Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
09:24 (GMT +7)

Tưởng nhớ một nhà báo mẫu mực

VNTN - Ông Dương Nghĩa Phùng sinh năm 1918, mất năm 2015 nguyên là phóng viên Báo Việt Nam Độc lập. Ông Phùng sinh ra lớn lên ở làng Xuân La, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình, thời kỳ tiền khởi nghĩa ông là một người sớm được giác ngộ tham gia hoạt động cách mạng, được bầu là Trưởng ban Ban giải phóng dân tộc ở địa phương. Sau đó ông Phùng công tác liên tục 25 năm ở nhiều cơ quan thuộc huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Từ năm 1957 đến 1970, ông làm Tổ trưởng tổ Phóng viên nhiếp ảnh kiêm Phó phòng bạn đọc báo Việt Nam Độc lập, Khu tự trị Việt Bắc, cuối năm 1970  ông về hưu. Quá trình công tác, ông Phùng đã được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba (1961), Hội đồng Nhà nước nước CHXHCN Việt Nam tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì (1985).

Ông Dương Nghĩa Phùng (hàng ngồi, giữa), cùng các văn nghệ sỹ Trung ương, Phóng viên báo Việt Nam Độc lập (khu tự trị Việt Bắc) chụp ảnh với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thái Nguyên (13/3/1960).

Thời kỳ ông Phùng công tác ở báo Việt Nam Độc lập, một tờ báo được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập (01/8/1941) lúc đó có ảnh hưởng lớn tới quần chúng nhân dân trong nước. Vào ngày 13/3/1960, ông Phùng vinh dự được chụp ảnh kỷ niệm với Bác Hồ. Đây là một kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời làm báo của ông. Hôm đó cùng đi với Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo còn có các phóng viên ở Trung ương như: nhà nhiếp ảnh Đinh Đăng Định, Phần Trọng Quỳ, nhà quay phim tài liệu Trung ương Hồ Mậu Đường, nhà báo Việt Nam Độc lập trong đó có ông Dương Nghĩa Phùng và ông Chủ Thì… Các phóng viên cầm máy vinh dự được chụp một số ảnh Bác Hồ về Thái Nguyên và được chụp ảnh kỷ niệm với Bác Hồ. Hiện nay, bức ảnh tư liệu đó vẫn treo ở vị trí trang trọng trong ngôi nhà của ông Phùng ở làng Xuân La.

Sau khi nghỉ hưu về quê ở huyện Phú Bình, ông Phùng tiếp tục tham gia vào công tác xã hội tại địa phương và dạy con cháu học hành. Một trong những thành tích đáng ghi nhận của  ông Phùng đó là việc tham gia vào Hội người cao tuổi địa phương và ông đã xây dựng quy chế, nề nếp sinh hoạt khiến cuộc sống của làng xóm được cải thiện đáng kể. Trong những năm 1993 -  2003, ngôi đình Xuân La, trải qua bao thời gian đã xuống cấp nặng có nguy cơ sập đổ, ông Phùng đã cùng với nhân dân trong làng đóng góp sức người, sức của tu bổ, tôn tạo cứu được ngôi đình và phục hồi được ngôi chùa để làm nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần, được nhân dân làng hết lòng ca ngợi khâm phục. Ông Phùng cũng đã cùng nhân dân sở tại phục hồi lại lễ hội đình làng Xuân La vào ngày 6 tháng Giêng âm lịch hàng năm; huy động sự công đức lòng hảo tâm của tất cả các con em người quê làng Xuân La, các đơn vị đã từng ở và làm việc tại đình Xuân La trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, trở lại thăm nguồn cội như Trường THPT Hàn Thuyên Bắc Ninh, Sư đoàn 304 b thuộc Quân khu I... Bên cạnh những việc làm được nhân dân ủng hộ, ông Phùng còn dày công sưu tầm, dịch thuật các tài liệu Hán Nôm, tiêu biểu như cuốn Thần tích về thủ lĩnh Dương Tự Minh do gia đình ông đã gìn giữ được. Tài liệu này được đưa vào Hồ sơ di tích lịch sử văn hóa đình Xuân La (Bộ VHTT xếp hạng Quốc gia năm 2001) và cuốn Địa chí Thái Nguyên (do Tỉnh ủy Thái Nguyên xuất bản năm 2009).

Hiểu biết về chữ Hán cổ, ông Dương Nghĩa Phùng không chỉ dịch thuật hàng chục văn bản là văn bia, sắc phong, hoành phi, câu đối ở các đình, chùa thuộc huyện Phú Bình mà ông  còn sáng tác nhiều hoành phi, câu đối theo lối cổ truyền do nhân dân đề nghị viết chữ để thờ ở các di tích, nhà thờ các dòng họ, như câu đối ở cổng đình, chùa Xuân La (xã Xuân Phương), chùa Thiên Thai (xã Kha Sơn), đình Nga My (xã Nga My), nhà thờ họ ở một số xã trong huyện. Ông Dương Nghĩa Phùng đã được UBND, Mặt trận Tổ quốc huyện Phú Bình tặng Giấy khen do có thành tích tham gia vào phong trào xây dựng nếp sống văn hóa ở địa phương; Bảo tàng Thái Nguyên tặng Giấy khen vì đã góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy tốt di sản văn hóa. Hiện nay, tại gia đình ông Phùng vẫn còn lưu giữ được 35 cuốn sách cổ là di sản của các cụ đời trước. Trong số sách cổ có nhiều loại sách dành cho người học chữ Hán, lịch sử, văn học, đặc biệt có cuốn Truyện Kiều bằng chữ Nôm một tác phẩm văn học nổi tiếng của dân tộc in thời nhà Nguyễn, sách về y dược học do Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (thế kỷ XVIII) khắc in, ghi lại những bài thuốc nam chữa nhiều loại bệnh, thực sự là tài liệu Hán Nôm có giá trị tìm hiểu về nghề y dược học cổ truyền của nước ta.

Ông Dương Nghĩa Phùng không những là một người hiểu biết về văn hóa cổ mà ông còn là người cha mẫu mực, một nhà báo khiêm nhường, đa tài. Thuở sinh thời sống trong một gia đình có đến ba thế hệ, ông  Phùng rất quan tâm giáo dục con cháu trong nhà, dòng họ. Ông luôn gương mẫu, dạy con cháu từ nhỏ đến lớn phải biết vâng lời ông bà, cha mẹ, biết cần kiệm, siêng năng, hòa nhã với mọi người. Ông có tập thơ mang tên “Gia huấn ca” gồm 206 câu lục bát. Lời thơ giản dị do ông viết để truyền bá cho con cháu dễ thuộc, dễ nhớ. Trong phần mở đầu tập thơ có đoạn: “Gia huấn ca là bài ca khuyên con cháu trong gia đình cách ăn ở, đối xử với mọi người cho phải đạo” trong đó đã có đưa 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên và nhi đồng để giáo dục con cháu. Kết luận tập thơ ông viết: “Những bài học cao quý trên, khuyên con cháu, thân nhân trong gia đình, luôn ghi nhớ, học tập để nâng cao kiến thức văn hóa, vui di dưỡng tinh thần, tu thân, tề gia cho ngày thêm văn minh tiến bộ”. Được ông trực tiếp giáo dục, rèn luyện nên con cháu của ông đều trưởng thành, các cháu ông đều học giỏi, hiện đang công tác ở Đại học Thái Nguyên và các cơ quan thuộc xã Xuân Phương, huyện Phú Bình.

Ông Phùng là tấm gương tiêu biểu của một con người có học được giáo dục cẩn thận từ những thế hệ trước. Gia đình ông thực sự xứng đáng là gương ông bà mẫu mực con cháu thảo hiền. Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, trân trọng tưởng nhớ ông - một nhà báo mẫu mực của nền báo chí cách mạng nước nhà và của quê hương Thái Nguyên.

 

Nguyễn Đình Hưng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy