Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
20:52 (GMT +7)

Về dòng phim Việt hóa

Nhiều năm gần đây, trên sóng của Đài truyền hình Việt Nam thường thấy xuất hiện loại phim mà kịch bản được Việt hóa từ các kịch bản nước ngoài. Khoảng hai thập kỷ trước là “Mùi ngò gai” (từ kịch bản Hàn Quốc), “Cô gái xấu xí” (từ kịch bản Columbia)… Gần đây hơn là “Người phán xử” (từ kịch bản Israel), “Cả một đời ân oán” (từ kịch bản Đài Loan) cùng một loạt các phim gốc từ Hàn Quốc như “Gạo nếp gạo tẻ”, và gần đây nhất là “Hương vị tình thân”.

Loại phim Việt hóa từ kịch bản một nước khác còn có tên gọi là “Phim làm lại” (remake). Từ ngày xuất hiện loại phim này trên các sóng truyền hình ở Việt Nam đã có rất nhiều ý kiến bàn luận, người khen, kẻ chê, thậm chí có khán giả còn phê phán khá nặng nề, coi đó là sự làm suy giảm nền văn hóa Việt… Nhìn chung mọi người đều cho rằng chỉ vì thiếu kịch bản mà các nhà sản xuất phải vay mượn kịch bản nước ngoài, như vậy là không thể chấp nhận được. Quan niệm như vậy thực ra mới chỉ đúng một nửa. Chuyện Việt hóa kịch bản không chỉ có ở nước ta mà đã là một loại hình xuất hiện từ lâu trên toàn thế giới và không phải không được coi trọng. Điện ảnh Mỹ đã từng có phim được làm lại từ phim “Vô gian đạo” của Hồng Kông, đoạt nhiều giải của Oscar…

Tuy nhiên, thấy cũng cần có những trao đổi để vấn đề được sáng rõ, công bằng hơn.

Không thể chối bỏ là loại hình phim làm lại ở Việt Nam (cả phim truyền hình lẫn phim điện ảnh) có một số phim đã mang lại những hiệu quả tốt về cảm xúc, giá trị văn hóa, thẩm mỹ và đặc biệt là doanh thu. Nhưng bên cạnh đó cũng có không ít phim bị khán giả và các nhà phê bình điện ảnh phê phán khá nặng nề về mặt tâm lí, lối sống, ứng xử văn hóa… không phù hợp với người Việt, từ đó dẫn đến cái hại nhiều hơn cái lợi…

Chung quy, cái cần bàn chính là tài năng và sự thiện tâm của các nhà làm phim. Nếu ý đồ làm phim chỉ xuất phát từ động cơ tiền bạc (doanh thu và nhuận bút) hoặc lười biếng trong sáng tạo, thích dựa dẫm vào cái có sẵn thì sự thất bại là phần chắc. Được biết, ở nhiều nước mỗi khi quyết định sản xuất một bộ phim làm lại, người ta thường rất kĩ lưỡng. Từ việc có một hội đồng nghệ thuật giám định cân nhắc bộ phim có nên làm lại hay không đến việc các biên kịch và đạo diễn phải nêu rõ lí do vì sao phim được làm lại, và phim sẽ có những tác dụng, tác hại thế nào…

Ở Việt Nam, thiết nghĩ, cũng nên làm như vậy. Nhà biên kịch phải là người am hiểu và tôn trọng văn hóa Việt để biết cái gì ở kịch bản gốc cần giữ lại, cái gì cần cắt đi hoặc sửa đổi, biến hóa sao cho những tình tiết, chi tiết, ngôn ngữ… phù hợp với người Việt. Về phía đạo diễn, nếu chỉ là sự sao chép cái đã có sẵn thì cũng là một nguy cơ không nhỏ. Thường thì chỉ với những bộ phim hay hoặc phù hợp của nước ngoài mới được các nhà làm phim Việt Nam chọn để Việt hóa. Tất nhiên là vậy. Tuy nhiên, lại có không quá ít những phim làm lại ở ta đã sa vào việc không những không giữ được cái tinh túy của phim gốc mà còn có sự “thêm bớt” tùy tiện làm phim yếu đi. Nghe nói, khâu “phản biện” trước khi làm phim ở ta không được quá coi trọng.

Về các mối lo ngại phim Việt hóa sẽ có những ảnh hưởng đến bản sắc văn hóa dân tộc, làm méo mó nhân cách người Việt, rơi vào tình trạng nô lệ văn hóa cũng là điều nên quan tâm. Thực ra, phim làm lại có mặt mạnh là sự giao thoa, cộng hưởng văn hóa toàn cầu. Nếu từ phim nước ngoài mà chúng ta tạo ra được những bộ phim “thuần Việt” nghiêm túc, không lai căng và có sự sáng tạo thì không phải chuyện đáng lo lắng. Có lẽ cái cần ở đây là sự quản lý chặt chẽ cùng những qui chế đầy đủ khi sản xuất loại phim Việt hóa chứ không phải sự “thả nổi”.

Nhưng quả vẫn có một điều đáng cân nhắc là các phim trên sóng truyền hình của ta trong nhiều năm nay có sự xuất hiện hơi nhiều loại hình phim làm lại. Có thật sự là do kịch bản Việt Nam đang trong tình trạng quá yếu và thiếu? Đã có những nhà văn và nhà phê bình điện ảnh nêu ra hiện tượng ở nước ta đã từng có những bộ phim mà kịch bản được chuyển thể từ các tác phẩm văn học trong nước đã đạt hiệu quả rất cao như: “Mùa lá rụng” (chuyển thể từ tiểu thuyết “Mùa lá rụng trong vườn”“Đám cưới không giấy giá thú” của nhà văn Ma Văn Kháng), “Sóng ở đáy sông” (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Lê Lựu), “Thương nhớ đồng quê”, “Những người thợ xẻ” (chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp)… Chuyển thể từ các tiểu thuyết trong nước có mặt lợi là phản ánh được cuộc sống trực tiếp, sôi động, gần gũi và chân thật của chính môi trường chúng ta đang sống. Tính giáo dục cũng như những cảm xúc thẩm mỹ sẽ có độ sâu hơn những phim làm lại. Với một nền móng tác phẩm văn chương một thế kỷ nay ở Việt Nam chẳng lẽ không thể đáp ứng cho việc sản xuất phim truyện trong nước? Bởi vậy, đã có nhiều kiến nghị rất đúng đắn là cần phải giảm bớt hoặc chỉ nên coi chuyện làm phim Việt hóa như một biện pháp chữa cháy… Hơn nữa, cũng cần lưu ý đến quan điểm người Việt dùng hàng Việt đã có từ nhiều đời nay. Chính từ quan điểm này mà nhiều thời kì đất nước ta đã mở ra những nền công thương vô cùng phát triển. Đó là những điều mà các nhà làm phim rất nên để tâm.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy