Chủ nhật, ngày 08 tháng 09 năm 2024
09:15 (GMT +7)

Tờ “Le Paria – Người cùng khổ” và những bí mật của một tờ báo cách mạng (Kỳ II)

(Tiếp theo kỳ trước)

Kỳ II- LE PARIA VÀ TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ CỦA MỘT TỜ BÁO CÁCH MẠNG

VNTN- Được in trên một trang khổ lớn gấp làm đôi, Le Paria có giá bán ban đầu là 25 centimes (tương đương với giá của một tờ báo ngày) và 3 phờ răng một năm cho báo đặt, giá này tăng lên là 5 phờ răng vào năm 1925.

Trang nhất tờ Le Paria số 36 - 37
Trang nhất tờ Le Paria số 36 - 37

Phần lớn các bài báo được viết bởi Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí thuộc ban chấp hành UIC (Liên hiệp quốc tế Thuộc địa), những gương mặt tiêu biểu của cuộc đấu tranh chống đế quốc: Samuel Stéfany, Jean Raliamongo, Hadjali Abdelkader (với bút danh Ali Baba và Hadj Bicot), Max Clainville Bloncourt, Nguyễn Thế Truyền, Lamine Senghor… và cả những người không xuất thân từ các nước thuộc địa như Robert Louzon, André Berthon, Marcel Cachin...

 Trung thành với đường lối hoạt động được hoạch định trong thời gian đầu, Le Paria tập trung vào việc phơi bày tình hình xã hội tại các nước thuộc địa Pháp và tố cáo những hành động đàn áp của thực dân, bóp nghẹt kinh tế, bóc lột sức lao động nhân dân các nước thuộc địa và cả những tội ác đẫm máu của quân lính đế quốc.

“Một ngày nọ, hàng nghìn người dân Tripoli bao gồm người già, đàn ông, phụ nữ và trẻ em, kéo theo đàn gia súc kiệt sức của họ đi tìm nơi ẩn náu tại Tunisie. Vừa đến biên giới, họ đã bị những nhóm quân Pháp chặn đường bằng súng máy. Những kẻ trốn chạy tội nghiệp bị kẹt lại giữa hai bức tường: tiến vào Tunisie, họ sẽ bị truy sát hoặc lùi lại Sahara nơi họ sẽ chết đói và khát. Giữa hai cái chết đau đớn, họ chọn con đường thứ ba, cùng nhau vùi thân vào sa mạc bỏng rát và chết dần chết mòn, người nọ sau người kia.

Những người lính của chúng ta đã thực hiện một cuộc bức tử từ từ và đau đớn của loài nguyên thủy đối với những người mà các quốc gia La tinh lấy cớ mang đến sự giúp đỡ và văn hóa. Những đứa trẻ chết đầu tiên ngay trên bầu sữa của mẹ. Tiếp đến là những người mẹ. Rồi người già vốn đã héo hon ở thể trạng của bộ xương phủ cát. Dần dần là đến những người đàn ông. Khi đã chắc chắn “những kẻ nổi loạn” đã chết, bác sĩ Natal và bác sĩ Conseil phát hiện ra một vài cô bé hình như còn thở bên cạnh thi thể cha mẹ của chúng. Lúc màn đêm buông xuống, họ tiến lại gần và xác nhận những cô bé đó vẫn còn thở. Họ giấu những đứa trẻ đó vào xe cứu thương, họ hài lòng vì đã cứu sống chúng. Cảm động về sự đau đớn của những đứa trẻ, hai vị bác sĩ đã giữ chúng lại để làm nô lệ, những người duy nhất còn sống sót của “bộ tộc hàng nghìn người Tripoli”

Vậy đấy, để hoàn thành bức tranh của những kẻ đồng lõa, đế quốc Pháp không từ mọi tội ác man rợ nào”.

(Những kẻ đồng lõa của chủ nghĩa đế quốc – Le Paria, số 24, tháng 3-4/1924)

Bài viết “Lòng nhân đạo thực dân” của Nguyễn Ái Quốc đăng trên Le Paria số 6 - 7
Bài viết “Lòng nhân đạo thực dân” của Nguyễn Ái Quốc đăng trên Le Paria số 6 - 7

Ngoài việc lên án, vạch trần tội ác của chủ nghĩa đế quốc, Le Paria còn giữ vai trò quan trọng trong cuộc chiến tuyên truyền chống lại sự hiểu lầm xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của nhân dân các dân tộc, giữa một bên là tầng lớp lao động Pháp, những người luôn nghĩ về người bản địa như những cá thể hạ đẳng, tầm thường, không đủ khả năng học hỏi và chẳng thể hành động và một bên là những người bản địa, họ nghĩ về người dân lao động Pháp như những kẻ thực dân bóc lột tàn ác. Sự thiếu hiểu biết này chính là kẽ hở lớn để chế độ thuộc địa và tầng lớp tư bản tận dụng để tạo dựng bức tường ngăn cách họ đoàn kết đấu tranh.

“Chủ nghĩa đế quốc ngày nay đã đi đến sự hoàn hảo gần như đạt đỉnh khoa học. Họ sử dụng giai cấp vô sản da trắng để thu phục giai cấp vô sản thuộc địa. Tiếp đến họ dùng giai cấp vô sản của thuộc địa này để chống lại giai cấp vô sản của thuộc địa khác. Cuối cùng họ dựa vào giai cấp vô sản thuộc địa để chống lại giai cấp vô sản da trắng. Những người Sénégal đã được nếm chiến thắng đau thương vì đã giúp đỡ giới quân sự Pháp truy sát những người anh em Congo, Soudan, Dahomey, Madagascar. Những người Algéria đã đến chiến đấu tại Đông Dương. Những người Đông Dương tại các đồn lính ở châu Phi. Cứ như thế tiếp diễn. Trong cuộc chém giết đẫm máu, hơn một triệu nông dân và thợ thuyền thuộc địa đã bị đưa đến châu Âu để cắt cổ nông dân và thợ thuyền da trắng”.

(Đông Dương và Thái Bình Dương, bóc lột tối đa những người An Nam – Le Paria, số 24, tháng 3-4/1924)

Không chỉ hài lòng với những bài báo tố cáo tội ác, Le Paria còn ưu tiên những bài báo hướng tới dân chúng Pháp, kể cho họ nghe về vùng đất xa lạ. Bằng giọng văn hài hước, tác giả Phan(1) viết:

“ - Chuyện khôi hài, người An Nam cũng có ngày quốc khánh? Từ khi nào vậy? Họ đã phá bỏ được nhà tù Bastille (2) nào?

- Hoàn toàn chính xác, người An Nam bây giờ cũng có ngày quốc khánh của riêng họ. Đó là một cột mốc đáng nhớ, một cột mốc hoành tráng mà chính phủ bảo hộ, người đã không ngừng kêu thấu trời xanh, rằng sẽ dẫn dắt họ trên con đường văn minh, đã trang bị cho họ một cách chính thức. Đó là một khái niệm hoàn hảo và tuyệt vời. Ở đây không có nhà tù Bastille để phá bỏ. Nhà tù Bastille không tồn tại ở An Nam. Nhưng, nếu để so sánh, ngày nay chúng ta cũng có thể coi toàn cõi An Nam giống như một nhà tù khổng lồ. Với ý nghĩa này, không một người dân An Nam nào có thể rời đi hay bước vào mà không cần sự cho phép đặc biệt của chính phủ bảo hộ”.

(Quốc khánh An Nam – Le Paria, số 21, tháng 12/1923)

Bằng cách này, văn hóa bản địa và tình hình tại các nước bản địa sẽ được truyền tải một cách dễ dàng hơn đến công chúng Pháp, những người chỉ nghe về An Nam qua miệng lưỡi của chính phủ thực dân.

Tuy nhiên để có được sự bền bỉ và những bài báo súc tích, Le Paria đã dựa vào rất nhiều Nguyễn Ái Quốc. Do vậy nhiều người đã nghi ngờ rằng, sự vắng mặt của Nguyễn Ái Quốc tại Paris sẽ kéo theo sự phá sản của tờ báo. Trong báo cáo của thanh tra cảnh sát gửi Bộ trưởng Bộ Nội Vụ và Bộ trưởng bộ Thuộc địa ngày 8/10/1923 có ghi:

“Trong bản tin số 822 ngày 30 tháng tám trước ngài đã thông báo với tôi về sự biến mất của kẻ có tên gọi Nguyễn Ái Quốc, nhà cách mạng An Nam, thành viên các hội cộng sản và là Tổng Biên tập tờ “Người cùng khổ” tại số 3 đường Marrché des Partriarches”.

(Trích hồ sơ Nguyễn Tất Thành, bí danh Nguyễn Ái Quốc, bí danh Hồ Chí Minh).

Trong khi giới mật thám vẫn đang bối rối để tìm ra hành tung thật sự của Nguyễn Ái Quốc tại thời gian này, thì tại Nga, như một cách công khai danh tính Nguyễn Ái Quốc vẫn tiếp tục gây tiếng vang.

“Trong bản ghi chép ngày 25 tháng mười, trang số 10, chúng tôi đã gửi một bản báo cáo ngắn gọn về hội thảo nông dân quốc tế lần thứ nhất. Theo những tin tức mới đây, hội thảo này diễn ra từ ngày 10 đến 15 tháng mười và đã nghe, ngoài những báo cáo và thông báo của những người Pháp Voissié và Giraud, còn có bài phát biểu của Nguyễn Ái Quốc. Nguyễn Ái Quốc đã nhân dịp chuyến công tác tại Mát-xcơ-va để duy trì mối liên hệ với hội thảo về số phận đáng thương của các nông dân Đông Dương tạo ra từ bàn tay tư bản Pháp và được các nhà truyền đạo cũng như thương nhân trợ giúp: những người nông dân bị đuổi khỏi mảnh đất của chính họ, khỏi ngôi nhà của chính họ, và buộc phải tha hương. Vậy mà họ còn bị cấm di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác và bị cấm tập trung cũng như tụ họp”.

(Báo cáo của mật thám Merlin, ngày 22/12/1923)

Ngay lập tức để trả lời cho những nghi ngờ của mật thám, trong số báo tháng mười hai, ngay tại trang một, cột đầu tiên, Nguyễn Ái Quốc đã in bài “Tình trạng của nông dân An Nam”.

“Người dân An Nam, nói chung, đã bị đè bẹp bởi những việc làm tốt đẹp của chế độ bảo hộ Pháp. Người nông dân An Nam, đặc biệt hơn, còn bị đè bẹp khủng khiếp hơn bởi chính sách bảo hộ này: Họ bị đàn áp giống như những người An Nam; họ bị cướp trắng, họ bị tước đoạt, bị đuổi ra khỏi chính ngôi nhà của họ, trắng tay giống như những người nông dân. Họ là người làm hết những công việc nặng nhọc, những việc khổ sai. Họ là người sản xuất ra tất cả của cải dành cho băng đảng những kẻ tầm gửi, kẻ lười biếng, những nhà văn minh và bao kẻ khác nữa. Họ là những người cày cấy trên ruộng đồng và trong khi bọn người đó sống trong sự đủ đầy phè phỡn thì họ chết đói khi mùa màng thất bát.

… Những ngôi làng bị cướp trắng, những người bản địa bị hạ thấp thành kẻ làm thuê cho các lãnh chúa phong kiến hiện đại, những kẻ đã cướp đi của họ đến 90% sản lượng của mùa.

… Dưới chiếc mặt nạ dân chủ, đế quốc Pháp đã gieo cấy vào An Nam một chế độ thối nát của thời trung cổ, trong đó có cả chế độ thuế má; những người nông dân An Nam đã bị treo lên cây thánh giá bằng lưỡi lê của nền Văn minh Thiên chúa giáo đĩ điếm”.

(Tình trạng của nông dân An Nam – Le Paria, số 21, tháng 12/1923)

Dường như việc vắng mặt của Nguyễn Ái Quốc tại Paris chỉ là sự thiếu vắng về mặt con người, mọi nhiệm vụ được giao tại Paris, Nguyễn Ái Quốc vẫn tiếp tục đảm nhiệm. Mặc cho khoảng cách địa lý, việc kiểm duyệt thư tín cũng như khó khăn về việc liên lạc, những bài viết của Quốc vẫn tiếp tục phủ kín những số báo tiếp theo của Le Paria. Với vai trò là người đại diện vùng Viễn Đông tại Quốc tế III, thành viên Đoàn Chủ tịch của Quốc tế Nông dân Cộng sản (thành lập tại Mát-xcơ-va năm 1923), Nguyễn Ái Quốc tiếp tục có những bài báo về tình hình Đông Dương dưới con mắt của một ký giả quốc tế.

“Đó không chỉ là số phận của giai cấp vô sản Đông Dương hay của châu Thái Bình Dương, đó còn là số phận của của giai cấp vô sản quốc tế, giai cấp đang bị những hành động đế quốc đe dọa. Nhật Bản đặt mua các trạm điện tín của đảo Yap. Nước Mỹ tiêu hàng triệu đô la để cải thiện nòng súng đại bác trên những con tàu chiến tại châu Đại Dương. Nước Anh sẽ biến Singapour thành một căn cứ hải quân. Nước Pháp tìm được những điều kiện cần thiết để tạo dựng đế chế ở Thái Bình Dương.

Từ khi diễn ra hội thảo Washington, những kẻ thực dân đối nghịch đang trở nên ngày một thâm độc, những đế quốc điên khùng mỗi ngày một lớn mạnh,mâu thuẫn chính trị chắc chắn sẽ không thể tránh khỏi. Những cuộc chiến đã được khai mào với lý do về những vấn đề liên quan đến Ấn Độ, châu Phi và Maroc. Những cuộc chiến khác rất có thể sẽ xảy ra với lý do của châu Thái Bình Dương, nếu như giai cấp vô sản không tỉnh giấc”.

(Đông Dương và Thái Bình Dương, bóc lột tối đa những người An Nam – Le Paria, số 24, tháng 3-4/1924)

Một bức ảnh cho nền văn minh nước Pháp: Những người Syri chẳng đòi hỏi gì ngoài được sở hữu chính bản thân mình cuối cùng lại bị treo lên giá. Le Paria số 36 – 37.
Một bức ảnh cho nền văn minh nước Pháp: Những người Syri chẳng đòi hỏi gì ngoài được sở hữu chính bản thân mình cuối cùng lại bị treo lên giá. Le Paria số 36 – 37.

Ngòi bút của Nguyễn Ái Quốc ngày một vươn xa và phủ rộng hơn ngoài cuộc tranh đấu trên lãnh thổ Đông Dương. Mỗi bài báo của Nguyễn Ái Quốc là một lý giải sâu sắc hơn về những mâu thuẫn quốc tế.

“Những sự kiện của Trung Quốc chứa đựng hai mặt: những mâu thuẫn của các tướng lĩnh Trung Hoa và sự can thiệp của các thế lực ngoại bang. Chính ở mặt thứ hai này chúng ta sẽ quan tâm nhiều hơn bởi chúng định hình những cuộc chiến tranh không thể lường trước và có thể mang lại những hậu quả nghiêm trọng.

Ngay từ năm 1635, với nhiếu lý do khác nhau và nhiều cuộc giao tranh ít nhiều tổn thương, các quốc gia tư bản đã can thiệp vào Trung Quốc hai mươi ba lần tất thảy để đạt được kết quả: chiếm đoạt quyền sử dụng đất và đòi bồi thường.

…Bản đồ nước Trung Quốc đã cho thấy, hầu hết các cảng biển quan trọng, hầu hết các cây cầu chiến lược, hầu hết các trung tâm sản xuất hiện đại đều bị người nước ngoài chiếm giữ. Và hơn hết bản đồ này chưa nói hết mọi vấn đề”.

(Chủ nghĩa đế quốc và Trung Hoa: Bó tay với Trung Hoa – Le Paria, số 30, tháng 10/1924)

Như vậy sau bốn năm tồn tại và chỉ vài tháng nắm cương vị Tổng Biên tập, Nguyễn Ái Quốc đã định hình cho tờ Le Paria một gương mặt tiêu biểu trong bản đồ đấu tranh chống đế quốc vào đầu thế kỷ XX. Mặc cho thời gian tồn tại ngắn ngủi và sự vắng mặt hơn một nửa thời gian của Nguyễn Ái Quốc tại Paris, Nguyễn Ái Quốc vẫn thành công trong việc đẩy tờ báo trở thành cơ quan ngôn luận số một của đại diện các nước thuộc địa tại Pháp. Cũng nhờ đó, vào năm 1923, với sự kiện xâm lược Ruhr (Đức) (1) của liên minh quân đội Pháp và Bỉ, Le Paria đã trở thành một trong những vũ khí chiến lược của Đảng Cộng sản Pháptrên trường quốc tế trong vai trò là đảng tiên phong của cuộc chiến chống đế quốc xâm lược và Nguyễn Ái Quốc trở thành gương mặt điển hình của một nhà báo quốc tế cộng sản.

(Còn tiếp…)

Quyên GAVOYE

 Kỳ III

--------------

(1) Tức Cụ Phan Châu Trinh

(2) Bastille Saint-Antoine, thường được gọi lược giản là Bastille. Nơi đây ngày xưa từng là thành chiến với pháo đài Saint-Anthoine lez Paris được xây dựng vào thế kỷ 14, trên đường Saint-Antoine tại quảng trường Bastille. Trở thành một nhà tù, Bastille được coi là biểu tượng của chế độ chuyên chế quân chủ, nó đã bị phá hủy hoàn toàn trong Cách mạng Pháp. Sau sự kiện châm ngòi này, Bastille đã trở thành biểu tượng giải phóng và khai sinh ra ngày quốc khánh Pháp, ngày 14 tháng 7 năm 1789.

(3) Ngày 11 tháng 1 năm 1923, 60.000 binh lính Pháp và Bỉ tiến vào lưu vực sông Ruhr ở Đức. Họ đã chiếm đóng Rhineland của Đức kể từ khi Đại chiến I kết thúc. Cuộc chiến được phát động dưới quyền tổng thống Pháp Raymond Poincaré. Cuộc xâm chiếm này đã mở đầu cho “năm vô nhân đạo” đối với người Đức.

1 đã tặng

1

0

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy