“Tro tàn rực rỡ” và khát vọng tái sinh
“Tro tàn rực rỡ”- bộ phim đang được nhắc đến nhiều trong tuần qua sau khi mang về giải thưởng danh giá tại Liên hoan phim 3 châu lục ở Pháp.
Poster phim
“Tro tàn rực rỡ” là thể loại phim nghệ thuật, nghệ thuật ngôn từ của tác phẩm văn học chuyển hóa thành nghệ thuật thị giác của điện ảnh. Có lẽ vì tính tư tưởng, hàm ngôn, ẩn dụ, nên nhiều khán giả chia sẻ xem phim xong phải đọc lời bình mới thấy hay. Do đó, “Tro tàn rực rỡ” rất khó để ăn khách như các dòng phim rạp khác mặc dù cả nhà văn Nguyễn Ngọc Tư và đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đều là những tên tuổi lớn đang đứng cạnh nhau.
Một bộ phim của những người đàn bà bất hạnh
Bộ phim xoay quanh câu chuyện của 3 cặp đôi Nhàn (Phương Anh Đào) và Tam (Quang Tuấn); Hậu (Bảo Ngọc Doling) và Dương (Lê Công Hoàng); Loan (Hạnh Thúy) và Khang (Thạch Kim Long). Ở đó, Hậu đóng vai trò như một người kể chuyện mà đa phần là độc thoại trong vô vàn nghịch cảnh: là lời tâm sự tỉ tê một mình mà như đang nói với người chồng biền biệt ngoài khơi, là những bữa cơm có chồng mà chỉ mình cô nói vu vơ chuyện nọ chuyện kia, là chuỗi suy tư được cất thành lời dẫn dắt mạch phim. Tuy nhiên, chỉ hai cặp đôi Hậu - Dương và Nhàn - Tam là có mối liên quan với nhau trong một thứ tình cảm đặc biệt giữa hai người phụ nữ bị chồng hờ hững. Nhân vật Loan xuất hiện điểm xuyết và có phần rời rạc với cái tứ chung của câu chuyện nhưng lại đem đến một góc nhìn nhân văn đặc biệt đầy chua xót khi ở tột cùng cô đơn lại đem lòng yêu chính kẻ cưỡng hiếp mình từ năm 12 tuổi…
Xuyên suốt “Tro tàn rực rỡ” từ phút mở đầu cho đến khi khép lại là thứ tình yêu bị ruồng bỏ và bám đuổi đầy trách nhiệm - hãy xem cái cách mà Hậu vun vén cho gia đình, cách mà Nhàn tha thiết níu lấy Tam, hay cả Loan từ thù hận đến tha thứ cho kẻ tội đồ là Khang. Người xem cảm nhận được nhiều cung bậc, và buồn thay khi đó đều là những cung bậc đau khổ của người phụ nữ trong chính vòng kiềm tỏa thế giới nội tâm giằng xé đến ngây dại (như Loan), đến bất lực (như Nhàn), đến mệt nhoài xa với (như Hậu).
Lửa có đủ rực rỡ hay không?
Trên cái nền sông nước miền Tây, các nhân vật hòa vào khung cảnh, nếp sống, sinh hoạt của người dân Nam Bộ nhằm khắc họa một góc nhỏ Việt Nam bình dị mà lam lũ, dễ đẩy cảm xúc người xem vào những chiêm nghiệm rất đời. Mạch phim chậm rãi, không quá nhiều chuyện nhưng truyền tải được cả sự bí bách lẫn bình thản, ái ngại với xót thương như quện vào nhau. Và lửa, lửa cháy miên man, lửa láy đi láy lại trong phim một cách đầy ẩn ý giống hạnh phúc trên đời vốn dĩ chênh vênh, bập bùng, khó nắm giữ.
Lửa trở thành một mật mã nghệ thuật. Lửa trở thành ý niệm của nỗi đau, sự tù túng bị kích hoạt ở trạng thái cực đỉnh. Cặp đôi Nhàn Tam đến với nhau bằng tình yêu, cho đến khi bi kịch bất ngờ ập xuống khiến người đàn ông không còn đứng vững, thế giới linh hồn hoang hoải bồng bềnh trên ngọn lửa, của tro tàn vụn vỡ… hay là rực rỡ khát vọng tái sinh sang trạng thái mới của cuộc sống. Có thật đây là dụng ý của nhà làm phim, hay chỉ là cảm xúc của người xem có tính phản tư?
Những điểm còn chưa “tới”
Công bằng mà nói, những cảnh quay trong phim chưa thực sự xuất sắc. Dù cố công sắp đặt những cú máy dài ngoài biển hay sinh hoạt thường ngày ở một làng quê sông nước đều tương đối đơn sơ, có thể gặp trong bất kì phóng sự truyền hình nào khiến người xem hơi tiếc nuối. Ngay cả việc lột tả những khuôn hình lao động thường ngày cũng chưa được đầu tư công phu nâng tầm thành nét đẹp văn hóa của một vùng văn hóa. Tức là đời thường đang rất đời thường mà thiếu đi chất “xi - nê” của điện ảnh, đặc biệt là thứ điện ảnh thấm đẫm văn chương. Âm nhạc nói riêng và âm thanh nói chung của phim chưa đóng góp nhiều vào cảm xúc người xem, không “vá” được những lần chuyển cảnh có phần đường đột.
Bên cạnh những yếu tố hình ảnh và âm thanh thì nội dung phim một lần nữa cho thấy hình dung về những người đàn ông hơi “ác” và yếu đuối. Người phụ nữ vẫn nắm giữ vị trí trung tâm, trung tâm đến cực đoan, lạnh lùng, khi nói về một vấn đề cần nồng ấm đó là khao khát yêu đương.
Kết thúc phim, ba người phụ nữ bị cuộc đời vùi dập mà tan tác về ba ngả đến mức bi thương. Là Nhàn bình thản trong ngút ngàn lửa cháy. Lần này, cô có kịp chạy thoát hay chính cô là người châm lửa đốt? Là Loan, phút chốc hụt hẫng khi người đàn ông mà cô từ hận thù chuyển sang tha thứ cũng tìm cách rời xa. Là Hậu, bươn chải, lênh đênh, lái xuồng ra tận biển tìm chồng như để cho mình cơ hội là người phụ nữ được yêu. Trong phim nhân vật nhà sư có nói: “Người ta té sông, ông đọc kinh sám hối thì tự dưng người ta nổi lên sao? Phải lấy tay mình kéo họ kìa, ông ơi” (lấy từ nguyên tác truyện ngắn “Củi mục trôi về” của Nguyễn Ngọc Tư). Nhưng có lẽ “Tro tàn rực rỡ” không đủ mạnh để kéo bất cứ người phụ nữ nào lên, họ vẫn không ngừng chới với trong một cái kết mở mà tuồng như buông.
Hương Hà
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...