Với tinh thần trách nhiệm, với mong muốn đóng góp tâm sức và trí tuệ cho quê hương, đất nước, các trí thức - văn nghệ sĩ Thái Nguyên đã chia sẻ nhiều tâm tư, tình cảm trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.
VNTN xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Cần nhìn thẳng và làm thật!
Nhạc sĩ Lê Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Thái Nguyên
Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, Đảng ta luôn nhận được một tình cảm tin yêu của toàn dân tộc và toàn thể quần chúng nhân dân nhiều thế hệ. Đảng là người chèo lái, là người đưa dân tộc thoát khỏi ách nô lệ, giải phóng dân tộc, xây dựng kinh tế, xây dựng cuộc sống mới. Rõ ràng, công lao của Đảng đối với toàn thể dân tộc là không gì có thể phủ nhận được.
Với cương vị là một nghệ sĩ, làm việc trong ngành văn hóa, tình cảm của tôi có lẽ cũng giống như những nghệ sĩ khác, rất biết ơn những công lao, sự dìu dắt chỉ đạo của Đảng với cả dân tộc nói chung và với những người làm văn hóa nghệ thuật nói riêng. Là một nhạc sĩ, tôi đã sáng tác rất nhiều tác phẩm ca ngợi công ơn của Đảng và Bác Hồ với quê hương, với dân tộc. Những ca khúc đó được tôi viết ra bởi sự biết ơn vốn có từ trong tâm thức. Tôi sống trong một gia đình có truyền thống, cả nhà là cán bộ nhà nước. Bố mẹ tôi là cán bộ cách mạng từ thời tiền khởi nghĩa, rồi tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ. Bản thân tôi và cả gia đình luôn tin theo Đảng. Dù vậy, trong tình hình hiện nay, phải thừa nhận rằng, với cá nhân tôi, những băn khoăn trăn trở là điều có thật.
Phải thẳng thắn nói rằng, đứng trước bối cảnh thay đổi cục diện trên toàn thế giới như hiện nay, vấn đề đảm bảo quốc phòng - an ninh toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và đặc biệt là xây dựng phát triển kinh tế để nâng cao đời sống người dân là một bài toán rất khó khăn. Đảng ta muốn làm tốt vai trò là người lãnh đạo thì trong giai đoạn tới phải giải quyết rất nhiều vấn đề, đặc biệt trong đó có vấn đề làm trong sạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo có chức có quyền trong Đảng - đây có lẽ là điều toàn thể xã hội hiện nay đang trông đợi. Biểu hiện của tệ tham nhũng, chạy chức chạy quyền trong xã hội hiện nay thì rất nhiều, nhưng việc phát hiện và làm rõ thì gần như là rất ít. Có một “nghịch lý” dễ nhận thấy: người dân thì nhìn ra, nhưng các cơ quan quản lí thì… dường như không biết (?). Hầu hết phần nhiều các vụ việc được phát hiện ra đều là do người dân. Cho nên theo tôi, vấn đề ở đây là chúng ta phải thực sự vào cuộc - để làm trong sạch bộ máy. Chỉ có như vậy mới lấy lại được niềm tin của nhân dân như thời chống Pháp, chống Mĩ - cái thời mà cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc, chỉ có cây gậy tầm vông, nhưng luôn sẵn sàng đi theo Đảng.
Một vấn đề nữa tôi thấy cũng rất cần đặt ra, đó là chuyện chế độ chính sách khi ban hành ra thường đã bị lạc hậu, đi sau và không theo kịp tình hình thực tế. Tôi cứ giả dụ về chuyện chi phí bồi dưỡng tập luyện cho các diễn viên, nghệ sĩ, cộng tác viên: thực tế phải chi hết 100 ngàn một ngày, nhưng tài chính quy định chỉ cho 20 ngàn. Vậy là phải tìm cách “chế biến”, từ 1 ngày phải làm giấy tờ khai lên 5 ngày để bù cho đủ .v.v… Như thế là vô tình đã bắt người ta nói dối… Cho nên, tôi nghĩ các chế độ chính sách cần phải được nghiên cứu sao cho sát với thực tế nhất, đáp ứng kịp với đòi hỏi của thực tế thì mới khả thi, hiệu quả.
Đó là chưa nói đến một băn khoăn khác: vấn đề trình độ năng lực chuyên môn nghiệp vụ của nhiều cán bộ công - viên chức trong các cơ quan nhà nước. Hiện nay, nhiều người không đủ khả năng, không đáp ứng được yêu cầu công việc của vị trí mình đang đảm nhiệm. Vấn đề này gây ra tình trạng rất trì trệ và kém hiệu quả trong nhiều công việc.
Hơn lúc nào hết, người dân đang thực sự trông đợi vào sự đổi mới của Đảng, vào một luồng gió mới, một sinh khí mới: nhìn thẳng và làm thật!
Chăm lo phát huy nhân tố con người, tạo động lực mới cho sự phát triển bền vững
Kỹ sư Phan Thái - Công ty CP Gang thép Thái Nguyên
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, với những cơ chế chính sách phù hợp, Thái Nguyên đã tập trung phát triển kinh tế - xã hội, thu hút nhiều dự án đầu tư lớn và có sự tăng trưởng ngoạn mục. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện.
Những thành tựu trên các lĩnh vực chúng ta đạt được là rất quan trọng và không ai có thể phủ nhận. Tuy vậy, bức tranh kinh tế xã hội của tỉnh dù đã khởi sắc, song vẫn chưa thật sự ấn tượng so với tiềm năng, lợi thế và truyền thống của quê hương cách mạng - Thủ đô gió ngàn, nơi từ thập niên 60 của thế kỷ trước từng được coi là cái nôi của ngành công nhiệp luyện kim Việt Nam.
Là người nhiều năm công tác trong ngành công nghiệp, tôi bày tỏ sự tin tưởng sâu sắc vào thành công của Đại hội và kỳ vọng thời gian tới, những chủ trương, định hướng lớn của Đại hội sẽ được triển khai một cách hiệu quả, góp phần củng cố và bồi đắp niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Tôi cho rằng trong giai đoạn hiện nay, việc xây dựng Đảng, nâng cao chất lượng đảng viên đang là một yêu cầu cấp thiết. Theo tôi, cần kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những người có biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống, quan liêu, tham nhũng, nói không đi đôi với làm, tư duy lợi ích nhóm, vô nguyên tắc trong mọi lĩnh vực hoạt động… làm giảm sút niềm tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Xây dựng nghị quyết của Đảng đã khó, đưa nghị quyết trở thành hành động thực tiễn trong cuộc sống lại càng khó hơn. Vì vậy, cần hết sức quan tâm chăm lo phát huy nhân tố con người, thực sự coi con người là động lực của sự phát triển và quyết định sự phát triển bền vững, tạo môi trường và điều kiện để con người phát triển toàn diện về nhân cách, đạo đức, thể chất, trí tuệ, tâm hồn. Có thể chú trọng vào một số vấn đề sau: Tổ chức nhiều hoạt động tôn vinh, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các hành động đẹp trong các tầng lớp nhân dân; Có các giải pháp ngăn chặn và đẩy lùi biểu hiện xuống cấp về đạo đức lối sống; Gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, bởi suy cho cùng thì nền tảng của văn hóa chính là con người; Quan tâm đầu tư để từng bước hoàn thiện thị trường văn hóa và sản xuất các sản phẩm văn hóa; Có các chính sách ưu đãi về đất, thuế, phí để huy động mọi nguồn lực xây dựng nhà ở xã hội phục vụ công nhân, sinh viên và các đối tượng có nhu cầu. Bên cạnh đó, với lợi thế nằm ở trung tâm vùng trung du và miền núi phía Bắc, tỉnh nên quy hoạch và ưu tiên đặc biệt cho các nhà đầu tư xây dựng khu công viên, nơi vui chơi giải trí lớn theo mô hình công viên Thiên đường Bảo Sơn (Hà Nội), Đầm Sen, Suối Tiên (TP. Hồ Chí Minh), Đại Nam (Bình Dương)… nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của nhân dân.
Đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo, theo tôi, bên cạnh chương trình giáo dục của ngành, cần tạo điều kiện về kinh phí - phương tiện đi lại để các nhà trường tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh các cấp học được tham quan các bảo tàng trong tỉnh và di tích lịch sử văn hóa (như ATK Định Hóa, không gian văn hóa chè Tân Cương) nhằm giáo dục lịch sử truyền thống của dân tộc và các thế hệ cha ông trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, cũng như những giá trị văn hóa tỉnh nhà.
Tôi tin tưởng, với kinh nghiệm và bản lĩnh chính trị đã được tôi luyện qua thử thách, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên khóa mới sẽ tiếp tục thu được những thành tựu to lớn hơn nữa, góp phần cùng với cả nước thực thiện thắng lợi công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Để dư luận trở thành yếu tố thúc đẩy chứ không phải sự cản trở
PGS.TS Dương Hồng Thái - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên
Những năm qua, Đảng bộ tỉnh đã quan tâm đến sự phát triển của nhiều thành phần xã hội, đặc biệt là giới trí thức. Ngành Y tế cũng rất được quan tâm.
Mặc dù Bệnh viện Đa khoa trung ương Thái Nguyên là bệnh viện trung ương đóng ở địa phương, nguồn kinh phí chủ yếu là của trung ương cung cấp, nhưng Tỉnh cũng vẫn rất quan tâm. Vừa qua, có một chính sách mà tôi cho là có ảnh hưởng lớn đến bệnh viện, đó là việc điều tiết lại số lượng thẻ bảo hiểm y tế, giúp cho nhiều người dân được đăng kí khám chữa bệnh ở bệnh viện này. Trước hết, điều này rất có lợi cho người dân. Đồng thời, nó cũng giúp cho chính bệnh viện có cơ sở để phát triển hơn. Nó còn giúp cho công tác đào tạo của chúng tôi có điều kiện phát triển hơn, vì mặt bệnh phong phú hơn thì sinh viên sẽ được tiếp cận những kiến thức đa dạng, thực tế hơn. Nếu chỉ tập trung vào những kĩ thuật cao siêu như mổ tim, ghép thận, đặt stent động mạch vành... mà không có những kĩ năng chăm sóc ban đầu, thì sau này sinh viên vào nghề sẽ không có đủ kiến thức thực tế rộng rãi để phục vụ nhân dân.
Như vậy, sự quan tâm tạo điều kiện ở đây không chỉ đơn thuần là việc đầu tư cơ sở vật chất, mà còn là một sự quan tâm hướng vào chiều sâu.
Tôi mong muốn Ban Chấp hành mới của Đảng bộ tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm đến sự phát triển của trí thức ngành y tế, có những chỉ đạo sâu sát, kịp thời với các bệnh viện trên địa bàn (Thái Nguyên hiện có 1 bệnh viện trung ương, 3 bệnh viện tuyến tỉnh, 6 bệnh viện chuyên khoa). Tôi cũng đề nghị Tỉnh có cách thức đầu tư hợp lí, làm sao cho các bệnh viện được phát triển chung một cách đều đặn, liên tục và tương đối đồng đều với nhau. Đồng thời cũng cần định hướng để các bệnh viện tỉnh phát triển theo các chuyên ngành như sản-nhi, bệnh nghề nghiệp… để không chồng chéo về chức năng, từ đó phục vụ nhân dân được tốt hơn. Tôi cho rằng yêu cầu cấp thiết là những khoa học kĩ thuật mới phải được đầu tư phát triển. Muốn làm tốt điều này, cần đặc biệt chú ý ở việc đưa ra những phương án để tháo gỡ những khó khăn gò bó về mặt cơ chế.
Bên cạnh đó, tôi cũng rất băn khoăn về vấn đề thông tin báo chí và dư luận. Hiện nay đang diễn ra tình trạng: trước một sai sót nhỏ của cán bộ nhân viên ngành y tế, báo chí và dư luận thường có xu hướng thổi phồng vấn đề, đưa thông tin một cách phiến diện, chĩa những “gai góc” về phía ngành y tế. Chúng ta cần phải công bằng hơn. Tất nhiên, có lỗi thì cần phê phán, nhưng phải phê phán một cách đúng mực để tiến bộ, chứ đừng dè bỉu, vùi dập đến mức khiến cho người dân quay lưng lại với ngành y. Chúng ta đừng mặc định rằng ngành y là không được phép sai sót, không được phép có lỗi. Trong một số trường hợp, có những người đặt ra sự đòi hỏi quá đáng đến mức vô lí đối với y tế. Đây là những điều cần phải xem lại. Tôi rất mong Đảng có những định hướng cho thông tin báo chí về vấn đề này, để chúng ta có cái nhìn công bằng cho ngành y, để sự quan tâm của báo chí dư luận trở thành yếu tố thúc đẩy chứ không phải sự cản trở.
Tôi cũng thấy, cần phải có chính sách để thu hút nhân tài, nhân lực cho các địa phương vùng sâu, vùng cao. Một số nơi như Định Hóa, Võ Nhai hiện nay đang rất thiếu bác sĩ. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa, phục vụ, khiến cho người dân chưa yên tâm, chưa tin tưởng vào y tế ở địa phương mình. Chỉ có chính sách luân phiên bác sĩ ở tuyến trên về vẫn là chưa đủ. Chúng ta cần có những chính sách chi tiết hơn, cụ thể hơn để giải quyết vấn đề này.
Mơ ước Thái Nguyên sẽ là không gian văn hóa trung tâm của cả vùng Việt Bắc
Nhà thơ Võ Sa Hà - Chi hội Nhà Văn việt Nam tại Thái Nguyên
Văn nghệ sĩ cũng là con người, vẫn phải sống như mọi người bình thường khác. Có đến 99% văn nghệ sĩ Thái Nguyên là viên chức Nhà nước, cuộc sống chủ yếu dựa vào đồng lương từ ngân sách. Vì vậy, các Đại hội Đảng bộ của tỉnh đều được văn nghệ sĩ đặc biệt quan tâm. Những người lãnh đạo cao nhất của tỉnh, những người lãnh đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh và các Đại biểu trong Đại hội sẽ đưa ra những quyết sách để phát triển kinh tế văn hóa xã hội trong 5 năm tới cho tỉnh. Quyết sách đó ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống tinh thần và vật chất của mọi người dân Thái Nguyên, trong đó có tầng lớp văn nghệ sĩ.
Do đó, tôi luôn kì vọng vào thành công tốt đẹp của Đại hội, tin tưởng các Đại biểu sẽ lựa chọn được những con người chân chính, tài năng và tâm huyết để lãnh đạo tỉnh ta phát triển toàn diện, trở thành một trong những tỉnh giàu có của đất nước, cuộc sống của nhân dân ngày càng no đủ, yên ấm, vui tươi.
Tôi mơ ước tỉnh Thái Nguyên của ta sau 5 năm nữa sẽ là một không gian văn hóa trung tâm của cả vùng Việt Bắc, là một trong những miền quê hội tụ những giá trị nhân văn đẹp đẽ của dân tộc.
Mong sao các cấp lãnh đạo trong tỉnh quan tâm hơn nữa đến đội ngũ văn nghệ sĩ, tiếp tục khơi mở những nguồn cảm hứng sáng tạo mới, đưa nền văn học nghệ thuật Thái Nguyên phát triển mạnh mẽ, vừa truyền thống vừa hiện đại, đậm đà bản sắc Thủ đô Gió ngàn yêu quý của chúng ta.
Tôi nghĩ, nếu Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên được tỉnh tài trợ, mở các cuộc thi văn học nghệ thuật, các lễ hội văn hóa của khu vực Việt Bắc, đủ sức hấp dẫn đội ngũ nghệ sĩ ở các tỉnh về tham dự thì điều đó sẽ nâng tầm văn hóa của quê hương Thủ đô Gió ngàn của chúng ta. Hoặc cũng có thể đầu tư chiều sâu để xuất bản những tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng cao, có hình thức đẹp về mảnh đất con người Thái Nguyên qua các giai đoạn lịch sử. Điều đó cũng góp phần quảng bá những giá trị tinh thần đặc sắc của quê hương Thái Nguyên đến với mọi miền đất nước. Tôi cho rằng đã đến lúc các cấp lãnh đạo tỉnh chỉ đạo Hội Văn học nghệ thuật xây dựng một chiến lược phát triển nền văn học nghệ thuật tỉnh nhà qua từng chặng đường như: 5 năm, 10 năm, 20 năm… và có lẽ cũng cần nâng mức giải thưởng văn học nghệ thuật 5 năm của tỉnh cho xứng đáng với điều kiện kinh tế xã hội và tính chất địa văn hóa, địa chính trị đặc biệt của Thái Nguyên.
Với tư cách một nhà thơ, tôi luôn trăn trở, tìm tòi sáng tạo mới, mặc dù càng lúc càng khó khăn. Nhưng tôi sẽ luôn cố gắng. Tôi nghĩ, mỗi người cố gắng một chút, sống tốt hơn một chút thì chắc chắn sự nghiệp chung sẽ phát triển tốt đẹp.
Văn học nghệ thuật góp phần xây dựng nhân cách con người Việt Nam mới
Nhà văn Nguyễn Văn - Chi hội Văn xuôi, Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên
Đọc Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, sẽ trình bày tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, tôi thấy mình có nhiều cảm xúc. Tôi rất vui, vì từ sau Đại hội lần thứ XI của Đảng, đất nước ta đứng trước rất nhiều khó khăn, cả chủ quan và khách quan, nhưng chúng ta đã không suy sụp, trái lại còn đứng vững và tạo được lợi thế cho những năm tới. Trung ương nhận định: “Nền kinh tế vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, quy mô và tiềm lực được nâng lên; kinh tế vĩ mô dần ổn định, lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng kinh tế…vẫn đạt tốc độ khá và có chiều hướng phục hồi...”. Rõ ràng, trong bối cảnh khó khăn chồng chất, thì việc đạt được kết quả về kinh tế như trên là thành quả quan trọng. Đây là điều kiện để thúc đẩy và cải thiện những mặt khác trong những năm tới.
Tuy nhiên, trong khi kinh tế đạt nhiều thành quả, thì xã hội lại đang đứng trước một hiện thực đáng lo ngại. Đó là “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí,... chưa được ngăn chặn và đẩy lùi. Tội phạm và tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp; đạo đức xã hội có mặt xuống cấp. Dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được phát huy đầy đủ; kỷ cương, phép nước chưa nghiêm” (Dự thảo Báo cáo Chính trị của BCH TƯ khóa XI). Phải nói thật rằng, những ai đã sống trong những năm tháng “nhạt muối vơi cơm miệng vẫn cười”, những năm tháng “ra ngõ gặp anh hùng”, đến đâu cũng thấy lòng nhân ái, cũng thấy niềm vui… thì cái hiện thực nói trên, đã trở thành điều nuối tiếc và lo lắng của họ. Vậy là chúng ta đã mất đi nhiều giá trị tinh thần, mà dân tộc ta đã phải một thời dầy công gây dựng mới thành. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó hẳn là có sự hạn chế của hoạt động văn học - nghệ thuật.
Những năm qua, như tôi biết, thì hoạt động văn học - nghệ thuật Thái Nguyên đã đạt được những thành công đáng khích lệ. Có được những thành công đó là nhờ có đường lối văn hóa - văn nghệ của Đảng, mà trực tiếp là sự quan tâm lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền tỉnh nhà. Tuy nhiên, lĩnh vực văn học - nghệ thuật, với trách nhiệm là góp phần xây dựng nhân cách con người Việt Nam mới, cũng đang đứng trước những vấn đề cần được Đảng và Nhà nước quan tâm hơn nữa.
Nhân dịp Đại hội lần thứ XIX của Đảng bộ tỉnh, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, mong rằng Đảng tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo đối với lĩnh vực văn học - nghệ thuật. Cụ thể là, Đại hội cần thảo luận và có những chủ trương cụ thể hơn về hoạt động văn học - nghệ thuật, tạo ra một sự chuyển biến mới trong lĩnh vực này; sau Đại hội, cấp ủy Đảng và chính quyền cần dành thời gian nghe Hội Văn học nghệ thuật các cấp báo cáo và cho ý kiến về hoạt động của Hội. Mặt khác, cần tạo thêm những tiền đề, điều kiện cho họ trong hoạt động.
Nhân dịp này, tôi xin chúc Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh và Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng thành công tốt đẹp.
Lấy tiêu chí giáo dục đạo đức, nhân cách học sinh làm nền tảng
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Quốc Hòa - Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An
Nói về vấn đề đạo đức, nhân cách, nhiều người thường “lo lắng” rằng thế hệ trẻ bây giờ khác trước, không được như ngày xưa. Tôi cho rằng đánh giá như thế là chưa công bằng, cho nên cần có một cái nhìn khách quan hơn về điều này.
Quả thực thế hệ trẻ ngày nay có những điểm thuận lợi hơn mà ai cũng nhìn thấy: điều kiện sống và điều kiện học tập; sự quan tâm của xã hội; sự hiểu biết của chính giới trẻ .v.v.. Nhưng bên cạnh đó thì họ cũng lại có những khó khăn khác với thế hệ trước. Đó là các vấn đề: áp lực, đòi hỏi trong học tập rất cao; cái tôi cá nhân của giới trẻ bây giờ rất lớn, khiến nhiều người trẻ khó làm chủ chính mình để cân bằng bản thân và hòa đồng với xung quanh; xã hội bây giờ phức tạp hơn, cái tiêu cực dễ nhiễm vào giới trẻ khi các em chưa được định hướng tốt.
Trước một tình hình khó khăn phức tạp như vậy, cần thiết một phương pháp tốt nhất từ người lớn, tức là từ gia đình đến nhà trường và xã hội, nhưng chúng ta lại đang thiếu điều này.
Với trường THPT Chu Văn An, Chi bộ và Ban giám hiệu luôn lấy tiêu chí giáo dục đạo đức, nhân cách làm nền tảng.
Trước tiên, nhà trường chú trọng giáo dục truyền thống. Chúng tôi luôn nghĩ, học sinh đến trường phải tự hào về trường Chu Văn An - một điểm sáng của giáo dục tỉnh nhà. Cổng trường chúng tôi đặt khẩu hiệu: “Hôm nay tôi tự hào về trường, ngày mai trường tự hào về tôi”. Chúng tôi mong muốn đó thực sự trở thành phương châm sống của cả Thầy và Trò nhà trường. Các thầy cô thực sự xúc động khi đọc được dòng chia sẻ của một cựu học sinh nhắn nhủ tới các em học sinh: “Hôm qua mình đi đến ngã tư, mình thấy một số học sinh mặc áo đồng phục trường Chu Văn An nhưng lại vượt đèn đỏ. Mình thấy rất buồn, mình nghĩ rằng các bạn ấy nếu muốn vượt đèn đỏ thì cởi đồng phục nhà trường ra”. Những câu chuyện như thế tạo ra sự tự giáo dục trong chính các thế hệ học sinh.
Bên cạnh đó là vấn đề tình đoàn kết song hành với kỷ cương. Không phải là cái gì rộng lớn chung chung, mà thực chất nó đi vào những thứ rất cụ thể. Chúng tôi luôn nói điều đầu tiên với học sinh khi bước vào trường: thầy cô như là bố mẹ, và các em phải là anh em của nhau. Chúng tôi cũng chú trọng tới việc rèn cho các em tính tự lập, tự quản. Để duy trì kỉ cương nền nếp, một điều rất quan trọng là phải có kỉ luật nghiêm. Chúng tôi vẫn luôn khẳng định với học sinh: các em đi đâu, làm gì ở bên ngoài, nếu vi phạm thì về trường thầy cô vẫn sẽ kỉ luật, chứ không phải chỉ những việc xảy ra trong trường. Khi giải quyết một vấn đề của học sinh, chúng tôi tìm đến tận căn nguyên để hiểu bản chất sự việc. Phụ huynh tìm thấy sự tin cậy ở nhà trường và thầy cô, họ cảm ơn vì thấy thầy cô đã nói thay họ để giúp con họ tốt hơn. Chúng tôi còn phối hợp chặt chẽ với chính quyền, công an, tổ dân phố. Đây là lực lượng giúp nhà trường phát hiện và giải quyết rất kịp thời các vấn đề đối với học sinh.v.v...
Song song với đó, nhà trường luôn nỗ lực tạo ra một môi trường sinh hoạt, một diễn đàn giáo dục kĩ năng sống với tiêu chí lành mạnh và cuốn hút. Chúng tôi có hệ thống 11 câu lạc bộ với rất nhiều hoạt động sinh động được tổ chức. Tham gia những hoạt động đó, các em nhận được nhiều điều mà chỉ có trải nghiệm mới thực sự hiểu được. Không chỉ có thầy cô - bố mẹ - người lớn giáo dục các em, mà ở mức cao hơn, các em tự nhận thức, tự giáo dục. Và khi được tạo ra môi trường, được bồi đắp về nhận thức, được thắp lên mong ước, các em sẽ tập trung phấn đấu cho học tập nhiều hơn, tốt hơn.
Giáo dục đạo đức, nhân cách học sinh là chuẩn bị nền tảng con người. Để làm tốt điều này, tôi nghĩ cần sự tận tâm của người làm công tác giáo dục, cần phương pháp đúng đắn khoa học, và cần sự kết hợp đồng hành của cả một hệ thống. Chúng tôi mong rằng, vấn đề giáo dục thế hệ trẻ, giáo dục con người sẽ tiếp tục được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm, coi đó như một nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong chiến lược phát triển.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...