Chủ nhật, ngày 05 tháng 05 năm 2024
09:15 (GMT +7)

Về “con trước giá thú” và “con sau giá thú”

Chuyện gây rôm rả trên cộng đồng mạng ít ngày nay, bởi những người yêu nhiếp ảnh tạo nên, đã trở thành hai luồng tranh cãi, đối chọi nhau gay gắt, khiến nhiều người chú ý đến và cuốn cả giới báo chí chính thống vào cuộc. Những phỏng vấn, rồi những phản ảnh đã được nêu ra. Song dường như mọi thứ đó mới chỉ chờn vờn ở bên ngoài. Chưa đi sâu vào cốt lõi vấn đề thực tại của nhiếp ảnh nói chung và Nhiếp ảnh Việt Nam nói riêng.

Để tổ chức một cuộc thi, liên hoan ảnh đầy tốn kém, Ban tổ chức đã ra thể lệ thông báo công khai, rộng khắp trên mạng thông tin và báo chí. Xưa nay người tham dự gửi ảnh vẫn coi thể lệ của mỗi cuộc thi vừa mang nội dung chủ đề, cũng lại vừa là những định chế trách nhiệm ràng buộc với cả đôi bên, nhằm đảm bảo cho cuộc thi được thành công và người dự thi yên tâm, là sẽ được bảo lãnh quyền lợi về vật chất cùng tinh thần, khi đã tham dự một cách nghiêm túc.

Giá trị của nhiếp ảnh ngay từ khi ra đời, đã khiến cho Mỹ thuật phải ghen tị bởi tính trung thực ở một khoảnh khắc và giá trị ấy đã được định vị cho tới hôm nay. Bằng chứng là người ta có thể chỉ xem thoáng một bức ảnh trong vòng một giây, là đã hiểu vấn đề như khi phải đọc một bài viết dẫn giải mất cả mười phút (thực tế như bức ảnh “Em bé Napalm” của Nick Út, đã có giá trị bằng rất nhiều bài báo tố cáo tội ác chiến tranh).

Bản chất con người ta vốn sẵn tính cầu toàn. Chỉ một thời gian sau khi nhiếp ảnh ra đời, các nhà chuyên môn đã phát hiện ra những lỗi hay khiếm khuyết không thể tránh khỏi thường xảy ra trong các bước công việc: Chụp hình - tráng phim - in ảnh - sấy ảnh. Vậy là song song tồn tại với những nhà nhiếp ảnh, là lực lượng chỉnh sửa ảnh (tiếng Pháp: Retouche Photo) đi theo. Họ chỉnh sửa lỗi và tô màu cho cả phim và ảnh rất khéo léo, rất chuyên nghiệp. Khi công nghệ số phát triển thay thế dần kỹ nghệ truyền thống (phim - ảnh), thì lực lượng chỉnh sửa ảnh đã cao cấp hơn, nhờ những phần mềm Photoshop ngày một hoàn chỉnh và không ít người đã được đồng nghiệp ví như là những “phù thủy” chỉnh sửa ảnh.

Các hãng sản xuất thiết bị ghi hình chạy đua để nâng cấp thiết bị, đồng thời kéo theo các công ty sản xuất những đồ nghề hỗ trợ cho khâu chụp: chân chống, kính lọc màu, đèn rọi, máy tạo khói lửa, flycam… Khiến một nhà nhiếp ảnh chỉ sao lãng một thời gian ngắn mà không chịu bám theo, sẽ tự thấy mình tụt hậu.

Nhờ công nghệ không thôi người ta vẫn chưa thấy thỏa chí, nhiều người còn cho rằng “săn ảnh” là việc làm cũ kĩ, lỗi thời. Họ đến hiện trường để dựa vào đó bố trí con người (thậm chí cả đoàn người) cho hợp với ý đồ “sáng tạo”. Đi chụp ảnh mà dàn dựng như một hãng làm phim,… không tiếc tiền thuê mẫu, thuê quần áo, thuê thuyền và đạo cụ. Họ tính ra làm vậy sẽ chủ động hơn và còn rẻ hơn hẳn là bám trụ cả tuần để chờ đợi. Khi chán dựa vào bối cảnh thiên nhiên, họ lại nhờ vào ánh sáng nhân tạo để sáng tác trong phòng chụp...

Tác phẩm “Chúc mừng sinh nhật mẹ” đoạt giải Nhất cuộc thi Ảnh nghệ thuật Hà Nội năm 2021 hiện vẫn gây tranh cãi

Nhiếp ảnh đang thay đổi và các nhà nhiếp ảnh ở Việt Nam cũng không hề chịu kém cạnh để chạy đua. Trong khi các đơn vị đứng ra tổ chức những cuộc thi, làm triển lãm nhiếp ảnh ở trong nước lại thiếu đồng bộ nên trì trệ, chậm thay đổi. Không lường trước được những thuận lợi hoặc khó khăn do công nghệ đưa lại, hay do phương pháp sáng tác của các nhà nhiếp ảnh đã khác trước. Đặt ra những quy định trong thể lệ không hợp lý, sáo rỗng bị người tham gia gửi ảnh dự thi luồn lách, lợi dụng hay thậm chí còn thông qua những mối quan hệ thân tình mà dung túng “giật dây” ngược lên Hội đồng Giám khảo hoặc Ban Tổ chức. Trong một thông báo đôi khi có những thể lệ chồng chéo, dễ đẩy cả người tổ chức và người dự thi vào những tình huống có thể coi là vi phạm nhưng ít người để ý đến.

Xin lấy ví dụ như trong thông báo của các cuộc Liên hoan ảnh Khu vực năm 2021 thì những dòng đầu tiên là:

“- Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sáng tác và công bố các tác phẩm VHNT về đề tài “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

- Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới.”

Rồi sau đó mới là những mục “đề tài”, “thể lệ”, “tổ chức”… Khi xem một thông báo như vậy, thì người ta phải hiểu: Phần trên có giá trị bao trùm như “Hiến pháp” và phần dưới là những chi tiết tựa “Luật pháp” áp vào cho một hoạt động chung. Và vì đây là những cuộc thi có được sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí quốc gia, người ta không được phép coi cuộc liên hoan, triển lãm như một “cuộc chơi” đơn thuần nữa. Thiếu nghiêm túc là sẽ bị “tuýt còi” và hệ lụy có thể đến với người vi phạm. Điều này những người tổ chức và Hội đồng Giám khảo phải biết và thường xuyên có sự trao đổi với nhau. Khi cần thiết, Ban Tổ chức phải đủ quyền lực để bác bỏ một phần hoặc toàn bộ kết quả của Hội đồng Giám khảo.

Xung quanh những ý kiến phản ánh về kết quả của cuộc thi ảnh Hà Nội năm 2021 (đặc biệt là tác phẩm đoạt giải Nhất) thì đến nay người ta có thể khẳng định, rằng tác giả đã không vi phạm quy chế cuộc thi “… Không chấp nhận chắp ghép…” (vì nhờ có sự kiểm tra file gốc của Ban Tổ chức). Nhưng khi người ta dễ dàng nhận ra, là trong rất nhiều bức ảnh lọt vào triển lãm và ngay bản thân tác phẩm đoạt giải Nhất đã có sự bố trí, dàn dựng trước khi chụp. Ở góc độ chuyên môn, ai cũng hiểu sự dàn dựng là bắt chước thực tế, nhằm tái hiện lại một sự việc nào đó của cuộc sống. Là “diễn” và là “giả”! Về bản chất, thì làm “giả” trước khi chụp (nhờ set - up) và sau khi chụp (nhờ photoshop) thì vẫn chỉ có giá trị ngang nhau.

Nhưng thật trái khoáy: Các nhà quản lý nhiếp ảnh lại thiên vị cho việc làm “giả trước” và vùi dập việc làm “giả sau”! Điều đó chắc chắn không ai muốn, nhưng nó đã nói nên vấn đề gì? Người ta có thể khẳng định ngay: “Khả năng kiểm soát”! Và vì khả năng kiểm soát hạn chế, nên chúng ta đã để cho một mênh mông bất công tồn tại trong nghiệp ảnh. Các NSNA thỉnh thoảng vẫn nổi xung, khi ai đó dám động vào “đứa con tinh thần” của mình. Vậy cớ làm sao không có những động thái tích cực để phản đối cái chính sách vô lý khi chỉ khai sinh cho “những đứa con được thụ thai trước hôn nhân”, mà lại không chịu thừa nhận “những đứa con thụ thai sau hôn nhân” của một nghệ sĩ làm công tác sáng tạo?

Tình trạng này chắc chắn sẽ còn tiếp diễn, nhiếp ảnh dàn dựng trước khi chụp sẽ ngày một lấn át thứ nhiếp ảnh khoảnh khắc. Công nghệ sẽ đẩy nhanh và “nối giáo” cho thứ nhiếp ảnh đèm đẹp lên ngôi. Chẳng biết nên vui hay nên buồn, khi cảm nhận cái ngày người ta không còn tìm ra sự khác biệt giữa hội họa và nhiếp ảnh đang đến rất gần…

Sử dụng flycam chụp ảnh phong cảnh. Nguồn ảnh: internet

Những năm qua Hội NSNA Việt Nam đã tổ chức nhiều các lớp tập huấn công tác giám khảo. Và hỏi rằng các học viên ấy giờ đang làm gì và đi đâu cả rồi. Nhìn vào tỷ lệ những bức ảnh đoạt giải trong các cuộc thi gần đây, chúng ta thấy đám ảnh được dàn dựng trước và sau khi chụp đang chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm? Chỉ thấy những lời rì rầm, mỉa mai bên bàn cà phê. Rằng một “chuyên gia bàn phím” lại đi chấm ảnh báo chí. Một bậc thầy set - up, lại đi tuyển ảnh đời thường. Hoặc người chưa bao giờ động đến núm điều khiển, lại đi loại ảnh chụp bằng flycam. Đó là chuyện thực, hay hư đang tồn tại trong làng ảnh (?)

Vũ Kim Khoa

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy