Từ “món nợ” lịch sử – đến niềm tự hào dân tộc
VNTN - Sau “Người trở về,” “Những người viết huyền thoại” và gần đây nhất là “Truyền thuyết về Quán Tiên”… được trình làng, dường như không chỉ những tín đồ của điện ảnh Việt, mà ngay cả những người xem phim Việt với tâm lý “được chăng hay chớ” cũng đã nhận thấy, đề tài Chiến tranh cách mạng đã bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trong đời sống điện ảnh Việt. Đây không chỉ là một tín hiệu tốt cho sự trở lại hứa hẹn “lợi hại hơn xưa” của mảng đề tài vốn được cho là khô khan, khó làm và tốn nhiều tiền của, mà còn là sự tiếp nối đầy trách nhiệm của các nhà làm phim trẻ trước sự trở lại, khởi sắc của dòng phim này.
Hiện thực hóa chiến tranh - vừa yếu, vừa thiếu
Theo số liệu thống kê từ Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tại Hội nghị sơ kết 5 năm tổ chức Trại sáng tác văn học về đề tài “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng” giai đoạn 2015 - 2019, đã có hơn 70 bản thảo đủ các thể loại từ tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, trường ca, thơ tương đối hoàn chỉnh… Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã từng bước lựa chọn, đưa vào biên tập, xuất bản và phát hành được 52 tác phẩm, trong đó có 22 tiểu thuyết, 14 tập truyện ngắn, 10 tập bút ký và tản văn, 4 tập lý luận phê bình, 2 tập trường ca. Số bản thảo còn lại, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân vẫn đang cùng các nhà văn, nhà thơ tiếp tục hoàn chỉnh để đưa vào biên tập, xuất bản trong năm 2020 và những năm tiếp theo. Điều đáng nói, là cùng với số lượng tác phẩm thu được từ các trại sáng tác của ngành quân đội, các trại sáng tác của những hội chuyên ngành khác như hội văn học, nghệ thuật cũng ghi nhận sự xuất hiện các tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng, khắc họa những số phận con người, vùng đất sau cuộc chiến. Những tác phẩm văn học, nghệ thuật này trong một chừng mực nhất định đã trở thành chất liệu để các nhà làm phim chuyển thể thành kịch bản điện ảnh thành công như phần đầu bài viết đã đề cập. Tuy nhiên, theo đạo diễn - nghệ sĩ nhân dân (NSND) Đặng Nhật Minh, để phim về đề tài Chiến tranh cách mạng có thể trở lại với vị trí từng là mạch chủ đạo của điện ảnh Việt Nam vô cùng khó. Do sự sụt giảm cả về chất lượng và số lượng đã tạo nên “khoảng trống” trong phim về đề tài chiến tranh cách mạng.
Còn với NSND Đào Bá Sơn - người từng thành công với phim “Long thành cầm giả ca” khẳng định việc làm phim lịch sử trăm bề khó khăn. Ngoài thiếu hụt đội ngũ biên kịch giỏi để có kịch bản hay, việc người làm phim lịch sử gặp phải một số phản biện quá khắt khe khiến nhà đầu tư dễ nản chí.
Cảnh trong phim “Những người viết huyền thoại”
Từ quan điểm của NSND Đào Bá Sơn, hay Đặng Nhật Minh có thể thấy, bên cạnh sự thiếu thốn về kịch bản, nguồn kinh phí dành cho việc sản xuất những bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng, thì công tác phản biện do Hội đồng thẩm định nghệ thuật đảm nhận cũng đang trở nên bất cập. Sự bất cập thể hiện ở nhiều góc độ khác nhau trong việc cảm nhận và thể hiện sự khốc liệt của cuộc chiến trong từng tác phẩm điện ảnh. Với những thành viên từng khoác áo lính, trưởng thành từ những tay máy quay phim chiến trường thì những thước phim của các đạo diễn trẻ chưa chạm đến được giới hạn của sự đau thương, mất mát, bi mà hùng... và thoát khỏi được cái bóng quá lớn của “Cánh đồng hoang”, của “Biệt động Sài Gòn” hay “Chị Tư Hậu” để chạm đến “góc khuất” của cuộc chiến vốn cần được khai thác nhiều hơn, sâu hơn trong những tác phẩm điện ảnh thời bình về chính đề tài chiến tranh cách mạng. Và sự “lệch pha” trong Hội đồng thẩm định, không loại trừ có cả thành viên hội đồng trưởng thành sau cuộc chiến nên cái nhìn về chiến tranh thiếu chiều sâu.
Điều này cũng xảy đến với những sáng tác về văn học, kịch bản sân khấu. Nhiều tác giả sinh ra và lớn lên trong thời bình, chấp nhận sáng tác theo lời kể của nhân chứng lịch sử, qua tài liệu sách báo thu thập được... Và cũng lại có người viết câu chuyện có thực từ ông, bà, cha mẹ mình. Mỗi người tiếp cận chiến tranh ở những góc độ khác nhau và thể hiện chiến tranh theo cảm nhận của chính bản thân người viết. Việc chuyển thể tác phẩm văn học sang tác phẩm điện ảnh, sân khấu được xem là công đoạn thứ hai để tác phẩm đến với công chúng bằng hình ảnh và âm thanh. Đây được xem là công đoạn bộc lộ đầy đủ nhất không chỉ về tài năng sáng tạo trong chuyển thể (viết) tác phẩm văn học thành kịch bản của biên kịch và đạo diễn, mà còn cho thấy sự am hiểu lịch sử, kiến thức về các loại vũ khí được đề cập trong tác phẩm điện ảnh. Trên thực tế, độ am hiểu về chiến tranh, lịch sử mỗi vùng đất, con người hay kiến thức về các loại vũ khí... không khó đối với các đạo diễn gạo cội như NSND Đào Bá Sơn, hay NSND Đặng Nhật Minh, nhưng lại chính là thách thức với các nhà làm phim trẻ. Do nhiều chiến trường, đã được khoác lên mình chiếc áo mới, trở thành công trường, khu nghỉ dưỡng, thậm chí trung tâm thương mại sầm uất, việc phục dựng lại qua tư liệu lịch sử, trong phòng quay.... không chỉ tốn kém về mặt kinh phí mà còn mất đi tính chân thực của cuộc chiến... gây thất vọng cho người xem.
Đổi mới để... đi xa
Khi đề cập đến dòng phim đề tài chiến tranh cách mạng, nhiều người (không loại trừ cả giới phê bình nghệ thuật) cũng đều cho rằng, những bộ phim được sản xuất trong thời gian gần đây đều được đầu tư kỹ lưỡng, trau chuốt từng khuôn hình đến cả khâu lựa chọn đội ngũ diễn viên. Thậm chí, nhiều bộ phim còn gây ấn tượng với công chúng khi để lộ, lọt những thông tin về các buổi casting, những địa điểm đoàn làm phim chọn bối cảnh... Tuy nhiên, sau tất cả những ồn ào được tính từ thời khắc bấm máy, đến ra rạp, người xem lại không khỏi thất vọng. Ghi nhận từ Hiệp hội Điện ảnh Việt Nam cho thấy, phim về đề tài chiến tranh cách mạng có tần suất ra rạp cũng như công chiếu chính thức trên sóng truyền hình quốc gia rất thấp, chỉ đếm trên đầu ngón tay nếu như không muốn nói chỉ xuất hiện trong các dịp lễ, dịp kỷ niệm trong năm. Đơn cử phim “Sống cùng lịch sử” (đạo diễn Thanh Vân, hãng phim truyện Việt Nam sản xuất), bộ phim được Nhà nước đặt hàng với nguồn kinh phí lên tới 21 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng khi ra rạp không bán được vé nào. Không chỉ có “Sống cùng lịch sử” mà “Mùi cỏ cháy”; “Ký ức Điện Biên” cũng có chung số phận. Ngay tại thời điểm đó, rất nhiều cuộc tranh luận đã nổ ra xoay quanh số phận của những bộ phim do Nhà nước đặt hàng, về trình độ của biên kịch, đạo diễn, diễn viên... Sau những chỉ trích gay gắt, thậm chí nặng nề về tư duy làm phim, thủ pháp nghệ thuật lỗi thời, dễ dãi... người ta cũng nhận ra rằng, đã qua rồi thời kỳ “độc quyền” của nhà sản xuất, đạo diễn trong việc quyết định món ăn tinh thần cho công chúng yêu nghệ thuật. Để thay vào đó, công chúng trở thành “thượng đế” có quyền lựa chọn ăn món ăn mình ưa thích. Chính vì vậy họ có quyền bỏ tiền mua vé xem phim hay quay lưng lại với bộ phim mình không thích.
Nhà biên kịch Hồng Ngát chia sẻ “Để có được một bộ phim về chiến tranh hấp dẫn người xem, cần nhiều yếu tố từ việc đầu tư kinh phí đến kịch bản, đạo diễn, diễn viên… có nghề. Tuy nhiên, khi thời cuộc đã khác, đối tượng khán giả cũng khác thì các nhà làm phim cần đổi mới tư duy, cách tiếp cận và dàn dựng, không thể “bê” nguyên cách làm của thế hệ trước áp dụng vào thực tại. Quá khứ, lịch sử là chất liệu cần được khai thác chân thực, đa chiều và thể hiện bằng những thủ pháp, kỹ thuật hiện đại”.
Cảnh trong phim “Truyền thuyết về Quán Tiên”
Trên thực tế, vượt qua những khó khăn trong tìm kiếm kịch bản hay, chất lượng, vốn đầu tư hạn chế, nhiều bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng cũng đã có được những thành công nhất định như “Truyền thuyết về Quán Tiên” hay “Những cánh én đầu tiên” tạo nên cơn sốt phòng vé. Nhưng cảm giác an toàn và dấu ấn tuyên truyền, nặng tính minh họa và tái hiện lịch sử... khiến người xem ít nhiều mất đi sự thoải mái. NSND, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần khi nhận xét về tình trạng này đã thẳng thắn chỉ rõ: “Phim lịch sử của chúng ta còn bị rập khuôn, khô cứng. Chúng ta đang làm phim mang tính minh họa. Những gì đọc được, nghe được trong lịch sử lập tức đưa lên phim và lúc nào cũng chăm chăm phải làm sao để nhân vật ấy, cuộc chiến ấy giống hệt như đã... nghe kể. Phim lịch sử bao nhiêu năm nay vẫn không thể có được sự bứt phá. Các nhà làm phim Việt Nam đã quen đi theo một lối mòn dễ dãi, dựa dẫm vào những tài liệu đã có để lên kịch bản”. Đây có lẽ là nguyên nhân chính dẫn đến hiệu ứng khán giả của đa số bộ phim về đề tài lịch sử của Việt Nam chưa cao. Thậm chí, ngay cả một số phim được đầu tư hàng chục tỷ đồng, mất vài năm để hoàn thành song kết cục chỉ để chiếu phục vụ một số lượng khán giả hạn chế xem trong các dịp lễ, Tết là chính, sau đó phim lại được cất vào kho, rất lãng phí. Và như thế, ra rạp và bán vé vẫn còn là giấc mơ xa xỉ với dòng phim về đề tài lịch sử.
Khát khao có được những bộ phim lịch sử, tái hiện thành công đề tài chiến tranh cách mạng không chỉ để “trả ơn” lịch sử mà còn là nhiệm vụ mà lịch sử đặt lên vai của các nhà biên kịch, đạo diễn, diễn viên... trong việc giáo dục, giúp thể hệ trẻ nhận thức đầy đủ, toàn diện hơn về công cuộc đấu tranh, dựng nước và giữ nước của cha ông ta. Và muốn trả được “món nợ” lịch sử đã đến lúc, tư duy của các nhà làm phim phải thay đổi, mỗi cá nhân họ phải vượt ra khỏi các sự kiện lịch sử để mang đến cho khán giả những thước phim không chỉ đúng, mà còn tạo ra nhiều cảm xúc cho người xem và để lại dấu ấn sáng tạo cá nhân rõ nét của đạo diễn. Bên cạnh những nỗ lực của từng cá nhân trong ê kíp sản xuất, việc ứng dụng kỹ thuật, kỹ xảo, lồng ghép những thông điệp phát triển kinh tế, xã hội, quảng bá du lịch cũng nên là một nội dung cần nhìn nhận một cách thỏa đáng để thông qua ngôn ngữ điện ảnh, mang thông điệp và niềm tự hào của đất nước, con người Việt Nam vươn ra thế giới.
Lê Hà An
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...