Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
17:37 (GMT +7)

Tiếng vọng từ những miền đất ấy

KỶ NIỆM 48 NĂM NGÀY THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC 30/4/1975 - 30/4/2023

Tiếng vọng ấy là những tiếng vọng từ các địa danh lịch sử đã trải qua những tháng năm đầy bi tráng, hào hùng của đất nước. Nó gắn với lịch sử bằng máu của hàng triệu con người. Bằng khát vọng bỏng cháy của cả dân tộc mấy chục năm ròng rã.

Chuyến đi thực tế của Chi hội Văn xuôi cách đây mấy năm được vạch chi tiết những nơi cần đến từ Thái Nguyên vào Huế. Ngã ba Đồng Lộc, bến sông Nhật Lệ, cầu Hiền Lương, nghĩa trang Trường Sơn, thành cổ Quảng Trị và điểm cuối cùng là thành phố Huế. Thời gian có năm ngày. Chỉ có đi và đi. Có điểm đến chỉ dừng chân vài tiếng đồng hồ. Cảm xúc chất chồng cảm xúc.

Chi hội Văn xuôi (Hội VHNT tỉnh) trong chuyến thực tế tại miền Trung. Trong ảnh: Đoàn tham quan khu vực Di tích Vĩ tuyến 17. Ảnh: Khắc Thiện

Tôi có khát vọng được đặt chân đến những nơi này lâu lắm rồi. Vậy mà đã mấy chục năm, giờ mới có dịp để nhìn, để cảm, để nghe thấy những tiếng vọng còn mồn một đâu đây cho dù những miền đất ấy đã thay da, đổi thịt từng ngày.

Điểm đầu dừng chân là Ngã ba Đồng Lộc. Những vết thương do đạn bom trên thịt da vùng đất này mấy chục năm đã liền lại bởi cây cối, cỏ hoa. Những câu chuyện về mười Cô gái Thanh niên xung phong tại Ngã ba này báo chí, phim ảnh, thơ ca đã nói nhiều. Đứng tại đây ta bỗng thấy dâng lên bao cảm xúc khác nữa. Đó là sự hy sinh của cả vùng đất khu Bốn anh hùng. Cái Ngã ba này. Mười cô gái thanh niên xung phong đây là sự tiêu biểu cho hàng nghìn, hàng vạn những hy sinh thầm lặng khác. Các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có những nút giao thông quan trọng, sống còn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Những năm bom pháo đánh phá khốc liệt ngày đêm, vùng đất này người người, nhà nhà dốc lòng cho tiền tuyến. Có người đưa hết cây cối, vật liệu của gia đình mình lát đường chống lầy cho xe qua. Có làng tất cả già trẻ ào ra cứu xe trên mặt đường trong đêm. Còn nhiều lắm những hy sinh không một dòng trên sử sách. Lữ pháo 210 bảo vệ bầu trời Thái Nguyên những năm đầu cuộc chiến tranh phá hoại, được chi viện cho khu Bốn cũng có hơn 200 cán bộ, chiến sĩ nằm lại nơi này trong năm 1968. Dải đất miền Trung nhỏ hẹp oằn mình gần chục năm dưới bom đạn của máy bay và pháo Mỹ từ ngoài biển bắn vào. Riêng ở Ngã ba này, cái yết hầu của con đường tiếp tế vào Nam là trọng điểm ác liệt nhất. Bởi từ đây tỏa ra các ngả trên khắp tuyến đường Trường Sơn tiếp tế vào Nam.

Linh thiêng Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Đ.T

Ai đã được nghe tiếng gầm rú của máy bay Mỹ, hay tiếng bom chát chúa chao đảo mặt đất mới hiểu hết tâm trạng của các cô gái phải bám trụ ở Ngã ba này. Rất có thể sáng còn chiều mất. Rất có thể hòa vào đất đá sau một loạt bom. Không ai muốn căng mình ra ở một nơi ấy cả. Chỉ có tiếng gọi của nhiệm vụ phải hoàn thành mà tất cả phải vượt qua. Mười cô gái hơn hai mươi tuổi đời đã yên nghỉ trong lòng đất. Rồi lớp người khác lại thế chân vào nơi đây. Qua trọng điểm bom, người ta phải vượt qua nhanh để tránh hiểm nguy. Những cô gái thanh niên xung phong lại phải trụ lại ở chính một nơi như vậy, hết ngày này qua ngày khác. Cái chết đêm ngày treo trên đầu họ. Tôi cắm những nén hương cho mười cô gái, mà như vẫn nghe đâu đây tiếng gọi nhau thất thanh sau mỗi trận bom. Và trong sâu lắng của sự bình yên, lại thấy nhói đau về những mất mát của biết bao con người nữa ở vùng đất đầy gian khổ, đau thương này…

Đêm ấy ngủ lại bên dòng sông Nhật Lệ của Quảng Bình. Con sông rộng vẫn hiền hòa sóng vỗ. Cây cầu bắc qua sông nhiều bóng điện màu giăng hai bên soi bóng lung linh xuống dòng sông. Tôi cùng mọi người thanh thản bước trên cầu, nhìn xa xa ra phía biển, rồi hai bên bờ sáng rực ánh đèn. Chỉ có nghĩ ngược về quá khứ, mới thấy giá trị của yên bình. Bến sông này cách biển không xa. Một thời cũng gồng mình trong mưa bom bão đạn. Tượng đài mẹ Suốt sừng sững ngay bến sông xưa. Lại nhớ câu thơ của Tố Hữu:

“Một tay lái chiếc đò ngang

Bến sông Nhật Lệ quân sang đêm ngày

Sợ chi sóng gió tàu bay

Tây kia mình đã thắng Mỹ này ta chẳng thua”

Bài thơ ấy tôi đã học trên sách giáo khoa cách đây năm mươi năm, đã phân tích nhiều về hành động của mẹ Suốt trong các bài văn khi đó. Nhưng hôm nay, chân được đứng tại bến sông này, mắt được nhìn quang cảnh tại đây thì cảm xúc thật khác. Năm 1968 bà mẹ ấy đã ngã xuống trên dòng sông này. Những con đường thênh thang hai bờ sông hôm nay. Những ngôi nhà nhiều tầng sừng sững trong thành phố hôm nay gợi ta nhớ về những khát vọng bình yên của một thời chiến tranh.

Hành trình đến cầu Hiền Lương thì cảm xúc của tôi mong ngóng vô cùng. Đã nhiều năm tôi ao ước được đặt chân lên cây cầu này. Được nhìn thấy dòng Bến Hải mà qua ca từ bài hát của nhạc sĩ Hoàng Việt tôi tưởng tượng ra nơi ấy không biết bao lần. Mỗi lần nghe bài hát “Câu hò bên bờ Hiền Lương” vào những đêm khuya, tôi bị ám ảnh bởi cảm xúc khắc khoải “chiều nay ra đứng trông về” của bao người con tập kết. Thì ra, sự tưởng tượng trong dâng trào cảm xúc bấy lâu, giờ lẫn hòa vào cảnh thực nên bước chân trên cầu như thiêng liêng đến lạ. Ôi bến Hiền Lương, hai bên bờ yên bình quá. Ôi phía xa xa bờ Nam kia mặt đất xanh tươi, bầu trời vời vợi quá.

Vậy mà hai mươi năm cách ngăn “Xa xa một đàn chim, rẽ mây tung cánh lưng trời. Hỡi chim hãy dừng, cho ta gửi đến phương xa vời”. Sao có những cuộc hẹn hò phải dài lâu đến thế. Sao bước chân muốn trở về quê hương của bao con người lại cách ngăn đến thế. Chỉ vì sự can thiệp của đế quốc Mỹ mà cây cầu qua sông có hai màu cách biệt. Hai màu cờ của hai bờ trên một dải đất luôn tranh đấu với nhau. Vẫn cùng một tiếng nói mà phát loa công suất hàng trăm oát đấu chọi nhau. Khi ta đã trải những tháng ngày cách ngăn ấy, hôm nay đứng đây ta mới thấm nỗi đau của dân tộc mình đã trải. Mới thấy giá trị mỗi bước chân thanh thản bước trên suốt cây cầu chứng kiến một thời bị chia đôi. Tôi bước trên cầu mà những giai điệu của bài hát “Câu hò bên bờ Hiền Lương” cứ dội lên trong lòng. Yên bình mấy chục năm nhưng những khắc khoải ấy trong cảm xúc đâu dễ để quên.

Về nghĩa trang Trường Sơn, khi đứng trước trùng trùng những ngôi mộ trắng, bỗng thấy trong tĩnh lặng của thinh không có một điều gì linh thiêng được đánh thức trong lòng. Từ một đội quân bí mật xuyên rừng để tìm ra những con đường từ những năm năm mươi của thế kỷ hai mươi. Muỗi vắt, đói khát, sốt rét rừng. Nhiều người đã bỏ xác lại ở xa xanh. Rồi đội quân ấy phát triển thành binh đoàn làm nhiệm vụ tiếp tế cho chiến trường miền Nam. Trong vài chục năm, hàng chục nghìn người đã ngã xuống trên dải Trường Sơn. Vẫn còn nhiều lắm những ngôi mộ chưa có tên. Vẫn còn không ít những người con còn nằm rải rác trên khắp Trường Sơn chưa được quy tập. Đây mới chỉ là một trong bảy mươi hai nghĩa trang của tỉnh Quảng Trị. Vậy thì hãy tưởng tượng sáu mươi ba tỉnh thành trong cả nước chúng ta đã có bao nhiêu nghĩa trang. Những hàng hàng, lối lối kia toàn những con người trẻ trai, muôn quê nằm đó. Và bao nỗi đau còn để lại phía sau. Hương khói bay hay bao khát vọng của những hương hồn.

Thành cổ Quảng Trị đây rồi. Một tổn thất lớn nhất trong suốt hai mươi năm chiến tranh của chúng ta. Tám mươi mốt ngày đêm chốt giữ tại đây, hơn mười nghìn cán bộ chiến sĩ hy sinh. Bình quân mỗi ngày hơn một trăm người ngã xuống. Bây giờ có lẽ nhiều người không nhớ nổi bao nhiêu tấn bom đạn Mỹ, ngụy đã ném xuống đây. Chỉ biết nhìn thấy cả một khu thành cổ rộng mấy cây số vuông xưa kia xây thành rất dày và vững chãi, cao tới 4m, đế thành dày 12m, nay bị san phẳng còn đôi đoạn tường nứt toác, chi chít vết đạn bom thì sẽ hình dung ra sự khốc liệt ngày ấy đến thế nào. Có thể trong yên bình bây giờ khó hình dung ra tâm trạng của những chàng trai trẻ, đêm hôm nay phải vượt sông vào thay đồng đội mình đã vượt sông vào đêm hôm trước và biết họ đã không còn. Chúng ta có trí tưởng tượng bao nhiêu cũng không thấu được cảnh đói khát, bị thương suốt ngày đêm ngâm mình trong hào nước của chiến sĩ ta, bom đạn liên tục như muốn hất ngược họ lên, cái chết trực chờ từng phút. Tôi bỗng nhớ đến đoạn viết của nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường; “Những người chết đi, không hề muốn được phong anh hùng, hay thấy hoa tươi dâng trước mộ. Không! Họ chết cho một lẽ duy nhất là khát vọng sống, là đằng sau họ cuộc sống đã được thiết kế trở lại trên công bằng và nhân phẩm”.

Chúng tôi đang bước trên cổ thành Quảng Trị, biết rằng mỗi mét đất nơi đây đều thấm máu bao người, biết rằng thịt xương các anh đã hòa vào đất này. Tự nhiên, thấy mỗi ngọn cỏ non xanh nơi này cũng như đang nói lên điều gì đớn đau và linh thiêng lắm. Cả con sông Thạch Hãn cũng vậy. Những tiếng gọi mẹ ơi còn nhoi nhói vọng ở bến sông này. Và câu thơ của Lê Bá Dương có lẽ trong đoàn ai cũng thuộc:

“Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”

Mỗi bước chân là mỗi gợi nhớ. Mỗi ánh mắt nhìn đều đau đáu những nỗi đau của một thời đã qua. Rời Quảng Trị mà tôi vẫn luôn nhớ về câu nói của nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường. Và nghĩ, nếu chúng ta không cố gắng thực hiện thiết kế được cuộc sống mới trên công bằng và nhân phẩm, chúng ta sẽ mắc nợ với linh hồn các chàng trai trẻ này.

Về Huế thì tâm trạng được lắng lại của một nền văn hóa cố đô hiện hữu. Con người Huế, giọng hò Huế, những lăng tẩm ở Huế có một nét riêng. Tuy vậy, trong tôi vẫn bị liên tưởng bởi những mất mát trong chiến tranh ở Huế. Huế cũng có những ngày bị hoang tàn vì bom đạn trong đầu xuân Mậu Thân 1968. Cả một di sản văn hóa Hoàng thành bị hư hại, đổ nát. Hai phần ba số nhà cửa thành phố Huế bị thiệt hại. Trong 28 ngày đêm ta chiếm được Huế thì bom đạn của Mỹ ngụy liên tục dội xuống nơi này. Những di sản văn hóa cha ông ta xây dựng mất hàng trăm năm bỗng đổ sụp trong chốc lát. Cho dù Đại nội Huế có được trùng tu trở lại thì trong lòng người đến hôm nay vẫn tiếc cho những nguyên bản ngày xưa. Chiến tranh đã hủy hoại những giá trị quý giá ấy.

Cầu Hiền Lương (Quảng Trị) - Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt . Ảnh: Đào Tuấn

Vậy là một chuyến đi ngắn ngủi đã hoàn thành. Cảm xúc ư? Với tôi nhiều lắm. Đất nước mình đến nơi nào cũng thấy thân thương gần gũi. Miền núi, miền xuôi, miền Nam, miền Bắc nơi nào tôi cũng nhận ra một vẻ đẹp riêng, dù có nơi cuộc sống còn nhiều lắm nhọc nhằn. Điều quý giá nhất là được đặt chân đến những mảnh đất một thời đau thương và anh dũng. Có người bảo nghĩ nhiều về quá khứ làm gì. Không! Lớp người chúng tôi đã trải chiến tranh thiếu thốn, và cả mất mát thương đau. Bởi vậy, những tiếng vọng đớn đau của một thời đất nước còn chiến tranh không dễ gì quên được. Chuyến đi này, tôi nghe rõ hơn tiếng vọng của những miền đất đã được đặt chân. Và, nhìn rõ hơn cái giá chúng ta phải trả cho một ngày đất nước được yên bình thống nhất hôm nay.

Giờ non sông ta một dải. Từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh hay hòn đảo phía nam Phú Quốc chỉ có hai giờ bay. Tốc độ dựng xây như một sự thay đổi lạ kỳ. Cuộc sống yên bình đem đến hạnh phúc cho mọi mái nhà ở cả hai miền. Bước chân ta muốn đến nơi nào trên đất nước này không còn gì ngăn cách nữa. Không còn cây cầu chia đôi hai miền. Không còn nồi da nấu thịt. Sự hận thù nhường chỗ cho sự hàn gắn yêu thương. Chỉ có sự yêu thương mới nối được yêu thương, mới hóa giải được nỗi đau của dân tộc mình đã trải, đồng lòng xây dựng một đất nước Việt Nam yên bình, vượt qua mọi thử thách đi lên.

Ta không quên những thương đau. Ta nghe rõ hơn tiếng vọng của một thời không phải để nhắc lại quá khứ của hận thù, mà để cùng nhau nhận ra nỗi đau của một dân tộc cùng tiếng nói màu da khi bị tác động của ngoại bang. Chỉ có độc lập dân tộc mới thực sự có sự yên bình. Và ta mới biết quý trọng, nâng niu gìn giữ từng phút giây của hòa bình.

Ký. Phạm Quý

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy