Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
09:16 (GMT +7)

Văn hóa nghệ thuật cách mạng những ngày đầu đất nước thống nhất

VNTN - Khi chiến dịch Hồ Chí Minh với 5 mũi quân tiến thẳng vào Sài Gòn, thì cũng là lúc các đoàn nghệ thuật cũng hành quân theo bước tiến đoàn quân. Và đúng đêm đầu tiên đất nước thống nhất, 30/4/1975, người dân Sài Gòn đã được xem, nghe những màn ca múa nhạc cách mạng, và cả những bộ phim thời sự tài liệu về chiến dịch “nóng hổi” còn đượm mùi thuốc súng…


Văn hóa nghệ thuật (VHNT) cũng là một đội quân có sức mạnh không thua gì các loại vũ khí chiến lược, chiến thuật, và chưa bao giờ thiếu vắng trong suốt chặng đường dài của cuộc chiến tranh mười ngàn ngày. Ngay từ khi chiến dịch Hồ Chí Minh được khởi động, đầu tháng 3/1975, Cục Chính trị Miền (CCT) đã triệu tập lãnh đạo các đoàn nghệ thuật quân giải phóng về để “tập huấn” nghiệp vụ, nhưng thực chất đó là việc chuẩn bị lực lượng và phương án để biểu diễn văn nghệ khi Sài Gòn được giải phóng. Đồng thời các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của miền Bắc cũng được lệnh sẵn sàng hành quân, như một “binh chủng VHNT”, theo các cánh quân trong chiến dịch, hướng tới điểm đến cuối là Sài Gòn.

Cuộc hành quân thần tốc của điện ảnh cách mạng

Ngay sau khi Hội nghị BCT TƯ Đảng ngày 18/12/1974, ta mở chiến dịch Tây Nguyên, các nhà điện ảnh quân đội là những người sớm nhất có mặt trên chiến trường. Bám sát cùng Quân đoàn 3, họ đã có những thước phim tài liệu về chiến trường Khu 5, với những thước phim “nóng” về các chiến dịch đánh chiếm và giải phóng Tây Nguyên: Buôn Mê Thuột, Pleyku… mở đầu chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Nhạc sĩ Trọng Bằng chỉ huy dàn nhạc trong buổi biểu diễn

Trưa 30/4/1975, họ đã có mặt ở Dinh Độc Lập quay những hình ảnh chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm đầy gian khổ hy sinh. Xưởng phim Quân đội đã có những phim tài liệu còn thấm mùi thuốc súng, khói lửa như "Chiến thắng lịch sử 1975", "Cuộc đụng đầu lịch sử", "Mùa xuân toàn thắng". Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương cũng nhanh chóng dàn quân "đuổi" theo các cuộc hành quân chiến đấu, để có những cảnh quay kịp thời: “Buôn Mê Thuột ngày đầu giải phóng”, “Trên đường qua Huế giải phóng”, “Quy Nhơn giải phóng”, “Nha Trang tháng tư”, “Ký sự Bến Tre”...

Đặc biệt, Hãng Phim truyện Việt Nam cử 4 đội phim thuộc vào loại "thiện chiến", đa tài nhất, với 4 đạo diễn điện ảnh đầy kinh nghiệm vào chiến trường tham gia chiến dịch: Hải Ninh, Đặng Nhật Minh, Trần Vũ, Bùi Đình Hạc. 4 đạo diễn theo 4 cánh quân tiến vào Sài Gòn. Với sự "thần tốc" như được chắp cánh bởi niềm vui quá lớn, họ đã nhanh chóng cho ra những cuốn phim ấn tượng: "Tháng 5 - những gương mặt" - Đặng Nhật Minh, "Qua cầu Công Lý" - Trần Vũ, "Sài Gòn tháng 5.1975" - Bùi Đình Hạc, "Thành phố lúc rạng đông" - phim truyện của Hải Ninh.

Đài Truyền hình Việt Nam ngoài những thước phim lịch sử chiến dịch Hồ Chí Minh, họ đã kịp dựng bộ phim truyện "người thật, việc thật" 2 tập, nói về người nữ giao liên Nguyễn Trung Kiên, thuộc Tiểu đoàn FK6, Phân khu Sài Gòn - Gia Định, dẫn đường cho đoàn xe tăng thuộc Binh đoàn Tây Nguyên đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất. Phim mang tên "Cô Nhíp", đạo diễn Khương Mễ, biên kịch Nguyễn Trí Việt. Phim thu hút, hấp dẫn người xem không chỉ là "việc thật" mà diễn viên đóng vai chính cũng là "người thật" - nữ giao liên Nguyễn Trung Kiên, ngoài ra còn có các diễn viên của điện ảnh Sài Gòn như: Mộng Tuyền, Lý Huỳnh, Bắc Sơn, Thuỳ Liên tham gia diễn xuất, như một sự kết hợp tuyệt đẹp của hòa bình đối với điện ảnh Việt Nam...

Bản giao hưởng “Định mệnh” và lời “chào” Sài Gòn

11h30 phút ngày 30/4/1975 khi lá cờ Quân Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu thành phố Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, thì ngay sau đó CCT đã tiếp quản cơ quan Tâm lý chiến của chính quyền Sài Gòn ở số 2 Bis đường Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai). Các lãnh đạo CCT là nhạc sĩ Xuân Hồng và ông Lê Thế Thưởng (Phó phòng Tuyên huấn CCT), giao nhiệm vụ cho nhạc sĩ Vũ Thành, Trưởng đoàn Văn công Quân giải phóng của CCT tổ chức ngay cho các đoàn văn công tập kết về Sài Gòn để các đoàn hoạt động.

Các đoàn văn công thuộc các đơn vị và các sư đoàn thì về ở và biểu diễn ở những địa điểm trong phạm vi mà đơn vị của mình đóng quân, còn Đoàn Văn công Quân giải phóng với danh nghĩa là đoàn của Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn hoạt động nhiều nơi trong thành phố. Ngay từ đêm 30/4/1975, các đoàn văn công của các đơn vị đã tổ chức những chương trình ca múa nhạc biểu diễn cho đồng bào nơi mình đóng quân được thưởng thức những bài ca cách mạng. “Một không khí hòa bình tràn ngập, không tiếng súng, mà chỉ có lời ca điệu nhạc vang lên. Đó có thể nói là một điều khác thường, không thể có ở đâu ngoài ở Việt Nam, khi cuộc chiến tranh vừa chấm dứt chưa đầy 6 giờ đồng hồ”- Hồi ức của Trung tướng Nguyễn Ân, nguyên Sư trưởng sư bộ binh 304, sư đoàn được lệnh tiến vào Sài Gòn ở hướng Đông Nam.

Đêm 8/5/1975, đêm diễn chính thức của Đoàn Văn công Quân Giải phóng-CCT ở thành phố Sài Gòn ngay tại Dinh Độc Lập. Đêm đó, đoàn biểu diễn phục vụ cho các cán bộ chiến sĩ đang đóng quân trong Dinh và khu vực. Những bài ca đã từng vang trên các chiến hào, các mặt trận, các chiến trường… nay vang lên trong thành phố Sài Gòn những ngày đầu giải phóng, là một cảm xúc khó diễn tả bằng lời đối với cả diễn viên, người nghe. Những bài hát được biểu diễn nhiều nhất như: Bài ca hy vọng (Văn Ký), Hà Nội niềm tin và hy vọng (Phan Nhân), Bài ca may áo, Xuân chiến khu, Tiếng chày trên sóc Bom Bo (Xuân Hồng), Qua sông (Phạm Minh Tuấn), Cây chông tre (Trí Thanh), Cô gái Sài Gòn đi tải đạn (Lư Nhất Vũ - Lê Giang), với các nhạc cụ phổ biến như  guitar, violin, cello, kèn đồng, kèn gỗ, accordeon, đàn t'rưng, đàn bầu, sáo trúc....

Hầu như tại thành phố Sài Gòn vào những ngày đầu giải phóng, đêm nào cũng có biểu diễn của các đoàn văn công cách mạng, ban đầu chủ yếu là phục vụ cho cán bộ chiến sĩ, nhưng sau đó nhân dân cũng đến xem rất đông, không khí tưng bừng, ấm áp và rất thân thiện. Ngoài những đoàn văn công của CCT, từ 19/5/1975 còn có nhiều đoàn khác từ miền Bắc vào như Đoàn Văn công Giải phóng, Đoàn Ca múa miền Nam, Đoàn Ca múa Trung ương, Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị... và đặc biệt là Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam do nhạc trưởng Trọng Bằng chỉ huy...

Ngày 1/6/1975, tại Nhà hát thành phố (trước ngày thống nhất là trụ sở Hạ nghị viện chính quyền Sài Gòn), bản giao hưởng “Định mệnh” của Beethoven vang lên một cách hào sảng, hùng tráng. Và nó như một minh chứng không cần nhiều văn từ về một nền nghệ thuật cách mạng không chỉ là những ca khúc tuyên truyền mà còn là sự tiếp cận tài hoa với đỉnh cao tinh hoa âm nhạc thế giới. Việc đưa âm nhạc bác học vào đô thị hào hoa bậc nhất của miền Nam, như một bản tổng phổ tuyệt vời cho lời “chào” Sài Gòn của nền VHNT cách mạng Việt Nam.

Một buổi biểu diễn tại Nhà hát thành phố

GS-NSND Trọng Bằng, không bao giờ có thể quên cảm xúc vào những ngày đó trong cuộc đời mình: “Chưa bao giờ tôi lại có cảm xúc hào hùng, xao xuyến, xuất thần và niềm tự hào như thế. Đó là lần đầu tiên loại âm nhạc cao cấp nhất của thế giới được những nghệ sĩ cách mạng biểu diễn giữa thành phố Sài Gòn. Giữa âm vang thắng lợi của cuộc kháng chiến vĩ đại, nó cũng là buổi biểu diễn “quang vinh” của ngành giao hưởng nước ta…”.

“Nối vòng tay lớn”

Ngay từ 14 giờ chiều 30/4/1975, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và một số sinh viên thành phố Sài Gòn đã có mặt tại Đài Phát thanh Sài Gòn. Được sự cho phép của chỉ huy đơn vị đang làm nhiệm vụ bảo vệ Đài, nhạc sĩ và các bạn sinh viên đã thông qua làn sóng phát thanh ca vang khúc hát “Nối vòng tay lớn”. Nhạc sĩ thay mặt các văn nghệ sĩ thành phố Sài Gòn phát biểu trên sóng: “Tôi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rất vui mừng và cảm động gặp và nói chuyện với tất cả các anh em văn nghệ sĩ ở miền Nam Việt Nam này. Hôm nay là cái ngày mà mơ ước của tất cả chúng ta, đó là ngày mà chúng ta giải phóng hoàn toàn tất cả đất nước Việt Nam này. Cũng như những điều mơ ước của các bạn bấy lâu là độc lập, tự do và thống nhất thì hôm nay chúng ta đã đạt được tất cả những kết quả đó… Chúng ta là người Việt Nam…” - Trích trong Hồi ký của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. NSND Kim Cương, đoàn kịch nói Kim Cương: “Trong những ngày mới giải phóng, cuộc sống cực khổ vô cùng. Vất vả, thiếu thốn, nhưng anh em trong đoàn kịch Kim Cương ai cũng hăng hái đạp xe từ Chợ Lớn ra rạp Hòa Bình tập tuồng…, đoàn kịch Kim Cương vẫn sáng đèn sân khấu hằng đêm”.

Không chỉ có kịch Kim Cương, còn đoàn kịch Bông Hồng của nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng, các đoàn cải lương nổi tiếng của thành phố Sài Gòn như đoàn: Thanh Minh, Hương Mùa Thu, Huỳnh Long… với rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi đã hào hứng tham gia vào lực lượng văn nghệ cách mạng, tích cực và nhanh chóng xây dựng những kịch mục, vở diễn mới phục vụ cho công chúng. Chưa kể một lực lượng diễn viên điện ảnh, ca sĩ nổi tiếng như Chánh Tín, Thương Tín, Lý Huỳnh, Thùy Liên, Mộng Tuyền, Họa Mi, Lê Thu, Thanh Lan, Bích Trâm… đều hăng hái tham gia vào các phim điện ảnh giải phóng, các chương trình ca nhạc phục vụ đồng bào.

Như ông Dương Đình Thảo, nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ, Sở Văn hóa thông tin đầu tiên của thành phố Sài Gòn, Thành ủy viên thành phố Hồ Chí Minh nói: “Chúng ta là người cách mạng. Chúng ta chiến đấu vì nền hòa bình. Bây giờ đã hòa bình, thống nhất, thì không có lý do gì lại phải chia rẽ “bên này”, “bên kia”. Anh em văn nghệ sĩ, là vốn quý của nền văn hóa nước nhà. Chúng ta nên tập hợp họ lại, cùng chung tay để xây dựng một nền VHNT cách mạng mang đúng tinh thần của dân tộc Việt, văn hóa Việt truyền thống. Theo chủ trương của Thành ủy vào thời gian đó, các đoàn hát, đoàn kịch không được để mất người tài…”

Và có lẽ thế, mà ngay từ những ngày đầu thống nhất, những hoạt động VHNT của thành phố đã tạo nên không khí yên bình, vui tươi thật sự. Để cho cả thế giới thấy được ước mơ hòa bình của Việt Nam là có thật. Kết thúc cuộc chiến tranh hơn 30 năm, chỉ có nụ cười, âm nhạc và tình người. Vâng! Chỉ có ở Việt Nam. Và mãi mãi, cái ngày 30/4/1975 không thể nào quên trong ký ức của những người đã từng đi qua và có mặt trong cuộc chiến.

Hoài Hương

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy