Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
09:38 (GMT +7)

Tự nhiên, trong lành một tình yêu âm nhạc

VNTN - Có những người thật kỳ lạ, cả cuộc đời gắn bó với công việc chẳng liên quan gì đến nghệ thuật, vậy mà trời lại ban cho họ khả năng cảm thụ như một người nghệ sĩ. Ở bất cứ thời điểm, độ tuổi nào, mỗi khi thả hồn vào tiếng đàn, tiếng sáo, họ đã sống một cuộc đời, thật khác…


Từ chuyện làm sáo ống nước…

Câu chuyện ấy là của nhà giáo Nguyễn Tư Sin, nguyên là giảng viên tại các trường: Đại học Nông Lâm Thái Nguyên; Đại học Đại cương; Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Phong thái hoạt ngôn, giọng điệu và thần sắc khỏe khoắn khiến người đối diện không thể nghĩ ông đã 75 tuổi. Không gian nửa như phòng khách, nửa lại như sân vườn ở nhà riêng (đường Z115, phường Tân Thịnh) được bài trí thoạt nhìn có phần hoa mĩ, rối rắm, nhưng nhìn lâu một chút thì thấy chủ nhân mới thật là dân sành chơi. Từ bộ bàn ghế mang nét gồ ghề tự nhiên, những chậu cây cảnh lạ mắt, đến bộ bàn trà, chiếc gạt tàn thuốc lá…, đều như ẩn chứa cái chất, cái hồn nghệ thuật. Mở băng ghi hình phần trình diễn độc tấu sáo tại một sự kiện của trường Đại học Nông Lâm, niềm vui lóng lánh nơi đáy mắt, ông hào hứng nói về chiếc sáo bằng ống nước.

Thuở nhỏ, Nguyễn Tư Sin đã biết làm sáo trúc, nhưng làm theo kiểu “tự nhiên chủ nghĩa”, cứ có sáo để thổi ra thanh ra điệu là vui rồi. Đam mê sáo, ông tìm mua khá nhiều loại, song rất nhiều sản phẩm được làm kiểu công nghiệp mua về không dùng được, thế là ông nghĩ cách tự làm sáo cho riêng mình. Hai cây sáo tự sáng chế từ ống nước chịu nhiệt gồm một cây hình vòng cung trên giá đỡ có thể tháo lắp, một cây thì cuộn tròn khoác qua vai. Trước khi thổi sáo, ông dí dỏm mở van trên ống nước, rót và nhấp một ngụm rồi mới bắt đầu thả hồn vào điệu nhạc. Bản chất của sáo Mông không thay đổi, chỉ khác ở chỗ chất liệu và cách trang trí có phần sáng tạo, lạ lẫm. Ý tưởng làm sáo ống nước cũng không phải mới mẻ, nhưng để thực sự tạo ra cây sáo ấn tượng thì lại chưa thấy ai làm. Sản phẩm đã được thực hiện công phu kỹ càng từ đôi bàn tay của những người làm sáo chuyên nghiệp ở Thái Nguyên mà ông tìm được. Cộng với vốn hiểu biết, cảm thụ về âm, tông, ông đã có được cây sáo khiến bản thân tâm đắc. 

 

Cây sáo độc đáo của ông Nguyễn Tư Sin

Đem cây sáo có phần khác lạ trình diễn trong những cuộc vui, thể hiện tại một số sự kiện văn hóa trong tỉnh, ông nhận được sự thích thú từ người thưởng thức. Trân trọng sự sáng tạo của ông, nhiều người gợi ý ông nên đăng ký sở hữu trí tuệ lên Sở Khoa học Công nghệ. Thấy thuận lẽ, ông đang tìm hiểu khâu làm hồ sơ, thủ tục cần thiết để thực hiện. Ông vui vẻ cho hay, rằng đang có ý tưởng làm thêm một loại sáo khác từ ống nước, đó là sáo bầu. Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn nhen nhóm ý tưởng tham gia cuộc thi Vietnam's Got Talent… Nghe chuyện không ít người tỏ vẻ ngạc nhiên, bởi dường như sự sáng tạo, tình yêu nghệ thuật trong ông là không có tuổi.

Đến mối duyên sâu sắc cùng âm nhạc 

Âm nhạc như một nơi neo đậu của thế giới tâm hồn, là mối duyên lành suốt dặm dài hành trình cuộc đời nhà giáo Nguyễn Tư Sin. Gia đình có bố làm trong đội bát âm của xã, nên khi còn học cấp 2 trường làng (ở Thanh Chương, Nghệ An), Nguyễn Tư Sin đã bập bõm biết chơi sáo trúc, kéo nhị, đàn bầu. Được tiếp xúc nhiều nhạc cụ từ thưở thiếu thời, 14 tuổi ông tham gia thi tuyển diễn viên của Đoàn Văn công Nghệ An, thể hiện tài năng kéo nhị. Được nhận vào Đoàn, nhưng bấy giờ gia đình ngăn cản nên thôi. Theo học Khoa sinh vật trường Đại học Tổng hợp được một năm thì trường sơ tán lên Ký Phú (Đại Từ). Kể từ đó ông chọn gắn bó với quê hương Thái Nguyên như máu thịt. Sau ngày tốt nghiệp ông được phân về giảng dạy tại trường Đại học Nông nghiệp 3 Bắc Thái (Đại học Nông Lâm ngày nay) vừa mới được thành lập (1970). Năm 1995, trường Đại học Đại cương Thái Nguyên (chuyên đào tạo các môn chuyển giai đoạn), khoa cơ bản của các trường đại học được gom về đây. Ông chuyển về được 3 năm thì trường giải thể, lại thêm một lần chuyển công tác nữa là về Khoa sinh - kỹ thuật nông nghiệp trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, tiếp đó là khoa Khoa học tự nhiên (bây giờ là Đại học Khoa học), đến năm 2004 thì về hưu. 

Bận bịu với sự nghiệp “trồng người”, nhưng có lẽ mối duyên với âm nhạc như là định mệnh khi mà năm đó (1971), Nguyễn Tư Sin gặp gỡ một người phụ trách sáo ở đoàn Chèo Đài Tiếng nói Việt Nam, để rồi ông có dịp được hiểu biết nhiều hơn về sáo, về âm nhạc. Trong suốt quá trình công tác, ông có nhiều cơ hội tham gia hoạt động nghệ thuật, đã đoạt 4 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc tại nhiều sự kiện liên quan đến văn hóa, văn nghệ, như: Hội diễn văn hóa nghệ thuật toàn quốc; chương trình khai thác vốn cổ dân tộc; Liên hoan văn nghệ của Sở Nông nghiệp; Hội diễn Công - Nông - Binh toàn tỉnh… Thời kỳ chiến tranh biên giới (1979), ông đã cùng với đoàn Ủy ban Hành chính tỉnh Thái Nguyên đi tiếp tế thực phẩm, tham gia biểu diễn văn nghệ tại các chốt dọc tuyến biên giới, động viên tinh thần chiến sĩ. 

Điều gì đến tự nhiên cũng đều rất đỗi trong trẻo. Nguyễn Tư Sin có khả năng cảm thụ, tự đọc được bản nhạc theo cách rất riêng. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi, ông thường tìm tòi tự học nhạc qua sách vở. Kết hợp được năng khiếu và niềm say mê nên việc học hỏi, lĩnh hội rất nhanh. Không những vậy, ông còn tiếp cận công nghệ thông tin hiện đại, dùng máy tính lấy nhạc đệm sáo, xử lý sao cho phù hợp với bài sáo mà mình sẽ thổi. 

Ông đưa sáo lên môi, những thanh âm núi rừng cất lên như bủa vây, giọng ông trầm xuống: âm nhạc đã mang đến cho tôi niềm vui trong tâm hồn. Cuộc sống nhiều khi phiền muộn, hạnh phúc riêng tư từng trắc trở; rồi tôi bị tai biến, phải tự dựa vào kiến thức sinh học để chữa trị…, nhưng nhờ âm nhạc mà an vui đấy. Cuộc sống như cũng ưu ái dành tặng tôi những thuận lợi khi được lãnh đạo tại các trường từng công tác tạo điều kiện trong công việc; con cái lớn khôn, học hành thành đạt…

Nhiều năm “nửa vời” với những thanh âm âm nhạc, vậy mà ông có thể chơi được kha khá nhạc cụ, là sáo trúc, sáo Mông, sáo bầu, khèn bè, đàn bầu, nhị. Tiếng sáo, tiếng đàn ông cất lên mỗi ngày, như phương thuốc hữu ích để sống an lạc tuổi xế chiều. Ông không dám nhận mình là nghệ sĩ, chỉ giản đơn là người yêu những thanh âm và tự kiến tạo cho mình niềm vui riêng có với âm nhạc rất đỗi tự nhiên, trong lành vậy thôi!

Kim Việt

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy