Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
18:04 (GMT +7)

Tôi đã “được” rất nhiều!

VNTN - Trong cuộc đời mỗi người, ai chẳng một đôi lần háo hức chờ đợi và hi vọng về một chuyến đi xa hiếm có, một bước ngoặt lớn nào đó… Tôi đã thấy lòng chộn rộn khó tả khi rời xa đất liền để đến với Bạch Long Vỹ - hòn đảo xa nhất Vịnh Bắc Bộ, trong chương trình “Vì biển đảo quê hương” do Thành Đoàn Thái Nguyên tổ chức vào tháng 10/2014. 100 đoàn viên thanh niên đến từ các Đoàn cơ sở khác nhau đã cùng nắm tay hòa chung tiếng hát nơi mũi tàu; chúng tôi mang lợn giống ra đảo, những chiếc máy vi tính, trồng cây, khám bệnh phát thuốc miễn phí, tặng quà cho trẻ nhỏ, giao lưu văn nghệ thể thao… Chuyến đi ngắn ngủi chỉ 4 ngày, nhưng với tôi nó vô cùng đáng nhớ.

Biển động nên sóng khá to, con tàu chao đảo lúc hất lên cao, lúc lại lao xuống, nghiêng ngả, chòng chành trên đỉnh sóng. Đoàn có 100 người thì hơn 90 người say sóng. Cảm giác say sóng khiến tôi không dám mở mắt, khó chịu khủng khiếp. Bốn ngày trên đảo với những công việc thiện nguyện, khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho nhân dân, tôi đã bắt gặp những chàng trai rắn rỏi, giọng nói hào sảng như gió như sóng, những thiếu nữ mang vẻ đẹp mặn mòi của biển…. Họ thân thiện, ấm áp, cởi mở và vui vẻ trò chuyện với các y, bác sĩ như đã quen thân từ lâu. Ở đảo, tiếng đàn ghi ta hòa cùng sóng biển, các cô gái với tuổi đời còn rất trẻ hát vang những ca khúc, là hoài bão, ước mơ, là tình yêu con người với biển cả. Họ trẻ, họ nhiệt huyết biết nhường nào!

Trong chuyến đi này, tôi và một số người bạn đã đến thăm gia đình hai chiến sĩ quê Thái Nguyên hiện đang công tác tại đảo Bạch Long Vỹ. Mẹ của chiến sĩ Phạm Văn Đông (quê Định Hóa) đã ra thăm anh trên cùng hải trình của đoàn chúng tôi, vẻ mệt mỏi còn vương trên khuôn mặt của bà sau nhiều giờ say sóng, mắt rưng rưng khi nhận món quà là cân chè quê hương từ tay tôi, bà bảo: “thương con nên tôi gắng ra một lần để tận mắt nhìn nó sống ra sao, thấy đi lại vất vả quá, lúc say sóng tôi tưởng không sống được”. Còn sỹ quan Nguyễn Trọng Nghĩa nhà ở Phú Xá, TP. Thái Nguyên hiện đang công tác ở Trạm rada, khi nhận món quà là bức ảnh có mặt đầy đủ bố mẹ và vợ con anh đã được chúng tôi đến tận nhà chụp lại trước khi ra đảo, thì cứ rối rít cảm ơn mãi. Nghe anh kể chuyện về cuộc sống hàng ngày trên đảo, về kỷ luật, sự cảnh giác cao độ, tình cảm quân dân bền chặt, khắng khít…, thấy vui mà cũng đầy trăn trở. Nơi đây còn nhiều khó khăn, hơi thở của biển không lãng mạn như tôi tưởng mà nó ăn mòn kim loại, mọi khung cửa sổ đều hoen rỉ; lương thực thiếu thốn, lượng rau xanh rất hạn chế, chăn nuôi tự cung tự cấp được cũng đã là một nỗ lực lớn…

Đêm chia tay rời đảo, biển lặng sóng, những lời chúc, những cái bắt tay, những xiết ôm chúng tôi trao nhau mang chở đầy yêu thương và khát vọng. Quay trở về với guồng quay công việc của một bác sĩ, tôi đối diện với những áp lực, căng thẳng một cách dễ chịu hơn, bởi tôi thấy mình may mắn khi đang sống giữa nơi tràn ngập ánh sáng và đủ đầy vật chất. Trong những buổi sinh hoạt Đoàn, tôi đã kể cho các đoàn viên - đồng nghiệp của tôi về chuyến đi, về những người ngư dân da cháy sạm, những khó khăn vất vả, sự khắc nghiệt của tự nhiên nơi đầu sóng ngọn gió; về những người lính tuổi đời rất trẻ nhưng nhiệt huyết, yêu đời đã hát “Bỏ phố, ra đảo em làm thanh niên xung phong…”… Chuyến đi và những trải nghiệm đã khiến tôi trân trọng hơn những gì mình đang có, để sống tràn nhiệt huyết từng ngày của hiện tại.

Vâng, chỉ chừng ấy thôi, cũng là tôi đã “được” rất nhiều!

Trần Đoàn Huy 

(Bác sĩ Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tết ở Trường Sa

Hướng về biển đảo quê hương 2 năm trước

Yêu biển đảo qua lời thơ, câu hát

Hướng về biển đảo quê hương 3 năm trước

Đảo Sơn Ca… rì rào sóng vỗ

Hướng về biển đảo quê hương 3 năm trước

Các anh mang mùa xuân đến cho quê hương

Hướng về biển đảo quê hương 3 năm trước

Gửi những “thiên sứ bảo vệ hòa bình”

Hướng về biển đảo quê hương 3 năm trước

Yêu từ trong tâm tưởng đến hành động

Hướng về biển đảo quê hương 3 năm trước