Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
01:45 (GMT +7)

Vi phạm tác quyền âm nhạc trong phim Việt

VNTN - Việc phim Việt dùng “chùa” nhạc không còn là bất bình thường, nên việc mới đây phim truyện điện ảnh “Hạnh phúc của mẹ” vừa đoạt 7 giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2019, được (bị) phát hiện sử dụng ca khúc “Mẹ con ta là của nhau” do ca sĩ Thu Thủy thể hiện mà chưa xin phép không bị xem là vi phạm quan trọng. Và việc vi phạm tác quyền trong âm nhạc của phim Việt vẫn bị xem nhẹ vì chưa có chế tài mạnh hơn để thể hiện sự chuyên nghiệp trong ngành điện ảnh Việt Nam.

Theo báo cáo của bộ phận Pháp chế, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), tình trạng vi phạm quyền tác giả âm nhạc trong lĩnh vực biểu diễn, tổ chức biểu diễn, phim truyền hình, phim điện ảnh những năm gần đây lên tới gần 150 chương trình nói chung. Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị đều tìm cách né tránh, không thực hiện quy định xin phép, trả tiền sử dụng quyền tác giả, dẫn đến việc quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả bị xâm phạm, thiệt hại và không được tôn trọng, gây nên nhiều bức xúc ở các tác giả sáng tác âm nhạc.

 

Cảnh trong phim “Hạnh phúc của mẹ”

 

Đặc biệt là trong phim Việt Nam, việc vi phạm tác quyền âm nhạc không còn là hiếm có, thậm chí, có những phim điện ảnh triệu “đô” vẫn vi phạm mà xem như chuyện bình thường. Phải chăng tâm lý dùng “chùa” để đỡ hao tốn kinh phí sản xuất? Phải chăng ở Việt Nam chế tài xử phạt chưa đủ răn đe? Và ở mặt nào đó, thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp trong ngành điện ảnh Việt Nam.

Vô tư dùng rồi sau tính

“Mẹ con ta là của nhau” được nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường sáng tác riêng cho ca sĩ Thu Thủy, đồng thời giọng ca này đã đầu tư sản xuất, thu âm và phát hành ca khúc. Theo lời ca sĩ Thu Thủy, phía nhà sản xuất hay đạo diễn phim “Hạnh phúc của mẹ” không liên lạc trực tiếp với cô để xin phép. Thậm chí, ở đoạn credit cuối phim, tên ca khúc và ca sĩ trình bày cũng không được ê-kíp nhắc đến. Khi hỏi nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường - tác giả ca khúc, Thu Thủy biết được thông tin phía nhà sản xuất đã liên hệ và mua tác quyền, nhưng nhà sản xuất phim dùng luôn bản thu giọng hát của cô mà không được phép. Thủ tục này vẫn chưa đầy đủ, chưa xin phép ca sĩ, chưa trả tác quyền, nhưng phim vẫn cứ tiến hành. Để khi lùm xùm thì nhà sản xuất mới gặp ca sĩ để thỏa thuận. Chuyện êm sau đó, nhưng chứng tỏ cách làm việc thiếu chuyên nghiệp của nhà sản xuất…

Đây không phải trường hợp “bất thường” nữa. Trước đó, nhà sản xuất phim truyện điện ảnh “Ngôi nhà bươm bướm” cũng sử dụng bản thu ca khúc “Mãi mãi bên nhau” của ca sĩ Noo Phước Thịnh, mà không xin phép ca sĩ, chỉ xin phép và trả tác quyền cho tác giả. Trong khi Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản liên quan đã quy định rõ, việc bảo hộ bản quyền tác phẩm văn học, nghệ thuật không chỉ với tác giả, mà còn với những người có quyền liên quan, như tổ chức, cá nhân biểu diễn, sản xuất, ghi âm, ghi hình, phát sóng, phổ biến tác phẩm… Tuy nhiên, ngay sau đó phim bị các ca sĩ tố cáo vô tư dùng nhạc của họ không xin phép… Không chỉ riêng Noo Phước Thịnh, trong phim này ca sĩ Thu Minh cũng bị “lấy” 2 ca khúc “Taxi”, “Đường cong” sử dụng trong phim với mục đích và cách thức tương tự.

Và từ đây chuyện vi phạm tác quyền âm nhạc trong phim mới được đề cập, mới thấy chuyện tác quyền nhạc phim cứ trong tình trạng “lơ mơ”, tùy tiện. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung gửi đơn khiếu nại tới VCPMC, ca khúc “Nhật ký của mẹ” (cả phần nhạc và phần lời) đã được sử dụng trong tập 19 của bộ phim “Quỳnh búp bê”, từng phát trên kênh VTV3 mà chưa có sự đồng ý của tác giả. Sau đó chính VCPMC còn phát hiện thêm ca khúc “Nối vòng tay lớn” của Trịnh Công Sơn cũng được sử dụng trong tập 19 của “Quỳnh búp bê” mà chưa xin phép. Còn trong phim “Cả một đời ân oán” sử dụng ca khúc “Gọi nắng” (tập 64), “Tuổi đá buồn” (tập 65) của Trịnh Công Sơn, “Cả một trời thương nhớ” (tập cuối) của Nguyễn Minh Cường... “Sự việc không chỉ dừng lại ở bộ phim “Quỳnh búp bê” mà VCPMC cũng tiến hành xác minh, ghi nhận bộ phim “Cả một đời ân oán”, “Hôn nhân trong ngõ hẹp” và nhiều phim khác chiếu trên VTV có sử dụng tác phẩm âm nhạc thuộc thành viên của VCPMC” - Trích văn bản của VCPMC gửi VFC.

Và nhà sản xuất còn mơ hồ về bản quyền

Có thể thấy, tình trạng vi phạm bản quyền âm nhạc của các đoàn làm phim đang diễn ra khá phổ biến. Nhưng nhiều nhà sản xuất phim khi bị phát hiện vi phạm đều chung một lý do “không hiểu luật” rồi xin lỗi và thương lượng để cho qua chuyện. Còn các chủ sở hữu cũng không muốn kiện tụng phức tạp vì sợ mất thời gian hay ảnh hưởng đến mối quan hệ đôi bên trong tương lai.

Đại diện VFC, đơn vị làm phim “Quỳnh búp bê” đã có văn bản xin lỗi gửi nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung khi dùng ca khúc “Nhật ký của mẹ”, nhưng đạo diễn Mai Hồng Phong vẫn cứ cho rằng, đoàn phim không cố tình vi phạm tác quyền, trích đoạn ca khúc “Nhật ký của mẹ” được nhân vật Quỳnh hát chay trong một phân cảnh thì... “không sao”, xem như không phải vi phạm luật bản quyền hay tác quyền của ca khúc?.

Quay trở lại việc vi phạm tác quyền âm nhạc trong phim “Ngôi nhà bươm bướm”, thì đại diện nhà sản xuất cho biết trong quá trình sản xuất phim, ê-kíp đã nhầm lẫn giữa quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả. Theo đó, thay vì phải liên hệ ca sĩ và producer (nhà sản xuất) để mua quyền sử dụng các bản thu thì ê-kíp lại đến VCPMC để mua quyền tác giả. "Chính sự nhầm lẫn đối tượng pháp lý này dẫn đến thiếu sót như hiện tại, khiến ca sĩ và producer - chủ sở hữu cảm thấy bức xúc" - đại diện nhà sản xuất cho hay. Và cũng chính sự nhầm lẫn này mà lâu nay, việc vi phạm tác quyền âm nhạc trong phim vẫn luôn xảy ra.

Làm sao có chế tài nghiêm khắc hơn?

Việc mỗi phim có âm nhạc riêng xem ra trong tình hình sản xuất phim Việt hiện tại gần như là một việc khó, chỉ rất ít phim được đặt làm riêng phần âm nhạc. Có thể một phần kinh phí làm phim hơi eo hẹp, nên việc chi cho âm nhạc thường không được tính là một khoản chi chính, nên việc “vô tình” dùng “chùa” không mua hay xin phép tác quyền rất phổ biến, thậm chí các nhà sản xuất còn bày cách cho nhau “lách” để đỡ tốn kém, như dùng nhạc không lời nước ngoài, hoặc mix một số bài trộn vào nhau cho phần nhạc tình huống, còn nhạc chủ đề thay vì đặt nhạc sĩ làm riêng, tốn kém, thì cho cái có sẵn, rồi sau tính. Hay thủ thuật “hack nhạc” tức lấy link có bản quyền về phối lại, phần nhạc được sử dụng theo cách này không phải bản gốc và sẽ bị chèn âm thanh mặc định, chỉ người trong nghề mới nhận biết đâu là âm nhạc được mua bản quyền, đâu là nhạc “hack”, còn người xem phim thì rất khó nhận ra.

 

 

Lý giải về những vi phạm trong lĩnh vực bản quyền âm nhạc những năm gần đây, thấy phần lớn sau đó hòa giải, thỏa thuận giữa các bên liên quan là chính, vì xử lý mang tính pháp chế chưa nghiêm, tiền phạt chưa cao, chế tài mang tính đánh vào lợi nhuận phim cũng không được áp dụng, trong khi các đơn vị, cá nhân vi phạm vì lợi nhuận mà bất chấp quy định của luật pháp, thậm chí có chỗ, có nơi còn thách thức, ngang nhiên thực hiện hành vi xâm phạm.

Ngoài ra, việc triển khai thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan chưa được đồng bộ, hiệu quả, công tác hậu kiểm, kiểm tra, xử lý vi phạm về quyền tác giả còn chưa kịp thời, chưa triệt để, khiến việc thực thi pháp luật chưa đủ sức ngăn chặn, răn đe…

Dù các nhạc sĩ, ca sĩ, nhà quản lý, nhà sản xuất... có nhiều cuộc bàn tròn để tìm cách đẩy lùi và xóa sổ vấn nạn vi phạm bản quyền âm nhạc, nhưng thực tế những năm gần đây phản ánh vi phạm bản quyền âm nhạc đã, đang là “chuyện thường ngày ở huyện”, thậm chí khi phát hiện ra thì cũng chẳng phải chuyện “ầm ĩ” to tát gì, rồi đôi bên ngồi với nhau sau một cuộc thỏa thuận giữa họ, là xem như giải quyết xong vấn đề.

Riêng trong hoạt động điện ảnh, thiết nghĩ khi đang phấn đấu một nền Công nghiệp Điện ảnh Việt Nam, vấn đề liên quan để bộ phim hoàn thiện, cả về mặt pháp lý, bản quyền, tác quyền, để bước ra thị trường Việt Nam và quốc tế, cần tiến tới hoạt động chuyên nghiệp hơn, tránh những việc vi phạm tác quyền âm nhạc, dù nhỏ mà tác động không hề nhỏ cho chất lượng uy tín phim.

 

HOÀI HƯƠNG

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy