Vùng xanh
Truyện ngắn. Vũ Thị Huyền Trang
Sâm thức dậy, cảm nhận rất rõ luồng gió trong veo mỏng mảnh luồn qua khe cửa chưa đóng kĩ. Căn nhà yên tĩnh quá, tưởng như có thể nghe thấy tiếng của từng chân tóc vừa mới rơi khỏi da đầu. Mùa này tóc Sâm rụng nhiều đến mức gây ám ảnh. Vương vãi trên chăn gối, nền nhà, từ phòng ngủ ra đến bếp. Chúng khiến Sâm phải vướng bận suy nghĩ, khi ngó đâu cũng thấy sự chia lìa. Mới tháng trước Sâm còn tính chờ gửi con đi học chị sẽ có nhiều thời gian dành cho bản thân hơn. Sẽ đi làm tóc, thêu lông mày, tập yoga, đăng ký thêm khóa học vẽ gần nhà. Nhưng cuối cùng chẳng có dự định nào suôn sẻ. Bé Sóc về chơi với ông bà ngoại và mắc kẹt ở quê. Chồng Sâm đi công tác Sài Gòn cũng chưa biết ngày nào mới có thể về nhà. Chỉ còn mình Sâm ở đây, trong ngôi nhà từng ồn ào tiếng vợ chồng cự cãi, tiếng con nghịch ngợm, tiếng càu nhàu quát mắng lẫn nhau. Sâm rơi vào “trạng thái bình thường mới”, rảnh rỗi không có việc gì làm. Chị nhận ra nhàn hạ chẳng có gì thú vị như mình vẫn ước ao. Sự bận rộn với một người đàn bà chính là gia vị. Bản nhạc nghe vào lúc thảnh thơi hóa ra không hay hơn khi bận bịu. Từng có lúc mệt nhoài, Sâm nhốt mình vào nhà vệ sinh trốn con và tranh thủ nghe một bản nhạc bất kỳ. Giai điệu tan trong ý nghĩ, mê đắm, thèm khát sự trọn vẹn mà không biết rằng mình đang tận hưởng nó đủ đầy. Sâm nằm im, nằm im, chợt nhận ra thành phố không thiếu tiếng chim. Dù hình như Sâm chưa bao giờ nhìn thấy chúng xuất hiện trong tầm mắt của mình. Chúng lẫn đâu đó trong những khối bê tông, trong ồn ã mưu sinh và khói bụi. Tự nhiên Sâm thèm nhìn thấy chúng nên mở cửa nén rắc chút gạo ở ban công. Nhưng lũ chim không đến…
Những ngày này Sâm không dám bật ti vi, càng hạn chế lướt facebook đọc tin tức hàng ngày. Bách đang trong vùng đỏ của Sài Gòn, nơi con người ta ước gì có thể nín thở được để mà sống tiếp. Sâm ngồi từ ban công nhìn xuống khu trọ phía dưới. Chị bắt gặp cảnh tượng người đàn ông ngồi nhổ tóc sâu cho vợ. Chị vợ vẫn còn trẻ chắc cũng tầm tuổi Sâm chứ mấy. Những người trẻ bây giờ tóc hay bạc sớm. Bách cũng vậy, tóc bạc như ông cụ sáu mươi. Thỉnh thoảng Bách về nhà ăn cơm trưa, gối đầu lên chân vợ nhờ nhổ tóc. Sâm hay càu nhàu vì còn bận việc này việc kia mà chỉ tranh thủ được lúc con ngủ trưa để làm. Sâm hay bảo: “Giá anh là đại gia thuê em nhổ mỗi sợi tóc bạc 50 nghìn có phải vui không”. Bách cười, chậm chậm chìm vào giấc ngủ. Bách mới ra trường, lương công chức ba cọc ba đồng cứ nhận xong là đưa Sâm hết. Để không phải chui rúc trong một căn nhà thuê nào đó hai vợ chồng đã phải vắt sức mình làm thêm đủ thứ việc. Đến khi mọi thứ ổn hơn, ngoảnh lại thấy đời sống hôn nhân đã quá rệu rã rồi. Hàng đêm, qua ánh điện lờ mờ trong phòng ngủ, chẳng hiểu sao mắt Sâm chỉ dán vào gáy của chồng được phủ đầy tóc bạc. Mà sao những ngày này mọi ý nghĩ của chị đều quẩn quanh về tóc. Mà muốn không nghĩ cũng chẳng được, khi chỉ cần vuốt nhẹ là tóc rụng đầy trên các kẽ tay. Trong bát canh vẫn còn nóng hổi, đôi đũa vớt lên đã thấy ngay sợi tóc lẫn vào trong đó. Sáng nào quét nhà, Sâm cũng vo lại được cả nắm tóc to. Sự ra đi của những sợi tóc chỉ có tiếng thở dài đưa tiễn. Ngay cả trong giấc mơ của mình Sâm cũng thấy đầu mình trọc lốc, hở cả những đường gân xanh xao yếu ớt. Sâm tự hỏi “có lẽ nào những sợi tóc biết được ý định phản bội chúng của mình?”. Khi hơn ba mươi năm qua Sâm chưa từng sử dụng bất cứ loại hóa chất nào lên tóc. Chị trung thành với mái tóc đen láy mà cha mẹ sinh ra. Lúc bé chị hay gội bồ kết pha hoa bưởi. Cây bồ kết với từng chùm gai tua tủa cũng không ngăn được bàn tay bố. Phải! Tay bố đầy vết gai cào, vết chai sạn vì cầm cuốc vỡ rừng, móc cua hang đá, vôi vữa phụ hồ. Nhưng tay bố luôn thơm mùi hoa bưởi cũng bởi vì biết nâng niu mái tóc vợ con mình. Sâm mất mẹ khi chưa kịp trưởng thành, chị lớn lên trong tình yêu thương vỗ về của bố. Nên trong trái tim chị, bố là cả bầu trời. Ngay cả khi bố không còn trên đời nữa thì chị vẫn nương theo bóng bố mỗi ngày. Có phải thế mà chị đã đòi hỏi quá nhiều ở Bách?
- Em nhìn xung quanh đi, thấy anh kém chồng người ta điều gì mà em cứ gằn hắt mãi?
Bách từng chua chát hỏi thế lúc Sâm vùng vằng hất tay chồng khỏi eo mình. Thật ra Bách chẳng có thói hư tật xấu gì. Không rượu chè cờ bạc, không gái gú, cũng chẳng ham hố gì những cuộc vui bè bạn. Chỉ là Bách không cho Sâm được cảm giác mình là người đàn bà quan trọng. Bách chẳng bao giờ quan tâm đến cảm xúc của vợ mình. Sâm thường bất chợt nhận ra điều gì đó từ thói quen hàng ngày của hai người. Hay nằm quay lưng lại với nhau. Nếu vào bếp Bách chỉ nấu những món mà mình thích. Cái hàng rào màu xám, sơn cửa màu nâu mới tinh tươm còn hăng hắc mùi sơn cũng cứa vào tim Sâm một vết. Sâm đã nói nhiều lần về ước mơ có ngôi nhà với hàng rào và cổng màu trắng tinh tươm. Để trồng bụi tầm xuân nở từng chùm hoa trên hàng rào đó. Lúc về già sẽ ngồi trước sân nhà đọc sách, uống trà chờ các con trở về sau một ngày làm việc. Vì ước mơ đẹp đẽ đó Sâm vừa chăm con vừa làm việc cật lực mới có tiền xây dựng, sửa sang. Nhưng từng chi tiết trong căn nhà này không có gì vừa ý của Sâm. Không có góc nào dành cho ước mơ nhỏ nhoi nhưng chính đáng của người đàn bà bé nhỏ. Nhà không có cây hoa nào nếu Sâm không tự mua về. Nhà chỉ toàn là gỗ lũa, lục bình. Có nhiều khi Sâm thấy căn nhà trở nên xa lạ. Bởi trên ti vi là chương trình giải trí mà Bách thích. Cánh cửa ban công Sâm cứ mở ra để hít gió trời và ngắm mấy bông hoa mới nở là Bách lại đóng vào. “Ồn và muỗi”. Có khi bận quá vài ngày mới ra thăm hoa thì lại thấy mất đi một chậu. Bách nói tỉnh bơ: “Anh quẳng nó đi rồi. Em để rậm rịt sẽ nhiều muỗi lắm”. Có khi Bách tự tiện thay một chậu hoa nào đó bằng chậu ngải cứu, sả, chanh, gừng: “Vừa đuổi muỗi lại tiện khi nấu nướng. Nấu thịt bò có gừng, gà rang có sả, gà luộc có chanh, còn ngải cứu mang rán trứng ăn đỡ bệnh đau đầu. Em thấy anh tính kinh tế chưa?”. Sâm cười buồn: “Ước gì nhà không quá chật”.
Sau này Sâm không nói nữa, cũng ít cười dần, việc gì cũng chọn cách lặng im. Chị thôi không kể với chồng về những mơ ước nhỏ nhoi. Thôi thủ thỉ chuyện cửa nhà, chợ búa. Sáng thấy Bách ra khỏi nhà sớm hơn là chị thấy nhẹ nhõm trong lòng. Có dạo buổi tối Bách thường về muộn vì làm thêm bên ngoài. Chị để phần sẵn cơm, dọn dẹp cửa nhà rồi ôm con lên giường ngủ sớm. Vì không có gì để nói với chồng nên chị thường tìm cớ tránh mặt nhau. Mỗi lần Bách chạm vào người chị đều rụt lại. Nói gì đến việc đầu ấp tay gối, vui vẻ xem chung một bộ phim, nghe chung một bản nhạc như ước hẹn ban đầu. Tình yêu của chị dành cho chồng như ấm trà đã nhạt, như bếp lửa đã tàn, như nắng trưa đã phai ra, bàng bạc. Sâm không chắc đã hết yêu Bách hay chưa? Cũng không hiểu có phải mình đang bị trầm cảm trong giai đoạn nuôi con nhỏ? Sâm muốn làm gì đó để cửa nhà có thể ấm cúng hơn nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu. Sâm có phải là người cố chấp khi tính bế con ra cổng đón chồng về thì đập vào mắt mình là hàng rào màu xám. Khi tính nấu một bữa cơm ngon chờ chồng về thì chợt nhớ lại những ngày đau ốm ôm con nằm trên giường, bếp chưa từng vì mình mà ấm.
Chị đang mải loay hoay trong mớ cảm xúc của mình thì Bách bất ngờ được cử đi công tác Sài Gòn. Hoặc là Bách cố tình xin đi vì cảm thấy ngột ngạt quá không chịu nổi. Trước lúc đi Bách nói: “Chừng nửa tháng anh về”. Đâu ngờ chưa đầy nửa tháng sau Sài Gòn thành tâm dịch. Bách mắc kẹt lại đó chưa biết ngày nào mới được về. Sâm nhớ ra mình chẳng kịp chuẩn bị gì cho chuyến công tác của chồng. Nhẽ ra trong va li nên sẵn vài loại thuốc thông dụng để đêm hôm có đau bụng hay ốm sốt còn có mà dùng. Như ngày xưa mỗi lúc Sâm đi xa bố vẫn hay nhét vào ba lô lọ berberin, thuốc giảm đau hạ sốt, hộp C sủi và túi lớn túi nhỏ thuốc cảm cúm chia sẵn từng ngày. Những lần ốm mở túi thuốc ra thấy nét chữ của bố dặn dò là thấy đỡ tủi thân. Sâm lớn lên trong sự quan tâm chu toàn nhưng lại chẳng học được những điều tốt đẹp từ bố là bao. Trái tim bố ấm áp bao dung, cả đời chưa từng nhìn vào khiếm khuyết, sai lầm của ai mà sống. Mẹ mất sớm, bố chưa từng than thở lời nào chỉ lặng lẽ vào ra trong ngôi nhà đầy ắp kỉ niệm. Gia đình hai bên nội ngoại vì thương mà giục bố đi bước nữa. Nhưng bố từng nói với Sâm:
- Vì có được tình yêu của mẹ mà cả đời này bố không khi nào thấy cô đơn.
- Con sang quê ngoại lần nào các dì các cậu cũng bảo mẹ may mắn vì yêu được bố. Trong mắt của người thân mẹ tốt tính nhưng đầy thiếu sót. Thế mà bố chẳng bao giờ nặng nhẹ với mẹ nửa lời. Con ước gì sau này cũng lấy được người chồng thương con như bố thương mẹ vậy.
- Bố cũng đầy thiếu sót, mẹ con là người hiểu rõ hơn ai hết. Con biết vì sao bố suốt ngày quanh quẩn ngoài vườn không? Vì bố thích ngắm cây. Cây lớn che cây nhỏ, tầng tầng lớp lớp. Mẹ và bố cũng vậy, đều bao dung và nương tựa lẫn nhau.
Sâm hình dung lại cảnh chồng mình lầm lũi xếp đồ, lủi thủi xách va li ra khỏi nhà mà thấy ân hận quá. Dạo này đứa bạn thân hay nhắn tin vào lúc nửa đêm. Không tán chuyện tếu táo như xưa mà lần nào bạn cũng nói những câu dễ khiến người ta thấy nhói lòng. Bạn bảo “mấy hôm nay phải dạy cho đứa con trai nhỏ biết cách nấu vài món đơn giản. Dạy con gái lớn việc quán xuyến nhà cửa, tiết kiệm chi tiêu. Những việc mà trước kia tớ luôn nghĩ “vội gì”. Giờ thì không biết ngày mai sẽ ra sao nên phải tính xa hơn những gì mình từng nghĩ”. Có những ngày nhìn đâu cũng thấy buồn đau, bạn gọi bảo: “Nhớ thu Hà Nội quá. Năm sau nhất định ra Hà Nội đi dạo phố cổ, ngồi xổm trên vỉa hè lựa quà vặt bên những gánh hàng rong. Thả vào miệng mình một nhúm cốm tươi, thấy được cả mùa thu trong đó. Ừm… nếu mình còn sống”. Sâm nghe tiếng bạn cười giòn tan trong điện thoại mà thương quá. Lòng lúc nào cũng nóng như lửa đốt khi nghĩ Bách chỉ có một mình trong đó không biết phải xoay xở thế nào.
Trên Facebook mọi người than thở chuyện công ty, cửa hàng đóng cửa. Chuyện giãn cách xã hội không thể đi lại được. Chuyện thiếu lương thực, thuốc men mà không dám thò mặt ra ngoài mua bán. Vậy mà gọi điện lần nào Bách cũng bảo: “Anh ổn mà. Em đừng lo”. Ngày nào cũng thấy vài cái avatar trên Facebook để ảnh đen. Tức là có vài người thân của bạn bè đã ra đi vì Covid. Có người con xa nhà, cha mẹ mất còn không thể thắp một nén hương. Có người mẹ mất con, tay run run ôm hũ tro cốt vào lòng khóc không thành tiếng. Có người vợ mất chồng khi tuổi còn quá trẻ, bao nhiêu điều hẹn trước còn chưa thể thực hiện cùng nhau. Nửa đêm đọc bản tin y tế cập nhật số ca nhiễm COVID-19 ngày càng tăng, Sâm bỗng nhiên bật khóc. Chị chưa từng nghĩ đến một ngày chỉ cần được đứng trước mặt nhau dù thuận hòa hay giận dỗi cũng là điều may mắn. Đã lâu lắm rồi cả nhà chị chưa cùng ngồi ăn chung một bữa cơm. Lâu rồi con gái chị chưa được sà vào vòng tay của bố. Bách vắng nhà ba tháng, Sâm lôi đám gỗ lũa, lục bình ra lau bụi bặm. Chị đoán Bách đã từng rất cô đơn nên có thể ngồi hàng giờ bên những vật vô tri vô giác. Bách hiểu từng ngõ ngách trong căn nhà này hơn chị. Còn Sâm, đến cả những sợi tóc trên đầu mình chị cũng không hiểu nổi.
Bách bảo:
- Mùa măng năm nào tóc em cũng rụng nhiều như vậy. Người ta gọi tháng Mười là mùa rụng tóc. Em quên à?
- Sao em chẳng nhớ gì nhỉ? Em hoang mang như thể tóc chưa từng rụng thế bao giờ. Có lẽ em đã nhớ những điều không nên nhớ. Em đã quên những điều chẳng đáng để phải quên.
- Anh nhớ lúc chúng mình mới yêu nhau. Ừm… năm ấy tụi mình hai chín tuổi. Em dẫn anh về thăm nhà, lúc ấy bố bị ung thư giai đoạn cuối. Tóc bố rụng nhiều lắm, hói hết đầu. Nhưng bố không buồn phiền. Em còn nhớ bố nói gì không. Bố bảo: “Tóc cũng giống như những ý nghĩ trong đầu. Những ý nghĩ mệt mỏi, già nua thì phải rơi rụng đi cho đầu óc nhẹ nhõm, cho cái mới được sinh sôi”. Qua mùa này tóc sẽ mọc lại thôi. Em đừng lo. Thời gian này em cũng đừng ăn kiêng hà khắc, tóc thiếu chất sẽ càng rụng nhiều hơn.
Sâm thường ngồi ở sân nhà nhìn nắng thu hắt qua tán lá gấc bên hàng rào, lấp lánh. Sâm nhớ đến những ngày Bách và con gái ngồi giữa sân sửa đống đồ chơi cũ. Tiếng cười con lanh lảnh vang lên khi thấy chiếc xe cứu thương đã chạy được, con rùa đã được lên dây cót, em búp bê đã lắp lại đủ hết tay chân. Giá mà bây giờ cảnh tượng đó đang diễn ra ngay trước mắt thì hạnh phúc biết bao. Sâm sẽ thôi càu nhàu sao nhà đóng cửa hoài mà vẫn lắm bụi? sao chỗ nào bố con anh cũng có thể bày bừa? sao chiếc áo trắng nào của anh cũng dính cà phê? Sâm sẽ im lặng ngắm nhìn họ hoặc vui vẻ vào bếp nấu nướng thơm lừng.
Sâm thèm nghe thấy tiếng con ngọng nghịu, nũng nịu qua điện thoại. Nhưng con trẻ thường mải chơi, có khi đang nói chuyện với mẹ liền chạy đuổi theo chú mèo mãi tít ngoài sân. Bỏ Sâm lại với tiếng ti vi, tiếng chó gà kêu inh ỏi vọng vào từ khu vườn quê quen thuộc. Chắc biết Sâm buồn nên Bách thường hay nhắn gọi. Có sáng anh đánh thức chị sớm, rủ rê: “Hay là hai đứa mình cùng tập thể dục đi? Em dạy anh các bài tập yoga cho lá phổi khỏe đi. Phổi anh cần phải khỏe đánh bật “Cô Vy” ra để còn về với mẹ con em chứ”. Sâm đặt chiếc điện thoại trước mặt, trải thảm tập mà thấy lòng rưng rưng xúc động. Lúc kề bên, có nhiều ngày chỉ muốn tránh mặt nhau. Đến lúc xa lại muốn được cùng nhau thức dậy. Cùng nhau làm những công việc hàng ngày. Tiếng Sâm trầm và ấm: “Hít vào. Giữ hơi lại khoảng 5-6 giây rồi thở ra nhẹ nhàng. Anh nhớ hóp chặt bụng khi thở ra đấy nhé”. Bách cười: “Trước giờ anh cứ tưởng hít vào, thở ra là thứ đơn giản nhất. Ai ngờ đến hít thở cũng cần phải tập”.
Sâm không ra khỏi nhà vào những ngày Hà Nội giãn cách xã hội. Cũng may mà nhà có gừng, sả, tía tô đun nước uống mỗi ngày để tăng cường sức đề kháng. Những lúc ấy thầm cảm ơn Bách với những chậu cây anh chăm tưới. Có vài thứ từng vướng víu tầm mắt lại trở nên hữu ích vô cùng. Lúc đang nấu cơm thì chuông điện thoại reo, Bách bảo:
- Anh vừa gọi cho con. Con ngoan lắm. Mà em đang nấu cơm đấy à? Anh nghe thấy tiếng cơm sôi. Ngửi thấy mùi thức ăn thơm quá.
- Mấy quả chanh ngoài ban công đã mọng nước lắm rồi. Anh về là có chanh vắt canh rau muống ăn với cà muối đấy.
- Anh nhớ nhà quá. Nhiều đêm nhắm mắt lại nằm mường tượng ra mọi ngóc ngách trong nhà. Hà Nội đầu thu không khí chắc là thích lắm. Cây bàng trước cửa nhà mình lá đã vàng chưa?
Sâm tắt bếp, mở cửa sổ nhìn ra ngoài. Làm sao để gửi thu Hà Nội cho anh? Cái se se lạnh đầu mùa, chút xao động của lòng người thiếu phụ.
Bách bảo:
- Nơi anh ở vẫn là vùng đỏ. Nhưng những ngày này anh chỉ nghĩ về vùng xanh trong kí ức của mình. Nơi có em và con.
Đây rõ ràng là Bách của những ngày mới yêu. Ấm áp và dịu dàng. Sâm cười, nước mắt bỗng giàn giụa…
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...