức tranh mãi, tôi nhìn thấy ông trào nước mắt ra. Lau vội nước mắt, tôi tưởng cha sẽ gói ghém lại thật kỹ để mang vào căn nhà mới. Thế nhưng không phải vậy. Hóa ra cha vội vã mang nó lẳng vào đống rác trước nhà chờ vệ sinh đến dọn. Bà nội tôi len lén chạy theo nhặt lên. Hình như mắt bà cũng ướt. Ông nội tôi dứt khoát bước tới gỡ bức tranh trên tay bà nội xuống và lẳng nó về chỗ cũ của đống rác. Tôi lén giấu ông bà đến bên bức tranh. Nhìn thiếu nữ trong tranh, tôi nhớ tới người thiếu phụ trong giấc mơ tôi vẫn thường gặp nơi vườn đào.

Cô Thoa thích hoa dơn và hoa thủy tiên. Trong ngôi nhà mới của cha không trồng hoa ở ban công. Đến mùa nào thức nấy cô Thoa chăm chỉ mua các loài hoa về cắm. Cha bận mải mê với công việc ở bệnh viện. Cha xóa tiệt cái ký ức về vườn đào và những năm tháng hai cha con sống nơi vườn đào hoang dại. Cô Thoa bận với hai đứa trẻ con của cô và cha. Thỉnh thoảng ông nội chở tôi đến nhà cha. Cha không còn ôm tôi để hỏi: “Con muốn gì không”… Tôi chắc chắn một điều mãi mãi về sau, tôi nhớ cha không còn thêm một lần nào nữa ôm tôi vào lòng để hỏi câu ấy. Có lẽ tôi đã quá lớn để cha tôi có thể hỏi câu hỏi đầu tiên và duy nhất trong đời mà ông đã một lần hỏi con gái mình.

Cha tôi không bao giờ biết. Tôi vẫn thường trở về vườn đào xưa theo cách của mình. Khi thì cùng với thiếu phụ không rõ mặt trong giấc mơ. Khi tôi tự chạy xe máy lên vườn tìm gặp ông Bền. Tôi ước chi đủ lớn có tiền để thuê lại vườn đào. Tôi sẽ tiếp tục trồng lên đó cả một rừng đào để ngày nào cũng ngóng đợi, như cha tôi đã từng bỏ hết tất cả để sống, để chờ đợi và để nuôi hy vọng. Dù tôi chẳng biết chắc ông đã chờ đợi ai, và hy vọng vào điều gì. Tôi không muốn xóa ký ức, dù tôi quá mông lung để tưởng tượng ra cái ký ức dù đẹp đẽ hay đau đớn trong cha nó hình thù ra sao. Tôi chỉ biết chắc chắn, tôi vẫn trở về vườn đào xưa theo cách của mình để tìm lại những năm tháng đáng sống, tìm lại những cơn mưa đào đã rơi trong tuổi thơ lẻ loi đầy sung sướng ấy.

Ông Bền đã già, đã về quê. Vườn đào giờ đã chuyển nhượng cho chủ mới. Mảnh vườn nhỏ con con cha tôi trồng đào tự nhiên vẫn được giữ lại. Nhưng. Nếu lên sớm, may ra còn gặp lại đào rừng, đào phai… Còn lên muộn, chỉ còn lại xác đào rụng trên những hốc đất trống.

Tác giả: Nhà văn Như Bình

LỜI BÌNH CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN ĐỨC HẠNH

Như Bình là một nhà văn trẻ thành danh từ sớm. Truyện ngắn của chị được chia thành hai “mảng” có sắc thái thẩm mĩ trái ngược nhau. Chị là tác giả của hàng loạt truyện ngắn “Những chuyện khó tin nhưng có thật” - một chuyên mục trên Báo An ninh thế giới đã gây tiếng vang lớn, được nhiều độc giả yêu mến, đón đọc. Sau này, các truyện ngắn ấy được tập hợp lại trong 6 tập, với phong cách ngắn gọn, hấp dẫn, xung đột giàu kịch tính, tính chiêm nghiệm - triết luận cao. “Mảng” thứ hai là những truyện ngắn được viết bằng bút pháp trữ tình kì ảo, có tính hướng nội sâu thẳm, ngôn ngữ giàu chất thơ, cái kì ảo được sử dụng như một biện pháp nghệ thuật đặc sắc, truyện ngắn “Xác đào” là một tác phẩm tiêu biểu cho bút pháp nghệ thuật độc đáo ấy. Cốt truyện tâm lí, xung đột nội tâm phản ánh nỗi đau tột cùng trong bi kịch gia đình. Một không gian nghệ thuật đẹp và buồn thăm thẳm xuất hiện: - Khu vườn trồng đào thế của “cha tôi”, trong đó có mảnh vườn nhỏ trồng đào tự nhiên không bao giờ bán, với xác đào, huyệt đào và số phận của cây đào từ gian khó mà lớn lên, rực rỡ khoe sắc tỏa hương trong mấy ngày Tết, sau đó bị vứt vào bãi rác, sao cứ làm ta liên tưởng đến số phận con người. Trong không gian lúc rực rỡ lúc u trầm tàn phai ấy, xuất hiện nhân vật người kể chuyện sử dụng đại từ nhân xưng “tôi” - một ngôi kể cho phép đào sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật và gia tăng tính trữ tình cho tác phẩm; nhân vật “cha tôi” với nỗi buồn đau giấu kín; nhân vật phụ “ông Bền”. Không hề có sự kiện xung đột giàu kịch tính, lời đối thoại vô cùng hiếm hoi, chỉ có lời độc thoại nội tâm của cô bé đóng vai người kể chuyện. Tác phẩm như một cuốn phim quay chậm, một dòng sông kí ức của nhân vật “Tôi” trôi chảy, dưới đáy sâu của dòng sông ấy là nỗi đau, sự cô độc tột cùng của cô bé không có mẹ, thèm khát hơi ấm gia đình: - mong ước vòng tay âu yếm của cha mình, dù chỉ thêm một lần mà không được. Sự tài hoa của nhà văn thể hiện ở đây là: không trực tiếp miêu tả nỗi đau, sự cô độc, ước mong giản dị mà khó thực hiện của cô bé mà chỉ gợi tả về nó qua một vài chi tiết nghệ thuật đắt giá, điều này khiến ngôn ngữ văn xuôi của Như Bình gần gũi với ngôn ngữ thơ mang tính dư ba rất lớn. Khước từ cốt truyện sự kiện, triển khai mạch truyện theo dòng tâm trạng của nhân vật cô bé, một thế giới thiên nhiên - xã hội dù đẹp đẽ đến đâu vẫn thấm đẫm sự lạnh lẽo. Nó là biểu tượng cho không gian gia đình khuyết vỡ, không lành lặn, để lại tổn thương cho mọi thành viên, đặc biệt tạo nên vết thương sâu hoắm trong trái tim trẻ thơ không biết bao giờ mới thôi rỏ máu. Nhân vật “cha tôi” cũng là nhân vật bi kịch như nhân vật cô bé - con gái của ông nhưng nhân vật “cha tôi” chỉ là nhân vật Bi kịch nửa vời. Sự kiện ông gặp rồi kết hôn với cô Thoa, vừa mang lại hạnh phúc cho ông vừa như nhát dao cứa sâu thêm một lần nữa vào trái tim cô bé. Sự kiện ấy khiến ông thay đổi hoàn toàn từ ngoại hình đến tâm trạng: ăn mặc đẹp đẽ và vui vẻ hơn, cho người chặt một cây đào tự nhiên để tặng cha mẹ cô Thoa - điều không thể xảy ra trước đó, vì mảnh vườn trồng đào tự nhiên như để ông trồng lên đó kí ức, nỗi buồn, sự thất vọng…? Như là nơi ông dành tưởng niệm cho người vợ của mình? Nhát dao chém xuống gốc đào tự nhiên kia cũng là nhát dao chặt đứt một quá khứ yêu thương, tưởng nhớ, đau buồn mà ông dành cho vợ mình - một người phụ nữ mê hoa đào. Hành động ông chảy nước mắt rồi vứt bức tranh vẽ một người phụ nữ ngắm hoa đào vào sọt rác cũng là hành động vứt bỏ những gì đã qua, dù thiêng liêng nhất, để bước vào một chặng đường mới của cuộc đời. Nhưng nhân vật cô bé - con gái ông không thể như thế. Cô là nhân vật bi kịch đích thực, dù cái Bi được Như Bình giấu thật sâu dưới đáy các hình tượng nghệ thuật. Đào gốc đào đi còn lại huyệt đào, chặt đào mới nhìn thấy nhựa chảy, đó là máu của đào. Nhưng những hành động vô tình hay cố ý của người lớn mới là những nhát dao chém phũ phàng, tâm hồn trẻ thơ chảy máu mà không ai thấy?! Chỉ duy nhất một lần cô bé khóc đến cạn kiệt nước mắt rồi gọi “Mẹ ơi”. Tiếng gọi ấy vỡ ra từ trái tim non nớt của cô bé, vang vọng vào trái tim người đọc, rồi tràn theo nước mắt chúng ta cho những bi kịch gia đình đã, đang và sẽ còn xuất hiện trên thế giới này. Yếu tố kì ảo xuất hiện trong giấc mơ hạnh phúc của nhân vật cô bé xưng “tôi”. Trái tim nhân ái của nhà văn chắc sẽ vô cùng đau đớn khi miêu tả bi kịch của nhân vật cô bé. Có cách nào giải thoát, hay làm vơi bớt đau buồn cho em không? Đó là giấc mơ gắn với cái kì ảo: Cô bé mơ cùng Mẹ là một thiếu phụ về thăm vườn đào, thật vui tươi, với tiếng cười nhưng khi giấc mơ tan biến thì chỉ còn lại nước mắt. Nhan đề “Xác đào” đầy sức gợi, cùng những hình ảnh khác nhau của vườn đào trong số phận của nó đã trở thành một biểu tượng đắt giá. Khi còn bé, nhân vật “Tôi” thấy mình chỉ là một cá thể nhỏ bé bên những cây đào trong cái nhìn thờ ơ của cha. Lớn hơn một chút cả cô và cha mình phải chăng giống như: “Cả vườn đào, rừng đào sau Tết như những kẻ tật nguyền bị cắt cụt đầu, hết chân, hết tay (…) đau đớn chờ đợi để trổ hoa…”. Và khi trở thành thiếu nữ: “Tôi ngạc nhiên thấy mình khô đét như xác đào đã chết và lặng câm như một huyệt đào trên mặt ruộng…”. Không hiểu sao sau khi đọc hết tác phẩm này, tôi thấy mình hóa thành một cây đào cổ thụ bị chém tơi tả khắp thân mình, vừa cúi xuống cố che chở cho một cây đào non run rẩy vừa gào thét bằng ngôn ngữ vô thanh của loài đào: - Có ai không?. Đừng để những mầm non tơ kia phải chịu bầm dập bởi sự vô tâm đến vô tình và ích kỉ của chúng ta?!.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bàn chân tìm nhau

Văn xuôi 9 giờ trước

Rủ nhau đi hái măng rừng

Văn xuôi 1 ngày trước

Thong dong mây trắng…

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Sương

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Gió mây vần vũ

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Lời ru từ mặt đất

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Tháng Ba mùa hoa gạo

Xem tin nổi bật 3 tuần trước