Tính kịch trong nghệ thuật Múa
VNTN - Nghe một tác phẩm âm nhạc, đọc một cuốn sách, từng tác phẩm đều chất chứa những nội dung, cung bậc tình cảm khác nhau: phê phán, hiện thực, đề cao giá trị tình yêu, tính nhân văn của con người và cộng đồng xã hội… Ở đó có khái niệm mở đầu, xử lý và kết thúc, mỗi tác phẩm như thế đều có tính kịch bên trong. Múa cũng vậy, dùng ngôn ngữ hình thể để diễn tả tâm trạng, đời sống con người thông qua các kịch bản…, mang nhiều âm hưởng của kịch và hài kịch.
Khi nghe một bản nhạc, người sáng tác âm nhạc cũng như người biên đạo làm nên một tác phẩm hoàn chỉnh không lắp ghép, thì đó là cả một quá trình lao động, học hỏi nghiêm túc ở trường học cũng như trong trường đời. Nếu một tác phẩm văn học hay một tác phẩm âm nhạc không thể có sự lắp ghép giữa cái này với cái kia, thì trong nghệ thuật múa lại có sự lắp ghép một cách tinh tế, hoàn chỉnh, tùy vào khả năng biên đạo của người nghệ sỹ. Bởi những động tác múa cơ bản là sự tách rời nhau, yếu tố làm nên một tác phẩm hoàn chỉnh đem đến cho người thưởng thức hiểu rõ được cái “chất” và cái “tôi” tác phẩm, đó mới là điều quan trọng.
Vậy tính kịch trong múa ở đây được tư duy và phát triển như thế nào? Bình thường khi chúng ta xem những tác phẩm múa minh họa, thường ít để ý xem hình thức múa đó như thế nào, chỉ cảm nhận nội dung của bài hát mà ca sỹ thể hiện trong giai điệu và tiết tấu âm nhạc, để rồi đánh giá một cách chính thể về tác phẩm ca múa nhạc đó. Người ta sẽ quan tâm đến lối hòa âm như thế nào, phong cách và giọng hát của ca sỹ ấy trình diễn ra sao?... mà ít khi chú ý đến phần múa minh họa. Nhưng khi xem một tác phẩm múa độc lập, thì người xem phải suy tư một cách chín chắn, rằng tác phẩm đó nói lên điều gì? Ý nghĩa của nó ra sao? Có phù hợp với âm nhạc hay không, diễn viên biểu diễn như thế nào, có nhập vai không?...
Âm nhạc là yếu tố quan trọng nhất trong múa, bởi nó là nền móng chủ chốt để xây nên một tác phẩm múa có tính kịch: hài kịch, bi kịch, chính kịch. Nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng đã được các biên đạo soạn thảo, viết thành những kịch bản, dàn dựng thành các tác phẩm múa. Không chỉ từ văn chương mà từ mọi sự vật hiện tượng trong cuộc sống xung quanh diễn ra hàng ngày, các biên đạo có thể làm nên nhiều tác phẩm múa phản ánh mọi góc độ của đời sống, sự phát triển của xã hội.
Múa “Hứng dừa” Nguồn: Internet
Tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao đã được biên soạn thành một kịch bản múa với tựa đề “Đêm trăng”, do nhà viết nhạc Xuân Thủy thực hiện; phản ánh cuộc sống bi thương nghèo nàn, bất hạnh của số phận con người trong xã hội phong kiến, bị áp bức và bóc lột. Hoặc từ “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố, hình ảnh chị Dậu đã lột tả được tâm trạng đau khổ của người đàn bà đại diện cho hàng vạn phụ nữ thời bấy giờ chìm trong cơ hàn. Bi kịch lớn nhất của đời người là nỗi đau tinh thần khi phải dứt ruột bán đi đứa con của mình. Tác phẩm múa “Gọi tình” được lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài, nổi bật cuộc sống lầm lũi như con trâu con ngựa nơi xó cửa, trong góc buồng đen tối của những phận người… Dù khổ đau dày vò nhưng đều chất chứa khát vọng tự do làm người. Từ những động tác múa nổi bật nội tâm nhân vật đã tạo được chất kịch và bi kịch trong từng đường nét chuyển động. Cái bi kịch ở mỗi tác phẩm không đơn thuần là nhiều động tác, mà nó phải là mối liên quan tổng hợp giữa múa đẹp và cảm xúc của diễn viên.
Bi kịch và hài kịch trong cùng một tác phẩm đặt ra yêu cầu biến hóa tâm trạng, cảm xúc và là thách thức với người diễn viên. Đề tài hài kịch trong múa cũng rất phong phú, hấp dẫn. Nó kết cấu chặt chẽ bởi sự bất ngờ, châm biếm, nhằm phê phán những tệ nạn xã hội, hay đơn giản là để gây cười. Hài kịch hội tụ trong tác phẩm múa từ âm nhạc, động tác múa, đạo cụ, trang phục cũng phức điệu, dí dỏm hơn. Ví như trong tác phẩm múa “Đêm trăng”, người ta thấy được cái bi của sự cùng đường, cái hài của một tình yêu e thẹn giữa Chí Phèo và Thị Nở; hay ở tác phẩm múa “Hứng dừa” lấy cảm hứng từ một bức tranh Đông Hồ, đạo diễn múa đã cho người xem thấy được óc khôi hài trong hứng dừa, ấy là cảnh thanh nhàn của đôi vợ chồng trẻ đang đủng đỉnh theo quả dừa chồng tung vợ hứng. Bằng thủ pháp nghệ thuật biến đổi động tác cơ bản của múa dân gian sang chất liệu dân gian đương đại, chỉ một cái gật đầu hay một động tác “hích mông” làm cái váy đụp tung lên rồi hắt xuống ngay cũng tạo nên nét hài hước, dí dỏm hết sức nhẹ nhàng.
Có những tác phẩm múa mang cả ba yếu tố hài kịch, chính kịch, bi kịch. Dù ở mức độ nào thì khi khai thác đề tài múa mang tính nhân vật, không chỉ đẹp và hay mà còn phản ánh chính xác nội tâm nhân vật. Để làm nổi bật chất bi - hài trong tác phẩm múa, không đơn giản như đối thoại diễn xuất của hài kịch bằng lời. Có những tác phẩm lấy cảm hứng từ trong sinh hoạt lao động, mang đến sự lãng mạn, tinh tế và trong sáng mà không thấy cái bi, cái hài. Đó là hình thức múa mang tính chất ngẫu hứng, được biên đạo tìm tòi, kết hợp động tác khá tỉ mỉ trong từng câu nhạc, phát triển những chuyển động của cơ thể sao cho tự nhiên, làm nổi bật đời sống lao động nhộn nhịp.
Khi đã có nội dung tác phẩm hoàn chỉnh, yếu tố sân khấu (hay còn gọi là bố cục sân khấu) đan xen vào mối liên hệ của nghệ thuật sắp đặt sẽ tạo nên một tác phẩm hay. Âm thanh, ánh sáng phù hợp với từng giai điệu, tiết tấu của âm nhạc, phù hợp với sắc thái, nội dung ngôn ngữ múa của người diễn viên. Ngoài ra, hội họa cũng làm tăng nét kịch tính của tác phẩm múa, đơn thuần chỉ một vài nét chấm phá, phác họa hình ảnh. Ví như trong tác phẩm “Hứng dùa”, hình ảnh phác họa làm nên điểm nhấn là cây dừa, bến nước, con đò… Sự kết hợp ăn ý này là yếu tố hình thành nên những tác phẩm nghệ thuật có giá trị thẫm mỹ cao.
Tính kịch không chỉ có ở các tác phẩm điện ảnh, kịch ngắn, kịch vui mà nó đi vào nghệ thuật múa, được các đạo diễn vận dụng, sáng tạo rất phong phú. Nhiều tác phẩm đã hình thành các yếu tố giữa chính kịch, bi kịch, hài kịch liên kết với nhau, có cốt truyện rõ ràng, làm tăng thêm xúc cảm cho người xem. Tính kịch thổi hồn cho tác phẩm múa mới mẻ hơn, tinh sắc hơn.
Phan Văn Sơn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...