Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
22:42 (GMT +7)

Từ thiện đúng cách

VNTN - Trên mạng xã hội, các facebooker thích thú share câu chuyện về một tình nguyện viên người Mỹ làm từ thiện. Chuyện là, trong khi mọi người trên chuyến xe cứu trợ không khỏi xúc động khi nhìn thấy một cậu bé da đen sạm gầy trơ xương, quần áo tả tơi đuổi theo chiếc xe tải to lớn của họ, nhóm tình nguyện đã lấy quà cứu trợ trao cho cậu bé, nhưng chàng trai người Mỹ đã “quát” ngăn lại hành động ấy. Bất ngờ trước thái độ có phần kì quặc, song cách hành xử sau đó của anh đã làm mọi người thốt lên nể phục. Với những lời đề nghị, khuyến khích: “Trên xe có rất nhiều thứ, em có thể giúp anh chuyển chúng xuống không? Tụi anh sẽ trả công cho em”; “Không còn ai sẵn lòng giúp đỡ bọn anh nữa sao?”… Chỉ trong tích tắc hàng hóa trên xe đã được đám trẻ phụ chuyển xuống nằm ngay ngắn dưới mặt đất. Tất cả đều được nhận quà. Một đứa trẻ đến muộn đã được tình nguyện viên người Mỹ gợi ý hát một bài tặng mọi người, sau khi hát cậu bé đã có được phần quà như các bạn.

Người ta tán thưởng hành động, chia sẻ và suy ngẫm quan điểm làm từ thiện của anh, rằng “nghèo không phải là cái tội, nhưng nếu những đứa trẻ ấy nhận được sự giúp đỡ của mọi người một cách quá dễ dàng, rất có thể chúng sẽ hình thành lối nghĩ dùng sự nghèo đói của mình để mưu sinh chứ không cố gắng phấn đấu để vươn lên. Lúc ấy, chúng sẽ càng nghèo khổ hơn. Đó sẽ là lỗi do người làm từ thiện gây ra”.

Câu chuyện trên ít nhiều đã tác động đến sự nhìn nhận về việc thiện nguyện của người Việt. Liệu chúng ta đã làm từ thiện đúng cách? Có ý kiến cho rằng, hành động của tình nguyện viên người Mỹ rất đáng để suy ngẫm. Trên thực tế, ở bất kỳ thành phố, tỉnh thành nào, không khó để bắt gặp cảnh người hành khất ở góc chợ, các ngã tư giao thông… Báo chí nhiều năm nay đã “khui” ra nào đường dây “chăn dắt” ăn xin béo bở của những kẻ lợi dụng lòng tốt để trục lợi; mẹ hành hạ con phát sốt, chụp hình thảm thương cùng thông tin em bé bị bệnh hiểm nghèo “quăng” lên mạng kêu gọi quyên góp lấy tiền; hay trường hợp người bị bệnh cần giúp đỡ thật, nhưng khi người đó không thể qua khỏi thì gia đình vẫn giấu kín thông tin, vô tư nhận tiền của các nhà hảo tâm… Lâu nay chúng ta quen với việc rút tiền ra cho như một cách làm thiết thực nhất, các đối tượng nghèo khó được giúp đỡ bằng cách phân phát thức ăn, nhu cầu yếu phẩm hay tiền bạc… Nhưng suy cho cùng, xã hội cũng chỉ đóng vai trò là bàn đạp cho những người nghèo, không thể sống thay hay giúp đỡ họ mãi được, “của cho không bằng cách cho”, “cho một cần câu hơn cho một con cá”…

Nói đến đây, nhiều người liên tưởng đến trường hợp của cậu bé Hào Anh được giải cứu khỏi sự hành hạ của vợ chồng chủ trại tôm Minh Đức cách đây bảy năm. Cộng đồng đã dành sự thương cảm đến em rất lớn với số tiền hảo tâm chia sẻ là hơn 700 triệu đồng, tin tưởng Hào Anh sẽ trưởng thành từ những đau thương đã phải chịu đựng, sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng rồi Hào Anh đã làm gì? Em đuổi mẹ ra khỏi nhà, dùng số tiền hảo tâm mang tiêu xài phung phí, mới đây là bị bắt vì trộm cắp tài sản ở Lâm Đồng… Tất cả những điều đó đã khiến niềm tin của những tấm lòng thiện nguyện từng giúp đỡ em ngày càng vỡ vụn... Có người băn khoăn, tiếc nuối, những đồng tiền không phải do công sức lao động làm ra thì việc không biết quý trọng và sử dụng sai mục đích là dễ hiểu. Bởi điều đó hình thành lối sống hưởng thụ. Tại sao chúng ta không chuyển tiền mặt thành suất học bổng, những trợ giúp vật chất lẫn tinh thần cần thiết theo từng bước trưởng thành của Hào Anh? Nếu em không có trong tay số tiền hảo tâm lớn như vậy, con đường em đi liệu có khác? Phải chăng vì em đã được giúp đỡ một số tiền quá lớn nhưng không được dạy cách tiêu tiền hợp lý, nên kết cục hôm nay là tất yếu?

Rõ ràng, công việc từ thiện không khó, nhưng cũng chẳng hề đơn giản. Làm thế nào để những hành động, ý tốt của mình không ảnh hưởng xấu tới những thế hệ tương lai sau này, lại là câu chuyện cần được các tổ chức, cá nhân thiện nguyện cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thực hiện.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy