Chủ nhật, ngày 08 tháng 09 năm 2024
07:31 (GMT +7)

Trên hành trình sáng tạo

Sau 2 ngày học tập trên lớp cùng các nhà văn nổi tiếng của trung ương và của tỉnh, ngày 8/8 các trại viên của Trại sáng tác văn học thanh thiếu nhi năm 2022 do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên tổ chức đã có chuyến đi thực tế tại thủ đô Hà Nội.

Tìm về cội nguồn văn chương

Điểm đến đầu tiên của Đoàn là Bảo tàng Văn học Việt Nam, nằm trên địa bàn quận Tây Hồ. Đây là một trong số rất ít các Bảo tàng về Văn học trong khu vực cũng như trên thế giới đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, giáo dục về nền văn học của dân tộc.

Thông qua các thước phim tài liệu lời sự thuyết minh truyền cảm của hướng dẫn viên của Bảo tàng, các trại viên đã được tìm hiểu về tiến trình lịch sử văn học Việt Nam từ thời kỳ nhà Lý cho tới nay.

Hướng dẫn viên giới thiệu về tiến trình lịch sử văn học Việt Nam từ thời kỳ nhà Lý cho tới nay

Đồng thời được tận mắt thấy rất nhiều tư liệu, hiện vật ẩn chứa những câu chuyện đầy xúc động và hấp dẫn về cuộc sống, quá trình sáng tác của các nhà văn, nhờ thơ nổi tiếng trong tiến trình phát triển của lịch sử văn học Việt Nam như: Đại thi hào Nguyễn Du, Nhà văn hóa lỗi lạc, anh hùng giải phóng dân tộc Nguyễn Trãi, Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, Nhà văn Nam Cao, Nhà thơ Nguyễn Đình Thi, Nhà thơ Xuân Diệu, Nhà thơ Tố Hữu…

Các trại viên hào hứng với các hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng

Trại viên La Thị Uyên Nhi, học sinh lớp 8 Trường THCS Hoàng Ngân (huyện Định Hóa) bày tỏ: Được đến thăm Bảo tàng Văn học Việt Nam, với em là điều rất quý giá. Những câu chuyện và hiện vật ở đây đã giúp em hiểu sâu hơn và sẽ nhớ lâu hơn về cuộc đời, sự nghiệp của nhiều tác giả. Điều này chắc chắn sẽ giúp em học tốt hơn môn Văn khi trở về trường.

Chăm chỉ ghi chép, lâu lâu lại dừng lại như để đọc thật kỹ, nhìn thật lâu các hiện vật, khi được hỏi, em Nguyễn Thu Huyền Trang, học sinh lớp 11, Trường THPT Chu Văn An (TP. Thái Nguyên) hồ hởi:

Cách bài trí của Bảo tàng rất khoa học, đến đây em cảm thấy như mình đã “vẽ được sơ đồ” bổ sung kiến thức văn học trong đầu. Điều mà trước đây, em vẫn loay hoay chưa tìm ra được phương pháp ghi nhớ cho mạch lạc. Ví dụ như những kiến thức căn bản cần nhớ về “Văn học Việt Nam thời kỳ cổ trung đại”, cũng như những đặc điểm trong việc học hành, thi cử thế kỷ 19. Đặc biệt, còn giúp chúng em được khám phá những nét sinh hoạt văn hóa ở nông thôn Việt Nam từ thế kỷ trước. Điều này thực sự cần thiết trong quá trình trình chúng em học môn Văn và tích lũy vốn sống.

Tham quan mô hình lớp học xưa

Đồng tình với những nhận định của Huyền Trang, đứng kế bên, trại viên Hồ Quỳnh Châu tiếp lời: Địa chỉ này không chỉ có ích với các cháu học sinh mà ngay cả với chúng tôi, những hội viên lớn tuổi cũng rất bổ ích. Thông qua cách bài trí và giới thiệu tại đây giúp chúng tôi có thể ghi nhớ “Các nhà văn Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Các nhà văn giải thưởng Nhà nước”, biết được “Không gian văn hóa Xóm Chòi” (xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên - nơi Hội Văn nghệ Việt Nam đóng trụ sở và làm việc trong cuộc kháng chiến chống Pháp).

Tôi nghĩ rằng đó là cội nguồn, mà những người yêu thích văn chương thuộc thế hế hậu sinh như chúng tôi không tỏ tường sẽ là thiếu sót.

Tham quan không gian sinh hoạt văn hóa nông thôn Việt Nam

Các trại viên tham quan Bảo tàng Văn học Việt Nam

Hun đúc thêm lòng tự hào dân tộc

Sự hào hứng của các trại viên khi ở Bảo tàng Văn học Việt Nam được thay bằng sự lắng đọng khi Đoàn đặt chân tới nhà tù Hỏa Lò nằm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Nơi được ví như “địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội”.

Đoàn dâng hương tưởng nhớ các chiến sĩ yêu nước tại nhà tù Hỏa Lò 

Từ một làng nghề thủ công làm đồ gốm có tiếng có tên Phụ Khánh, thực dân Pháp đã biến mảnh đất này thành nơi giam cầm và đày ải về thể xác và tinh thần của hàng ngàn chiến sĩ yêu nước, cách mạng Việt Nam. Đây là nhà tù được thực dân Pháp xây dựng năm 1896, là một trong những nhà tù lớn và kiên cố vào bậc nhát Đông Dương lúc bấy giờ.

Nơi đây, thực dân Pháp đã giam giữ hàng nghìn chiến sĩ yêu nước, cách mạng Việt Nam. Sống trong ngục tù đế quốc, với chế độ giam cầm hà khắc, sinh hoạt đọa đày nhưng các chiến sĩ vẫn giữ vững khí tiết, biến nhà tù thành trường học và là nơi phổ biến lý luận cách mạng. Nhiều người đã mưu trí vượt ngục trở về với nhân dân, với tổ chức, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Các thành viên trong Đoàn chăm chú nghe hướng dẫn viên giới thiệu về sự kiên trung của những người tù chính trị yêu nước

Sau khi đi một vòng tham quan nơi thực dân Pháp giam tù nhân chính trị, nơi chúng dùng để trừng phạt những tù nhân vi phạm của nhà tù có tên “Ngục tối” hay còn được mệnh danh “địa ngục của địa ngục”, dừng lại trước chiếc máy chém đã khiến nhiều chiến sĩ yêu nước phải hy sinh, trại viên Nguyễn Thành Luân, học sinh Trường THPT Chu Văn An (TP. Thái Nguyên) nghẹn giọng:

Tội ác của thực dân Pháp và sự kiên trung của thế hệ ông cha em đã được học, được nghe kể nhiều qua sách, báo, nhưng hôm nay, đứng trước chiếc máy chém này em cảm thấy run người. Run vì căm giận sự tàn độc của thực dân, vì cảm thấy lòng tự hào dân tộc như đang sôi lên trong huyết quản. Bài học lịch sử hôm nay em sẽ khắc ghi mãi mãi. Em cũng mong bản thân sẽ có những sáng tác thực sự sâu sắc về đề tài này.

Sự xúc động của Luân cũng là tâm trạng chung của các thành viên còn lại trong Đoàn. Cái cúi đầu thật khẽ của từng người trong thoang thoảng khói trầm như lời hứa với cao xanh sẽ sống sao cho xứng với máu xương cha anh đã đổ.

Rời nhà tù Hỏa Lò, địa điểm cuối cùng Đoàn đến thăm là  Hội Nhà văn Việt Nam.

Tiếp lửa văn chương

Các trại viên "nhí" hào hứng khi được nhà thơ Trần Đăng Khoa ký tặng

Đoàn đến trụ sở Hội ở số 9, Nguyễn Đình Chiểu, Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam đã chờ sẵn. Các trại viên “nhí” ùa lên khi nhiều em lần đầu tiên được thấy nhà thơ của “Góc sân và khoảng trời”, “Hạt gạo làng ta, “Sao không về Vàng ơi”,… bằng xương bằng thịt.

Vẫn vận chiếc áo lính đã nhuốm màu thời gian, phong thái giản dị, ông không giấu được niềm vui khi đón các trại viên, nhất là các trại viên nhí yêu văn chương từ Thủ đô gió ngàn về thăm Hội.

Chả thế mà dù đang có chuyến công tác tại Bình Phước, nghe tin các thành viên của Trại sáng tác thanh thiếu nhi Thái Nguyên về thăm, ông đã lập tức đổi vé máy bay để bay về sớm hơn một ngày so với dự định. Và, để đón Đoàn, ông đã từ sân bay Nội Bài về thẳng Hội mà chưa kịp nghỉ ngơi.

Những câu chuyện gần gũi của nhà thơ Trần Đăng Khoa về công việc sáng tác của bản thân ông cũng như các bạn thơ khác như thỏi nam châm hút sự chăm chú của các trại viên.

Ông kể chuyện mình làm thơ như thế nào - như cái cách mà những người bạn vong niên nói chuyện với nhau; như lời thủ thỉ của anh trai dành cho những người em trai, em gái; như lời dạy ân cần của người ông với các cháu trong nhà. Ông nhớ như in và đọc từng bài thơ, câu thơ của nhiều bạn bè đồng trang lứa, để rồi lại day dứt, đã từng một thời xuất hiện rất nhiều nhà thơ với những bài thơ hay, câu thơ đẹp nhưng giờ họ ở đâu? Ông trăn trở vì người viết thơ cho thiếu nhi ngày càng vắng bóng.

Bởi vậy, hơn ai hết Nhà thơ Trần Đăng Khoa khích lệ và bày tỏ sự kỳ vọng với các cây viết của Thái Nguyên yêu văn học thiếu nhi, yêu thơ thiếu nhi sẽ cho ra đời những sáng tác có thể “ghim” vào lòng người đọc. Ông mừng, mừng vì trong số các trại viên của Thái Nguyên mới có em chưa đầy 9 tuổi, cũng có cả những trại viên đã ở vào lứa tuổi 60, 70 nhưng dành cho thiếu nhi tình yêu thương trọn vẹn.

Cũng tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, các trại viên đã được gặp gỡ, giao lưu với nhà văn Phong Điệp. Nhà văn Phong Điệp là số ít các nhà văn đã gắn bó với Trại sáng tác Thái Nguyên đến nay đã 3 mùa. Người trước đó vài ngày đã truyền giảng cho Trại bằng hình thức online.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa (áo lính) và Nhà văn Phong Điệp (áo vàng) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam

Sự mộc mạc, chân thành của các nhà văn, nhà thơ lớn trong buổi gặp mặt đã giúp các trại viên tự tin hơn vào bản thân. Nhiều trại viên như Gia Hân (9 tuổi), Phạm Ánh Mai (12 tuổi), Định Thị Quỳnh Vân (19 tuổi) … đã mạnh dạn đọc những vần thơ trong trẻo dù có phần còn vụng về, non nớt của chính mình trong sự động viên, khích lệ của nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà văn Phong Điệp.

Giao lưu với nhà thơ Trần Đăng Khoa tại trụ sở Hội Nhà Văn Việt Nam

Dù người nói ra người không nói ra, nhưng tôi tin chắc một điều, đây sẽ là sự khởi đầu hoặc là sự tiếp nối đẹp đẽ nhất của nhiều trại viên hoặc là tất cả trại viên có mặt trong chuyến trải nghiệm hôm nay trên con đường bầu bạn với chữ nghĩa của mình.

Những kết quả có thể đong đếm được

Các trò chơi diễn ra vô cùng sôi nổi trên hành trình di chuyển

Nhận định trên không hề phiến diện bởi ngay trên chuyến xe trở về Thái Nguyên hôm nay thôi, hiệu quả từ những bài học đầu tiên của Trại và chuyến trải nghiệm này đã phần nào đong, đếm được.

Kể lại chuyện từ thời điểm xuất phát sáng nay, một trò chơi đã được diễn ra ngay khi xe bắt đầu xuất phát.

Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên – nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh ra đề bài yêu cầu các thành viên (chia làm 3 đội) sáng tác một câu chuyện có tên tất cả các thành viên trong nhóm. Câu chuyện đó làm sao phải có nhiều nhất sự vật, hiện tượng mà mỗi người nhìn thấy và cảm nhận được trong chuyến đi thực tế. Thời gian trả bài sẽ là lúc trên đường trở về Thái Nguyên.

Quả là một đề bài không dễ! Ấy thế mà, kết quả lật bất ngờ. Nhóm đầu tiên đã trả bài bằng một tiểu phẩm vô cùng sinh động qua phần thể hiện của các trại viên “nhí”. Nhóm thứ hai là một bài viết có tựa đề “Chuyến xe hạnh phúc” với lời văn mềm mại, trau chuốt, là sự khớp nối của nhiều thành viên song không hề gồ ghề, thô ráp. Còn nhóm thứ ba, đã cho ra mắt một tác phẩm ký văn học với đầu đủ các chất liệu của một tác phẩm ký và ăm ắp các sự vật, hiện tượng họ đã gặp trong chuyến trải nghiệm vừa qua…

Ngày trải nghiệm đã khép lại với biết bao ý tưởng đang nhen nhóm, những dự định chưa kịp giãi bày. Và, với những gì Trại đã thu lượm được kể từ khi khởi động đến nay, chúng ta có quyền tin và hy vọng vào những sản phẩm lấp lánh của các trại viên sẽ được ra mắt trong những ngày sắp tới...

Chơi các trò chơi thú vị trong chuyến đi

Kim Ngân - Anh Tú

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy