VNTN - Lần thứ 2 trong 5 lần tham gia Hội thi “Giai điệu tuổi hồng” toàn quốc, tỉnh Thái Nguyên vinh dự đạt giải Nhất. Những tài năng nghệ thuật ở lứa tuổi học trò nhí nhảnh, hồn nhiên nhưng bản lĩnh và cá tính trên sân khấu đã tỏa sáng, đạt kết quả đầy thuyết phục khi “đem chuông đi đấm xứ người”…
Năm 2015, lần thứ 5 diễn ra Hội thi “Giai điệu tuổi hồng” toàn quốc, chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng tổ chức, diễn ra từ ngày 12 đến ngày 16/7 vừa qua. Với chủ đề chung: “Học sinh tích cực, học tập tốt, rèn luyện tốt”, Hội thi năm nay có sự tham gia của 24 đoàn đại diện ngành GD&ĐT các vùng miền trên cả nước, với gần 150 tiết mục. “Giai điệu tuổi hồng” là sân chơi dành cho học sinh phổ thông, nhằm tăng cường giáo dục thẩm mỹ, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…, đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện cho các em. Chương trình được tổ chức 2 năm/ lần, bắt đầu từ năm 2005 đến nay.
Chuẩn bị tham gia Hội thi lần này, Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên đã có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng ngay từ đầu năm. Chú trọng, quan tâm tổ chức Hội thi “Giai điệu tuổi hồng” cấp huyện và cấp tỉnh, từ đó chọn ra các hạt nhân ưu tú, có năng khiếu, tập hợp và luyện tập. Dưới sự giúp đỡ về chuyên môn nghệ thuật của Đoàn nghệ thuật Quân khu I từ ý tưởng, dàn dựng, biên đạo…, trong khung thời lượng quy định mỗi đoàn tham dự không quá 30 phút, với chủ đề “Sân trường ước mơ”, chương trình của đoàn Thái Nguyên với 5 tiết mục được xâu chuỗi, thể hiện nổi bật sự hồn nhiên, trong sáng, vô tư của lứa tuổi học trò, về văn hóa vùng miền Việt Bắc và truyền thống nguồn cội dân tộc. Đoàn đã có 4 tiết mục giành Huy chương Vàng và một tiết mục giành Huy chương Bạc.
Ấn tượng nhiều nhất là tiết mục đơn ca “Bài ca thần chim lạc” của Hoàng Thảo My, học sinh lớp 11 trường THPT Lương Ngọc Quyến. Giọng hát nội lực khỏe khoắn, phong thái trình diễn tự tin, My đã thể hiện xuất sắc ca khúc và đạt thành tích đáng nể (Huy chương Vàng). Đây là lần thứ 2 My tham gia Giai điệu tuổi hồng toàn quốc (lần trước là năm 2013). Thảo My nhí nhảnh khoe: Chương trình năm nay quy mô khá lớn, lần thứ 2 tham gia nên em cũng ít bỡ ngỡ hơn, thay vào đó là sự hứng thú. Sân chơi này là nơi em được thỏa mãn niềm đam mê âm nhạc, được thể hiện tài năng và nhiệt huyết của mình. Em cũng vừa dự thi vào trường Văn hóa nghệ thuật Quân đội và đã được đặc cách tuyển thẳng rồi, sắp tới sẽ chuyển xuống trường vừa học văn hóa vừa học nghệ thuật. “Giai điệu tuổi hồng” là cái nôi nuôi dưỡng, là cơ hội giúp em tiến xa hơn trên bước đường nghệ thuật mà mình theo đuổi.
Giành Huy chương Bạc trong Hội thi, tiết mục múa “Núi khát” cũng gây ấn tượng mạnh mẽ bởi sự kịch tính và tinh thần nhân văn sâu sắc. “Núi khát” kể câu chuyện ở một trường học vùng cao nhiều khó khăn, thiếu thốn đủ thứ, nhất là nguồn nước, thế nhưng học sinh nơi đây vẫn vui tươi, hồn nhiên cùng nhau đi tìm nước và con chữ. Rồi bất ngờ cơn lũ kéo ập đến, một học sinh bị nước lũ cuốn trôi, những em còn lại đoàn kết tìm cách cứu bạn. Quá trình vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt đã làm nổi bật tinh thần đùm bọc, yêu thương lẫn nhau, toát lên khát vọng đi tìm con chữ để vươn tới những ước mơ tươi sáng. Ngoài ra, các tiết mục tốp ca, biểu diễn toàn đoàn như: “Ngôi trường mến yêu”, “Phiên chợ vùng cao”, “Liên khúc mùa hè ước mơ” cũng đều đã xuất sắc giành Huy chương Vàng.
Biên đạo Trung Kiên (Đoàn nghệ thuật Quân khu I) là người sát sao trong từng buổi tập, từng động tác của các em cho biết: Trong số 22 “tài năng” được tuyển chọn tham gia hội thi toàn quốc năm nay, có tới 40% các em là không chuyên, chưa tham gia biểu diễn nghệ thuật quy mô lớn bao giờ nên việc dàn dựng khá khó khăn. Chương trình đi sâu khai thác chất liệu múa dân gian và dân gian đương đại, xây dựng hình ảnh về ngôi trường hiện đại ở thành phố và cả trường học miền núi, nêu bật những khó khăn gian khổ của học sinh vùng cao. Chúng tôi phải lựa theo khả năng của các em để điều chỉnh, có nhiều động tác múa phải thay đổi khác ý tưởng ban đầu, song điều thuận lợi là các em đều khá tự tin, bản lĩnh sân khấu tốt nên tiếp thu rất nhanh và hiệu quả.
Thành tích mà tỉnh Thái Nguyên đạt được trong Hội thi “Giai điệu tuổi hồng” toàn quốc năm nay rất đáng khích lệ và tự hào. Thời gian tập trung luyện tập cho các em ngắn, chỉ chừng một tháng, thuận lợi là chương trình có sự giúp sức của các nghệ sĩ tâm huyết, được đầu tư dàn dựng đảm bảo chất và lượng; Sở GD&ĐT quan tâm, tạo điều kiện, mời người có chuyên môn ở trường Sân khấu điện ảnh, Cục Văn hóa cơ sở tham dự tổng duyệt, góp ý; các hạt nhân được lựa chọn kỹ càng, tài năng khá đồng đều…, tuy nhiên, khó khăn cũng song hành không ít. Việc các em xa nhà tập trung tập luyện, ăn nghỉ tại chỗ, Sở phải làm công tác vận động, giải thích để gia đình yên tâm; với tổng kinh phí đầu tư gần 300 triệu đồng là hết sức hạn hẹp trong hàng tá thứ phải lo để cân đối chi tiêu, từ việc xe cộ đi lại, lo ăn, nghỉ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các em… Những tài năng nghệ thuật ở lứa tuổi học trò nhí nhảnh, hồn nhiên nhưng bản lĩnh và cá tính trên sân khấu đã tỏa sáng, các em là những bông hoa đẹp tô điểm cho vùng đất Thái Nguyên hiền hòa càng thêm dễ mến, ấn tượng với bạn bè trong nước.
Là sân chơi để nhà trường phát hiện và bồi dưỡng những nhân tố mới, những tài năng nghệ thuật đã sớm bộc lộ trong môi trường học đường, Hội thi “Giai điệu tuổi hồng” tổ chức ở Thái Nguyên nói riêng, toàn quốc nói chung đã ươm mầm nghệ thuật cho nhiều thế hệ học trò. Việc “đem chuông đi đấm xứ người” thành công không chỉ ở một chương trình được đầu tư, dàn dựng công phu, mà cái chính là từ những nhân tố, những tài năng âm nhạc được nuôi dưỡng, rèn giũa từng ngày.
Lê Đình
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...