Tranh cổ động: một dòng tranh lịch sử
VNTN - Tranh cổ động phát triển trên cơ sở tranh quảng cáo, là loại tranh trước kia thường bị bó hẹp trong phạm vi quảng cáo phục vụ kinh doanh, thương mại. Cho đến ngày nay người ta cũng khó xác định được “tuổi thọ” của tranh cổ động nói riêng, tranh quảng cáo nói chung, bởi vì nó ra đời do nhu cầu cuộc sống, và đã phát triển không ngừng.
Dòng tranh riêng biệt
Tranh quảng cáo (tiếng Pháp là affiche/ tiếng Anh là poster). Thoạt đầu người ta viết chữ lên giấy và dán ở các nơi công cộng để quảng cáo về một vấn đề gì đó. Chẳng hạn như ở các cửa hiệu bán giày thì ghi: “Nên chỉ mua giày ở lâu đài giày dép” hoặc cửa hiệu bán pho mát ghi là: “Người thượng lưu chỉ dùng pho mát Robbs”. Muốn cho mọi người chú ý người ta viết chữ rất to, dùng màu thật mạnh để dễ thấy và dán chúng ở nơi đông người qua lại. Dần dà bên cạnh dòng chữ người ta vẽ thêm hình ảnh minh họa cho phần chữ. Lúc đầu chữ là chính hình ảnh là phụ, sau đó chữ và hình có vị trí ngang nhau, đến bây giờ thì hình vẽ được chú ý hơn, bởi hình vẽ dễ thấy, dễ nhớ, dễ gây ấn tượng hơn phần chữ, thậm chí không cần đọc người ta vẫn hiểu quảng cáo đó muốn nói gì.
Chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao, do đó, yêu cầu đặt ra cho tranh quảng cáo không chỉ phục vụ kinh doanh, thương mại nữa mà bắt đầu len lỏi vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Một phòng triển lãm, một đêm biểu diễn, một bộ phim hay… đều cần có quảng cáo bằng hình ảnh. Thế rồi tranh quảng cáo làm nhiệm vụ vận động bầu cử tổng thống, Quốc hội; cổ động cho sản xuất, chăn nuôi; động viên thanh niên nhập ngũ; chống bom nguyên tử, chống chiến tranh hạt nhân v.v… Loại tranh này ngày càng đóng góp không ngừng vào mục tiêu chính trị và là một vũ khí sắc bén trong đấu tranh cách mạng. Bên cạnh nhiệm vụ quảng cáo nó còn mang thêm nhiệm vụ cổ động. Do vậy loại tranh quảng cáo được gọi là Tranh cổ động hay tranh áp phích (affiche).
Tác phẩm “4000” của tác giả Minh Trí
Tranh cổ động nhằm mục đích tuyên truyền cổ động nên tính chất của nó phải tập trung, khái quát một hình tượng nghệ thuật cụ thể. Đồng thời đem lại cho người xem lượng thông tin nhanh nhạy, trực tiếp thu nhận bằng thị giác thông qua màu sắc, đường nét, nhịp điệu tạo hình với một hình tượng nghệ thuật hoàn chỉnh và gợi cảm. Tín hiệu trong tranh phải gây nên cảm xúc thẩm mỹ cho người xem, thúc giục họ hành động. Tính chiến đấu là một thuộc tính không thể thiếu được trong tranh cổ động, bởi vì cổ động bao giờ cũng có cái đích cụ thể, rõ ràng, dứt khoát nếu không sẽ đi chệch và mất phương hướng. Tranh cổ động đảm bảo tính thời sự, kịp thời; tính quần chúng, góp phần đáng kể vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, cụ thể hóa những nhiệm vụ chính trị trước mắt, trong từng giai đoạn hay lâu dài. So với tất cả các loại tranh khác, tranh cổ động mang hơi thở và sức chiến đấu của quần chúng nhân dân.
Nhìn chung, tranh cổ động thường được đặt ở những nơi có không gian rộng lớn như quảng trường, nơi công cộng, đầu mối giao thông, nơi có nhiều người qua lại. Khi xây dựng tranh cổ động người ta thường chú ý đến không gian thiên nhiên và công trình kiến trúc. Tính chân thực và sinh động thuộc về bản chất của tranh cổ động. So với các loại tranh khác, tranh cổ động không phản ánh thực tế một cách trực tiếp mà chỉ khắc họa một cách điển hình. Cho nên các họa sĩ khi sáng tác tranh cổ động không thể không trở về với cuộc sống thực tại để tìm cho được một nội dung cụ thể, một hình thức cô đọng và độc đáo mà vẫn gần gũi - dễ hiểu với người xem. Trong lĩnh vực này người sáng tác tranh cổ động hoàn toàn chủ động sáng tạo để tạo ra một tác phẩm phù hợp với mọi đối tượng (từ người già đến trẻ em, từ miền núi đến miền xuôi, thành thị đến nông thôn, người Việt đến người nước ngoài), cho dù công chúng hiểu nội dung ở những tầng nhận thức khác nhau, nhưng thông điệp mà bức tranh đề cập đến ai cũng có thể hiểu được. Tranh cổ động không như loại tranh khác (hội hoạ, tranh tường) ngoài việc làm đẹp nơi trưng bày, định hướng thẩm mỹ cho người xem, nó còn có nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Ở Việt Nam tranh cổ động xuất hiện ở Hà Nội khoảng năm 1930. Nội dung chủ yếu là quảng cáo như: “hô hào mua vé xổ số Đông Dương”; “đi bầu dân biểu”; “mặc áo dài kiểu cát tường”... Cùng với sự phát triển của Cách mạng tháng Tám, tranh cổ động cũng xuất hiện và góp phần quan trọng trong đấu tranh cách mạng, ví dụ như tranh “Nước Việt Nam của người Việt Nam” - 1945 của hoạ sỹ Trần Văn Cẩn và một số tranh vận động cho bầu cử Quốc hội khoá I nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Trong kháng chiến chống Pháp có nhiều tranh sáng tác với đề tài đóng thuế nông nghiệp, tăng gia sản xuất, tòng quân giết giặc, binh vận…, như bức tranh nổi tiếng của hoạ sĩ Lương Xuân Nhị “Pour quoi? Et pour qui?” - nghĩa là “Tại sao? và cho ai?”. Trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, đặc biệt là chống đế quốc Mỹ và tay sai, chúng ta có rất nhiều tranh cổ động có giá trị như: “Việt Nam nhất định thắng” (1967) của Trường Sinh; “Không có gì quý hơn độc lập tự do” (1969) của Lê Thanh Đức; “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” (1970) của Nguyễn Thụ - Huy Oánh. Loạt tranh cổ động theo mốc số lượng máy bay Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc cũng thật phong phú trong cách thể hiện. Tính đến hết chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, số máy bay bị bắn rơi là 4.000 chiếc đã được phác họa trong bức tranh cổ động “4.000” (1972) của hoạ sĩ Minh Trí. Tác giả chọn hình tượng khái quát điển hình: trên nền trời hiện rõ máy bay B52 khổng lồ của giặc Mỹ nhưng đã bị tên lửa của ta bắn cháy - con số 4.000 viết đậm bố cục ở phía trên - thay cho những lời thuyết minh dài dòng. Vậy là đủ, ai xem cũng hiểu “4.000 chiếc B52 đã bị hạ gục trên miền Bắc”.
Có thể khẳng định ngay rằng trong giai đoạn chiến tranh chống Mỹ, thành quả lớn nhất của Mỹ thuật Việt Nam có lẽ là đồ họa, hay nói kỹ hơn đó là dòng tranh cổ động chứ không phải hội họa giá vẽ hay điêu khắc. Đồng hành theo suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, tranh cổ động có được một diện mạo nghệ thuật điển hình của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Đó là cách nhìn trực diện vào đề tài, là những khối, mảng màu sắc khỏe khoắn, đơn giản, nhưng vẫn chứa đựng đầy đủ lượng thông tin cần thiết.
Thực tế cho thấy không nhiều loại hình nghệ thuật theo kịp tính thời sự, đi vào đời sống nhanh và sâu rộng như tranh cổ động. Điều đó là minh chứng cho một dòng tranh cổ động đã góp phần thắng lợi trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngày nay, những thước vuông tranh cổ động vẫn đang tồn tại ở đâu đó, nhưng lại ở một bối cảnh khác.
Từ khi công nghệ thông tin phát triển, nhiều hoạ sĩ tranh cổ động đã sáng tác bằng phần mềm đồ họa vi tính. Cách tạo hình nhanh và đáp ứng được nhu cầu thực tiễn hiện nay. Song không phải ai biết sử dụng máy tính đều vẽ được tranh cổ động. Có nhiều người hiểu lầm là lấy một tấm ảnh cắt cúp gắn thêm chữ thuyết minh cho phần hình và coi đó là tranh cổ động. Ở những ngã ba, ngã tư đường phố nhiều nơi ta thấy những tranh to đồ sộ đến vài chục mét vuông. Nhưng có một điều đáng tiếc, là trong số những tranh đó có nhiều tranh không phải là tranh cổ động bởi hình ảnh chắp vá lộn xộn, khó hiểu, khó nhớ, không điển hình; không gây ấn tượng cho người xem mà ngược lại, che khuất tầm mắt nhìn của người tham gia giao thông, gây phản cảm.
Với trách nhiệm là “chiến sĩ” trên mặt trận văn hoá, ngày nay vẫn còn nhiều hoạ sĩ Việt Nam đáu đáu tháng ngày để tìm ra cái tứ mới cho tranh cổ động, để vừa đảm bảo tính thời sự, vừa hiện đại nhưng vẫn giữ được nét truyền thống cổ động Việt Nam. Và Triển lãm tranh cổ động chủ đề “Biên giới và biển đảo Việt Nam”, khai mạc từ ngày 11/7 đến 20/7/2014 tại công viên 23/9 (quận 1, TP.HCM) đã phản ánh điều đó với tổng 60 bức tranh cổ động của các họa sĩ trong cả nước. Tiêu biểu có những tác phẩm như: "Đảo là nhà, biển cả là quê hương" của Nguyễn Mạnh Tuấn; "Biển đảo Việt Nam muôn đời liền một cõi" của Đoàn Minh Thuân; và "Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam" của Hoàng Hoa Mai...
Niềm vui là vậy, song cũng có không ít những bức tranh làm cho công chúng thất vọng bởi có hình ảnh phản cảm, ghi sai (thiếu) tên nước, chẳng hạn như thế này: “Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 68 năm quốc khánh nước cộng hòa xã hội Việt Nam Việt Nam”, nó được dựng lên tại ngã tư đường Nguyễn Lương Bằng, Xã Đàn, Tôn Đức Thắng và La Thành thuộc quận Đống Đa - Hà Nội. Hoặc là bức tranh cổ động có hình ảnh một người phụ nữ mặc áo dài trắng, tay phải đặt gượng gạo vào bó hoa hướng dương, tay trái “mọc” ra từ cổ giơ cao, bàn tay thì chỉ có 4 ngón... Những bức tranh cổ động này hiện diện ít nhất 2 điểm trên địa bàn Thủ đô là tuyến đường Kiều Mai (quận Bắc Từ Liêm) và trên đường Đội Cấn (quận Ba Đình), đoạn đối diện với cổng vào khu quần thể Lăng và Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh…
“Tại sao? và cho ai?” của tác giả Lương Xuân Nhị
Điều đáng buồn nữa là bên cạnh những tranh cổ động tuyên truyền “Nói không với thuốc lá” thì ở Thanh Hóa lại có họa sĩ nào đó vẽ tranh cổ động chủ đề Kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh với hình ảnh chính là Bác Hồ ngậm điếu thuốc lá trong khi quàng khăn đỏ cho thiếu nhi, phía dưới lại ghi dòng chữ in đậm: “Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh”. Thực ra có rất nhiều tấm hình thể hiện tình cảm của Bác với các cháu thiếu nhi, không hiểu tại sao họa sĩ lại sử dụng hình ảnh này (?).v.v… Và còn nhiều những họa phẩm cổ động phản cảm ra đời dưới bàn tay “non trẻ” của những hoạ sỹ không chuyên. Có thể họ thạo về kỹ thuật copy, đồ hoạ vi tính nhưng lại vụng về bố cục - kém chọn ý, chọn hình ảnh. Vô hình chung làm phá đi hình ảnh đẹp của tranh cổ động truyền thống Việt Nam. Lỗi này một phần không nhỏ của ngành chức năng, không thận trọng khi duyệt phác thảo, và đối tượng thể hiện.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...