Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
16:21 (GMT +7)

Trót say câu ví đò đưa…

xứ Nghệ Tĩnh, lời hát quện vương từ ngọn tre nơi làng mạc cho đến cuối dòng sông Lam xuôi ra biển lớn… Với những ai say mê ắt sẽ chẳng nén nổi mừng vui khi ngày 27/11/2014 vừa qua, UNESCO chính thức vinh danh Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.


 

Nét đặc sắc của Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể thứ 9 của Việt Nam được vinh danh. Trước đó là: Nhã nhạc Cung đình Huế (2003), Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên (2005), Dân ca Quan họ Bắc Ninh (2009), Ca Trù (2009), Hội Gióng (2010), hát Xoan Phú Thọ (2011), Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (2012), Đờn ca Tài tử Nam Bộ (2013).

Từ xa xưa Nghệ Tĩnh là miền biên giới cực Nam của quốc gia Đại Việt. Nơi đây đã hình thành nên hai vùng văn hóa dân gian song song tồn tại, đó là văn hóa dân gian của các dân tộc thiểu số sống rải rác khắp miền Tây rộng lớn (chiếm 2/3 diện tích tự nhiên) và văn hóa dân gian của người Việt (Kinh), sống ở miền trung du, đồng bằng và ven biển. Trong kho tàng văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh, đặc sắc nhất là dân ca ví, giặm. Loại hình nghệ thuật dân ca này phổ biến trong đời sống của các cộng đồng người xứ Nghệ; được lưu truyền từ đời này sang đời khác, được hát trong hầu hết mọi hoạt động đời thường từ ru con, dệt vải, trồng lúa, chèo đò… Lời ca của ví, giặm ca ngợi những giá trị truyền thống như sự tôn trọng các bậc cha mẹ, những nghĩa cử cao đẹp, lòng chung thủy, tận tụy vì người khác cũng như những đức tính trung thực và cách ứng xử giữa người với người… Ví, giặm là loại hình dân ca ra đời trong đời sống của người dân xứ Nghệ Tĩnh, gắn liền với các hoạt động, hành động: cày bừa, cấy, gặt, xay lúa, giã gạo, dệt vải, ươm tơ, kéo sợi, chèo đò… Điều đặc biệt, ngôn ngữ của ví, giặm được sáng tạo mang hơi thở cuộc sống hàng ngày đặc trưng của vùng đất với những thổ ngữ, tiếng địa phương mà vẫn chấp nhận được và cũng chính điều này đã làm nên bản sắc riêng của ví, giặm.

Hát ví đò đưa trên sông Lam

Ví thường là hát tự do, người hát có thể co giãn một cách ngẫu hứng, không có tiết tấu từng khuôn nhịp. Âm điệu cao - thấp - ngắn - dài tùy thuộc vào lời thơ (ca từ) bằng hay trắc, ít từ hay nhiều từ. Thể hát ví có nhiều điệu như: ví đò đưa, ví phường vải, ví phường cấy, ví phường võng, ví đồng ruộng, ví ghẹo, ví mục đồng, ví trèo non… Chất liệu ngôn ngữ của ví thường là các thể thơ dân tộc như lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể… Hát ví thường nghe mênh mang sâu lắng, bâng khuâng xao xuyến, tha thiết ân tình, tuy nhiên vẫn có loại nghe dí dỏm, hài hước hay nghịch ngợm, hồn nhiên tươi trẻ như ví ghẹo, ví mục đồng. Giặm rất giàu tính tự sự, tự tình, kể lể khuyên răn, phân trần giãi bày. Giặm cũng có nhiều làn điệu như: giặm cửa quyền, giặm ru, giặm vè, giặm kể, giặm nối, giặm xẩm. Thông thường một bài giặm có nhiều khổ, mỗi khổ có 5 câu, mỗi câu có 5 từ, nhưng nhiều khi có những bài giặm không phân khổ rõ ràng mà cứ hát một lèo từ vài chục đến hàng trăm câu, và cũng không nhất thiết là mỗi câu 5 chữ. Giặm là thể hát nói có tiết tấu rõ ràng, có phách mạnh phách nhẹ, có nhịp nội nhịp ngoại. Giặm cũng có loại dí dỏm khôi hài, châm biếm trào lộng và trữ tình giao duyên.

Hát ví, giặm không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật, người hát không phải luyện tập, người dân nào cũng có thể hát được, tự nhiên như chính cuộc sống cất lên thành lời ca vậy; rất khác với hát quan họ hay ca trù. Họ hát ngẫu hứng trong hoạt động đời thường. Tính ngẫu hứng là một đặc trưng rất rõ trong hát ví, giặm Nghệ Tĩnh. Môi trường diễn xướng của hát ví, giặm chính là cuộc sống của những người nông dân xứ Nghệ, khác hẳn môi trường diễn xướng nhiều loại hình dân ca đã được vinh danh. Hát ví, giặm có thể hát ở bất cứ đâu, đang đi đường, đang chèo đò, quay tơ, dệt vải, đối đáp, giao duyên… UNESCO đã khẳng định, nghệ thuật hát ví, giặm Nghệ Tĩnh đã thỏa mãn các tiêu chí để đủ điều kiện trở thành một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại như: được truyền từ đời này sang đời khác trong các cộng đồng người Việt ở vùng Nghệ Tĩnh; các bài dân ca ví, giặm đã chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần, biểu đạt lối cảm, lối nghĩ của họ; môi trường diễn xướng gắn liền với đời sống lao động, được hát không kèm theo nhạc điệu trong bất cứ hoạt động đời sống nào…

Không gian xưa, nay và ý thức bảo tồn

Sản sinh trên mảnh đất chịu nhiều khắc nghiệt của thiên nhiên, phải chăng chính vậy mà những câu hát, làn điệu ví, giặm Nghệ Tĩnh đã khiến con người nơi đây vượt qua mọi gian lao để yêu cuộc sống, đồng thời gửi vào đó những chan chứa nghĩa tình? Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là tiếng lòng sâu thẳm của cư dân, được kết tinh từ những tập quán sinh hoạt và hợp lưu các dòng văn hóa bên ngoài nên có những nét độc đáo riêng không thể trộn lẫn. Hơn nữa, đây cũng chính là vùng đất của rất nhiều bậc hiền tài, danh nhân và họ trực tiếp tham gia sáng tác, biểu diễn nên có những thời kỳ tồn tại rực rỡ với lời ca đậm tính văn chương. Điều đó tạo sức sống nội sinh bền bỉ cho dân ca ví, giặm.

Trải qua bao đời, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh tồn tại bởi hai yếu tố chính: môi trường lao động thôn quê đặc trưng và khu biệt của vùng Nghệ Tĩnh; sự truyền dạy đời này qua đời khác (đây cũng là sự tồn tại của một số loại hình văn hóa dân gian đã được tôn vinh, như Quan họ Bắc Ninh, hát Xoan Phú Thọ…). Không gian xưa hiện nay cứ mỗi ngày mai một, thay dần vào đó là cuộc sống đô thị và hiện đại. Ý thức được điều đó, lãnh đạo của hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh (trước là tỉnh Nghệ Tĩnh) ngay từ những năm tám mươi của thế kỷ trước đã có những bước đi đúng đắn, nhằm khôi phục và phát huy dòng dân ca bản địa rất riêng này. Cùng với việc sưu tầm, nghiên cứu các thể loại dân ca ví, giặm thì các hình thức biểu diễn, truyền dạy, sân khấu hóa, phát triển ca khúc dựa trên chất liệu dân ca, sáng tạo các làn điệu mới…; trong nhiều năm, Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ (trước đây là Nhà hát Dân ca Nghệ An) không chỉ nỗ lực, cố gắng trong việc bảo tồn mà còn phát huy tốt di sản dân ca ví, giặm. Chính các làn điệu truyền thống ấy đã được các nghệ sỹ, diễn viên của Trung tâm thổi vào hơi thở mới, nhịp điệu mới, lời mới…, làm nên thương hiệu “vàng” cho nhiều vở diễn tại các Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc như: Mai Thúc Loan, Vết chân tròn trong bão tố, Danh nhân lớn lên từ câu hò ví, dặm, Soi vào quá khứ, Một cây làm chẳng nên non, Người thi hành án tử hình, Góc khuất đời người, Đường đua trong bóng tối, Lời Người - lời của nước non… Mỗi nghệ sỹ, diễn viên của Trung tâm còn là một tuyên truyền viên tích cực, đã chắp cánh cho các làn điệu dân ca ví, giặm xứ Nghệ Tĩnh lan tỏa khắp mọi miền đất nước. Theo lời Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Lựu - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ thì, “vở kịch hát dân ca “Lời Người - lời của nước non” đã đạt kỷ lục trên một nghìn đêm diễn và được công chúng hồ hởi đón nhận”. Và theo thống kê năm 2013, tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh hiện vẫn còn 260 làng có thực hành dân ca ví nhóm đang hoạt động, với trên 1.500 thành viên… Có thể nói đấy là những kinh nghiệm quý và bài học cho vấn đề bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống Nghệ Tĩnh nói riêng, của Việt Nam nói chung.

Giáo sư - Tiến sĩ Trần Quang Hải (Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp) đã trăn trở: “Làm sao đem những bài dân ca phù hợp trên bình diện, khung cảnh mới cho thấy nó có thể tiến tới một hình ảnh, hình thức, phương cách biểu diễn khác và đem được niềm vui cho thế hệ trẻ. Muốn lôi kéo được những người trẻ yêu thích dân ca thì chúng ta phải đưa những hình ảnh hợp với sở thích người trẻ để lôi kéo thì họ mới thấm nhuần”. Như vậy có thể thấy rằng, song hành việc lưu giữ, tạo dựng một không gian, môi trường văn hóa, diễn xướng xưa cho dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, thì sự kế thừa, kết hợp giữa xưa và nay, đồng thời sáng tạo ra những giá trị mới của dân ca ví, giặm là vô cùng quan trọng. Ví, giặm phải sống nhịp sống của hôm nay, thở nhịp thở của xã hội hôm nay và tự tạo cho mình tính thời đại bằng chính khả năng biểu đạt linh hoạt và phong phú của mình.

Nghệ Tĩnh thân thương thoảng vọng lời hát tự tình mê đắm trên dòng sông Lam: Sông Ngân Hà vịt ăn vịt lội/ Con rùa vàng cắn cội cây sim/ Em thương ai thì em nói dứt/ Kẻo tiếc công anh lặn lội mấy năm trời tròn (Nam). Xuống dưới sông Lam tìm con cá lội/ Lên núi Hồng Lĩnh hái một trái sim/ Có thương nhau nên em mới đi tìm/ Bây giờ khát mặt như Kim khát Kiều (Nữ). Người ơi chứ có thương thì thương cho chắc/ Mà đã trục trặc thì trục trặc cho luôn/ Chứ đừng như con thỏ đứng đầu chuồng/ Khi vui thì giỡn bóng khi buồn thì bỏ đi (Nam). Người ơi thiếp thương chàng thì đừng cho ai biết/ Mà chàng có thương thiếp thì đừng để cho ai hay/ Rồi ra miệng thế lắt lay/ Cực chàng chín rưỡi mà khổ thiếp đây mười phần (Nữ). Trót say câu ví đò đưa/ Cũng đành cà mặn, nhút chua một đời… Cái chất dân ca xứ Nghệ Tĩnh thấm đẫm dường vậy, hẳn nhiên không thể mai một. Thời hiện đại, nhạc sĩ Vũ Ngọc Quang đã tiếp giọng dân ca trong một ca khúc của mình: Em yêu anh như yêu câu ví, giặm/ Giận thì giận mà thương lại càng thương...

Nội lực và sức sống của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh chính là yếu tố dân dã và tính phổ cập sâu rộng trong nhân dân. Tuy nhiên, đã từ lâu câu ví câu giặm rất riêng của vùng đất này đã lan tỏa và tạo được sự yêu mến, thích thú trong cộng động dân tộc Việt. Gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc, khi đã được thế giới tôn vinh vẫn luôn là vấn đề không dễ trong thời đại hội nhập văn hóa hôm nay.

 

Cao Minh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy