Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
03:41 (GMT +7)

Về “nhà mình”…

Tác giả (thứ 3 từ phải sang) nhận khen thưởng tại Hội nghị Tổng kết công tác Hội năm 2008

Vậy là Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Thái Nguyên 35 tuổi. 35 tuổi sung sức. 35 tuổi chín mọng, tràn đầy nhựa sống. 35 tuổi đoàn kết, thăng hoa. Hội là ngôi nhà chung ấm áp, gần gũi, thân thương, là chỗ dựa tin cậy - nơi anh chị em văn nghệ sĩ nuôi dưỡng đam mê và trưởng thành. Hội khích lệ, động viên hội viên sáng tạo. Hội là “bà đỡ” cho nhiều tác phẩm nghệ thuật và “dung nạp”, động viên những sáng tạo mang cá tính riêng biệt. Tôi tự hào là một thành viên trong ngôi nhà chung của Hội.

Nhớ lại những ngày cuối năm 2000, tôi được “diện kiến” nhà văn Ma Trường Nguyên đáng kính tại Trại viết Quân Khu 1 ở Hồ Núi Cốc. Nhà văn nói chuyện gần gũi, chân tình và cởi mở với những cây bút trong lực lượng vũ trang chúng tôi. Trong giây phút tâm tình ngắn ngủi đó, nhà văn trao đổi với tôi: “Cháu còn trẻ mà đã có truyện ngắn đăng trên báo trung ương và Tạp chí Văn nghệ quân đội thì quý quá. Cháu ở địa bàn Thái Nguyên thì nên tham gia sinh hoạt Hội VHNT tỉnh”. Thật sự ngày hôm đó, tôi mới biết ở Thái Nguyên nói riêng và các tỉnh khác nói chung đều có Hội VHNT, là nơi hội tụ các văn nghệ sĩ sáng tác về văn học nghệ thuật.

Nhớ lắm, một buổi sáng đầu thu năm 2002, nắng vàng trong vắt, tôi lạ lẫm, ngập ngừng trước cơ quan Hội VHNT tỉnh nộp hồ sơ xin vào Hội. Ấn tượng đầu tiên của tôi là nụ cười hiền lành ấm áp của nhà văn Ma Trường Nguyên cùng câu nói: “Chào cô bộ đội. Cháu vào đây”. Thấy tôi có phần bỡ ngỡ, rụt rè, nhà văn nhẩn nha: “Trước lạ sau quen, có gì đâu, cháu coi như đây là nhà mình”. Lúc ấy trong tôi dâng lên cảm giác bình yên, thân tình, gần gũi không có khoảng cách giữa chủ nhà và khách.

Tôi ngồi chưa ấm chỗ thì nhà văn Hồ Thủy Giang sang. Thấy tôi, anh hồ hởi: “Như Lan đấy à, số này đăng truyện ngắn “Sau những mùa trăng” của bạn đấy”. Anh động viên tiếp: “Viết khá đấy. Cố gắng sáng tác nhé”. Tuy rằng trước đó, tôi đã đăng khá nhiều truyện ngắn ở Báo Tiền phong, Tạp chí Văn nghệ Quân đội và được giải thưởng, vậy mà tôi vẫn thật sự háo hức và tự hào khi đón nhận “đứa con tinh thần” của mình được đăng tải trên “báo nhà”.

Thấm thoắt mới đấy mà tôi đã là hội viên có thâm niên 20 năm với những ái ố, hỷ, nộ trong đường đời và trong sáng tác. Mỗi lần đến cơ quan Hội, tôi luôn tâm niệm “Về nhà mình” – Ngôi nhà thứ hai.

Tôi có nhiều kỷ niệm khó phai mờ với các văn nghệ sĩ tỉnh nhà. Tuy nhiên, với nhà văn Ma Trường Nguyên, Chủ tịch Hội đó là kỷ niệm gắn bó sâu sắc đến cuộc đời cầm bút.

Dường như để động viên “lớp trẻ” như tôi, không vì cuộc sống mưu sinh, cơm áo gạo tiền mà sao nhãng say mê sáng tác, vào cuối năm 2003, nhà văn Ma Trường Nguyên đến thăm gia đình tôi. Trong câu chuyện với mẹ tôi, ông bộc bạch chân tình: “Chị à, cháu nhà chị sáng tác văn chương đậm bản sắc vùng miền. Truyện ngắn của nó vững vàng trên văn đàn”. Những tưởng Chủ tịch Nguyên nói thế, mẹ tôi sẽ phấn khởi, nhưng không, bà khoát tay: “Thôi thôi, chú ơi, chú nói chuyện khác đi, tôi là tôi không nghe chuyện văn chương, thơ phú. Tôi cấm nó sáng tác!”. Rồi bà ca cẩm: “Đàn bà con gái văn chương mơ mộng hão huyền, chỉ tổ hỏng người!”. Tôi bối rối, mặt đỏ bừng lên. Khuôn mặt hiền hậu của chú Nguyên thoáng ngạc nhiên, sửng sốt. Mặc chú cháu tôi lúng túng, mẹ tôi quay sang chú nói luôn: “Chú à, chú thương tôi thì chú khuyên nó từ bỏ văn chương đi. Trăm sự tôi nhờ chú đấy!”.

Hôm đó, tiễn chú Nguyên ra đến cổng, tôi thật sự thấy nản. Tuy nhiên, chú khẽ nói: “Mẹ cháu cực đoan với văn chương, nhưng cháu vượt qua khó khăn, tiếp tục đam mê sáng tác. Đừng từ bỏ…”. Sau này, như là cái duyên, gia đình chú chuyển về ở gần nhà tôi. Và, tôi thật sự biết ơn, bởi thi thoảng chú động viên, khuyến khích tôi vượt qua rào cản, đam mê sáng tác. Cũng từ tấm gương sáng tác không ngơi nghỉ, tâm huyết với nền văn học tỉnh nhà, nhìn vào sự “đồ sộ” của tiểu thuyết, trường ca, thơ… trong hành trình sáng tác của nhà văn Ma Trường Nguyên mà tôi cố gắng phấn đấu noi theo, để rồi tôi có ngày hôm nay đứng vững vàng trên văn đàn. Mãi mãi, từ trong sâu thẳm tâm hồn mình, tôi luôn ghi nhớ và biết ơn vị Chủ tịch Hội có phong cách gần gũi, nhân hậu, bao dung đó.

Đối với tôi, chặng đường tâm huyết, đam mê, phấn đấu và trưởng thành trên văn đàn, tôi thực sự cảm thấy mình may mắn và thầm biết ơn nhà văn Hồ Thủy Giang. Anh đã cho tôi động lực, năng lượng tích cực để sáng tạo và theo đuổi con đường nghiêm túc với văn chương. Có thể chuyện đó với nhà văn Hồ Thủy Giang chỉ là chuyện nhỏ, nhưng với tôi thì đó là bước ngoặt trong đại của chặng đường sáng tác.

Trong cái lạnh se sắt của mùa đông cuối năm 2005, văn nghệ sĩ hồ hởi “tay bắt, mặt mừng” đến dự Hội nghị tổng kết cuối năm. Dưới tán cây xanh trong sân trụ sở Hội, nhà văn Hồ Thủy Giang, sau nụ cười cởi mở và những cái bắt tay thân tình, anh nói với một số văn nghệ sĩ trong Chi hội Văn xuôi: “Sau này, nếu có hội viên Hội VNTN trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thì đó là Như Lan”.

Tôi ngạc nhiên vô cùng, nhưng trong tâm tư bỗng thoáng suy nghĩ “Hay là mình về làm hồ sơ vào Hội Nhà văn?”. Và ngay hôm sau, tôi điện thoại đường dây quân đội cho Đại tá, nhà văn Nguyễn Trí Huân và nhà văn Đào Thắng hỏi về cách thức làm hồ sơ. Tôi thật sự may mắn, bởi trong năm 2006, tôi vinh dự được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Đây là sự kiện lớn trong đời viết văn sáng tác của tôi. Nhà văn Hồ Thủy Giang là người đã gợi mở hướng đi thuận lợi, để tôi vững bước trong nghiệp “cầm bút, gieo vần”.

Còn nhiều lắm các anh chị văn nghệ sĩ trong ngôi nhà chung, nhất là Chi hội Văn xuôi, gắn liền tình cảm với tôi bao năm qua như các nhà văn: Phạm Đức, Minh Hằng, Nguyễn Văn, Phạm Quý, Phan Thái, Đỗ Dũng, Bùi Nhật Lai, Ngọc Thị Lan Thái… thực sự là những người anh, người chị, bạn văn mến thương ấm áp, ăm ắp tình đời, tình người, tình cảm yêu thương gia đình, để tôi luôn trân trọng ghi nhớ trong ký ức…

Văn học nghệ thuật vừa là tình yêu, niềm đam mê và trách nhiệm của mỗi văn nghệ sĩ. Khi được “đằm mình” trong “ngôi nhà Hội” cùng với các văn nghệ sĩ, tôi cảm nhận sự ấm áp, thân tình. Từ nơi đây, tôi và anh chị em văn nghệ sĩ ở khắp các huyện thành trên “quê hương gió ngàn” qua suy nghĩ, tình cảm cùng sự gắn bó với đời sống bà con nhân dân các dân tộc tỉnh nhà, thông qua sự tiếp cận thực tế, góc nhìn đã khắc họa rõ nét, dấn thân, nhập cuộc bằng tâm huyết, trí tuệ, tài năng, bản lĩnh nắm bắt, chuyển hóa cuộc sống vào trong sáng tác tác phẩm… qua đó góp phần tích cực thúc đẩy sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh giữ gìn bản sắc văn hóa, làm giàu thêm vốn tri thức về văn hóa văn nghệ, phát huy mạnh mẽ vai trò của văn học nghệ thuật của tỉnh Thái Nguyên, để tác phẩm bay cao, vươn xa, hướng tới mục tiêu hiện thực hóa khát vọng, phát triển Thái Nguyên ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Và với riêng tôi, mỗi lần đến Hội, tôi lại có cảm giác đang “về nhà mình”, bởi những tình cảm mến thân, thương quý…

Bùi Thị Như Lan

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy