Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
04:39 (GMT +7)

Văn nghệ Thái Nguyên – Cuộc đời tôi, sự nghiệp tôi

KỶ NIỆM 30 NĂM VĂN NGHỆ THÁI NGUYÊN XUẤT BẢN SỐ ĐẦU TIÊN (6/1991 - 6/2021)

VNTN - Tháng 11 năm 1992, tôi được nhận vào Hội Văn Nghệ Bắc Thái. Đứa sinh viên Sư phạm ra trường 2 năm chưa được đi làm, lơ ngơ học từng việc một. Vậy mà thoắt cái, đã 29 năm tôi gắn bó với nơi này…

Đúng năm tôi ra trường (1990) thì Sở Giáo dục không phân công công tác, gia đình phải tự đi xin việc. Ở nhà, chờ mãi chả có trường nào thiếu giáo viên, mẹ tôi cho đi học cắt may để kiếm sống. Những tưởng sẽ phải gắn bó với nghiệp “dao kéo” cả đời thì may, chú Chu Cường - Trưởng ban Tổ chức Chính quyền tỉnh Bắc Thái, do quý mến bố tôi nên đã “có ý kiến” với chú Hà Đức Toàn - Chủ tịch Hội Văn nghệ (hồi ấy toàn gọi thế) nhận tôi vào làm tạp vụ kiêm trị sự của Báo Văn nghệ Bắc Thái. Vậy là, tôi nhanh chóng trả quầy may, thanh lý hơn chục tấm vải, bê máy khâu về trả mẹ để rồi sáng sáng, đúng 6h30 phút đạp xe đến Hội quét nhà, rửa ấm chén, bắt đầu sự nghiệp của mình.

Hôm đến nhận việc, anh Nguyễn Khánh Hạ, Chánh văn phòng Hội giao nhiệm vụ cho tôi, vệ sinh phòng Chủ tịch Hà Đức Toàn, Phó Chủ tịch Hồ Thủy Giang và Phòng họp, đồng thời làm các công việc của Báo như: nhận bài vở, sửa bản đánh máy và quấn báo dán tem gửi đi.

 

Tấm ảnh đầu tiên chụp cùng cơ quan. Từ trái sang: Chị Nguyễn Thị Phương Châm, chú Hà Đức Toàn, tác giả, chị Minh Hằng và anh Nguyễn Thế Hòa. Ảnh chụp tháng 12 năm 1992.

Nhớ ngày đầu “công tác”, hôm ấy hình như chú Hà Đức Toàn đi họp. Sau khi đã quét nhà, rửa ấm chén tinh tươm phòng Chủ tịch, tôi tần ngần đứng nhìn vào chiếc giường cá nhân kê sau tủ tài liệu, được che đi một nửa bởi tấm ri đô kéo hờ, màn vẫn buông, chăn bông vẫn sõng soãi (chú Toàn ở ngay tại phòng làm việc vì vợ con vẫn ở trên quê). Tôi đứng một hồi mà không biết làm thế nào. Không gập chăn màn, thì sợ không hoàn thành nhiệm vụ, mà gập thì sợ phạm vào tội “xâm phạm đời tư”. Đắn đo mãi, tôi đành mon men sang phòng chị Nguyễn Thị Phương Châm, người tiền nhiệm công việc tạp vụ của tôi, hỏi. Chị cười bò ra: Em chỉ cần dọn sạch phía ngoài thôi, phía sau ri đô thì kệ “ông” ấy. Tôi thở phào, trong đầu vút qua một ý nghĩ: Thế chứ, ai lại cán bộ Nhà nước đến nhiệm sở mà phải gập chăn màn! Bài học đầu tiên của tôi là thế.

Tiếp đến việc “làm” báo, Thư ký Tòa soạn Nguyễn Minh Hằng, trao cho tôi quyển vở học sinh kẻ sẵn 5 cột: STT - Ngày nhận - Tác giả - Tác phẩm - Thể loại. Bài vở toàn do các hội viên trực tiếp mang đến Hội. Bản thảo viết tay trên giấy vở học sinh, các loại mực đen, xanh, tím, bút bi đủ cả. Tôi vào sổ, rồi chuyển cho chị Hằng, anh Nông Phúc Tước và chú Lê Thế Thành (Phó Tổng biên tập) biên tập. Mọi người biên tập xong, chuyển sang chú Hà Đức Toàn (lúc ấy kiêm luôn Tổng biên tập) duyệt. Chú duyệt bài nào thì kí vào góc trái phía trên, rồi chuyển cho chị Phương Châm đánh máy. Chị Châm đánh máy xong, giao lại cho tôi. Tôi ngồi đối chiếu bản thảo với bản chị Châm đánh máy xem có lỗi thì sửa, đồng thời đếm chữ (đối với văn xuôi) và đếm dòng (đối với thơ), sau đó liệt kê ra 1 tờ giấy và giao cho họa sĩ để vẽ maket. Đọc bản đánh máy xong là đọc bản in thử, gọi là sửa morat, anh Nông Phúc Tước yêu cầu tôi: Phải đọc thật chậm mới phát hiện ra lỗi, mỗi trang (khổ A4 bây giờ) phải đọc hết 5 phút. Đó là bài học vỡ lòng thứ hai.

 

Luôn nhận được những tình cảm ấm áp từ cơ quan trong những ngày đặc biệt. Trong ảnh: Chủ tịch Hội Triệu Văn Doanh (bìa phải) và các anh chị em chúc mừng sinh nhật lần thứ 39.

Có lẽ do đọc chậm, nên tôi nhớ được hầu hết tên bài, tên tác giả đã in trên Báo. Sau này khi tôi được giao thêm việc chi trả nhuận bút, mỗi lần hội viên đến là tôi lại nhớ ngay đến việc nhắc họ lấy nhuận bút. Các tác giả rất vui, vì ngoài việc có tiền đi mua rượu lạc về nhâm nhi tại Hội, còn cảm thấy mình được trân trọng hơn. Bây giờ thì Trị sự khó mà nhớ nổi, vì lượng bài vở quá nhiều, ngày xưa mỗi tháng chỉ có 8 trang mà thôi!

Được gần 1 năm thì Tổng biên tập giao cho tôi biên tập mảng Tạp văn, là những thứ vụn vặt, li ti của tờ báo. Học việc mà. Tôi vừa làm vừa học chị Minh Hằng cách biên tập, có lúc biên tập xong thì nhờ chị đọc hộ. Chị tận tình dạy tôi như chị gái dạy em. Thấy chị viết rất dễ dàng, đôi khi tôi cũng “hăng máu” viết một mẩu chả đâu vào đâu, rồi đọc cho chị Hằng nghe (hình như chị ấy phải nhịn cười ghê lắm). Tôi nhớ, hôm Hội tổ chức chúc mừng Đặng Vương Hạnh và Vũ Dạ Phương vừa được nhận giải cao tại Cuộc thi Tác phẩm Tuổi xanh của Báo Tiền phong, tôi lẳng lặng viết tin gửi sang Đài Truyền thanh thành phố và… nín thở đợi chờ. Hôm sau đi làm về, thấy trên loa đang phát tin của mình, ôi chao… mừng như bắt được của, nhưng cũng chả dám khoe với ai (may thế!). Bây giờ nghĩ lại, vẫn thấy vui như hồi ấy. Thế rồi dần dà, cứ theo chị Minh Hằng viết từ bài nho nhỏ đến gương mặt hội viên, rồi ghi chép… Đến năm 1994, Lớp Đại học Báo chí tại chức Bắc Thái khóa I chiêu sinh, tôi và chị Minh Hằng xin chú Toàn cho đi học, từ đó tôi biết thêm đến các thể loại bút kí, phóng sự, phỏng vấn, v.v.. Tôi cứ lặng lẽ học nghề bên cạnh chị Hằng, báo văn nghệ không sôi động như báo thời sự, nên hầu như tôi không phải chịu áp lực. Công việc cũng nhàn, nhân lúc truyền hình mới xuất hiện và rất có giá, chị Minh Hằng “lôi” tôi đi làm phim truyền thống cho các đơn vị kỉ niệm ngày thành lập. Kể cũng liều thật, chả biết gì về truyền hình mà dám nhận làm phim, nhưng đó cũng là cơ hội cho tôi học được nhiều điều. Sau những chuyến “đánh quả” ấy, chị em tôi rủ nhau sắm cho mình mỗi đứa 1 chiếc đồng hồ citizen chính hãng, tôi mặt vàng, chị Hằng mặt xanh. Không biết chị Hằng còn nhớ?

Đùng một cái, năm 1997 chị Minh Hằng chuyển sang Báo Thái Nguyên. Tôi hẫng hụt, có đôi chút giận dỗi vì cảm giác mình bị bỏ rơi. Chị Hằng vỗ về tôi: Chị sang trước, rồi em tìm cách sang sau nhé! Rồi, mấy lần tôi cũng “tìm cách” đi khỏi Hội, nhưng đều không thành. Lần thì do khách quan, lần thì là chủ quan. Lần cuối cùng cơ hội đến, tôi đã phải từ chối vì lúc đó bản thân không đáp ứng nổi. Và tôi bỗng ngộ ra, số phận đã gắn tôi vào nơi đây rồi. Kể từ đó, tôi không nghĩ đến việc rời xa nó nữa.

 

Tinh thần "Vì dân" luôn được VNTN quan tâm. Trong ảnh: Cùng TBT Nguyễn Thúy Quỳnh (bên trái) tác nghiệp tại Sảng Mộc, Võ Nhai, nơi lũ quét vừa tràn qua hôm trước tháng 9 năm 2012.

29 năm gắn bó với tờ báo của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, qua bốn đời Tổng biên tập, tôi được chứng kiến sự lớn lên của tờ báo và nhìn thấy những tâm huyết của lớp lớp tiền nhân và cộng sự. Đó là sự năng động, xông xáo của chú Hà Đức Toàn, sự chắc chắn của anh Hồ Thủy Giang, lối tư duy logic mà không kém phần văn nghệ của chú Lê Thế Thành, sự bao dung của chú Ma Trường Nguyên, sự mẫn cán, tỉ mỉ của anh Nông Phúc Tước, sự chăm chỉ, trách nhiệm của chị Minh Hằng và sự táo bạo, quyết liệt, dám làm dám chịu của chị Nguyễn Thúy Quỳnh… Nói đến chị Quỳnh, không thể không kể đến những “ngón nghề” của chị. “Đảm bảo chất văn học nghệ thuật nhưng không được xa rời cuộc sống”, “Nhân văn - Trí tuệ - Phát triển” và “Vì Dân” là mục tiêu, là phương châm và là tinh thần của Văn nghệ Thái Nguyên kể từ thời Tổng biên tập Nguyễn Thúy Quỳnh cầm trịch. Bởi thế, lần đầu tiên tờ báo văn nghệ địa phương này có những phóng sự dài kỳ dám động chạm đến những vấn đề “nóng” khiến một số nhân vật phải “cau mày”; Những ngóc ngách cuộc đời đã được ngòi bút văn nghệ tìm đến, điều đó khiến tờ báo nới dần biên độ độc giả và được các đồng nghiệp đồng tình, ủng hộ, làm nền móng của Văn nghệ Thái Nguyên ngày một chắc chắn hơn… Sau này, tôi còn được thấy những nỗ lực vượt lên bản thân của lớp đồng nghiệp trẻ. Tất cả những điều đó đều là những bài học bổ ích cho tôi, là những kinh nghiệm trong nghề báo của tôi.

Gần 30 năm ấy, sự nghiệp của tôi không rực rỡ thành quả như những đồng nghiệp cùng trang lứa. Tôi vẫn chỉ là một nhà báo bình thường, nhưng tôi hài lòng vì điều đó, bởi tôi biết sức mình đến đâu và mình nên làm gì. Sự nghiệp của tôi còn 6 năm nữa là hoàn tất, tôi thấy may mắn vì mình đã có một môi trường làm việc phù hợp. Không bon chen, không xô bồ, áp lực vừa đủ để bản thân phải vượt lên. Sự nghiệp ấy cũng chính là cuộc đời tôi, tổ chức ấy, những con người - đồng nghiệp ấy đã neo lại trong tôi tình cảm thân thương của một gia đình từ ngày tôi mới bước chân vào nghề.

Văn nghệ Thái Nguyên - cuộc đời tôi, sự nghiệp tôi ở đó.

Tháng 6/2021

Thu Huyền (Thư ký Tòa soạn)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy