Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
19:51 (GMT +7)

Tiếng sáo gọi trăng

Đại đặt tay lên bàn, rờ rẫm lấy cây sáo trúc, lần từng nốt để kiểm tra như thể sợ những vòng tròn nằm sai vị trí cũ, đưa lên môi thổi. Tiếng dìu dặt bay qua mái lá cọ, tràn ra cánh đồng Đông Ấn. Tiếng sáo đến tai của Ngần không? Đại chẳng biết.

"Thương nhau nước tràn bờ cũng sang

Mến nhau mấy non ngàn cũng tới"

Ngần đã hát như thế khi nghe tiếng sáo của Đại. Tiếng hát của Ngần, cả bản Nà Hin ai cũng mê mệt. Đã có lần, mé kể rằng đám con trai trong bản đánh nhau vì có người dám chê tiếng hát ấy. Ngần xinh không? Đại chẳng nhìn thấy gì. Chưa ai nói rằng cô gái ấy là người xấu xí:

- Không thổi nữa, ra ăn cơm thôi con.

Giát nứa chuyển động dưới đôi bàn chân của mé. Đại đã ngửi thấy mùi măng chua xào lá lốt, cá suối rán vàng. Đại giắt cây sáo vào mái lá cọ, quay ra sàn đợi mé cùng ngồi xuống ăn.

- Hôm nay, cá chẳng có mấy. Mai, mé lên rừng hái măng. Con ở nhà tự nấu cơm nhé. Gạo còn đủ đến hết tuần. Thằng Hiệu đi chuyến này không biết có an toàn không, nó vừa ốm dậy, nghĩ mà tội thằng bé.

Đại gượng cười bảo:

- Mé đi hái măng sao kịp chân đám con gái nữa? Thà tách đoàn ra đi từng đôi, may ra đủ bán chợ phiên tới. Đấy, bảo cho tất cả mọi người chỗ có măng nhiều mà sáng mai mới đi thì chỉ có đánh thức vắt dậy lần hai thôi. Người đâu thật thà đến thế. Năm ngoái cũng vậy, mấy bà có chồng con khỏe họ đốt đuốc đi hái măng đêm, sáng ra, mình đi, chỉ còn rặt gốc là gốc và một lũ vắt vươn vòi.

Minh họa: Dương Văn Chung

Rừng là của chung, mùa hái lượm nhà ai đông thì hời. Những người đơn thân như mé chẳng hái được là bao. Pá đã khuất núi từ sau đợt đổ xô đi Nghệ An đào vàng. Đại thì chẳng biết nơi xa xôi đó nằm ở phương nào, chỉ nghe kể là xa lắm, ngồi xe từ sáng đến chiều mới tới. Năm lên ba tuổi, sau một trận ốm, Đại không nhìn thấy gì nữa. Mé thương, gửi con xuống Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh học văn hóa bằng chữ nổi và nghề đan lát. Đại đan cái gì cũng đẹp. Mé hay chặt trúc về cho anh đan chiếc lồng bàn, chiếc giỏ đựng len móc, rế nồi, giỏ cá, lồng chim,... thỉnh thoảng đổi được vài đồng muối mỡ.

Khi gà cất tiếng gáy lần hai, mé đã lịch kịch chuẩn bị đồ đi hái măng, Đại không ngủ được nữa. Anh nhớ đến Ngần, nếu cô còn ở bản, chắc cũng đã cơm đùm cơm nắm, giắt ống nước canh măng đứng đợi ở ngã ba đường. Đại được gặp riêng Ngần có ba lần.

Lần đầu vào hội xuân, Ngần hát:

"Có thương nhau cây chuối rừng cũng cháy

Không thương nhau lửa bắt giấy vẫn nguyên"

Tiếng hát của Ngần cao vút như với tận trăng trời, lúc lại tràn ra lai láng như nước suối, khi thủ thỉ như lời người già kể chuyện thơ Tày. Đại mê mải theo tiếng hát thức thâu đêm làm sáo đến thổi dưới sàn nhà người ta. Lần thứ hai, Ngần dắt tay Đại về nhà nói với pá, ông không nói gì, Đại chỉ thấy mùi rượu ngập khắp sàn. Bác Phưa nhà bên cạnh đã sang nói đỡ cho vài câu để hai đứa dễ bề đi lại tìm hiểu, bác bảo:

- Cái Ngần mà thương được thằng Đại thì đời nó sướng chứ khổ gì. Thằng đàn ông hiền lành, chiều chuộng hết mực, mình là đàn bà, chỉ việc lo làm ăn thôi. Mắt nó không nhìn thấy nhưng lòng nó sáng.

Lần thứ ba, ở chợ tình phong lưu, Đại với Ngần mạnh dạn trình diễn bài cọi: “Thuyền trăng chở đầy nỗi nhớ” và được giải nhất. Chúng bạn mang rượu ra chúc mừng, hai người uống đến lâng lâng. Bên dòng suối, Ngần bảo đêm nay trăng rất tròn. Tiếng sáo nâng câu lượn cọi lên chín tầng mây. Khi sương phả ra hơi lành lạnh, họ xích lại gần nhau đến nỗi chỉ còn nghe tiếng suối róc rách như một bản nhạc của đất trời dành cho phút giây ân ái.

***

Đã khá lâu, Ngần không còn đến nghe Đại thổi sáo nữa. Cô theo cánh chị em ra khu du lịch ở bản bên làm nhân viên nhà hàng. Người làng nói với Đại rằng, Ngần diện váy trắng mua ở thành phố, đánh son trông rất sang trọng, cứ như diễn viên trong phim. Mấy ngày sau, anh lại nghe mé kể Ngần đem sang nhà cho mười hộp sữa bột, bảo rằng rất tốt cho sức khỏe, chữa khỏi nhiều loại bệnh. Đại thoáng buồn. Sao đã tới nhà lại không chào hỏi nhau lấy một câu? Mé cũng thật là, Ngần có công đi tìm mua sữa cũng nên hỏi hết bao nhiêu tiền để gửi. Mười hộp chứ ít gì. Thời buổi này ai cũng khó khăn. Thằng Thành nhà ở bản bên có lần sang chơi, thấy Đại ngồi mân mê cây sáo, nó bảo:

- Anh làm sáo bán đi. Em thấy nhiều người hỏi mua lắm. Cả nón lá cọ của người Tày mình nữa. Bản em bây giờ đón khách mà ít đồ bày, toàn phải nhập hàng tận đẩu tận đâu về. Họ làm ẩu, mình cầm đồng tiền cũng thấy ngại. Em bảo mé anh rồi đấy, bá lấy được bao nhiêu măng, nuôi dê, lợn, bò, anh làm được đồ dùng gì cứ đem sang nhà, em bày bán được sẽ đưa tiền hoặc ứng trước cho. Anh có đồng ra đồng vào, em có nhiều khách đến ăn uống, ngủ nghỉ lại.

- Chú cứ xem đồ anh đan treo ở gác bếp, dùng được món nào thì đem về. Sáo anh làm lâu rồi, bấy lâu nay toàn cho mấy anh em cùng đam mê thổi chơi vui.

- Anh dại quá. Tay nghề có, mắt mũi mình không nhìn thấy nhưng trời phú cho nhiều tài lẻ. Bản em thành lập đội hát cọi, có khách du lịch tới, em đi xe sang đón anh đến biểu diễn thổi sáo, hát được càng hay. Tiền công chia đều.

Đại chớp đôi mắt mờ đục, khẽ cười:

- Nếu hát cọi hay thì chú nên mời cô Ngần.

Thành càu nhàu:

- Ôi giời ơi, giờ cô Ngần mắc bệnh ngôi sao rồi, không là người của bản mình nữa đâu. Thời gian và tiền bạc làm thay đổi con người nhanh hơn cơn lũ quét từ rừng già về suối. Em tới thuyết phục mấy lần, thỏa thuận mức thù lao cao nhất trong đội, cho hát chính trong nhóm nhưng chị ấy không chịu. Chị ấy nói muốn kinh doanh theo hướng riêng, thành công thì ra thị trấn sinh sống. Mấy tháng nay, chị ấy còn đem sữa vào cho bác Phưa. Bác bị bệnh ung thư, không nói được nữa. Bệnh viện trả về rồi.

- Ái dá, sao nhanh thế được, hồi anh sang, bác còn khỏe, giọng nói sang sảng kia mà?

- Bệnh tật mỗi ngày mỗi khác, anh ơi. Rõ khổ, các con bán ruộng, cầm cố nhà cửa lấy tiền đi chữa bệnh cho bác ấy mà đấu không lại với trời đành chịu. Em thấy chị Ngần quá đáng lắm, sữa nào có thể chữa được bách bệnh chứ, không giúp người ta thì thôi, đằng này còn lợi dụng để buôn bán kiếm lời. Chị ấy đã quên hồi bé, pá đi làm tận tối mịt mới về, bác Phưa nấu cơm cho ăn, kèm cặp sách vở hơn con cháu trong nhà.

- Chớ vội nghĩ oan cho người ta, chú à. Cô ấy cũng đem sang đây vài hộp cho mé anh. Bà kêu đau nhức xương khớp nên cũng dùng, nghe đâu sắp hết rồi.

Thành ném tiếng thở dài và xin phép về. Nghe tin Ngần như thế, Đại không còn thấy hào hứng với niềm vui công việc mới mà Thành vừa đem tới. Đêm hôm ấy, nằm ngoài nhà, Đại thấy mé trở mình trên giát nứa cót két. Mé không ngủ được. Chắc cái chân bị đau nó hành vì trời chuyển mưa. Đêm đã khuya, tiếng cú mèo đi săn mồi vừa dứt, anh lại nghe tiếng khịt khạt mũi. Hình như mé khóc. Lần sờ tới cửa buồng, anh mạnh dạn hỏi:

- Mé đau ở đâu? Hay là có chuyện gì buồn còn giấu con?

Mé ngồi dậy, yên lặng một lúc mới nói:

- Hồi chiều, mé qua nhà bác Phưa. Bác ấy sắp không qua khỏi rồi, Đại à. Nhân tiện, mé sang nhà cái Ngần hỏi tiền sữa hết bao nhiêu thì mé gửi. Con biết nó nói hết từng nào không? Mười hộp sữa bột bán những mười hai triệu. Nó bảo đấy là sữa nhập về từ bên Mỹ nên có giá hơi cao. Mé uống còn có nửa hộp là hết. Thôi thì đành lấy số tiền bán con bò bê đưa cho nó chứ sao. Miệng nó ngon ngọt quá, biết hoàn cảnh nhà mình như vậy vẫn đành lòng cầm ngần ấy tiền, không bớt một xu.

- Mình đã dùng thì mình trả cho hết và đừng mua nữa mé à. Thành hôm nay sang chơi cũng nói với con là bác Phưa cũng mua sữa đó uống đấy, có khỏi bệnh đâu. À, mé giúp con vay vốn của Ngân hàng chính sách nhé. Con muốn làm kinh tế.

Hai mẹ con nói chuyện tới khi con gà trống cất tiếng gáy lần thứ hai mới đi nằm. Đại không sao chợp mắt được. Anh nghĩ đến Ngần, đến câu cọi ngọt thanh hơn măng rừng nướng với giây phút mặn nồng bên suối. Nếu cô đồng ý vào hội văn nghệ của bản và có anh thổi sáo đệm như những ngày trước thì hay biết bao. Nhưng anh cũng chạnh lòng, chắc Ngần đã thay lòng đổi dạ hoặc không thể chịu được tiếng xì xào của người đời, con gái như hoa phặc phiền mà lại lấy cái thằng có số phận hẩm hiu.

Con gái Tày ở bản Nà Hin, Nà Dài, Nà Tôm đã biết vào zalo, facebook quảng cáo căn nhà sàn, quay lại buổi giao lưu văn nghệ, chụp các loại nông sản mùa nào thức nấy vừa thu hoạch được cho du khách tìm đến nhiều hơn và bán hàng dễ dàng. Họ giúp mé Đại dọn dẹp, trang trí nhà cửa để làm nơi trình diễn văn nghệ khi có yêu cầu. Đại mở xưởng đan lát, làm sáo ở dưới gầm sàn, các cụ già thường tới đây giúp. Ấm trà pha không khi nào nguội. Người trong bản kể, Ngần càng ngày càng có nhiều tiền, đi ô tô, trở thành giám đốc kinh doanh sản phẩm tiêu dùng thông minh. Thỉnh thoảng, cô trở về bản tuyển cộng tác viên rồi vội vã theo các cuộc điện thoại quan trọng của đối tác. Bác Phưa qua đời vào một chiều đông. Đại đến đám ma đã gặp lại Ngần. Cô chắc nhìn thấy anh nhưng không lên tiếng. Anh cảm nhận được cô đang ở rất gần. Ngần tới đòi tiền bán sữa bột, bị họ hàng nhà bác Phưa mắng té tát và đuổi ra khỏi nhà đám. Đại nghe quanh mình tiếng lầm bầm “đồ lấy oán báo ân, xưa nhường cháo nhường cơm cho nó ăn để giờ nó ăn xương ăn thịt người già” lẫn trong tiếng kèn pí lè, thanh la, não bạt.

Tiếng sáo mấy đêm liền đơn độc gọi ánh trăng ở bản Nà Hin. Ai nghe cũng chỉ buông tiếng thở dài, tiếc cho Ngần quá khôn thành dồn đến dại, thương cho Đại nặng lòng với câu lượn cọi năm xưa. Không chỉ bán hàng đa cấp, Ngần còn rủ rê nhiều người gom tiền chung vốn để hưởng hoa hồng cao, vì ăn chơi, chưng diện nên đã tiêu hết số tiền hàng trăm, hàng tỷ đồng, không có khả năng trả lại, phải trốn chui trốn lủi. Ngần có thai. Cô sinh được cậu bé hóm hỉnh, chưa hết tháng ở cữ đã bế sang cho mé Đại rồi đi biệt. Nghe đâu, cô bị công an bắt và kết án ở một nơi xa lắc. Tiếng sáo từ buổi đấy thường đứt quãng với tiếng khóc khát sữa của thằng bé. Giá mà Đại ngăn Ngần lại, dắt nhau đi đúng đường thì đâu đến nông nỗi này. Ngần không là trăng nữa. Ngần như ngôi sao rơi.

***

Sài Gòn cho ta những điều thú vị như cơn mưa bất chợt nếm từng góc phố mỗi ngày. Nhiều người yêu thành phố này không chỉ bởi không gian dễ chịu dù thỉnh thoảng mới có kẹt xe ở ngã tư hay chỗ ngập lội nhưng ai cũng kiên nhẫn chờ đợi, người ta tranh thủ giây phút đó để ngắm biển giao thông, cách bài trí của các hàng quán hai bên đường, bảng hiệu kẻ bắt mắt mà còn ở tấm lòng hiếu khách thập phương. Hiệu vào thăm mé đang thụ lí ở trại giam, lần nào đi, anh cũng đem theo cây sáo của pá, mót ánh trăng phố thị thổi lên nốt buồn da diết kể chuyện núi rừng mong mé nghe được, chịu khó cải tạo sớm về trước thời hạn. Đã hai mươi năm rồi, chiều chiều, pá vẫn ngồi ở đầu cầu thang đưa cặp mắt mờ đục về nơi xa xôi chờ tiếng nói quen thuộc cất lên để mừng rỡ hỏi dồn rồi lặng đi giây lát, đưa hai tay đấm ngực thùm thụp cho nước mắt chảy ngược được vào trong. Hiệu nhớ ngày đầu tiên nhảy xe khách đi hơn hai ngàn cây số vào đây, đường sá không biết lối nào lần, tình cờ gặp anh Hưng, người Tày, đã làm việc ở Sài Gòn lâu năm, khi rõ hoàn cảnh, anh bảo:

- Chú về khu tập thể của anh ở vài bữa, khỏi phải thuê khách sạn, xe máy có, hỏi qua mấy anh em rồi lấy cái để di chuyển, đừng ngại. Cộng đồng người Tày ở Sài Gòn đông đảo, đợt dịch COVID-19 vừa rồi, anh em giúp nhau bám trụ lại thành phố, của cải có hạn, động viên nhau về tinh thần là chính.

Hiệu dần trải lòng:

- Lần nào, em vào thăm, mé chẳng nói gì, chỉ ngồi khóc. Hết giờ, chị quản giáo lại dẫn đi. Em nói hết chuyện ở bản, chuyển lời bà căn dặn và thổi sáo bài "Thuyền trăng chở đầy nỗi nhớ" nhưng lần nào cũng dở dang. Thực lòng, em vừa thương vừa giận mé, một tiếng gọi con cũng không làm được né.

Pá thì muốn gửi cả bản vào trong này cho mé, thời gian thăm ít ỏi quá thôi, đồ được phép chu cấp hạn chế. Hơn nữa, em còn phải về để giúp bà phơi măng, đưa đón khách du lịch nữa. Đi xa, lo nhất là pá ở nhà đổ bệnh, ông dành hết tiền tích cóp được để cho em đi lại thăm mé, bản thân thì gầy guộc trông thấy xót xa.

Anh Hưng vỗ lên vai Hiệu an ủi:

- Mé em cũng đứt từng khúc ruột từng ấy năm đấy. Bà chắc đã hiểu tiếng sáo của người thương nói gì với mình.

- Nhưng anh ơi, dần dần, em thấy nản. Kể ra, mé có nuôi em ngày nào đâu? Em ước gì mé đừng đẻ ra em. Hay tình máu mủ lâu dần sẽ nhạt hơn nước mưa trên đá? Chỉ khổ bà nội, khổ pá thôi. Người nặng tình thường chịu thiệt thòi.

- Ấy, anh thấy thế không được, em là nguồn động viên cho mé. Ai cũng có lỗi lầm, khác nhau là chúng ta có dũng cảm đứng lên làm lại từ đâu hay không thôi. Cần nghĩ theo hướng này, những tháng ngày đấu tranh với tình cảm của bản thân phải một mình với đứa con đang thành hình trong bụng, mé em bị người xấu lợi dụng nên nhẹ dạ đi vào con đường cụt. Tuổi trẻ mà, chiến thắng bản thân không dễ.

Suốt những ngày ở Sài Gòn, anh Hưng cưu mang Hiệu như đứa em trong nhà. Các anh chị trong khu tập thể thay nhau nấu cơm, đưa đón Hiệu từ trại giam về chỗ nghỉ ngơi, ra bến xe miền Đông đón xe kịp giờ khởi hành. Hiệu mến giọng Sài Gòn nhỏ nhẹ, tình người miền Tây mến khách, thật thà. Hiệu đã từng nghe nhiều người khuyên pá rằng: “Đại ơi, cái Ngần đời này coi như bỏ. Mày đừng trông nữa càng héo vàng như cây chuối già sắp hết nhựa”. Pá chỉ cười trừ, tay run run lần sờ từng lỗ sáo. Có cô đi du lịch biết được hoàn cảnh thấy thương, tình nguyện ở lại chăm sóc pá nhưng ông từ chối. Pá bảo:

- Hồn tôi gửi ở Sài Gòn rồi. Trăng cũng theo về nơi đó.

Pá thường vuốt tà áo chàm của Hiệu trước khi anh đi ra thị trấn bắt xe và dặn dò:

- Con có ngủ gầm cầu hay bờ sông Sài Gòn cũng không được theo người xấu đua đòi hút chích nhé. Núi rừng ở bản nuôi con lớn từng này, hãy làm người lương thiện trước khi làm thằng đàn ông rộng bụng.

Minh họa: Dương Văn Chung

Hiệu biết pá định nói gì, anh cũng mong ngày được mé ôm vào lòng mà hít hà hương tóc cháy nắng, được nghe câu mắng yêu khi đi chơi với chúng bạn tới khuya mới mò về đầu sàn làm đàn chó ngái ngủ sủa um lên ở góc chuồng bò. Các anh em ở Sài Gòn mấy lần cho anh tiền nhưng Hiệu đều từ chối, chỉ nhận tấm lòng của họ thôi đã như trời biển, câu cảm ơn ứ nghẹn ở cổ. Bác lái xe ôm nói giọng miền Nam ở cổng bến xe cũng thuộc con đường gian nan của Hiệu đến cổng trại giam, có lần anh lên xe khách quên trả mũ bảo hiểm, xe hòa vào dòng người, muốn ra hiệu cho bác tài dừng lại thì thấy ông xua tay như muốn nói: “Để đó đi, chừng nào vô thì trả tui hoặc đãi chầu nước mía cũng được”. Ở Sài Gòn, Hiệu không sợ đói, sợ cô đơn, càng không sợ thất nghiệp, chỉ sợ lòng anh không kiên trì được như pá. Trăng trôi về nơi người ta hi vọng có tin vui, đem theo tiếng sáo của những người còn theo chuyến xe đường dài miệt mài từ Nam ra Bắc, cất nỗi đau vào trong cơn buồn ngủ và giấc mơ chập chờn. Khi nước mắt được gió thổi khô thì tình người ở lại.

Đời người ngắn bằng con đèo, khi chân vừa mỏi thì cũng đến khoanh dốc cuối cùng. Vạt lau trắng trên triền núi trước bản Nà Hin đã sẵn sàng cho hạt rời bông theo gió đến đậu ở miền xa đón mưa xuân nảy mầm. Hiệu dán giấy hồng ngoài cửa, gốc cây ăn quả trong vườn, dựng cây nêu trước sân, bên cạnh có cột treo cờ Tổ quốc. Bà nội gói bánh chưng, bánh khảo, chè lam, bỏng thúc théc xếp vào hộp xốp, để cho Hiệu đem vào Sài Gòn làm quà biếu anh Hưng và các anh chị trong hội Tày - Nùng ở Sài Gòn. Chiều nay, hai pá con sẽ bay.

Đêm ấy, bên sông Sài Gòn có tiếng sáo của người Tày réo rắt, có ba người ôm chầm lấy nhau khi đồng hồ điểm giao thừa. Sài Gòn và lòng người vụt sáng…

Truyện ngắn. Hoàng Thị Hiền

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 5 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 5 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 6 ngày trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 1 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước