Tiếng sáo tình yêu
VNTN - Vừa mua phích nước nóng về đến hành lang bệnh viện thì Mỵ gặp bác sỹ:
- A! cô Mỵ đây rồi! Cô nộp tiền để làm phẫu thuật cho bác nhé, phẫu thuật sớm ngày nào tốt ngày ấy cô Mỵ ạ.
Bước đi trên hành lang lát gạch hoa phẳng lì mà sao Mỵ như đang đi trên cao nguyên đá quê mình, bước chân cứ trồi lên hẫng xuống.
Tiền chỉ còn đủ mua cơm hộp cho hai mẹ con mấy bữa nữa. Thằng em về nhà bán ngựa chắc phải non tháng nữa mới xuống.
Mảnh trăng lưỡi liềm treo chung chiêng trên bầu trời. Mỵ bước đi mà chẳng biết đi đâu. Bỗng tai Mỵ nghe thấy tiếng đàn, tiếng hát từ hội trường bệnh viện vọng lại. Mỵ sực nhớ hôm nay có đoàn văn công xung kích của đơn vị bộ đội vào biểu diễn phục vụ bệnh nhân. Mỵ rất yêu ca nhạc nhưng lúc này Mỵ chẳng còn tâm trạng nào nghe hát. Mỵ cúi đầu bước trong một tâm trạng buồn tủi. Bỗng một lời giới thiệu vang lên: “Tiếp theo chương trình là tiết mục độc tấu sáo Mèo! Người trình bày, đồng chí Vàng A Tiều, đại đội ba, tiểu đoàn hai, binh đoàn Hương Giang”. Rồi tiếng sáo Mèo vang lên trầm ấm, như cuốn lấy Mỵ. Mỵ bỗng thấy mình như đang bay ngang thung lũng mù sương. Tai Mỵ như có tiếng suối chảy bên khe đá, tiếng chân trâu lộc cộc trên con đường gập ghềnh về bản. Thế rồi như có con ma dẫn lối, chẳng biết Mỵ đã đứng dưới sân khấu từ bao giờ. Tiếng sáo Mèo trong vắt như ánh nắng ban mai xua đi bao bề bận lo toan trong lòng Mỵ. Ngơ ngẩn một lúc, Mỵ thốt lên:
- Trời ạ! Tiếng sáo này chắc chỉ có ở bản Lũng Thấu, Sà Phìn mình thôi.
Tiếng sáo vừa dứt, Mỵ như bừng tỉnh. Mỵ chạy vội ra phía sau sân khấu:
- Anh bộ đội ơi! Cho em hỏi anh Vàng A Tiều.
- Cô hỏi A Tiều sáo mèo hả? A Tiều ơi! Ra có người gặp nhé.
Mỵ thấy hơi nóng mặt, vội chạy ra gốc cây cuối sân đứng đợi. Một anh bộ đội bước tới rụt rè hỏi:
- Chị…. Chị tìm tôi?
- Em chào anh A Tiều. Anh thổi sáo hay quá. Anh có phải người Đồng Văn không ạ?
- Ô! Thế cô là….
- Em là Mỵ, người Lũng Thấu, Sà Phìn, Đồng Văn đây. Em đưa mẹ xuống chữa bệnh.
- Vâng! Tôi ở Đồng Văn nhưng ở bản Lầu.
Biết anh bộ đội là đồng hương, Mỵ mạnh dạn hơn:
- Em biết ngay mà. Chỉ có người Mông mình mới có tiếng sáo ấy.
Lúc này A Tiều mới nhìn kĩ cô gái. Trời ơi! Một đôi mắt trong như nước suối. A Tiều như thấy mình tan trong đôi mắt ấy.
- Cảm ơn cô Mỵ. Tôi cũng chỉ mượn cây sáo để nói lên tình cảm của mình với quê hương thôi.
Liền ngay đó, phía sân khấu có tiếng gọi:
- A Tiều ….A Tiều đâu? Tập trung chuẩn bị về đơn vị.
Giọng A Tiều đầy luyến tiếc:
- Mỵ à, tôi phải về rồi.
Không hiểu lúc ấy có một sức mạnh nào (do tình đồng hương gặp nhau ở nơi xa lạ hay do gái bản Lũng Thấu quê Mỵ vốn bạo dạn) mà Mỵ bước lại gần đưa tay nắm lấy tay A Tiều:
- Tạm biệt anh A Tiều nhé. Khi nào về quê, anh A Tiều nhớ tới bản Lũng Thấu đấy.
A Tiều cũng nắm chặt lấy tay Mỵ. Một bàn tay mềm mại, hừng hực hơi ấm. A Tiều thấy tim mình rung lên. Ước gì thời gian dừng lại để bàn tay Mỵ mãi nằm trong tay anh. Nhưng lúc ấy lại có tiếng gọi từ phía sân khấu. Mỵ gỡ tay A Tiều, khẽ nói trong hơi thở gấp:
- Anh A Tiều về đi…
Mỵ vừa chạy vừa nắm chặt hai bàn tay, cứ như sợ cái hơi ấm lúc nãy từ bàn tay A Tiều truyền sang bay đi mất. Về đến bên giường bệnh của mẹ, Mỵ giật bắn mình khi thấy trong lòng bàn tay mình có một chiếc nhẫn vàng. Mỵ đoán ra sự tình, vội chạy ra phía cổng nhưng chiếc xe chở đoàn văn nghệ xung kích quân đội đã đi khuất sau hàng rào bệnh viện.
Suốt đêm ấy Mỵ trằn trọc không sao ngủ được. Chẳng biết A Tiều sẽ nghĩ gì đây? Rồi Mỵ ngủ thiếp đi. Mỵ mơ mơ màng màng thấy có ông bụt hiện lên đặt cái nhẫn vào tay Mỵ bảo:
- Con hãy lo cho mẹ con đi. Mọi chuyện tính sau. Mạng người là quan trọng nhất.
Buối sáng, khi Mỵ tỉnh dậy thì ngoài cửa phòng vang lên tiếng nói:
- Cô Mỵ nộp tiền ngay nhé, để khoa xếp lịch mổ!
* * *
Từ hôm đi biểu diễn ở bệnh viện về tôi thấy A Tiều như người mất hồn. Là chính trị viên đại đội nên tôi luôn quan tâm đến tư tưởng của chiến sỹ trong đơn vị. Thấy hiện tượng lạ, tôi đến bên A Tiều và chợt nhận thấy trên tay A Tiều không có chiếc nhẫn vàng, chiếc nhẫn mà đối với A Tiều xưa nay là một vật bất li thân. Sở dĩ tôi biết cái nhẫn là do hôm mới đến đơn vị khi nghe tôi nhắc ai có đồ trang sức thì tháo ra để thuận tiện cho việc luyện tập, nhưng A Tiều xin phép tôi được đeo vì đấy là vật kỷ niệm của bà tặng lúc nhập ngũ và tôi đã đồng ý.
Tôi vội hỏi:
- Cái nhẫn của chú đâu, sao lại tháo ra?
A Tiều ngần ngừ một lúc, lúng túng:
- Dạ em cũng không biết rơi ở đâu nữa. Cái nhẫn hơi lỏng nhưng vì là kỉ vật của bà nên em không muốn sửa.
Thế rồi A Tiều kể đầu đuôi câu chuyện anh và Mỵ nắm tay nhau cho tôi nghe. Tôi đập tay xuống bàn:
- Mất cảnh giác! Mất cảnh giác quá! Làm người lính mà mất cảnh giác thế thì có ngày mất cả “gáo”. Tinh vi! Tinh vi thật! Nó ỏn ẻn đóng vai gái Mèo để lừa chú rồi.
A Tiều lắc lắc đầu, quả quyết:
- Không! Không thể như thế được. Một con người biết rung động với tiếng sáo Mèo như vậy thì không thể là một kẻ lừa đảo được.
- Rung động trước nghệ thuật thế nào thì tôi không biết nhưng thực tế là chú đã bị “rung” mất cái nhẫn hai chỉ.
Tôi đã đưa chuyện của A Tiều ra cuộc họp đại đội. Trước đơn vị tôi phân tích tính chất tinh vi, chuyên nghiệp của vụ lừa đảo để rút kinh nghiệm chung cho các chiến sĩ. A Tiều rụt rè phản ứng nhưng ý kiến của tôi lại được nhiều người đồng tình, vì sự thật dường như đã rõ mười mươi. Có điều, khi có người đề nghị tôi cùng A Tiều quay lại bệnh viện để thẩm tra sự việc thì A Tiều kiên quyết không đồng ý, thậm chí còn nổi cáu.
Từ đó anh em trong đơn vị gọi A Tiều là chàng “hai chỉ”.
Nhưng thật lạ, từ ngày ấy tiếng sáo của A Tiều bỗng trở lên sâu lắng, ấm áp và hay đến lạ thường. Mấy cậu trong đơn vị kháo nhau:
- Tiếng sáo của A Tiều bây giờ phải là tám chỉ chứ không còn là hai chỉ như ngày xưa nữa.
Ngày tháng trôi đi, dần dà cũng chẳng còn ai nhắc đến việc A Tiều bị lừa hai chỉ vàng nữa.
Ngay sau đó tôi nhận nhiệm vụ vào công tác tại mặt trận Tây Nam. Tôi và A Tiều chỉ còn liên lạc với nhau qua những lá thư hiếm hoi. Qua thư tôi biết A Tiều đã phục viên về quê lấy vợ và đang sống hạnh phúc lắm. Thư nào A Tiều cũng nhắn một câu: “Khi nào về nhất định anh phải lên quê em chơi đấy”.
* * *
Rời quân ngũ, việc đầu tiên tôi nghĩ tới là lên Đồng Văn thăm A Tiều. A Tiều ra tận bến xe đón tôi. Về đến nhà, A Tiều bảo:
- Vợ em làm cán bộ phụ nữ xã, hôm nay đi đại hội, chắc cũng sắp về rồi. Em đã nói với vợ hôm nay nhà có khách quí.
Ngồi bên bếp lửa, A Tiều cầm chai rượu rót ra hai bát, nói với vẻ tự hào:
- Rượu ngô men lá vợ em ủ đấy. Ngon nhất bản anh ạ.
Tôi đỡ bát rượu, đảo mắt nhìn quanh. Một căn nhà sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp. Tôi hiểu, chỉ có những người phụ nữ chăm chỉ, nết na mới tạo được một không gian như thế.
- Em chào anh Hùng ạ!
Tôi giật mình quay lại. Một cô gái có vóc người tròn lẳn mềm mại trong bộ trang phục người Mông.
A Tiều cười hì hì:
- Vợ em đấy! Hàng ngày em vẫn kể chuyện thời quân ngũ cho vợ em nghe. Mỵ thuộc tên anh và nhiều anh em khác trong đơn vị.
Nói rồi A Tiều quay sang bảo vợ:
- Mỵ à, xuống bắt con gà sống thiến làm thịt. Hôm nay hai anh em phải thật say đấy.
Mỵ khẽ khàng vào buồng thay trang phục rồi đi xuống bếp. Tôi há hốc mồm:
- A Tiều…A Tiều này …Mỵ …Mỵ …Chẳng lẽ là… Mỵ…ngày ấy…?
A Tiều nắm chặt tay tôi, mắt ánh niềm hạnh phúc:
- Vâng, đúng là Mỵ đấy anh ạ.
- Trời ơi! Chuyện là thế nào, kể cho anh nghe đi.
A Tiều cầm bát rượu hớp một ngụm lớn, mắt nhìn xa xăm lên ngọn núi trước nhà:
- Sau ngày anh đi K một thời gian, lúc em vừa ở thao trường về thì thấy trực ban bảo có người gặp. Em vội chạy sang. Hóa ra là Mỵ. Nhưng em không ngạc nhiên đâu, vì em tin thế nào Mỵ cũng sẽ tìm đến.
Tôi lặng người. Một cảm giác ngượng ngùng lan tỏa. Tôi nói, như để nhận lỗi:
- Hóa ra, ngày ấy chú kiên quyết không nghe tôi đến bệnh viện kiểm tra là đúng. Tôi và nhiều anh em trong đơn vị đã sai.
A Tiều xua xua tay:
- Lời khuyên của anh và anh em trong đại đội ngày ấy là rất chân tình nhưng điều làm em sợ nhất là nhỡ gặp Mỵ ở bệnh viện. Mỵ biết anh em mình đến kiểm tra để đòi lại chiếc nhẫn thì biết ăn nói ra sao? - Uống thêm một ngụm rượu, A Tiều cười khà khà - anh không thể đoán được cái giây phút ngắn ngủi Mỵ nắm tay em nó thiêng liêng như thế nào đâu. Hình như nó đã là một cuộc hò hẹn không lời.
Tôi đâm ra tò mò:
- Mỵ đến gặp cậu để trả chiếc nhẫn sao?
- Vâng. Tối hôm ấy, đúng là Mỵ có cầm chiếc nhẫn nhưng không phải Mỵ cố tình lấy mà do lúc chia tay, em cứ níu tay Mỵ lại nên chiếc nhẫn đã vô tình tuột vào tay cô ấy. Sau đó Mỵ chạy đuổi theo nhưng xe chở đoàn đã đi xa nên Mỵ không có cách nào trả lại. Nhưng anh có biết không, Mỵ còn kể về chuyện chiếc nhẫn ấy đã phải đi qua một cuộc hành trình díc dắc ra sao.
- Chuyện có vẻ li kì đấy nhỉ?.
- Mỵ kể cho em nghe vì lúc ấy mẹ cô ấy đang phải phẫu thuật khẩn cấp, không có cách nào khác, Mỵ phải đến hiệu cầm đồ và rồi ngay sau khi mẹ phẫu thuật xong, đã tìm cách chuộc lại nó một cách nhanh chóng ra sao. Cô ấy tỏ ra rất áy náy về chuyện này. Nhưng em đã nói lại với Mỵ lời bà em dặn khi trao chiếc nhẫn cho em: “Cần làm việc gì cháu cứ dùng, miễn là việc ấy có ích. Còn nếu không dùng đến thì sau này cháu đưa cho vợ cháu”. Em bảo, vậy là chiếc nhẫn đã hoàn thành một việc hết sức có ích.
Nói xong, em cầm chiếc nhẫn nhẹ nhàng đeo vào tay Mỵ, khẽ nói trong hơi thở:
- Còn bây giờ, nó sẽ thực hiện tiếp… nhiệm vụ thứ hai.
Thế là người cô ấy cứ run lên, mắt long lanh ướt.
Nghe câu chuyện A Tiều kể, nghĩ lại chuyện cũ, tôi thấy ngượng vô cùng:
- Về chuyện này đúng là tôi phải xin lỗi chú.
A Tiều cười rất vô tư:
- Anh nói sai rồi. Em có được Mỵ và có hạnh phúc hôm nay là nhờ vào anh.
Tôi hơi ngạc nhiên:
- Nhờ tôi?
- Đúng thế anh ạ. Ngày ấy anh không động viên và khuyến khích em thổi sáo, rồi giới thiệu em vào đội văn nghệ xung kích của binh đoàn thì làm gì em có ngày hôm nay. Không phải lỗi của ai cả, mà “lỗi” là của… tiếng sáo Mèo, tiếng sáo của tình yêu anh ạ.
Cả hai vừa dứt tràng cười thoải mái cũng là lúc Mỵ bưng mâm từ dưới bếp lên.
Truyện ngắn. Đào Nguyên Hải
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...