“Văn học nghệ thuật góp phần xây dựng văn hoá, con người mới”
VNTN- Đó là tên cuộc hội thảo do Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh đăng cai tổ chức sáng 15/7, tại Trung tâm Văn hoá Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh.
Dự Hội thảo có PGS, TS - Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Tỉnh uỷ Bắc Ninh, các văn nghệ sĩ đại diện cho giới sáng tác của Hội VHNT Bắc Ninh, cùng 9 Hội VHNT trong Nhóm VB 7+2 gồm các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang và Quảng Ninh. Hội VHNT Thái Nguyên do nhà thơ Nguyễn Thuý Quỳnh làm trưởng đoàn đã đến dự và đóng góp tham luận tại Hội thảo.
“Văn học nghệ thuật góp phần xây dựng văn hoá, con người mới” mà Ban Tổ chức lựa chọn cho Hội thảo lần này đã chứng tỏ sự cần thiết và vị trí, vai trò, đóng góp của văn học nghệ thuật trong việc đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước. Ở đây, con người vừa là chủ thể giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển mà phát triển văn hoá, con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới. Điều này không mới mà đã được khẳng định trong suốt quá trình lãnh đạo Đảng ta: Văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị; Trọng tâm của việc xây dựng văn hoá là xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, nhân văn.
Các tham luận đã tập trung giải quyết cơ bản các vấn để mà Hội thảo đề ra như: “Nâng cao vai trò Văn học nghệ thuật trong việc phát huy giá trị Văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” của Hội VHNT tỉnh Cao Bằng; “Trách nhiệm văn nghệ sĩ trong xây dựng và phát triển văn hoá, con người đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới” của Hội VHNT Bắc Giang; hay “Tạp chí Người Kinh Bắc đẩy mạnh tuyên truyền về văn hóa và xây dựng con người mới” của Hội chủ nhà Bắc Ninh, đã nêu được những vấn đề: đội ngũ văn nghệ chúng ta đã làm gì, làm như thế nào để sáng tác, sáng tạo các tác phẩm VHNT nhằm khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu quê hương, đất nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hoá, sức mạnh và tinh thần cống hiến của nhân dân và đồng bào các dân tộc ở mỗi tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực của giới sáng tác nói chung, không phải không còn những băn khoăn, trăn trở của những người làm công tác quản lý trên lĩnh vực VHNT. Tham luận của nhà thơ Nguyễn Thuý Quỳnh, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên đã được Hội thảo đánh giá cao bởi sự xâu chuỗi giữa quá khứ và hiện tại với những nhận diện, đánh giá xác đáng về thực trạng hoạt động VHNT hiện nay ở địa phương và một số giải pháp mang tính chiến lược để VHNT phát huy được vai trò của mình trong đời sống. Tham luận có đoạn: “Nhân cuộc gặp mặt này, chúng tôi cũng chia sẻ suy nghĩ của mình về việc thực thi quan điểm “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” của Đảng mà trực tiếp là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã quán triệt trong toàn bộ hệ thống chính trị.
Có thể nói, kinh tế của các tỉnh trong khu vực VB7 + 2 hiện nay ở những mức độ khác nhau đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào. Nhưng văn hóa, văn học nghệ thuật, nhìn từ một địa phương đến cả một vùng rộng lớn mang tên Vùng văn hóa Đông Bắc - như một cách phân loại của các nhà nghiên cứu văn hóa - thì hầu như chưa được đầu tư phát triển tương xứng. Ai cũng thấy rõ rằng, nếu không chú ý để làm sao cho văn hóa phát triển bắt kịp với đời sống kinh tế thì sẽ hết sức nguy hiểm. Khi kinh tế tăng trưởng nhanh mà đời sống văn hóa tinh thần không bắt kịp sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề, dẫn đến rối loạn kỷ cương, đạo đức, trật tự xã hội.
Để xảy ra tình trạng như vậy, có lỗi của hệ thống lãnh đạo quản lý xã hội.
Chúng tôi vẫn nói với nhau rằng, mỗi văn nghệ sĩ phải là một nhà văn hóa thì mới gánh vác được sứ mệnh trước nhân dân. Chúng tôi cũng mong rằng mỗi đồng chí lãnh đạo, mỗi cán bộ tham mưu của Đảng vừa là trí thức vừa là một nhà văn hóa. Để mỗi chủ trương, quyết định, mỗi chính sách được thực thi vừa thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, vừa thấm đẫm các giá trị văn hóa, nhân văn, mỗi hoạt động thực tiễn trong phát triển kinh tế và xây dựng hệ thống chính trị các tỉnh đều là quá trình thực hành văn hóa ở cấp độ chuẩn mực. Được như vậy, văn hóa sẽ thực sự trở thành cốt lõi trong sự phát triển bền vững của cả khu vực Đông Bắc chúng ta”.
Mong mỏi của Hội VHNT Thái Nguyên chắc chắn không chỉ là mong mỏi của Nhóm VB7+2 mà còn là niềm mong mỏi của các Hội VHNT trên cả nước. Vấn đề là phải làm thế nào để VHNT từng bước đạt được những điều chúng ta đặt ra, chắc chắn không thể thiếu sự phát huy nội lực của từng Hội địa phương, nhưng cũng cần sự gắn kết chung tay của cả Nhóm để sớm đạt được mục tiêu đề ra như chính tên gọi: Nhóm Hợp tác và Phát triển VHNT.
Đánh giá cao hoạt động nói chung của Nhóm, nhất là chương trình Hội thảo này, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp Hội VHNT Việt Nam đã bày tỏ sự tin tưởng về những hoạt động mang tính chuyên môn của Nhóm VB7+2 sẽ mang lại hiệu quả trên hành trình phía trước. Nhạc sĩ nhấn mạnh: “Các tham luận là một sự tổng hợp đầy đủ, đúng thực trạng của các địa phương với những thuận lợi, khó khăn trước mắt và những quyết tâm vượt qua những khó khăn đó. Tôi tin rằng, với sự quyết tâm đó, sẽ là động lực để chúng ta đạt được mục tiêu VHNT thực sự cần thiết, mang lại những giá trị nhất định trong việc chấn hưng và phát triển đất nước”.
Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, các văn nghệ sĩ đã được tham quan một số danh thắng của vùng đất Kinh Bắc như: Đền thờ Vua Bà Thuỷ tổ Quan họ; Cụm di tích Đền Cùng - Giếng Ngọc, Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, để hiểu thêm về Di sản Văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO vinh danh.
Hội thảo là hoạt động thường xuyên trong Chương trình Hợp tác và Phát triển VHNT của các Hội VHNT thuộc nhóm VB 7+2. Lần Hội thảo tiếp theo sẽ diễn ra vào năm 2024, do Hội VHNT Thái Nguyên đăng cai tổ chức.
Thu Huyền
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...