Thứ tư, ngày 08 tháng 05 năm 2024
09:31 (GMT +7)

Ứng xử với di tích – điều cần bàn về văn hóa và vấn đề tâm linh

Chùa Đồng Mỗ mới được xây dựng

Những năm qua Thái Nguyên đã có nhiều cố gắng bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích. Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã có nhiều giải pháp huy động mọi nguồn lực xã hội, tạo được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân chung tay giữ gìn, trùng tu, tôn tạo. Bên cạnh kết quả đạt được, còn nhiều việc chúng ta cần nhìn nhận, đánh giá thấu đáo để bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh một cách khoa học, thiết thực. Một trong những khía cạnh khá bao trùm trong việc ứng xử với di tích là vấn đề văn hóa và tâm linh.

Hiện trạng di tích – Thêm một góc nhìn

Di tích là dấu vết của quá khứ còn lưu lại trong lòng đất hoặc trên mặt đất có ý nghĩa về mặt văn hóa và lịch sử. Mỗi di tích mang một thông điệp từ lịch sử. Di tích có tính nguyên bản càng cao thì tính thông điệp càng rõ. Cũng cần nhắc lại rằng di tích được phân loại thành các loại hình: Di tích lịch sử - văn hóa, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ, di tích thắng cảnh, di tích lịch sử cách mạng. Điều ấn tượng nhất với du khách khi tới thăm di tích là được chứng kiến nét cổ kính, rêu phong của các công trình kiến trúc và hiện vật, cổ vật còn lưu lại. Hình bóng người xưa như hiện về qua di tích làm không gian rất đỗi trầm mặc linh thiêng. Cảm giác được thực sự trở về nguồn cội làm mỗi người không khỏi xúc động, trân quí những giá trị vật chất tinh thần cha ông ta để lại. Chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc cổ không chỉ là niềm tự hào về quá khứ, mà còn cho chúng ta hiểu thêm về trí tuệ, nét tài hoa của tiền nhân. Rất may mắn đến hôm nay chúng ta vẫn gìn giữ được các di vật và di tích cổ như ở đình đền Phương Độ (xã Xuân Phương, huyện Phú Bình), chùa Hương Ấp (xã Tiên Phong, thành phố Phổ Yên).

Khảo sát một số di tích trên địa bàn tỉnh, chúng tôi thấy khó khăn lớn nhất trong gìn giữ, bảo tồn tôn tạo là nhiều di tích, nhất là các di tích lịch sử cách mạng, phần lớn được xây dựng bằng vật liệu không mang tính bền vững như gỗ, tranh tre, nứa lá, rất khó giữ được nguyên trạng. Nhiều di tích không có hàng rào bảo vệ, hoặc xen lẫn trong khu dân cư, việc xâm lấn đã từng diễn ra và tốn nhiều thời gian, công sức cho việc giải tỏa.

Một số di tích đã được trùng tu tôn tạo theo hướng xây dựng bằng các vật liệu kiên cố và được thiết kế hoàn toàn mới, không còn hình bóng của di tích cổ xưa. Điều này có thể bắt gặp ở khắp các huyện, thành phố như chùa Hang, chùa Đồng Mỗ, chùa Phủ Liễn (TP Thái Nguyên), đình, đền, chùa Cầu Muối (huyện Phú Bình)…

Khu lăng mộ của sự trụ trì chùa Hang

Tại đình Vân Hán (Đồng Hỷ), ngôi đình nổi tiếng linh thiêng, chúng tôi được ông Nông Văn Dưỡng, người trông coi đình cho biết: đình thờ Thành hoàng Cao Sơn Quý Minh và các vị thần có công hộ quốc an dân, hiện đình vẫn lưu giữ là 3 đạo sắc phong của các triều vua Nguyễn (các năm 1854, 1908 và 1924). Năm 1951, Trung ương Đảng đã chọn nơi này để tổ chức hội nghị do đồng chí Trường Chinh chủ trì, bàn về chính sách thuế nông nghiệp. Trước đây ngôi đình rất lớn, là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của làng, những năm 60 thế kỉ trước do ngôi đình bị mục nát, bà con góp của, góp công xây dựng lại. Do nguồn kinh phí hạn chế, ngôi đình bị thu hẹp, chỉ đủ làm nơi thờ tự.

Tương tự như vậy, tại di tích động Linh Sơn (xóm Núi Hột, xã Linh Sơn, thành phố Thái Nguyên) sau một thời gian doanh nghiệp tiến hành nổ mìn khai thác đá, các công trình kiến trúc ở xung quanh không còn dấu vết. Theo tài liệu lịch sử gần 1000 năm trước, nhà Tống đưa quân xâm lược nước ta, các tướng lĩnh và binh lính quân đội Đại Việt đã dựa vào thế đồi núi dựng phòng tuyến chặn bước quân thù. Trong các trận đánh, rất nhiều tướng lĩnh và binh lính của ta đã tử trận, linh hồn của họ lang thang.

Dòng chữ nhắc nhở du khách tại động Linh Sơn

Là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, nhưng ai đến đây cũng đều không khỏi ái ngại. Ngôi chùa do bà con phát tâm công đức xây dựng tuy khang trang, nhưng do xây dựng thành các đợt khác nhau, lại không có thiết kế tổng thể nên trông khá khiên cưỡng với các ngôi nhà mái ngói, mái tôn liền kề. Mặt trước núi Linh Sơn những năm gần đây, một doanh nghiệp khai thác quặng đã đổ hàng chục nghìn mét khối đất đá thải vào chân núi, làm cảnh quan khu vực bị biến dạng. Cuối năm 2018 khu vực hang động được tôn tạo tu bổ, song có lẽ chưa được nghiên cứu kĩ, nên không giữ được vẻ cổ kính, hoang sơ vốn có. Khi thay đổi địa giới hành chính từ huyện Đồng Hỷ về thành phố, tấm bia di tích không được thay mới mà chạm khắc đè lên chữ cũ rất thiếu thẩm mĩ. Vách hang cũng có những dòng chữ lớn viết bằng sơn nghệch ngoạc nhắc du khách bảo vệ di tích (?).

Một ngôi chùa lớn nhất tỉnh là chùa Hang thực chất là một ngôi chùa xây dựng hoàn toàn mới. Chùa có tên chữ “Kim Sơn Tự”, còn được gọi là “Tiên Lữ Phật Động”. Di tích thắng cảnh Chùa Hang có ba ngọn núi đá lớn, ngọn núi đứng giữa có tên là “Huyền Vũ”, hai bên là hai ngọn “Thanh Long - Bạch Hổ”, ba ngọn kết nối nhau bởi dải yên ngựa.

Tương truyền vào một buổi sáng mùa Xuân năm Nhâm Tuất (thế kỷ XI), vua Lý Thánh Tông thức dậy kể lại giấc mơ của mình cho Nguyên Phi Ỷ Lan chuyện nằm mộng được Phật dắt lên vùng đất địa linh ở Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Bà Nguyên Phi lập tức thực hiện chuyến kinh lí tham quan, thấy phong cảnh hữu tình, núi non kỳ vĩ, hang động rộng lớn, bèn cho lấy hang dựng chùa thờ Phật.

Chùa Hang - Kim Sơn Tự, một bức tranh thủy mặc làm nao lòng “tao nhân mặc khách”, hiện còn nhiều văn bia ghi những bài thơ trác tuyệt bằng chữ Hán khắc trên vách hang.

Sẽ không có gì đáng nói khi với những giá trị to lớn của di tích danh thắng từ ngàn xưa, “Chùa Hang - Kim Sơn Tự” được tôn tạo trở thành quần thể di tích lịch sử, thắng cảnh văn hoá tâm linh đặc sắc của tỉnh Thái Nguyên. Dân gian gọi nôm là Chùa Hang vì chùa ở trong hang, nhưng toàn bộ việc lễ Phật, chiêm bái gần như không được tiến hành trong hang và cũng ít người biết tới ngôi chùa cổ trong hang núi.

Tình trạng khá phổ biến tại các đình, đền, chùa là ban quản lý thường tự tiện cơi nới, bấp chấp mĩ quan như xây hàng rào, lợp mái tôn sân hè, nhà quản lý và đón tiếp… Thậm chí ngôi giếng cổ có cách đây trên 1000 năm tại chùa Hương Ấp, nhà sư gần đây cũng cho xây ban thờ bằng gạch, lợp mái tôn bên cạnh.

Không còn là việc tham quan, hoặc vãn cảnh thông thường, vấn đề rất đáng lo ngại hiện nay tại các di tích, nhất là đình, chùa, đó là việc các các ban quản lý chưa nghiêm khắc hạn chế du khách và phật tử sắm mâm lễ vật, vàng mã, tiền lẻ hành lễ. Ngoài hòm công đức, ngay cả cây xanh, ghế ngồi ở di tích cũng chạm khắc hoặc treo biển ghi tên người trồng và cung tiến.

Các di tích hàng năm thường tổ chức lễ hội thu hút khách thập phương. Nhiều lễ hội không mang bản sắc riêng, tình trạng biến không gian lễ hội thành hội chợ thương mại diễn ra khá phổ biến.

Tại một số ngôi chùa như Hương Ấp, chùa Hang, khi sư trụ trì qua đời phần mộ được an táng ngay trong khuôn viên nhà chùa và lắp dựng bảo tháp trên diện tích đất khá lớn. Nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao mộ phần vị sư trụ trì một ngôi chùa lại có đặc ân cao hơn các nhà cách mạng tiền bối của đất nước và các anh hùng liệt sĩ như vậy?

Du khách tới các di tích lịch sử cách mạng không khỏi bất ngờ khi thấy di tích nào cũng đặt lư hương. Đơn cử như Di tích Nơi thành lập cơ sở Đảng Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên (năm 1936) tại xóm xã La Bằng, huyện Đại Từ. Trên đài bia là hình lá cờ đỏ búa liềm, dưới là lư hương khói hương nhang nghi ngút…

Kết nối bền vững những giá trị muôn đời

Các di tích là một phần của lịch sử và văn hóa trong quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông. Di tích kết tinh những giá trị từ quá khứ, là thông điệp của thế hệ cha ông về tinh thần dân tộc, văn hóa, tín ngưỡng. Ứng xử với di tích là ứng xử với truyền thống và với chính bản thân mình.

Thông qua di tích, người hiện tại biết được phần nào đời sống văn hoá của tổ tiên, hiểu được tâm hồn, suy nghĩ, lối sống của cha ông, từ đó có trách nhiệm kế thừa, duy trì, bảo tồn, không chỉ làm giàu cho văn hoá đương đại mà còn trao truyền dành cho thế hệ mai sau.

Các ngành chức năng cần nghiên cứu, khảo sát, đánh giá đúng thực trạng các di tích, trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch tổng thể bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Từng bước đầu tư có hiệu quả để trùng tu, tôn tạo, quản lý, khai thác, phát huy các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Điển hình nhất trong các di tích của tỉnh Thái Nguyên là Di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hoá. Số lượng, phạm vi di tích với tổng diện tích bảo tồn khá lớn. Tầm vóc lịch sử của di tích cần gắn trong không gian văn hoá của cả vùng và cộng đồng dân cư. Nếu chỉ Ban quản lý di tích và các cấp chính quyền rất khó để bao quát. Vì vậy cần có sự chung tay của người dân sở tại, phát huy được mọi nguồn lực nội sinh trong quản lý, bảo vệ, trùng tu di tích một cách thường xuyên là việc làm cần thiết và mang tính bền vững. Quan tâm công tác xã hội hóa trong bảo tồn, phát huy giá trị của di tích lịch sử - văn hóa.

Không một thứ vật chất nào có thể tồn tại bền vững trước thời gian, các di tích xuống cấp là điều khó tránh. Việc tu bổ, tôn tạo di tích tạo nên một quần thể danh thắng để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng và phát triển du lịch là hết sức cần thiết. Tuy nhiên điều quan trọng ở đây là cách ứng xử thích hợp, nhất thiết phải phục dựng như vốn có với những di tích đã tồn tại từ xa xưa và những cảnh quan thiên nhiên hiện hữu.

Theo chúng tôi, giải pháp trước mắt là phải có sự quy hoạch và đầu tư nghiên cứu khoa học, từng hạng mục muốn tu bổ tôn tạo, xây dựng mở rộng phải được các cơ quan có chuyên môn tính toán kỹ về qui mô, mức độ, nét văn hóa trong từng giai đoạn lịch sử và tôn tạo giữ nguyên di tích tại vị trí cũ. Kiên quyết không để hiện tượng mượn danh nghĩa trùng tu, tôn tạo di tích để kinh doanh di tích.

Có các chế tài xử lý và tháo dỡ các công trình xây dựng cơi nới, mái tôn, mái vẩy, hoặc tôn tạo sai phép, kể cả được cấp phép nhưng không phù hợp trước đây trong phạm vi di tích, từng bước hoàn trả nguyên trạng, không để cảnh quan di tích bị biến dạng.

Lịch sử là sự bất biến. Những di tích chính là chứng tích một thời người xưa đã lưu kí. Vì vậy, cần tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ di tích, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, ý thức văn hóa, lối sống văn minh, biết trân trọng gìn giữ bảo vệ các công trình văn hóa. Những hành vi xâm hại, kể cả viết, vẽ, chạm, khắc... lên di tích phải được xử lý nghiêm khắc. Rà soát, kiểm tra chương trình lễ hội tại các di tích và có các định hướng cụ thể về bản sắc văn hóa trong việc tổ chức mọi hoạt động của từng lễ hội.

Tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, các cuộc thi với nhiều hình thức đa dạng tìm hiểu về di tích. Có các biện pháp phù hợp xuất bản ấn phẩm giới thiệu về từng di tích để người dân, khách tham quan, du lịch hiểu rõ về lịch sử, ý nghĩa, giá trị văn hoá và nâng cao ý thức bảo vệ di tích.

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân và do nhà nước thống nhất quản lý, dù thuộc phạm vi đình, chùa, đền, miếu các cơ quan chức năng cũng phải theo dõi giám sát và yêu cầu sử dụng đúng mục đích. Hài cốt, tro cốt các vị tu hành, ngoại trừ những bảo tháp xây dựng từ xa xưa, cần có qui định cụ thể và di chuyển mộ phần ra nghĩa trang, hoặc ngoài phạm vi di tích, trả lại sự thanh tịnh cho di tích.

Về vấn đề tâm linh: Thắp hương, dâng hoa, lễ vật là một trong những phong tục, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt. Tuy nhiên không phải di tích nào người dân và du khách cũng tiến hành một cách thái quá. Các cơ quan chức năng cần xem xét và có qui định cụ thể loại di tích nào nên đặt lư hương để thắp nhang, nơi nào chỉ dâng hoa (bó hoặc lẵng) khi tới thăm di tích. Kiên quyết chấn chỉnh hành vi lưu danh tại các di tích trong việc cung tiến, công đức, coi đó như một thứ tệ nạn cần bài trừ.

Di tích là tài sản quý giá không chỉ của tỉnh Thái Nguyên, mà còn là của cả dân tộc. Hành động của chúng ta chẳng những cho hiện tại mà còn kết nối giá trị cho muôn đời sau. Hy vọng từ những kết quả đã đạt được, các di tích sẽ ngày càng được ứng xử có văn hóa với trách nhiệm cao hơn của cộng đồng.

Phan Thái

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Không khóc ở Đài Loan

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Trái tim bồ đề

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Thái Nguyên lưu luyến trong tôi

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Người bản Dao thay áo cho rừng

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Văng vẳng tiếng còi tàu

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước