Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
06:59 (GMT +7)

Trẻ em với các hoạt động trải nghiệm mùa hè

VNTN - Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Đã Nẵng đề xuất cho học sinh nghỉ hè trọn vẹn 3 tháng (mà không tổ chức học trước khai giảng như tiền lệ) khiến dư luận xã hội rất đồng tình, hưởng ứng. Sự thay đổi trong quan niệm giáo dục đang dần mang mùa hè về cho trẻ em như cách đây vài thập kỷ. Nhưng chăm sóc, quản lý, giáo dục trẻ ra sao trong suốt 3 tháng để chúng vừa khỏe, vừa vui, vừa học hỏi được nhiều điều bổ ích là vấn đề cần đặt ra. Nếu không, chắc chắn nhiều gia đình sẽ phải ngao ngán nhìn cảnh con em mình đêm ngày làm bạn với smartphone và những giấc ngủ nướng.

Hiện đại và nhân văn

Ngay từ ngày nghỉ đầu tiên sau lễ bế giảng, năm nào cũng vậy, điều làm các bậc phụ huynh quan tâm nhất là con mình sẽ đi đâu, làm gì trong hơn hai tháng rời tay trường học. Bên cạnh các giải pháp truyền thống như gửi trẻ về quê, đến các lớp học thêm, trung tâm phát triển năng khiếu..., rất nhiều gia đình đã tìm cho con em mình một khóa học kỹ năng sống thông qua hoạt động trải nghiệm.

Nguồn : nguoihanoi.com

Nắm bắt xu thế phát triển của thời đại, ở Việt Nam, nhất là các đô thị lớn, nhiều đơn vị, tổ chức đã xây dựng chương trình giáo dục ngoại khóa cho trẻ nhỏ theo những định hướng khác nhau. Trẻ được mặc sức khám phá thế giới bằng một chuyến du lịch tới những làng bản xa xôi để cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với đồng bào các dân tộc thiểu số; được giáo dục ý thức kỷ luật qua một tuần tập làm bộ đội; được “xuất gia tu học” trong môi trường thanh tịnh, rời xa thế giới hiện đại. Hướng tới mục đích giáo dục môi trường, rất nhiều mô hình trải nghiệm khám phá thiên nhiên được lên ý tưởng và thực thi. Bà Catharine Yến Phạm, Giám đốc Trung tâm giáo dục Sunshine Village (một tổ chức giáo dục uy tín tại TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Đối với một đứa trẻ, bên cạnh mục đích giáo dục nhận thức, cần quan tâm đến giáo dục trách nhiệm và sáng tạo”. Bản thân vị nữ giám đốc này cũng đang thể hiện sự “trách nhiệm và sáng tạo” của mình thông qua một chương trình trải nghiệm thiên nhiên. Trẻ được đưa đến các khu vực còn lưu giữ cảnh quan tự nhiên, khám phá cuộc sống muôn loài, tự chụp ảnh, quay phim, làm phóng sự, vẽ tranh, viết truyện, sáng tác nhạc... về những điều chúng cảm nhận. Các em nhỏ còn được trải nghiệm cuộc sống nhọc nhằn của người dân vùng khô hạn với chương trình “một ngày 5 lít nước”, thậm chí, có một ngày sống chung với... rác. Nhiều hình thức trải nghiệm của trẻ em trên thế giới cũng bắt đầu được ứng dụng ở Việt Nam như cho trẻ tham gia các dự án tình nguyện xa nhà, tự đi du lịch, cắm trại... nhằm phát triển khả năng tự lập.

Những mô hình giáo dục trên có thể khiến một số bậc phụ huynh đắn đo về chi phí hay đặt ra câu hỏi: Liệu ở tỉnh lẻ, trẻ em có cơ hội thú vị này không? Có thể khẳng định, xu hướng giáo dục trải nghiệm đang phát triển mạnh mẽ đủ để lan tỏa tới nhiều địa phương trong thời gian ngắn. Bên cạnh các chương trình giáo dục trả phí, còn có rất nhiều tổ chức tình nguyện, phi lợi nhuận sẵn sàng đem đến cho trẻ em Việt Nam cơ hội có một mùa hè lý thú. Cũng không thể không kể đến vai trò của cha mẹ trong việc sáng tạo ý tưởng cho chính con em mình dựa trên hoàn cảnh bản thân. Đôi khi, ngay cả việc cho trẻ làm thêm một nghề thích hợp cũng đem đến những trải nghiệm quý báu về giá trị lao động, cách quản lý đồng tiền hay ứng xử xã hội.

Trải nghiệm tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam

“Bố ơi, mình đi đâu thế?” - chương trình truyền hình thực tế phát sóng trên VTV3 mấy năm nay thu hút đông đảo khán giả một phần bởi ý nghĩa thiết thực của nó: giáo dục văn hóa vùng miền và đề cao khả năng thích nghi trong mọi hoàn cảnh, điều mà trẻ em, nhất là trẻ em thành thị còn thiếu.

Trong mùa hè 2016 này, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam sẽ thí điểm một mô hình trải nghiệm mới dành cho thiếu niên, nhi đồng trong và ngoài tỉnh: trải nghiệm văn hóa. Dự án phát huy được lợi thế của đơn vị tổ chức bởi có thể nói, Bảo tàng chính là một tiềm năng du lịch nhân văn giàu giá trị tại Thái Nguyên mà từ lâu, chúng ta vẫn chưa khai thác hết. Trên khuôn viên rộng 40.000 m2, hệ thống cảnh quan tự nhiên và cơ sở vật chất được xây dựng công phu nhằm tái hiện không gian văn hóa 54 dân tộc trên mọi miền đất nước. Từ năm 2012, Bảo tàng đã tổ chức các hoạt động trải nghiệm như tái hiện “56 ngày đêm Điện Biên Phủ”, trải nghiệm “Dọc miền di sản”, “Em làm chiến sĩ”, “Một ngày làm nông dân”... Chính vì thế, có thể khẳng định, cơ sở vật chất, năng lực chuyên môn và kinh nghiệm tổ chức chính là thế mạnh của đơn vị trong việc xây dựng chương trình này.

Cũng như một số hình thức du lịch cộng đồng và rèn luyện kỹ năng sống khác, khi tham gia trải nghiệm văn hóa tại Bảo tàng Thái Nguyên, trẻ nhỏ sẽ tạm thời rời xa gia đình với cuộc sống hiện đại để thử nghiệm một cách sống mới, nơi mà sự can thiệp của người lớn và các tiện nghi sinh hoạt là ít nhất có thể. Tại đây, các em sẽ được học những kỹ năng tổ chức cuộc sống thiết yếu, được giáo dục ý thức tự lập, coi trọng giá trị lao động và niềm đam mê khám phá thiên nhiên, lịch sử, văn hóa.

Một trong những hoạt động trải nghiệm của học sinh thành công tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam     Ảnh Q.K

Xuất phát từ mục đích cung cấp tri thức văn hóa và rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng thích ứng với hoàn cảnh một cách tự nhiên, hấp dẫn nhất, chương trình trải nghiệm hè ở Bảo tàng được xây dựng theo các chủ đề nhánh. Với chủ đề “Khám phá sắc màu văn hóa”, trẻ được chia thành nhiều nhóm, sinh hoạt trong các không gian văn hóa khác nhau như miền núi phía Bắc, châu thổ Sông Hồng, Trường Sơn - Tây Nguyên, đồng bằng Nam bộ... Tại đây, trẻ được khám phá trang phục, ẩm thực, kiến trúc nhà ở, ngôn ngữ và phong tục tập quán của từng tộc người. Chủ đề “Kỹ năng sống” cho các du khách nhỏ tuổi có cơ hội quản lý tài chính thông qua việc đi chợ, lựa chọn rau quả, trả giá; cơ hội tổ chức cuộc sống thông qua việc nấu nướng, sắp xếp nhà cửa, tự lập sinh hoạt cá nhân... Hấp dẫn hơn nữa là chủ đề “Lao động” khi mỗi trẻ đều phải tham gia canh tác nông nghiệp, làm đồ thủ công, chế biến và thưởng thức món ăn theo các dạng thức địa - văn hóa khác nhau. Trong một tuần trải nghiệm, trẻ được cấy lúa, trồng rau, thổ canh hốc đá, giã gạo, xay ngô, chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm cọn nước, đi cầu khỉ... với các nông cụ và kỹ thuật canh tác truyền thống... Bên cạnh đó còn các chủ đề “Cảm thụ và biểu diễn nghệ thuật dân gian”, “Khám phá thiên nhiên”, “Giáo dục môi trường”.

Chị Dương Thùy Linh, cán bộ Bảo tàng cho biết: “Đối với chúng tôi, sau những ngày trải nghiệm, một em bé vốn chỉ ăn được “món mẹ nấu”, nấu bếp ga, ngủ điều hòa, tắm nóng lạnh... nay có thể ăn mèn mén của người Mông, canh rêu đá của người Thái, nằm nhà sàn, nhóm bếp củi... trong những tình huống cần thiết. Ấy chính là thành công”.

Dự kiến, chương trình trải nghiệm văn hóa sẽ chính thức được tổ chức vào tháng 7 tới. Trong thời gian này, Bảo tàng đang gấp rút chuẩn bị cơ sở vật chất và tập huấn cho cán bộ, sẵn sàng đón đợt khách đầu tiên. Bên cạnh nhiều lợi thế, khó khăn của đơn vị chính là vấn đề nhân lực bởi đội ngũ cán bộ Bảo tàng còn mỏng và để có một chương trình dài ngày với nhiều hoạt động như vậy đòi hỏi nguồn nhân lực lớn, hỗ trợ các cháu thiếu nhi 24/24 giờ, đồng thời, phải đảm bảo an toàn hiện vật bảo tàng vốn được coi như tài sản quốc gia. Đó chính là áp lực mà nhiều đơn vị khác không phải đối diện.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngân - Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam là người tâm huyết và dành thời gian nhiều nhất với chương trình trải nghiệm này cho biết: “Mặc dù trước mắt còn bộn bề khó khăn song chúng tôi sẽ quyết tâm thực hiện, một phần vì muốn đem đến cho con trẻ một mùa hè ý nghĩa, phần khác bởi hy vọng đưa nhân dân đến gần hơn với bảo tàng, hình thành “văn hóa bảo tàng”- nơi không đơn thuần chỉ làm nhiệm vụ trưng bày hiện vật”.

Hiểu Mai

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy