Tượng gỗ nhà mồ của đồng bào dân tộc Ba Na
Ẩn sâu trong rừng già đại ngàn của dãy núi Trường Sơn Tây Nguyên là những khu nhà mồ tàn lụi trước thiên nhiên. Ở đó có những pho tượng gỗ, và ẩn sâu trong những pho tượng gỗ là giá trị văn hóa, là giá trị nghệ thuật, là đời sống tâm linh... của đồng bào nơi đây. Thông qua trưng bày tượng gỗ của đồng bào dân tộc Ba Na tại khu nhà mồ trong khuôn viên Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam có thể giúp chúng ta phần nào hiểu được phong tục, đời sống sinh hoạt của họ.
Tượng gỗ của đồng bào dân tộc Ba Na trưng bày tại khu nhà mồ trong khuôn viên Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam là những sản phẩm được các nghệ nhân tạo từ các khối gỗ tròn, thông qua gọt, đẽo, gò, đắp... chạm khắc, chạm nổi, và bằng thủ pháp dùng mảng, khối để tạo được không gian ba chiều, hai chiều. Người nghệ sĩ đã họa lại các chi tiết, thổi hồn cho tác phẩm sinh động, đa dạng và phong phú. Giữa rừng núi đại ngàn, nguyên liệu thiên nhiên sẵn có, các tác phẩm điêu khắc của đồng bào Ba Na cũng không quá kén chọn loại gỗ để sử dụng, nên có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hành và phát triển.
Cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung và đồng bào dân tộc Ba Na nói riêng đều gắn liền với nương rẫy, trồng trọt, khai thác sản vật tự nhiên từ rừng xanh Trường Sơn đại ngàn. Cuộc sống mưu sinh khiến con người phải tự sáng tạo để thỏa mãn nhu cầu của bản thân và cộng đồng. Đồng bào nơi đây đã phát triển một số nghề thủ công như: dệt, đan lát, mộc, rèn,... và cũng tự bao giờ, nghệ thuật tạc tượng gỗ của dân tộc Ba Na ra đời, không chỉ phản ánh một trong những nghề thủ công độc đáo mà còn là biểu tượng tâm linh, tín ngưỡng của “vạn vật hữu linh” hoang sơ của tộc người miền cao nguyên.
Nghệ nhân đồng bào dân tộc Ba Na chạm khắc trên gỗ và làm tượng gỗ trang trí ở nhà Rông, nhà sàn, nhà dài và nhà mồ rất nhiều. Nhưng để có thể lột tả hết các tài năng điêu khắc của các nghệ nhân buôn làng thì phải kể đến khu nhà mồ, nơi tập trung, trưng bày tượng gỗ dân gian nhiều nhất, vẫn bảo lưu được một nền mỹ thuật mang tính cộng đồng và tình cảm nguyên thủy, rất thô phác lại đầy gợi mở, sống động.
Theo tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa dân gian của người Ba Na là tín ngưỡng nguyên thủy đa thần - vạn vật hữu linh, vạn vật đều có linh hồn, cuộc sống con người chịu sự chi phối bởi lực lượng siên nhiên. Đồng bào quan niệm có 3 thế giới: một là, thế giới của con người và những gì họ có thể nhìn thấy xung quanh trên mặt đất, trên bầu trời; hai là, thế giới của các linh hồn - nơi người chết ở; ba là, thế giới của các vị thần linh. Con người, thần linh và hồn ma gặp gỡ nhau qua những giấc mơ. Con người gồm có phần xác và phần hồn. Phần xác tồn tại hữu hạn, phần hồn tồn tại vĩnh viễn. Khi thể xác mất đi, linh hồn người chết sẽ về thế giới bên kia sống với tổ tiên, sau một thời gian sẽ tái sinh trở lại. Chết không phải là hết, mà chỉ là chuyển từ trạng thái vật chất - cơ thể sang trạng thái siêu hình để rồi sau một thời gian lại chuyển ngược lại. Và tục làm lễ bỏ mả để chuyển trạng thái sống cho người đã mất.
Sau 3 năm, 5 năm, 10 năm tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình lễ bỏ mả có thể diễn ra. Trong dịp này, đồng bào làm nhà mồ và rất nhiều tượng được tạc và đưa về đặt xung quanh nhà mồ với ý nghĩa tô điểm cho nhà mồ thêm đẹp, làm cho không khí bỏ mả thêm vui nhộn. Đồng bào làm tượng nhà mồ với niềm tin rằng tượng hóa thân thành những người đi để làm giúp việc, hầu hạ cho người đã mất.
Tượng gỗ nhà mồ của đồng bào dân tộc Ba Na, chính là bức tranh văn hóa nguyên sơ, độc đáo từ ngàn đời nay, đời sống tâm linh, quan niệm về thẩm mỹ, tâm hồn, tình cảm, các giá trị di sản văn hóa của cư dân bản địa được thể hiện một cách độc đáo, hiếm thấy qua nội dung, hình ảnh sáng tạo nên hệ thống tượng gỗ. Tượng gỗ Tây Nguyên, của tác giả Đào Huy Quyền cũng viết: “Cuộc sống và thời gian cứ trôi qua, có biết bao nhiêu tượng gỗ trở về với đất mẹ. Nhưng lớp tượng này tàn lụi thì lại có lớp tượng khác ra đời theo ý tưởng sáng tạo của những nghệ sĩ ưu tú nhất trong nhân dân”. Các hoạt động của đời sống được phô bày, khắc họa, các nghệ nhân khắc tượng thả sự tự do tưởng tượng, sáng tạo những hình ảnh phong phú, muôn hình muôn vẻ.
Tượng gỗ trang trí ở nhà mồ đường nét thô sơ, mộc mạc, nhưng lại khắc họa hiện thực tự nhiên, để lại cho người xem ấn tượng sâu sắc, thể hiện quan niệm tộc người rõ nét. Các bức tượng chỉ mang tính ước lệ, không thể hiện cá tính nhân vật riêng, tất cả đều đăm chiêu, tư lự, đều như nhìn về một nơi vô định nào đó. Nội dung tập trung thể hiện sự tái sinh hay bắt đầu cuộc sống mới qua việc thể hiện đời sống sinh hoạt hằng ngày và cũng phản ánh những chủ đề, cuộc sống hiện tại. Nhóm tượng trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam gồm 3 nhóm cơ bản:
Nhóm tượng thể hiện niềm tin: cuộc sống con người là sự luân hồi, vòng sinh - tử - sinh bất diệt: thể hiện qua hình tượng người đàn bà chửa, tượng người đàn bà khỏa thân, tượng đôi nam nữ thể hiện tư thế ân ái, tượng khoe bộ phận sinh dục, hay tượng người chống cằm (giống hình ảnh sinh linh mới ra đời đang trong tư thế bào thai - hình ảnh một hài nhi trong bào thai mẹ), tượng người già ôm mặt buồn, khóc, ánh mắt chứa đựng bao nỗi nhớ xen lẫn tiếc thương, tượng người đàn ông đứng nhìn thẫn thờ, biểu cảm trầm tư, mắt nhìn xa xăm như đang ưu tư dõi về cõi khôn cùng... Có thể nói đây chính là nhóm tượng đại diện cho sự luân hồi, với những hình ảnh khác nhau, thời điểm xảy ra khác nhau, nhưng là thể hiện quá trình sinh thành, phản ánh từng giai đoạn, chu kỳ phát triển của một con người.
Đôi khi với ước mơ sinh sôi, duy trì nòi giống nên bộ phận sinh thực khí của nam nữ mô tả như thật, thậm chí phóng đại thể hiện óc hài hước và khát vọng yêu đương, sinh tồn bất diệt. Những người tạc tượng này thường giấu danh tính, giấu gia đình, dân làng vì xấu hổ. Họ tạc tượng ở ngoài rừng và chỉ kéo về nhà mồ trước ngày dựng. Nhưng những bức tượng này lại khiến bà con trong bản thích thú ngắm nhìn và bình luận. Bởi tượng này thường được trưng bày ở khu mộ có người chết khi đang có thai, chết khi sinh nở với ý nhắc nhở người sống phải thủy chung với người chết trong thời gian có tang; hoặc ngầm ý chê trách người sống đang có những quan hệ không lành mạnh khi chưa mãn tang người nằm dưới mồ. Thông qua lớp tượng tái sinh, phản ánh đời sống tâm linh tộc người ta hiểu hơn quan niệm về sự sống - chết của đồng bào cũng như phản ánh đời sống nội tâm phong phú, những xúc cảm tinh tế, sâu lắng nhất của nhóm nghệ nhân bản làng, sự tác động tâm linh đến cuộc sống, gia đình cũng như sinh hoạt cộng đồng.
Nhóm tượng mô tả cuộc sống sinh hoạt hàng ngày đa dạng và thực cảnh con người sinh hoạt nơi trần thế: tượng người phụ nữ địu con, cô gái giã gạo, ông già hút tẩu, mẹ ôm con,... dáng vẻ của tượng mô tả khái quát cảnh sinh hoạt của buôn làng nơi người sống đang cư trú. Đây là nhóm tượng vận dụng được sự sáng tạo, muôn hình muôn vẻ khi phô bày các hoạt động của đời sống, khắc họa mỗi tượng mỗi kiểu dáng, với những nét biểu cảm khác nhau vừa sinh động lại rất độc đáo. Những tượng này kết hợp với nhóm tượng đồ dùng sinh hoạt, động - thực vật đã làm thành bức tranh sống động mô tả cuộc sống sinh hoạt trần thế với đầy đủ biểu cảm trên khuôn mặt, động tác, dáng vẻ đứng ngồi... với quan niệm ở thế giới mông lung, linh hồn người chết vẫn sống, vẫn lao động, vui chơi, có bạn bè, láng giềng, có vui buồn, khỏe ốm và cũng chết khi già. Vì thế người sống với ý nghĩa “trần sao âm vậy” và muốn “để người chết ra đi thanh thản, người sống làm tượng mồ, nhà mồ cho người chết” hy vọng sau khi bỏ mả, ở làng ma sẽ sống sung túc, vui vẻ, bằng lòng với sự quan tâm của người sống mà không quấy phá người đang sống.
Nhóm tượng đồ đùng sinh hoạt, động vật, thực vật: văn hóa truyền thống của người Ba Na nói riêng và các tộc người ở Tây Nguyên nói chung bắt nguồn từ môi trường sống dựa vào núi rừng nên những giá trị nghệ thuật được tạo ra phục vụ đời sống tinh thần của họ đều từ ý thức phản ánh đời sống thiên nhiên quanh họ. Những tượng này chỉ mang tính điểm thêm với mục đích làm đẹp cho ngôi nhà và cũng mang ý nghĩa là lễ vật, là của cải chia cho người chết, thể hiện niềm tin, khát vọng cuộc sống tái sinh luân chuyển. Hình ảnh tượng quả bầu, gùi, nồi có quai, nỏ, rựa..., những bức tượng gỗ tạc, đẽo hình các con thú quen thuộc trong đời sống sinh hoạt hàng ngày như trâu chó... hay những loại thú hiền lành nơi rừng núi: voi, khỉ, chim, cá, thằn lằn... Các tượng được tạo trong không gian ba chiều khi thì đem lại cảm giác huyền bí, khó trông, khi lại trở nên gần gũi, cuốn hút, tất cả đều thông qua đôi bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng phong phú của các nghệ nhân buôn làng.
Có thể nói rằng đỉnh cao của nghệ thuật khắc gỗ dân tộc Ba Na là trang trí điêu khắc những ngôi nhà rông uy nghi như những lưỡi búa khổng lồ giữa bầu trời xanh, trong cái nắng vàng của rừng núi Tây Nguyên. Nhưng để hiểu, để biết được tường tận về đời sống, các giá trị văn hóa, tâm tư, nguyện vọng... của đồng bào dân tộc Ba Na một cách khái quát nhất thì ta phải tìm đến nghệ thuật khắc tượng gỗ nhà mồ của những nghệ nhân dân gian bản địa. Những nghệ nhân dù chưa từng trải qua một trường lớp đào tạo và những tác phẩm của họ cũng không trau chuốt, không rườm rà, nhiều khi lại không cân đối, đầy ngẫu hứng lại ẩn chứa nhiều thông điệp, nhiều điều muốn truyền tải về cuộc sống.
Hiện nay do ảnh hưởng của nhiều loại hình văn hóa nên nhiều phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào bị mất đi, như không tổ chức nhiều lễ hội, không làm lễ bỏ mả nên việc tạo tượng nhà mồ đang dần suy giảm. Lớp nghệ nhân xưa đã cao tuổi, lớp trẻ lại không thích học nghề truyền thống của cha ông, họ không thiết tha với văn hóa truyền thống. Xã hội phát triển, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp cũng có nguy cơ bị lãng quên và mai một dần nên việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cần từng bước hiện thực hóa bằng những chủ trương, chính sách, triển khai thực tế, nhằm tạo mọi điều kiện để cho tất cả các loại hình văn hóa nghệ thuật tượng gỗ nói chung, loại hình tượng gỗ của đồng bào dân tộc Ba Na nói riêng có cơ hội tồn tại trong đời sống và phát huy giá trị trong tương lai.
Vì vậy, việc dựng lại góc trưng bày nhà mồ cùng nhóm tượng tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam là cơ hội để vẻ đẹp về giá trị văn hóa về đời sống, tâm tư, tín ngưỡng... của đồng bào dân tộc Ba Na nói riêng và đồng bào dân tộc Tây Nguyên nói chung được lan tỏa.
Kim Thoa
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...