Vương Khánh Trường: “Chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa
Hướng tới kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên(7/1987 - 7/2017)
VNTN - Có duyên gặp gỡ từ 30 năm trước, tôi quý trọng ông bởi tính cách ít nói, điềm tĩnh nhưng luôn đầy nhiệt huyết cống hiến cho âm nhạc. Nhiều năm qua đi, có những việc theo thời gian trôi vào quên lãng, nhưng cũng có nhiều điều ấn tượng về ông - cố nhạc sĩ Vương Khánh Trường, còn đọng mãi trong tâm trí tôi.
Cố nhạc sĩ Vương Khánh Trường
Nhạc sĩ Vương Khánh Trường sinh năm 1944, người gốc Thừa Thiên - Huế, từng có thời gian theo gia đình chạy giặc sang Thái Lan. Vào năm 1960, nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ, gia đình ông cùng hàng trăm gia đình Việt kiều đã trở về miền Bắc Việt Nam sinh sống, góp sức xây dựng đất nước. Ông học tại trường phổ thông Lương Ngọc Quyến, thành phố Thái Nguyên. Sau ngày tốt nghiệp thì lên đường nhập ngũ (1967), hành quân chiến đấu các chiến trường dọc dãy Trường Sơn. Những tháng năm chinh chiến với vô vàn gian lao cũng đã đưa ông qua biết bao vùng đất, cảm nhận vẻ đẹp của non sông đất nước hùng vĩ trong tâm hồn. Yêu thích âm nhạc, ông tích cực sinh hoạt văn nghệ trong đơn vị và tham gia các hội diễn cấp trung đoàn, rồi trở thành hạt nhân phong trào và được cử đi tập huấn nghiệp vụ cấp sư đoàn về sáng tác và dàn dựng.
Năm 1976, sau ngày đất nước thống nhất, ông chuyển ngành sang làm công việc thống kê, kế toán kiêm công tác phong trào của Phòng xây dựng thành phố. Chỉ một năm sau, cái tên Vương Khánh Trường đã được người dân thành phố biết đến với ca khúc “Thái Nguyên thành phố hôm nay” do chính ông sáng tác. Ca khúc đã được lãnh đạo thành phố quyết định lấy làm nhạc hiệu của thành phố Thái Nguyên. Có lần cùng đoàn đại biểu thành phố vào thăm Nha Trang kết nghĩa, ông đã vinh dự được là người giới thiệu về thành phố thép gang và quê hương cách mạng Thái Nguyên qua sáng tác của mình. “Thái Nguyên thành phố hôm nay” đã phần nào giúp đưa hình ảnh, con người mảnh đất ATK đến với đông đảo công chúng nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Đó cũng là cơ duyên đưa ông về làm việc tại Phòng Văn hóa, thông tin thành phố (1978) với nhiệm vụ là cán bộ văn hóa cấp cơ sở, làm công tác phong trào. Ông đã dàn dựng chương trình, tổ chức biểu diễn, hỗ trợ liên hoan nghệ thuật cấp cơ sở chủ yếu cho 5 đơn vị của thành phố là: ngành Ngân hàng, Công ty xây dựng, ngành Y tế, Phòng Giáo dục, ngành Thương nghiệp. Nhiều người là công nhân, cán bộ, giáo viên có năng khiếu ca hát ở các ngành đã được ông chỉ bảo, rèn luyện. Ông còn thành lập hẳn một đội ca xung kích của thành phố với mục đích sẵn sàng có lực lượng phục vụ cho mục tiêu chính trị và xây dựng hạt nhân phong trào.
Tôi ấn tượng với giọng ca nữ mạnh mẽ Bích Thái, cán bộ Phòng giáo dục thành phố được ông chọn và hướng dẫn, chính là người “bóc tem” ca khúc “Thái Nguyên thành phố hôm nay”. Hay như cô giáo Thanh Huân, một giọng hát trong trẻo, mượt mà ở trường phổ thông Hoàng Văn Thụ, thường được Vương Khánh Trường triệu tập đi biểu diễn giao lưu, phục vụ đại hội... Rồi giọng ca nam trầm của anh Hoàng Văn Quắn, công nhân Công ty Xây dựng thành phố. Anh Quắn nhờ sự chỉ dạy tỉ mỉ của nhạc sĩ Vương Khánh Trường, đã là người đầu tiên hát vang tác phẩm bất hủ “Hà Nội niềm tin và hy vọng” của nhạc sĩ Phan Nhân trên thành phố Thái Nguyên lúc đó, ngay khi ca khúc vừa được viết xong.
Vương Khánh Trường là người hiền lành, ít nói, tiếp xúc thì thấy ở ông là sự ấm áp, tình cảm, chân thật, dễ gần. Không thích sự màu mè, ông thường khoác trên mình bộ đồ lính giản dị, giữ tác phong trong quân ngũ, khi làm việc thì rất nghiêm túc, công bằng, không nhượng bộ. Ông là một nhạc sĩ rất khác biệt, bởi biết sáng tác nhưng lại không có giọng hát. Muốn lấy cao độ của nốt nhạc anh thường phải nhờ cây ghi ta mang theo bên mình. Nhiều người thắc mắc nhưng chẳng ai hỏi vì biết tính ông vốn kín đáo, ít khi tâm sự. Làm giám khảo trong các cuộc thi, hội diễn, ông luôn chăm chú theo dõi rất kỹ, lúc bình điểm luôn thẳng thắn tranh luận để đảm bảo sự công bằng cho diễn viên. Chính thế mà ai cũng tin tưởng và quý mến ông.
Sau này, ông làm Phó giám đốc Nhà Văn hóa thành phố Thái Nguyên, phụ trách chuyên môn mảng phong trào cơ sở nên rất bận rộn. Năm 1987, ông trở thành hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, đồng thời cũng là một trong những người sáng lập Hội. Thêm trách nhiệm là thêm việc, ông càng bận rộn hơn. Kết hợp nhiệm vụ ở Nhà Văn hóa thành phố và vai trò hội viên Hội VHNT, ông lăn lộn xuống cơ sở, hoạt động phong trào hăng say.
Vương Khánh Trường chủ yếu viết ca khúc thuộc dòng nhạc cách mạng, phần lớn tác phẩm của ông mang tính đồng quê (dạng ballad và country), cấu trúc âm nhạc giản dị, giai điệu chậm nên dễ hát và thường có pha chút âm hưởng dân ca vùng, miền. Ông đã để lại khoảng 60 tác phẩm với 13 lần nhận Huy chương Vàng, Bạc và giấy khen từ các hội diễn trung ương và địa phương, trong đó có những tác phẩm để đời như “Thái Nguyên thành phố hôm nay”, “Tự hào Đảng quang vinh”, “Hát dưới trời quê Bác”, “Thành phố bên sông”….
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Vương Khánh Trường đã viết riêng cho Thái Nguyên gần 20 ca khúc, tiêu biểu như “Đêm Thái Nguyên”, “Qua cầu Gia Bảy”, “Nhớ ngày Bác về thăm”, “Thao thức một dòng sông”... Có lẽ sẽ chẳng quá lời khi nói rằng, nhạc sĩ Vương Khánh Trường thực sự là một chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa, là nhân tố tích cực góp phần đẩy mạnh phong trào ca hát sôi nổi trên thành phố Thái Nguyên vào những năm 80 - 90 của thế kỷ trước. Những bài ca ông viết như một minh chứng đủ để mọi người cảm nhận được tình yêu quê hương Thái Nguyên mãnh liệt của một người con xứ Huế.
Với đóng góp không nhỏ cho hoạt động âm nhạc Thái Nguyên nói chung và thành phố nói riêng, để tri ân nhạc sĩ, ngày 07/04/2005, thành phố đã tổ chức buổi tưởng nhớ nhạc sĩ Vương Khánh Trường nhân 100 ngày mất của ông thật trang trọng. Và tôi, khi viết những điều này, mặc dù đã 12 năm nhạc sĩ đi về cõi khác, nhưng trong lòng tôi vẫn dâng đầy sự ngưỡng mộ, cảm phục, cứ nao nao nhớ ông với cái dáng người nhỏ nhắn, nhưng bên trong chứa đựng niềm mơ ước trở thành nghệ sĩ, một nghệ sĩ đích thực luôn sống và cống hiến hết mình với âm nhạc.
Bùi Quang Vĩnh
2 đã tặng
1
1
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...