Chủ nhật, ngày 22 tháng 09 năm 2024
03:14 (GMT +7)

Văn hóa sử dụng ngựa ở Việt Nam và Châu Á

VNTN - Ngựa là động vật được sử dụng nhiều nhất trong cuộc chiến tranh từ thời cổ đại đến hiện đại ở châu Á cũng như ở Việt Nam. Từ sau chiến tranh thế giới thứ hai (1945) thì xe cơ giới và tàu hỏa đã thay thế vai trò của ngựa trong vận chuyển quân và vũ khí. Và ít người biết ngựa cũng đóng góp không nhỏ trong việc đánh thắng giặc trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử “vang vọng năm châu, chấn động địa cầu”.


Những vị tướng Việt trên lưng ngựa

Lịch sử nước ta ngựa đã đi vào truyền thuyết, từ thời Hùng Vương đã biết đến ngựa. Ngựa là vật cưỡi của Thánh Gióng (Phù Đổng Thiên Vương) đại phá giặc Ân. Sử sách có chép về chuyện này như sau: Giặc đã đến chân núi Trâu. Thế nước rất nguy, người người hoảng hốt. Vừa lúc đó, sứ giả đem ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt đến. Chú bé vùng dậy, vươn vai một cái bỗng biến thành một tráng sĩ mình cao hơn trượng, oai phong lẫm liệt. Tráng sĩ bước lên vỗ vào mông ngựa. Ngựa hí dài mấy tiếng vang dội. Tráng sĩ mặc áo giáp, cầm roi nhảy lên mình ngựa. Ngựa phun lửa, tráng sĩ thúc ngựa phi thẳng đến nơi có giặc, lao vào thiên binh vạn mã toát lên bá khí cường liệt dị thường, giặc chết như rạ. Bỗng roi sắt gãy. Tráng sĩ bèn nhổ những cụm tre cạnh đường quật vào giặc. Giặc tan vỡ. Ðám tàn quân giẫm đạp nhau chạy trốn, tráng sĩ đuổi đến chân núi Sóc (Sóc Sơn). Thánh Gióng về nhà dập đầu lạy mẹ, tạ ơn công nuôi dưỡng sinh thành rồi lên đỉnh núi Sóc Sơn cưỡi ngựa bay về trời.

Người ta kể rằng những bụi tre đằng ngà ở huyện Gia Bình vì ngựa phun lửa bị cháy mới ngả màu vàng óng như thế, còn những vết chân ngựa nay thành những hồ ao liên tiếp. Khi ngựa thét lửa, lửa đã thiêu cháy một làng, cho nên làng đó về sau gọi là làng Cháy.

Cùng với chiều dài lịch sử, ngựa cũng đã cõng trên lưng không biết bao nhiêu anh hùng chiến sĩ nước ta xông pha trận mạc. Như vào thời nhà Trần, trong chiến tranh với Mông Cổ, bên cạnh voi và thuyền thì ngựa cũng được sử dụng rộng rãi, đặc biệt là dành cho các viên tướng. Sử cũ còn chép lại viên tướng Lê Phụ Trần trong một trận kịch chiến đã một mình một ngựa lao vào trận địa kỵ binh của quân Mông Cổ và sắc mặt vẫn thản nhiên như không. Hay sau đó Vũ Vương Hiến (Trần Quốc Hiến) dùng kỵ binh truy kích và bắn chết tướng A Bát Xích của Mông Cổ.

Sau này vị vua Trần Duệ Tông cũng nổi danh là ông vua xông pha trận mạc trên lưng ngựa và chết anh dũng tại sa trường. Bởi vậy, hình ảnh “da ngựa bọc thây” là hình ảnh đẹp nhất của các chiến sĩ trên sa trường.

Trong ảnh là Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang cưỡi ngựa thị sát mặt trận tại Chiến dịch Trần Hưng Đạo (Hay có tên gọi khác là chiến dịch Trung du,một trong ba chiến dịch lớn trong Đông  Xuân 1950 - 1951).

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ ở nước ta, vì điều kiện khó khăn tại chiến khu Việt Bắc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường xuyên lên lưng ngựa đi thực thi nhiệm vụ của Đảng và Bác Hồ giao phó.

 Chẳng hạn, vào 11h ngày 2/9/1947, kỷ niệm Quốc khánh lần thứ ba, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cưỡi ngựa đến thăm Đài Tiếng nói Việt Nam tại chiến khu Bắc Kạn. Tại đây, Tổng tư lệnh đã trực tiếp đọc nhật lệnh truyền đến đồng bào, chiến sỹ cả nước và thế giới. Ngựa cũng là vật cưỡi của Đại tướng trong các chiến dịch như tại chiến dịch Thu Đông 1947, chiến dịch Biên giới 1950, chiến dịch Trần Hưng Đạo (hay chiến dịch Trung du)… Những con ngựa này là những giống ngựa do đồng bào dân tộc ở chiến khu Việt Bắc quyên tặng cho cách mạng và được Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí của Người sử dụng khi đi vượt suối, vượt đèo và thị sát mặt trận.

Ngựa cũng được sử dụng để thồ các quân nhu và gạo trong các chiến dịch và các trận đánh thời kỳ 1947 - 1954, đặc biệt là tại chiến dịch Điện Biên Phủ (từ Lai Châu về lòng chảo Điện Biên Phủ). Bởi thế, trong bài “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của nhà thơ Tố Hữu đã có đoạn miêu tả tin thắng trận được báo về từ chiến sĩ cưỡi ngựa truyền tin:

Tin về nửa đêm 

Hỏa tốc hỏa tốc 

Ngựa bay lên dốc 

Đuốc cháy sáng rừng 

Chuông reo tin mừng 

Loa kêu từng cửa 

Làng bản đỏ đèn, đỏ lửa... 

Có thể nói, hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp cưỡi ngựa thị sát mặt trận và đoàn ngựa thồ hàng trong các chiến trận với quân Pháp mãi mãi là một biểu tượng anh hùng không thể nào xóa nhòa trong tâm trí nhân dân Việt Nam.

Ngựa với nền văn hóa châu Á 

Tại châu Á, Ngựa được sử dụng với nhiều mục đích và tạo ra nhiều nét văn hóa độc đáo. Người Mông Cổ nổi tiếng là dân tộc sống trên lưng ngựa. Từ những đứa trẻ cho đến người già, ai cũng biết cưỡi ngựa và bắn cung. Đây là di sản của đế chế Mông Cổ được Thành Cát Tư Hãn sáng lập trên lưng ngựa. Bên cạnh đó, ngựa còn cung cấp thịt, sữa và rượu cho người Mông Cổ. Người Mông Cổ ăn xúc xích thịt ngựa gọi là kazy và uống thứ rượu làm từ sữa ngựa gọi là airag.

Người Trung Quốc thì sử dụng ngựa nhiều nhất trong chiến tranh. Những đội kỵ binh hung bạo khét tiếng của Trung Quốc từ thời Chiến Quốc thời cổ đại cho đến thời Mãn Thanh thời trung đại vẫn là nổi ám ảnh của các nước láng giềng. Hàng trăm con ngựa bằng đồng được tìm thấy bên trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng đã cho thấy được vai trò của ngựa trong chiến tranh của Trung Quốc từ thời xa xưa. Bên cạnh đó, việc đua ngựa ở Hồng Kông (Trung Quốc), được thịnh hành từ thời lãnh thổ này còn thuộc về Liên hiệp Vương quốc Anh cũng là một điểm nhấn gọi mời du khách đến vui chơi, giải trí và cá cược. Chính Thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình từng hứa với Thủ tướng Anh Margaret Thatcher vào thập niên 1980 rằng: Sẽ đảm bảo sau khi Hồng Kông về với Trung Quốc vào năm 1997 thì “ngựa vẫn đua, các vũ công vẫn nhảy”.

Ở Đảo quốc sư tử Singapore đua ngựa cũng là một hình thức giải trí phổ biến. Đây cũng là di sản của chế độ thuộc địa do Liên hiệp Vương quốc Anh thiết lập trên quốc đảo này. Nhưng người dân Singapore có vẻ không hứng thú bằng người dân Hồng Kông trong loại hình giải trí này.

Ở Ấn Độ, ngựa được sử dụng cho các đội kỵ binh. Họ là hậu duệ của những kỵ binh phục vụ các quý tộc thời phong kiến Ấn Độ. Và chỉ những gia đình thuộc đẳng cấp Kshatriya (chiến binh) mới được phép cưỡi ngựa trong quân đội và tham gia chiến đấu. Điều này cũng tương tự như ở Nhật Bản khi chỉ có các daymio (đại danh, quý tộc Nhật Bản) và các samurai (kiếm sĩ Nhật Bản) mới được cưỡi ngựa khi tham gia chiến trận.

Ở Iran, Kazakhstan, Afganistan ngựa được sử dụng để vượt sa mạc, cồn cát, thung lũng và chuyên chở hàng hóa bên cạnh lạc đà. Còn ở Nga, ngựa được sử dụng để kéo xe và chơi các môn thể thao như đánh gôn trên lưng ngựa.

Ở Triều Tiên, ngựa gắn liền với những lãnh tụ dân tộc. Tại thủ đô Bình Nhưỡng, tượng đài của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và và cố Chủ tịch Kim Chính Nhật (Kim Jong-il) đã khắc họa hình tượng hai vị lãnh tụ trên lưng ngựa. Triều Tiên cũng là đất nước có truyền thuyết về con ngựa thần Thiên Lý Mã mỗi ngày đi được ngàn dặm.

Tài liệu tham khảo

1.Hoàng Minh (1977), “Tìm hiểu tổ tiên ta đánh giặc”, Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội.

2.Trần Thái Bình (2011), “Võ Nguyên Giáp hào khí trăm năm”, Nxb. Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.

3.Ginal Barnes (2004), “Trung Quốc-Triều Tiên-Nhật Bản, Đỉnh cao văn minh Đông Á”, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.

4.Lương Duy Thứ (2000), “Đại cương văn hóa phương Đông”, Nxb. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Nguyễn Văn Toàn (sưu tầm, tổng hợp)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy