Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
16:44 (GMT +7)

Vì không biết Luật

VNTN - Những ngày qua, dư luận xã hội lại một phen “nóng ran” quanh câu chuyện Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh An Giang xử phạt hành chính cô giáo Lê Thị Thùy Trang (Trường THPT Long Xuyên, An Giang) và ông Huỳnh Nguyễn Huy Phúc (nhân viên Điện lực An Giang) mỗi người 5 triệu đồng; cô Trang còn bị trường kỷ luật bằng hình thức khiển trách theo Luật Viên chức, ông Phúc bị cơ quan xử lý phê bình bằng văn bản trong toàn công ty; ông Phúc vì sử dụng tài khoản Facebook của vợ là bà Phan Thị Kim Nga (Phó Văn phòng Sở Công Thương) để bình luận, nên bà này cũng bị cơ quan kỷ luật cảnh cáo về đảng và chính quyền. Lý do xử phạt là vì những người này đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để bình luận: “ông chủ tịch này kênh kiệu, xa lánh dân nhất trong các thời chủ tịch An Giang”. Tại biên bản làm việc của Đoàn thanh tra Sở TT&TT An Giang cho rằng cô Trang vi phạm vì căn cứ Điều 5, khoản 1, điểm d Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, sử dụng internet...., nhưng trong quyết định xử phạt hành chính thì lại căn cứ vào điểm g, khoản 3, Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 về xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến.

Thông tin về sự việc này ngay lập tức được các facebooker cập nhật và chia sẻ, thu hút sự chú ý của dư luận. Các cơ quan truyền thông, báo chí nhanh chóng vào cuộc với nhiều bài phản ánh khách quan, truy xét từng ngóc ngách vấn đề; một số đại biểu quốc hội thẳng thắn lên tiếng; các luật sư phân tích cụ thể đúng - sai sự việc… Hầu hết các ý kiến đều tỏ ra bênh vực cô giáo Trang và ông Phúc. Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM cho rằng: “hành vi được quy định tại điểm G Khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính tần số viễn thông công nghệ thông tin và tần số vô tuyến là cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. Thông tin liên quan đến Chủ tịch tỉnh An Giang là công khai, có cơ sở và đã được công bố trên các phương tiện báo chí, truyền thông. Trang Facebook là trang mạng xã hội, việc chia sẻ, ý kiến về các thông tin đã được công khai không bị pháp luật cấm nếu nó phù hợp với đạo đức, thuần phong mĩ tục. Vì vậy, hành vi chia sẻ thông tin này của các công dân trên là hoàn toàn không trái quy định của pháp luật. Câu bình luận “nhìn cái mặt kênh kiệu” chỉ thể hiện quan điểm cá nhân, yêu hay ghét một người nào đó”.

Theo dõi vụ việc, nhiều người tỏ ra bất bình, bởi chỉ vì một câu nói mà có tới 16 cơ quan, tổ chức từ đảng đến chính quyền ở An Giang cùng vào cuộc xử lý. Vị Chủ tịch tỉnh thì khẳng định đó là do cơ quan chức năng tự làm, ông không chỉ đạo, không biết! Điều này khiến dân tình nghi ngại, tại sao các cấp chính quyền, các lãnh đạo luôn nói muốn nghe ý kiến, góp ý từ dân, nhưng với cách ứng xử “áp đặt” như vậy thì liệu họ còn dám nói? Và chẳng thấy hình ảnh của một cán bộ là công bộc của dân mà chỉ thấy lãnh đạo được “che chở” như quan vua thời trước.

Trước phản ứng gay gắt của dư luận xã hội, UBND tỉnh An Giang đã phải chỉ đạo rút lại các quyết định xử phạt đối với 3 cán bộ đưa ra trước đó. Động thái này một lần nữa cho thấy sức mạnh to lớn của truyền thông và cộng đồng xã hội. Song qua sự việc, một vấn đề rất đáng lưu tâm là về sự quan tâm, hiểu biết pháp luật của người dân ta còn khá hạn chế. Cả cô giáo Trang và ông Phúc đều nói rằng bản thân không nắm rõ quy định pháp luật về lĩnh vực thông tin và truyền thông, đây chỉ là sự vô tình, cả hai không hề có ý đưa thông tin xúc phạm danh dự, uy tín của cá nhân nào. Thế nên dù các cơ quan công quyền An Giang xử lý có mâu thuẫn, sai lệch, thì ông Phúc vẫn lặng lẽ nộp phạt, còn cô Trang thì lo sợ viết đơn xin “giảm án”…

Chúng ta đang xây dựng một xã hội dân chủ công bằng văn minh, trong đó trình độ dân trí người dân là một trong những cơ sở quan trọng. Người dân đủ hiểu biết để nhận thức được quyền hạn và trách nhiệm dân sự của mình, hoặc được tư vấn đầy đủ từ các cơ quan trợ giúp pháp lý, từ đó tự xem xét và mổ xẻ vấn đề ở nhiều khía cạnh khác nhau, để có thể biết cách bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Người dân hiểu biết về luật pháp sẽ là nền tảng vững chắc giúp hoàn thiện bộ máy chính quyền, thể chế để nhà nước pháp quyền phát huy hiệu lực, hiệu quả.

Vì thế, vụ "nói xấu lãnh đạo trên facebook bị phạt 5 triệu" là dịp để không chỉ người trong cuộc cần xem lại chính mình về mức độ hiểu biết và xử lý tình huống liên quan đến pháp luật. Tuy rằng học và hiểu luật thế nào là chuyện chưa dễ có câu trả lời trong một sớm một chiều!

 

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy