Ước nguyện đêm Trung thu – Ngô Thiên (Trung Quốc)
VNTN - Trong phòng bệnh của bệnh viện u bướu có hai bệnh nhân đang được chăm sóc sau phẫu thuật đều mang họ Chu và đều 50 tuổi. Một người là Chu Hào phẫu thuật cắt khối u trong đầu; một người là Chu Bân phẫu thuật cắt khối u ở gan. Sau phẫu thuật, hai người tỏ vẻ rất bình thản như không có vấn đề gì nhưng trong lòng thấp thỏm lo âu chờ sự phán quyết cuối cùng của bác sĩ.
Đúng vào sáng sớm hôm Trung thu, một người phụ nữ béo mập, như làn gió ùa vào phòng bệnh: “Tin tốt lành đây, tôi đã đến hỏi chủ nhiệm khoa, ông ấy nói là u lành tính.”. Chu Hào đang nằm trên giường hơi ngóc đầu lên: “Thật thế à? Nói như vậy là tôi không chết?”. Người phụ nữ béo mập vừa vào là vợ của Chu Hào cố ra vẻ giận giỗi: “Lại nói đến chữ chết, tôi bỏ mặc ông đấy!”. Chu Hào hình như đắm mình trong sự vui mừng: “Nạn lớn mà không chết là có hồng phúc”.
Trong nỗi vui mừng, ánh mắt Chu Hào nhìn ra ngoài cửa phòng bệnh như mong đợi điều gì đó. Vợ Chu Hào như biết rõ tâm tư của chồng, nở nụ cười: “Mấy ngày trước có người đến thăm ông nhưng bác sĩ không cho vào... Hôm nay là tết Trung thu nhất định là có người đến thăm ông!”. Chu Hào thở một hơi vẻ nhẹ nhõm: “Tôi đã nói rồi, những người này là những người cơ hội, họ không thể không đến.”.
Ở giường phía đối diện, Chu Bân đang sững sờ trước niềm vui của hai vợ chồng Chu Hào. Bà vợ ông, một người phụ nữ gầy gò nhìn ánh mắt lo âu của chồng, do dự một lúc rồi hỏi: “Hay là tôi cũng đi hỏi ông chủ nhiệm khoa xem tình hình thế nào?”. Chu Bân trầm nét mặt, hơi sẵng giọng: “Hỏi làm cái gì? Sống hay là chết là do Diêm Vương định đoạt không cần phải hỏi”. Bà vợ ông ta vẫn nhẹ nhàng: “Nên cứ đi hỏi thì hơn, hỏi rồi trong lòng mới thư thái”. Chu Bân hơi nghiêng đầu lộ vẻ chán chường, bà vợ ông ta mở cửa đi ra bên ngoài.
Thực tế, hôm làm phẫu thuật, vợ của Chu Bân đã đoán được kết quả. Bác sĩ phẫu thuật đã gọi bà ta lên giáo huấn một hồi: “Bà thật không có trách nhiệm, sao bây giờ mới đưa ông ấy đến viện? Bà có biết ông ấy mắc bệnh gì không? Thời gian không còn nhiều nữa đâu, bà cố gắng đáp ứng những đòi hỏi của ông ấy, ông ấy thích ăn gì thì mua cho ông ấy ăn”. Bà vợ Chu Bân nước mắt ròng ròng không nói gì lặng lẽ chịu đựng những lời trách móc của vị bác sĩ. Chỉ có mình bà biết được là để chữa bệnh cho chồng bà phải bán trâu bán bò, bán cả lương thực, chạy vạy khắp nơi vay mượn, nợ nần chồng chất.
Bà vợ Chu Bân đi ra vườn hoa ngồi một lúc sau đó trở vào phòng bệnh, cố gượng cười để che giấu những tàn dư của nước mắt “Tôi đã hỏi rồi, ông chủ nhiệm nói là u của ông cũng là u... u lành”. Chu Bân vẫn ra vẻ giận dỗi: “Ai bảo bà đi hỏi, không hỏi tôi cũng không chết được! Bà khóc cái gì đấy, bà mong cho tôi chết à?”.
Bà vợ Chu Bân nói như để phân trần: “ Ai khóc? Là tôi đang quá… xúc động.”.
Chu Bân vẫn còn bực tức: “Bà xúc động cái gì? Ông Diêm Vương không nhận tôi, nói mệnh tôi còn dài. Bà có nhớ lần ấy giàn giáo đổ tôi ngã từ tầng 3 xuống mà không rụng một cái lông tơ. Lão Chu này sợ cái gì? Diêm Vương tôi cũng không sợ.”.
Ở giường bên kia, Chu Hào nghe Chu Bân mắng vợ mà tỏ vẻ bất bình: “Tôi chưa thấy người đàn ông nào như ông ta, không biết điều chút nào.”. Vợ Chu Hào nói phụ họa: “Không biết tốt xấu thế nào nhưng chỉ hay bắt nạt vợ.”. Hai vợ chồng Chu Hào mỗi người một câu trách Chu Bân nhưng Chu Bân giả vờ như không nghe thấy. Bà vợ Chu Hào không biết có việc gì đi ra bên ngoài gọi điện thoại.
Buổi trưa hôm đó quả nhiên người đến thăm Chu Hào rất đông. Người thì biếu hoa quả, người thì biếu bánh Trung thu, người thì gói to gói nhỏ đến nỗi quà không biết để chỗ nào. Chu Hào vui vẻ ra mặt, rối rít bắt tay và miệng không ngừng nói lời cảm ơn: “Cảm ơn mọi người đến thăm tôi lại còn cho quà...”.
Khi mọi người đã về hết, nhìn những đống quà và những hộp bánh Trung thu Chu Hào lại có vẻ buồn buồn: “Ăn làm sao được, làm thế nào đây?”. Bà vợ Chu Hào nói là đem bánh đi biếu những cô hộ lý, bác sĩ và chủ nhiệm khoa thì Chu Hào không nói gì chỉ lẩm bẩm: “Thật là lãng phí!”.
Nỗi bực của Chu Bân lại dâng lên: “Tôi có phải là con khỉ trong vườn bách thú đâu mà phải đến thăm? Bà có biết con trai nó rất bận, nghỉ nhiều ông chủ lại khấu trừ tiền công của nó?”. Bà vợ như có điều gì đó không hiểu: “Thế có phải ông muốn… muốn ăn bánh Trung thu không?”. Lúc này Chu Bân càng bực: “Ăn... Ăn... Bà chỉ biết ăn. Tôi bảo bà không cần phải đặt cơm dinh dưỡng cho tôi nữa, vừa đặt cơm dinh dưỡng, vừa thuốc thang thì tôi thành người bố mắc nợ?”. Bà vợ Chu Bân giọng vẫn rất nhẹ nhàng: “Nếu ông muốn ăn thì tôi đi mua.”.
Bà vợ Chu Bân chứa chất nỗi cay đắng trong lòng đẩy cửa đi ra. Kỳ thực, ăn cơm dinh dưỡng là quy định của bệnh viện cho người bệnh sau phẫu thuật, không ăn không được. Kể cũng rất khó với bà, vì để đặt cơm dinh dưỡng cho chồng mỗi ngày bà chỉ dám chi tiêu dưới 10 đồng, chỉ dám ăn những đồ rẻ tiền, uống nước máy và dùng số tiền còn lại đi mua một chiếc bánh Trung thu.
Khi trở về phòng bệnh, nét mặt bà vợ Chu Bân có tươi tắn hơn một chút, như người đóng kịch bà đặt cái bánh Trung thu đặt trước mặt chồng: “Ông ngửi xem có thơm không?”. Chu Bân đẩy cái bánh ra: “Mang đi, thơm cái gì? Là bà muốn ăn chứ không phải tôi muốn ăn!” Bà vợ ông ta cười trừ: “Ông tiếc tiền chứ gì? Tôi đã mua rồi thì ông ăn đi!”. Hai vợ chồng Chu Bân đẩy đi đẩy lại cuối cùng Chu Bân bẻ cái bánh ra làm đôi đưa cho vợ: “Tôi xót tiền, sau này kiếm được nhiều ngày nào tôi cũng ăn bánh Trung thu, ăn không hết thì vứt cho chó ăn. Bây giờ tôi ngửi thấy mùi mỡ béo là muốn nôn, bà ăn đi đừng ép tôi nữa.”.
Bà vợ Chu Bân chịu không nổi: “Đây là bánh Trung thu chứ không phải là thuốc độc.” Chu Bân giọng ngang ngạnh: “Đối với tôi mà nói thì đây là thuốc độc. Nếu bà không sợ thì bà ăn đi, tôi xem bà ăn, nếu bà không dám ăn thì chứng tỏ bà là đồ dối trá.”. Trong tiếng gắt gỏng của chồng, bà vợ Chu Bân rưng rưng nước mắt và bắt đầu ăn bánh, ăn từng tý một, vẻ khó khăn lắm.
Ở phía bên kia, Chu Hào lại vẻ khó chịu: “Sao lại có người cố chấp thế, thật chẳng ra cái đồ gì”. Bà vợ ông ta cũng tỏ ra bất bình: “Làm vợ loại người này khổ cả một đời.”.
Cứ như thế trời dần dần tối. Mọi người đều biết rằng đêm Trung thu là đêm vô cùng đặc biệt vì người ta được nhìn vầng trăng tròn và rất sáng… Nhưng trời hôm nay tự nhiên u ám rất nhiều mây, vậy đến đêm có nhìn thấy trăng không? Vợ Chu Hào có vẻ lo lắng: “Tôi ra ngoài xem đêm nay có trăng không?”.
Bà vợ Chu Hào ra vườn hoa, không lâu sau bà vợ Chu Bân cũng đến. Hai người ngồi sát nhau, vợ Chu Hào lên tiếng trước: “Chị Chu này, ông nhà chị có phải là u lành không?”. Vợ Chu Bân lắc đầu giọng nghèn nghẹn: “Tôi đã nói dối ông ấy, tôi đoán rằng đây là lần cuối cùng ông ấy được qua tết Trung Thu… và được nhìn thấy trăng sáng.”. Hình như bà vợ Chu Hào đã biết trước được điều này nhưng bà ta không dám nói, cuối cùng thì nhịn không được: “Cái ông chồng chị thật quá quắt, chị không thể cứ chiều ông ta được, ông ta sẽ được đằng chân lân đằng đầu.”. Bà vợ Chu Bân nhỏ giọng phân trần: “Chị này, chị không hiểu ông ấy đâu, ông ấy rất thương tôi, nếu dùng cách nói của người thành thị thì gọi là... tình yêu đấy.”.
Một chữ “yêu” mềm mại làm cho mắt vợ Chu Hào sáng lên không biết nói gì nữa.
Bà vợ Chu Bân tưởng rằng mình nói sai điều gì đó có phần không yên: “Chị Chu này, có bao nhiêu người đến thăm ông ấy, biếu bao nhiêu là bánh Trung Thu, ông ấy lại u lành, còn được hưởng nhiều cái tết Trung thu nữa… Còn ông nhà tôi thì sắp phải đi… Đều là họ Chu, đều cùng 50 tuổi, sao mỗi người một số phận?”.
Bà vợ Chu Hào gượng cười, một lúc sau mới nói: “Chị Chu này, tôi nói thật cho chị biết là tôi cũng nói dối ông nhà tôi. Tôi cũng sợ rằng đây là Trung thu cuối cùng của ông ấy. Nói ra chỉ sợ chị cười, những người đến thăm ông ấy là do tôi gọi điện bảo họ đến thăm, nếu tôi không nói là u lành thì họ… không đến đâu. Chị Chu, hai chị em mình cùng cầu trời để cho đêm nay trăng thật sáng?”.
Hai người nhìn nhau rồi cùng im lặng ngồi thiền, mắt lim dim, chắp tay lẩm bẩm cầu nguyện. Nhìn dáng vẻ họ vô cùng thành kính, nhất định sẽ cảm động đến trời đất…
Lúc này, ở trong phòng bệnh hai người đàn ông họ Chu cũng trò chuyện với nhau, mới đầu là chuyện phiếm rồi dần dần nói chuyện nghiêm túc về mình. Hóa ra hai người đều nhận thức được rằng cái tết Trung thu này rất có thể là cái tết cuối cùng của họ. Chu Hào nói: “Bà ấy an ủi tôi, diễn kịch trước mặt tôi nhưng tôi vừa nhìn đã biết là bà ấy diễn kịch. Bà ấy nói dối tôi là u lành nhưng thực ra là u ác tính…”.
Chu Bân lập tức tán đồng: “Chẳng khác gì tôi, nhưng bà nhà tôi lại không biết diễn kịch mà lại bị tôi ép phải ăn hết cái bánh Trung thu. Bà ấy ăn bánh tôi thấy vui hơn là tôi ăn… Bà ấy nói dối tôi, tôi biết là tôi bị ung thư gan. Để chữa bệnh cho tôi trong nhà có cái gì bán được là bà ấy bán hết, nếu tôi chết không biết bà ấy sẽ sống như thế nào?”.
Chu Hào nghe mà xúc động: “Trung thu này, tôi đùa ông, ông đùa tôi cho thật vui vẻ. Đến Trung thu sau không biết ai đùa với ai, chỉ là hai người đàn bà cô đơn, buồn tủi. Trung thu cuối cùng này lại không có trăng, đúng là ông Trời vô tình...”. Hai người tự nhiên yên lặng, lúc này hai người đàn ông khác nhau về địa vị nhưng lại có những sự tương đồng: cảm xúc như nhau, ước vọng như nhau và nỗi băn khoăn như nhau.
Phòng bệnh tĩnh lặng và lạnh lẽo, một lúc lâu sau mới nghe thấy tiếng oán trách của Chu Bân: “Ông Trời ơi, ông ăn ở thật không công bằng!”. Chu Hào ngây người một lúc bỗng nhiên phì cười: “Đúng, ông Trời ăn ở không công bằng”. Chu Bân lại than thở: “Ông Trời ơi, nếu đêm nay không cho trăng sáng tôi sẽ gọi ông là…”. Chu Hào cắt ngang lời của Chu Bân: “Cứ đợi đã, đừng đổ oan cho ông Trời, biết đâu ông Trời đang trang điểm cho chị Hằng, không lâu nữa chị Hằng sẽ xuất hiện mang đến cho chúng ta sự kinh ngạc!”. Nói xong cả hai người đều nghển cổ ra ngoài cửa sổ ôm ấp niềm hy vọng, chờ đợi kỳ tích xuất hiện…
Cầu nguyện một thời gian khá lâu, hai người phụ nữ vẻ thất vọng nhìn lên bầu trời u ám. Khi hai người vừa vào trong phòng thì nghe thấy tiếng người bên ngoài reo lên: “Trăng, có trăng rồi kìa!”. Hai người phụ nữ vội dìu hai người chồng đến bên cửa sổ ngẩng đầu nhìn lên không trung: đúng như một kỳ tích, chị Hằng từ trong đám mây đen ló ra giống như vừa mới được tắm gội, vừa tròn vừa sáng. Ánh trăng chiếu qua cửa sổ vào trong phòng lấp lánh như bạc. Bà vợ Chu Hào tắt bỏ đèn điện, cả bốn người đứng trong ánh sáng màu bạc giống như trong thế giới của những câu chuyện cổ tích…
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...