Thứ tư, ngày 04 tháng 12 năm 2024
00:12 (GMT +7)

Web drama – xu thế cạnh tranh phim truyền hình

VNTN - Web drama được hiểu là phim online - một dòng phim như nâng cấp kịch sân khấu, không phải phim điện ảnh mà gần như phim truyền hình nhưng chỉ chiếu trên mạng, đang trở thành xu hướng phổ biến trên toàn thế giới. Càng ngày sự đầu tư chỉn chu về kịch bản, diễn viên, hình ảnh, web drama đã và đang trở thành đối thủ cạnh tranh của phim truyền hình. Xu thế này đang khá phát triển ở Việt Nam và đã có nhiều phim lượt xem vượt trội so với phim truyền hình.

Đến nay, web drama đã không còn là sân chơi dành riêng cho những phim vốn đầu tư ít, dàn diễn viên không tên tuổi, mà đã trở thành một bộ phận quan trọng không thể bỏ qua trong sự phát triển của ngành công nghiệp giải trí.

Khi web drama trở thành trào lưu mới

Ở phương Tây, web drama đã dần hình thành được đế chế riêng và phần lớn lệ thuộc vào các dịch vụ trực tuyến, nổi bật là Netflix, lớn mạnh và có mặt ở 190 quốc gia, vùng lãnh thổ với khoảng gần 22 tỉ người dùng (tính đến cuối năm 2017). Sự ra đời của Netflix vào năm 1997, nắm bắt xu hướng phát triển của Internet, chuyển mình đột phá vào năm 2012 khi chính thức ra mắt phim truyền hình trực tuyến “Lilyhammer”, khiến ngành công nghiệp giải trí phải định nghĩa lại về phim truyền hình, cũng như thị hiếu của khán giả.

 

Phim “Kính vạn bông”

Netflix dần khẳng định được thương hiệu qua hàng loạt tác phẩm được yêu thích: “Stranger Things”, “Jessica Jones”, “13 reasons why”... Netflix hiện có 5.800 tiêu đề phim cho dịch vụ truyền hình trực tuyến và sẽ bỏ ra khoảng 12 - 13 tỉ USD cho việc phát triển nội dung trong năm 2018, đầu tư chất lượng và đa dạng hơn, không chỉ dừng ở các phim kinh phí thấp mà còn hướng tới các tác phẩm bom tấn. Khởi đầu chính là dự án “Bright” của đạo diễn David Ayer, “Underground” của Michael Bay, 3 - 5 năm tới, Netflix có thể trở thành công ty truyền thông lớn thứ hai về doanh thu, nếu không tính đến doanh thu từ studio và công viên giải trí, thì nó chỉ đứng sau Disney. Tiềm năng thị trường web drama và dịch vụ trực tuyến hiện kéo theo các hãng Amazon, Apple, Disney sản xuất nội dung.

Sang tới châu Á, web drama đã bắt đầu công chiếu vào năm 2010 trên các trang mạng Trung Quốc. Năm 2012 - 2013, khi Sohu, Let TV nhập cuộc thì các web drama Trung Quốc gây tiếng vang lớn tại châu Á. Nổi bật nhất là bộ phim hài “Diors Man” (2012) với 7 tập của Sohu đã đạt tới 150 triệu view, “Tên tôi là Hách Thông Minh” (2012), 25 tập, 350 triệu lượt truy cập cho Let TV. Đặc biệt, phim “Năm tháng vội vã” (2014) của Sohu đạt tới 500 triệu view, và nhận được giải thưởng “Phim chiếu mạng xuất sắc nhất” tại Liên hoan phim Truyền hình Hoành Điếm 2014. Thành công vang dội của các bộ phim này lan tỏa khắp châu Á, tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ của dòng phim web drama ở châu lục, trong đó có Việt Nam. Các trang mạng như: Tudou, Iqiyi, Tencent… cũng bắt đầu đầu tư mạnh mẽ. Năm 2013 chỉ có 5 web drama được phát sóng, sang đến 2014 là 20 phim. Hàng loạt tác phẩm được đầu tư trở thành cơn sốt lan rộng ở Trung Quốc và các quốc gia lân cận, như: “Thần thám trứ danh Địch Nhân Kiệt”, “Tôi là nam thần”, “Pháp sư Vô Tâm”, “Hoa thiên cốt”, “Thái tử phi thăng chức ký”, đặc biệt “Hãy nhắm mắt khi anh đến” có số view đạt mức kỷ lục 1 tỉ lượt.

Web drama Hàn sinh sau Hoa ngữ nhưng lại có sức hút mạnh mẽ. “Love Cells” (2014) của Naver là web drama đầu tiên, thu hút đến hơn 5 triệu view tạo nên sức công phá quốc tế khá mạnh, được bán bản quyền qua hàng loạt website của Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản… Web drama Hàn phần lớn đều khai thác các đề tài về tuổi thanh xuân, tình yêu, tình bạn, nhẹ nhàng, tươi sáng, ngọt ngào như: “First Love Story”, “Person You Might Know”, “Seventeen”, “Noble, My Love”, “One Sunny Day”… Nhận thấy web drama sẽ trở thành xu hướng giải trí mới thu hút giới trẻ, không chỉ các đài truyền hình mà ba ông lớn trong ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc là SM, YG, JYP Entertainment cũng bắt đầu sản xuất phim chiếu mạng. Đến nay, tại Hàn Quốc mỗi năm có hàng trăm bộ web drama được sản xuất bởi thời gian sản xuất ngắn, câu chuyện nhẹ nhàng, đơn giản dễ đi vào lòng người và dễ giúp các nghệ sĩ đến gần khán giả.

Ở phương Tây, mục tiêu của web drama là tạo sự đa dạng về dịch vụ, còn ở châu Á, web drama phát triển để hạn chế rủi ro phát hành, tiết kiệm thời gian, kinh phí đầu tư.

Du nhập vào Việt Nam như làn sóng mới

Web drama thâm nhập vào thị trường Việt Nam khi YouTube đã phổ biến, nhưng chỉ đến năm 2012, khi ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ… ồ ạt phát triển, tạo làn sóng, dòng phim online - web drama Việt cũng đã nhanh chóng ra đời với sự xuất hiện của nhiều nhóm nổi tiếng với nhiều bộ phim thu hút lượng lớn khán giả giới trẻ theo dõi như: “Kính vạn bông” (2012) thu hút 25 triệu lượt truy cập; “Chầu Hoan cua chống” (2014) có tới 15 triệu lượt xem của DAMtv; Thành công hơn nữa là con số tổng 150 triệu lượt truy cập trong năm 2014, với tất cả các tập phim của nhóm BB&BG, riêng “Mình yêu nhau đi” hơn 22 triệu lượt xem; Ngoài ra “Mùa hoa oải hương năm ấy”, “5S online”, “Kim chi cà pháo”, “Tiệm bánh Hoàng Tử Bé”, “Biên tập ký ức”, “Hạnh phúc của hai người đàn ông”, “Một con điếm tội nghiệp”, “Tầng 18+”, “Kem xôi TV”… rầm rộ xuất hiện trên YouTube mang đến hiệu ứng lớn khiến các nhà làm phim chuyên nghiệp cũng phải giật mình.

 

Trước đây, phim chiếu trên mạng thường chỉ là phim ngắn dưới 10 phút, nhưng hiện tại, có thể thấy nhiều nhà làm phim chọn hướng đầu tư lớn với phim 90 phút. Về kinh phí, có thể là 0 đồng, có gì xài nấy, nhưng cũng có người đầu tư đến 2 - 3 tỉ đồng. Do không phụ thuộc vào các kênh phát hành chính thống nên các bạn trẻ thả sức sáng tạo, thử nghiệm, thể hiện tài năng. Theo ước tính có hàng trăm bạn trẻ và nghệ sĩ đang “lấn sân” sang làm web drama.

Những nhóm đình đám hiện nay là DAMtv với gần 2 triệu lượt theo dõi, hơn 300 triệu view; FAPtv hơn 2 triệu lượt theo dõi, gần 1 tỉ view; BB&BG, nhóm làm phim giáo dục do Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu xây dựng tạo nên một kênh YouTube chuyên “tháo gỡ chuyện khó đỡ”, giải đáp những thắc mắc của lứa tuổi học sinh với gần 2 triệu lượt theo dõi, hơn 500 triệu view; “Ghiền mì gõ” với hơn 1,5 triệu lượt theo dõi, cùng hơn 755 triệu view; Thích Ăn Phở, Hài Vãi, Ngố TV… cũng đều có vài chục triệu view và cả triệu lượt theo dõi.

Đặc biệt, một số nữ đạo diễn trẻ 9X cũng gặt hái thành công với web drama như: Luk Vân thành công với các phim web drama “Người tôi thích là cậu ấy” có 4,5 triệu view; “Nếu như em quên anh” có 3 triệu view, “Hà Nội, em yêu anh”, “Đừng thích, hãy yêu”, “Mùa yêu đầu tiên”, “Mối tình đầu”..., cũng đều có số view trên 1 triệu trở lên và vẫn không ngừng tăng vì phim đang còn trên mạng. Diễn viên hài Thu Trang thực hiện bộ phim 5 tập “500 anh em ma” thu hút hơn 20 triệu view; “hotgirl” Chi Pu cũng phát hành “Tỉnh giấc tôi thấy mình trong ai”, mỗi tập thu hút trên 1 triệu view; series “Cô dâu đại náo” của Thúy Nga cũng thu hút hơn 2 triệu view; người mẫu Trà Ngọc Hằng với “Khi mẹ làm cha” cũng thu lượt view “khủng”...

Hiện không chỉ các nghệ sĩ trẻ mới tìm kiếm cơ hội với các phim web drama, ở mảng hài, những nghệ sĩ tên tuổi cũng rất thức thời khi liên tục có những sản phẩm hài mới cập nhật trên kênh YouTube riêng của mình, như Cát Phượng, Trường Giang, Thu Trang, Việt Hương, Hoài Linh, Trấn Thành… Hay các người mẫu diễn viên như Hoàng Oanh, Huỳnh Anh… cũng đang thử sức để khai phá khả năng của mình.

Web drama không khó, dễ kiếm tiền, nhưng…?

Cách làm phim này được giới trẻ Việt Nam ngày càng ưa chuộng bởi họ có thể thỏa sức sáng tạo với công cụ làm phim đôi khi chỉ là một chiếc máy ảnh kỹ thuật số, làm hậu kỳ đơn giản hơn so với điện ảnh truyền thống. Chi phí sản xuất rất thấp, vài chục triệu là đã có thể sản xuất phim. Thêm nữa, việc quảng bá và đưa sản phẩm đến với công chúng lại vô cùng tiện lợi, không tốn chi phí phát sóng khi có nhiều trang mạng xã hội hay trang YouTube đưa tin. Khán giả tiếp cận với những sản phẩm mang tính giải trí này thuận tiện mà không gặp trở ngại về khung phát sóng. Đây cũng là cánh cửa mở rộng cho những nhà ngoại đạo nhưng đam mê với môn nghệ thuật thứ 7. Những tập phim mini với độ dài từ 15 đến 30 phút sẽ giúp cho các đạo diễn, những người mê điện ảnh được cọ xát với nghề.

Hot girl Chi Pu với “Tỉnh giấc tôi thấy mình trong ai”

Theo nhiều chuyên gia về công nghệ giải trí phân tích thì web drama trở thành một trào lưu chính là vì bên cạnh sự đam mê, sáng tạo, thì kiểu làm phim ít tốt kém nhưng số lượt xem cao này còn hứa hẹn đem lại khoản lợi nhuận khổng lồ từ các nhà tài trợ, các sản phẩm quảng cáo đồng thời mở ra cho họ vô vàn những cơ hội nghề nghiệp khác.

Hàng loạt các web drama trở nên “hot” trên cộng đồng mạng như Huỳnh Lập, sau thành công với “Tấm Cám - Chuyện Huỳnh Lập kể”, thì “Ai chết giơ tay” với câu chuyện thế giới tâm linh đã mang về cho Huỳnh Lập nút vàng YouTube và hàng chục triệu lượt view. Diễn viên hài Thu Trang nhận nút vàng khi ra hai tập đầu trong series “Thập Tam Muội” với những câu chuyện của giới giang hồ, phe phái Chợ Mới - Chợ Cũ, nhận được con số triệu người theo dõi trên trang YouTube cá nhân…

YouTube không kiểm duyệt nội dung phim trước khi đăng tải, chỉ khi phim đó có nội dung xấu, hay vi phạm bản quyền mới bị gỡ bỏ, vì thế các nhà sản xuất lợi dụng kẽ hở này “lách” kiểm duyệt. Nên có nhiều sản phẩm của một số nhóm câu view bằng cách cố tình miêu tả câu chuyện về những người trẻ hiện đại với đầy rẫy ngôn từ khiêu khích, dung tục, bạo lực, cảnh nóng... Chọn đề tài về xã hội đen, bảo kê, ngập những cảnh chém giết…, gây ra nhiều phản ứng tiêu cực đối với khán giả như “Căn hộ số 69” gắn mác 18+ do Nam Cito Creative thực hiện cách đây mấy năm, và gần nhất là “Thập Tam Muội” của Thu Trang.

Web drama rõ ràng là một xu thế nhưng nếu người làm phim không tỉnh táo sẽ rất dễ rơi vào việc câu view mà thiếu nội dung lẫn yếu tố nghệ thuật. Đừng đi quá đà, đừng quá sa vào câu view để rồi biến sân chơi phim hữu ích này trở thành một nơi khuyến khích các hành vi vi phạm pháp luật.

 

Hoài Hương

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy