Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
16:51 (GMT +7)

Văn chỉ An Châu - báu vật làng Việt cổ

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, Thái Nguyên được xem là mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi sinh ra vua Lý Nam Đế và nhiều danh nhân, danh sĩ có những cống hiến quan trọng cho sự thái bình hưng thịnh của xã tắc. Các làng quê của tỉnh nổi tiếng là đất học, trọng chữ Thánh hiền, và hiện một làng vẫn lưu giữ Văn chỉ là làng An Châu, xã Nga My, huyện Phú Bình.

Hiểu thêm về một phong tục của tiền nhân

Cha ông ta rất coi trọng mở mang dân trí, bồi dưỡng lựa chọn hiền tài và quan niệm học vấn, giáo dục có vai trò vô cùng quan trọng giúp con người hoàn thiện nhân cách, trí tuệ. Nhiều việc làm thiết thực chấn hưng, thúc đẩy sự học đã tạo dựng nên truyền thống hiếu học của người Việt. Bài văn bia do Thân Nhân Trung viết năm 1484 theo lệnh của vua Lê Thánh Tông có câu “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, theo nghĩa hiền tài là nhân tố đầu tiên và cơ bản để quốc gia tồn tại và phát triển hưng thịnh.

                                    1-1690945044.jpg
Ông Nguyễn Văn Bằng, Trưởng làng (bên phải), giới thiệu về Văn chỉ An Châu

Trong quá trình hình thành và phát triển của Nho giáo, Nho học, hệ thống Văn miếu, Văn từ, Văn chỉ đã được các triều đình phong kiến thiết lập. Vào thời kỳ cuối Lê đầu Nguyễn, khắp các tỉnh, trấn đều có Văn miếu, các huyện, tổng, làng xã có Văn từ, Văn chỉ.

Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Năm Canh Tuất (1070) tháng Tám, mùa thu, vua Lê Thánh Tông sai lập Văn miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công, và Tứ Phối. Vẽ tượng Thất thập Nhị Hiền (72 Hiền Nho). Bốn mùa cúng tế. Hoàng Thái Tử đến đây học”.

Văn miếu nhà vua lập ra ở kinh đô hay hàng tỉnh, trấn thờ Khổng Tử, Tứ phối, Thập triết, Thất thập nhị hiền và các Tiên Nho người Việt ở cấp trung ương và cấp tỉnh, trấn. Văn từ là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công, Tiên Nho ở cấp phủ, huyện. Văn chỉ là nơi thờ Khổng Tử, các bậc Tiên hiền và các nhà khoa bảng, vinh hiển của địa phương tại các tổng, huyện, làng xã. Văn chỉ thường không có mái che như Văn miếu, Văn từ.

Việc thờ Thánh hiền ở Thăng Long có từ sớm, nhưng Văn chỉ các làng xã chỉ có từ thời Trần (1225 - 1400). Sau khi đánh thắng giặc Nguyên Mông, nhiều Nho gia giúp nhà vua trị quốc. Một số làng có người học hành thi cử đỗ đạt được triều đình cho lập Văn chỉ thờ Khổng Tử và các bậc Tiên nho để tỏ lòng thành kính.  Đời vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) và các đời vua kế tiếp, nước ta phát triển cực thịnh về giáo dục và mở nhiều khoa thi. Từ phủ, huyện, tổng, trấn đến làng xã đều có trường dạy học. Sĩ tử đua nhau đi học, đi thi. Các Văn chỉ được tập trung xây dựng để thúc đẩy sự học.

                                    2-1690945044.jpg
Văn chỉ An Châu (nhìn từ ngoài cổng)

Về Văn chỉ của làng xã, Hán Việt Từ điển của Đào Duy Anh ghi: “Văn là người có học vấn, văn vẻ, lời văn. Chỉ là cái nền đất, quê quán”. Sách Việt Nam phong tục chép: “Đàn lộ thiên gọi là Văn chỉ, có lợp mái gọi là Văn từ. Văn từ, Văn chỉ thờ riêng các bậc khoa bảng trong làng để làm chủ trương cho việc học. Thực chất Văn chỉ lập nên với mục đích khuyến khích mọi người học hành để thành tài. Mọi người trong làng không phân biệt giàu nghèo đều tham gia việc học. Cha mẹ cho con học chữ Thánh hiền, dù không đỗ đạt cũng biết đọc văn khấn gia tiên hoặc chỉ biết được các chữ Chi, Hồ, Giả, Dã (ý như A, B, C, D…) cũng mát lòng”.

Văn chỉ do Hội Tư văn chủ trì tế và tổ chức mọi hoạt động theo phép tắc, lễ giáo gồm những người biết chữ trong làng tham gia. Mỗi năm tháng Hai, tháng Tám tế hai kì gọi là tế Xuân Thu nhị kì. Năm nào có khoa thi thì cả sĩ tử hoặc cả làng hội lại làm lễ kì khoa để cầu cho hương thôn được nhiều người đỗ đạt. Khi thi xong ai đỗ thì lúc về phải có lễ ra Văn chỉ để tạ ơn Tiên hiền. Những người trong Hội Tư văn có tài đức, phẩm hạnh lúc mất cũng được thờ ở Văn chỉ. Một số Văn chỉ còn khắc câu đối trên trụ cổng: “Đạo như nguyên khí bất hưng mẫn/ Lý tại nhân tâm vô cổ kim”. Tạm dịch là: “Đạo như nguyên khí không dấy lên cũng không mất đi/ Lý ở lòng người, chẳng phân biệt là cổ xưa hay hiện tại”.

Văn Chỉ không chỉ là biểu tượng cho tinh thần hiếu học, mà nhiều nơi còn làm trường học, khảo hạch sĩ tử trước mỗi kỳ thi, và cũng là nơi tiếp đón các sĩ tử vinh quy bái tổ trở về làng.

Việc cần làm để vun đắp nguyên khí

Tìm hiểu thư tịch cổ và các di tích lịch sử văn hóa, chúng tôi thấy Thái Nguyên từng tồn tại Văn miếu, Văn chỉ, các trường học, đền thờ danh nhân khoa bảng, văn bia phản ánh nền giáo dục và đạo học thời phong kiến.

Thời nhà Nguyễn tỉnh Thái Nguyên có một Văn miếu và một đền Khải Thánh thờ thân mẫu, thân phụ Khổng Tử giống như tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Mục đền miếu của Đại Nam nhất thống chí ghi: “Văn miếu, đền Khải Thánh Thái Nguyên đều ở xã Đồng Lẫm (tức Đồng Bẩm) về phía bắc tỉnh thành, trước ở xã Cốt Ngạnh, huyện Phổ Yên dựng năm Minh Mệnh thứ 13 (1832). Năm Thiên Trị thứ 4 (1850) dời đến chỗ hiện tại”. Văn miếu Thái Nguyên được triều đình cho lập cùng với việc đặt cơ quan học chính để cai quản việc học ở Thái Nguyên…

                                    3-1690945045.jpg
Tượng nghê trên trụ cổng Văn chỉ

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hữu Khánh, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh lúc sinh thời tìm hiểu các lưu truyền trong dân gian cho rằng khi Văn miếu Thái Nguyên về Đồng Bẩm, khu Văn miếu cũ chuyển thành Văn từ. Tuy nhiên do biến thiên của thời cuộc, ông chưa tìm được nguồn tư liệu thuyết phục.

Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên hiện cũng đang lưu giữ tấm bia liên quan đến giáo dục của tỉnh phát hiện ngày 28/3/2011 khi đào móng xây dựng thư viện Trường Trung học cơ sở Nam Tiến, huyện Phổ Yên. Tấm bia bằng đá nguyên khối màu đen, cao 60 cm, rộng 37 cm. có niên đại thuộc Triều Nguyễn, niên hiệu Thành Thái năm thứ 3 Tân Mão (1891). Nội dung bia nói về việc ghi nhớ công đức của các môn sinh góp công xây dựng nhà trường và các thầy cô giáo ở địa phương. Tấm bia được phát hiện khẳng định Thái Nguyên có trường học, điều này khớp với sách Đồng Khánh dư địa chí (1888) chép mục huyện Phổ Yên: “Tổng Hoàng Đàm hạ du có học hành đỗ đạt”.

Hệ thống Văn chỉ của Thái Nguyên có bằng chứng khá rõ như: Văn chỉ Thù Lâm (tổng Thiên Thù), Văn chỉ Sơn Cốt (tổng Hoàng Đàm), Văn chỉ Nga My, An Châu (huyện Tư Nông).

Bị tàn phá bởi chiến tranh cùng những biến thiên của thời cuộc, Văn miếu, Văn từ, Văn chỉ của Thái Nguyên ít người biết tới. May mắn Văn chỉ An Châu vẫn còn khá nguyên vẹn, dẫu nhiều năm qua bị bỏ hoang phế. Văn chỉ này là một đàn lộ thiên hình vuông được xây bằng gạch, các nét chạm khắc giản dị, không quá cầu kì. Người làng An Châu coi Văn chỉ như báu vật và quan tâm bảo vệ gìn giữ.

Đứng trên Bái đình (tức là khoảng sân) dùng vào việc tế tự, hẳn ai cũng nghĩ người xưa rất đề cao sự học, nên đã đặt Văn chỉ An Châu tại khu đất bằng phẳng, phong thủy thế tọa sơn, chung quanh là sân vườn rộng rãi kế ngay bên đình trông ra ao chùa và cánh đồng. Cảnh sắc hữu tình thơ mộng làm cho Văn chỉ mang vẻ đẹp khiêm nhường song rất đỗi trang nghiêm. Chính giữa Văn chỉ là ban thờ đức Khổng Tử và các bậc Tiên hiền, hai bên tả hữu là ban thờ các vị khoa bảng. Giữa bái đình có hai bệ hình chữ nhật dành cho những người đỗ đạt đặt văn bằng trước khi tiến hành nghi thức tế. Không gian rộng rãi của đình và Văn chỉ thích hợp cho cư dân của làng xưa mở lễ hội, tế Xuân Thu nhị kì…

Ông Nguyễn Văn Bằng, Trưởng làng An Châu sau khi hướng dẫn chúng tôi đặt tuần nhang, chia sẻ: “An Châu xưa là một làng cổ thuần nông có 11 xóm (nay sau sáp nhập còn 10 xóm), cư dân đông nhưng người được đi học và đỗ đạt không nhiều. Chính vì vậy, các cụ rất đề cao sự học, khích lệ các bếp (nay gọi là các hộ dân) cho con cái ăn học, cầu mong con cháu thành tài giúp việc làng, việc nước. Văn chỉ xưa do Hội Tư văn của làng chủ trì tế. Nay nghi thức tế và bài văn tế mai một. Những năm gần đây làng tổ chức cúng Văn chỉ cùng với cúng đình vào các ngày 2/3, 12/4, 12/8, 12/10 âm lịch kết hợp bàn việc làng. Có lẽ do ít được nhắc tới, nên không chỉ các đoàn khách mà cả các cơ quan chức năng, nếu về An Châu cũng chỉ tới đình, chùa, không vào Văn chỉ. Năm 2008, đình chùa An Châu được tỉnh công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật. Nằm trong quần thể đình, chùa nhưng hiện Văn chỉ chưa được công nhận là di tích. Chúng tôi cũng không rõ Văn chỉ An Châu có đủ điều kiện để công nhận là di tích văn hóa hay không…”.

                                    4-1690945046.jpg
Họa tiết đơn giản của ban thờ

Nếu Văn Miếu Quốc Tử Giám là biểu tượng cho tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo của cả một dân tộc, thì Văn chỉ là biểu tượng của sự hiếu học, lòng tôn sư trọng đạo nơi làng quê. Thông qua nghi lễ thờ chữ Thánh hiền, thờ phụng người hiền tài, các bậc tiền nhân đề cao đạo học và coi trí tuệ, phẩm hạnh, cốt cách của con người là nguyên khí cho sự hưng thịnh.

Thiết nghĩ khi chưa thể có điều kiện phục dựng Văn miếu của tỉnh, Thái Nguyên cần khảo sát những địa điểm có Văn chỉ, nghiên cứu tu bổ, tôn tạo và phục dựng một số nét đẹp của Văn chỉ. Đồng thời tổ chức tại Văn chỉ các hoạt động khuyến học, khuyến tài, tạo điểm nhấn du lịch văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh trong quần thể đình chùa của làng Việt cổ, đó cũng là việc cần thiết vun đắp nguyên khí phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Thu Thủy

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy