Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
21:25 (GMT +7)

Thủy hồ

Những ngày cuối năm, thị trấn thường tấp nập thương lái. Hơi lạnh từ núi phả xuống khiến những cái mũi ửng đỏ. Gió lạnh từ sông quặn lên khiến những bàn tay lóng ngóng. Người ta đến thị trấn này làm gì nhỉ? Đôi khi Thủy mơ màng tự hỏi. Xong cô lại mỉm cười. Cô có ngoại lệ đâu. Cô làm gì ở đây, đã làm được gì chưa mà đã già đời người rồi?

Phố núi này, nếu chỉ dừng chân với những bán mua, hay đơn giản là thưởng thức vẻ đẹp bình yên của nó, thì hẳn ấn tượng cũng nhạt nhòa đi sau tháng năm, hoặc ngay sau khi đặt chân đến những vùng đất mới. Nhưng nếu ai đó dừng lại lâu hơn. Uống một cốc rượu táo mèo trong quán chợ. Ăn một bát phở gà để nguyên cái đùi hay một miếng lườn. Tán gẫu bên mố cầu với vài tay cửu vạn người thiểu số. Hẳn không bao giờ quên. Thị trấn này có gì không? Cái hồ nước rộng mênh mông kia, từng rất đẹp, mặt nước lãng đãng sương khói và những chiếc thuyền câu nhỏ xíu như cánh nhạn ở đường chân trời. Giờ hồ ấy, lồng cá phủ ngợp, người ta khó lòng mà nhận ra. Dòng sông từng rất trong xanh ấy, giờ bị thủy điện ngăn dòng, bị người ta nạo vét cát sỏi sâu hoắm, loang lổ. Những con phố cổ kính núp dưới những tán phượng mùa này trụi lá, từng chùm quả khô đu đưa trong gió như những đoản kiếm treo lửng lơ dọa những kẻ qua đường. Những gã buôn trâu giống nhau ở nụ cười ám khói thuốc lào và từ khuôn miệng ấy, tục bậy văng ra vô tội vạ. Những mụ trung niên buôn lâm sản thì nét mặt lúc nào cũng đầy ắp tính toán. Làm sao, làm thế nào để ghìm giá hàng cuối năm đừng tăng thêm một xu nào. Giảm được thì tốt. Dãy phố từ đầu cầu treo xuống đến nhà Thủy là thế giới lâm sản. Lá rong, măng khô, ống giang, thảo dược, gạo nếp nương, ngô, đậu... Tính bằng đống, bằng cả gian nhà, bằng kho. Tất cả nín thở, chờ cái giá đẹp nhất cho mình. Người bán chờ, người mua cũng chờ. Tết là dịp phải chấm dứt chờ đợi, dứt khoát với nhau và những chuyến xe lăn bánh đem năm cũ đi theo những sản vật đẫm đượm mồ hôi con người.

Thủy hồ
Minh họa

Cả dãy phố toàn nhà buôn lâm sản, lạc loài một quán may Thủy Hồ. Những người đến thị trấn này mười năm trở lại đây nói thế. Còn những ai ở đây lâu hơn thì không ai là không biết cô thợ may tài hoa rất mực và cũng đào hoa rất mực ấy cất tiếng khóc chào đời ở mảnh đất này. Cha cô là một người đàn ông đặc biệt quyền lực trong đánh giá của giới ngụ cư và di cư. Ông không phải người của chính quyền hay bất kỳ băng đảng, giáo phái nào. Cũng không phải đầu nậu gỗ hay kẻ bảo kê dòng sông giàu có. Thế giới của ông là thế giới của thưởng thức, thụ hưởng một cách mẫu mực có văn hóa. Trong khi cả dân định cư, di cư và ngụ cư ở phố núi này sấp ngửa với bán mua, mưu sinh và lời lãi thì ông thong thả tận hưởng từng ngày tháng, như người ta rảnh rỗi ngồi bên ly cà phê Quán Gió.

Ông Thái, bố Thủy, thường diện bộ vest trắng may kiểu quý ông Paris đầu thế kỷ 20, vạt lẹm dài và ôm sát thân hình. Bộ vest ấy quá đỗi vừa vặn với hình dáng cao ráo phong nhã của ông. Trên đầu là chiếc mũ panama vành nhỏ màu cánh kiến. Nước da trắng, cặp kính gọng trắng và bộ ria mép xén tỉa cầu kỳ. Dưới chân là đôi giày đinh cổ cao, mối dây buộc cân đối. Tay phải cầm tẩu thuốc mạ vàng, tay trái cầm long trượng bịt bạc. Sáng ra, ông từ nhà bước ra đường với trang phục ấy kèm theo thần thái vô cùng minh đĩnh. Mỗi khi ông đi qua một đám phụ nữ chợ búa, họ lại trầm trồ. Thơm quá, thơm quá. Cũng không biết họ khen mùi thuốc hảo hạng ông hút hay khen mùi nước hoa đắt tiền ông xức. Ông Thái thường đi đến phía trước cửa chính tòa nhà thương nghiệp, đánh mắt hạ cố nhìn đội buôn trâu người miền xuôi đang sát phạt nhau bằng cỗ bài sờn rách ngay trên nền hè lồi lõm mà cô nhân viên bán hàng xinh đẹp vì lý do gì đó không đuổi. Sau đó, ông Thái đi xuống phía tòa nhà bưu điện, huơ trượng lên tán cây bàng lòa xòa đang mùa trút lá mà hỏi bâng quơ. Có thấy con mi xanh không? Cô hàng xổ số ngồi dưới gốc bàng trả lời ông. Mất rồi ông ơi, nó về rừng rồi, ông kiếm con khác nuôi. À hôm nay ông mở hàng cho con đi.

Ông Thái nhếch mép nhìn đứa bán xổ số trạc tuổi con mình, móc ví. Ừ, cho đây hai cặp. Sau đó ông thong thả đi tiếp. Đi như thể cốt để cả dãy phố nhếch nhác thấy sự hiện diện của ông. Nhiệm vụ của ông là làm cho thị trấn này trở nên sang trọng, khá giả và đầy tiềm năng. Sau cùng, ông Thái bước đến tiệm thuốc bắc Linh Linh. Chủ tiệm thuốc bắc Linh Linh là em gái ruột của vợ ông. Bà Xuân, tuổi vừa bốn mươi, tóc xoăn ngắn, mũ viền kim tuyến ôm lấy trán, váy vải hoa nhỏ li ti phô phang vóc dáng đồng hồ cát đáng ngưỡng mộ. Dây chuyền ngọc trai thả đu đưa ngang ngực. Chân đi giày vải cũng thêu. Bà đứng bốc thuốc cho khách mà có cảm giác bà đang dự vũ hội. Tiệm thuốc gia truyền này vốn là của bà Lan Phương vợ ông Thái. Bà Lan Phương mất khoảng mười năm trước, ông giao lại cho em gái vợ. Họ chia chác và tính toán với nhau như nào không ai biết. Chỉ biết, nếu đã ra khỏi nhà, ông Thái sẽ lướt qua tiệm thuốc rồi mới về. Ai cũng nói nhà ông Thái giàu vì cha ông Thái hồi xưa thân cả quan Pháp và quan lang. Ông cụ có thể nói tiếng Pháp cả ngày. Họ còn bảo lúc rảnh cụ lên đồn Phố Ràng chơi cờ với quan Pháp. Và mỗi lần quan Pháp đi lên bản Cun, nơi nhà quan lang, đều cho ngựa đến rước ông cụ đi để phiên dịch. Mùa hè năm bốn chín, khi Trung đoàn Phủ Thông công đồn Phố Ràng, thì ông cụ đem theo gia đình bỏ chạy ngược lên phía thị xã. Rồi sau đó không trở về. Lúc ấy, ông Thái, người con mười chín tuổi, lớn nhất, đã một mình ở lại trông coi cơ nghiệp tiên tổ. Lúc bấy người ta mới biết ông Thái không phải đi lính là vì bố ông thân Pháp. Nhiều năm sau, lúc ba mươi tuổi, ông Thái mới kết hôn với tiểu thư Lan Phương, là con gái của một lương y nổi tiếng. Họ sinh hạ cô con gái đầu lòng năm 1960, ấy là cô San. Bốn năm sau thì sinh Thủy.

Là người ta kể thế. Chứ dân di cư thì không thể biết. Họ chỉ thấy ông Thái và hai cô con gái không làm gì bao giờ mà có một cuộc sống đế vương xa hoa. Vài năm sau ngày chiến tranh kết thúc, cô San đã lấy chồng Pháp nên dân phố ít người nhìn thấy. Họ chỉ biết cô em gái tên Thủy. Lúc chiến tranh biên giới nổ ra, mười lăm tuổi, Thủy đã thuộc hàng sắc nước hương trời. Sinh ra trên vạch đích, Thủy không hề biết thiếu thốn là gì. Thế nhưng Thủy lại bỏ ngang chừng đại học. Bỏ thủ đô hoa lệ mà bao đứa con gái thời của Thủy ao ước. Cô trở về phố núi, tỉnh bơ sống giữa những đồn đại thị phi quây kín gia đình. Nghe làng xóm xì xào, cô Thủy yêu một anh sinh viên của trường sân khấu điện ảnh. Người như cô, không yêu diễn viên điện ảnh thì phí hoài à. Nhưng cũng làng xóm xì xào là anh kia thấp lùn, tướng mạo không cân xứng với cô. Đã thế còn nghèo rớt. Vừa đi học vừa buôn vỏ chăn con công, phích nước và pháo Tết. Nhếch nhác thế, sao hợp với gia thế cô Thủy. Ông Thái, tất nhiên là phản đối kịch liệt. Và để trả đũa cái sự o bế, can thiệp của bố, cô Thủy bỏ luôn cái sự học ở trường tài chính khi mới sang năm thứ hai. Cô về thị trấn, đòi bố cho mở một quán rượu nhỏ ngay tại nhà. Trong quán, bên cạnh cái giá để những bình rượu quý là cây đàn ghi ta. Như để truyền cho cái đám bợm rượu phàm phu tục tử biết là đừng có bén mảng tới đây. Cô không tiếp.

Những bình rượu ngâm linh thú, thảo dược, củ quả, được bày trên một cái giá gỗ lớn năm bậc. Gian bên cạnh là hầm rượu hạ thổ thuộc tầng âm của căn nhà. Rượu ngô, rượu thóc, rượu móc, rượu nếp cái đặc sản vùng này được cô Thủy trữ trong những chum lớn. Chỉ nhìn cái không gian của quán thôi, khách đã say rồi. Chiến tranh biên giới đã kết thúc cả dăm năm mà nhiều hộ gia đình gốc biên giới và thị xã chưa trở về nhà cũ. Họ vẫn sống trong những căn nhà tạm bợ dọc bờ sông. Hoặc trú ngụ trong những nhà người quen. Từ khi cô Thủy mở quán rượu và suốt ngày bật đài cát sét nghe thời sự và đàm đạo với các tửu khách, thì họ lân la đến để nghe ngóng tình hình.

Sau khi bàn giao cho cô Thủy hai gian trệt, nửa mảnh sân, ông Thái lui về ẩn. Tất nhiên là khi ẩn lúc hiện. Người ta vẫn thấy ông thổi sáo, chơi ghi ta say sưa như một nghệ sĩ thực thụ mà khán giả không ai khác là cô Thủy và người em gái vợ tên Xuân. Rồi dần dà, khán giả ngày một đông. Không rõ người ta tới quán vì rượu ngon hay vì cô chủ quán xinh đẹp. Hay là bởi tài nghệ đàn sáo của ông Thái?

Thủy cao tầm mét bảy, da trắng nõn nà, môi đỏ, khuôn miệng rộng, mũi thẳng tắp và tóc dài óng mượt. Ai cũng bảo Thủy có nét đẹp Tây hơn cả cô chị. Tuy nhiên, họ hàng bảo Thủy là sự chọn lọc kỹ lưỡng và tinh tế những nét đẹp của cả ông Thái và bà Lan Phương. Hiển nhiên là quán rượu của Thủy rất đông khách. Người uống, kẻ mang đi. Thủy còn thuê cả hai người phục vụ. Những bộ bàn ghế của quán rượu đều làm bằng kim loại sơn màu trắng, khăn trải bàn trắng, nệm lau màu tiết dê. Chỉ những nam nhân có bản lĩnh mới tự tin ngồi trên những chiếc ghế ấy để được cô chủ đích thân phục vụ. Thủy có tài gì không? Dân chợ búa xì xào, Thủy quyến rũ đàn ông thành kỹ năng. Và đó là cái tài lớn nhất. Nói vậy thôi, chưa ai từng thấy Thủy cặp kè với ai. Như thể xứ núi này hiếm có người đàn ông nào vừa mắt Thủy.

Năm ấy, cũng ngày cuối năm giá buốt. Có một đoàn khách đi trên chiếc ô tô sang trọng dừng chân ở thị trấn hiu hắt này. Sau một lúc hỏi han thì chiếc xe dừng lại trước cửa quán Thủy. Một người đàn ông ăn mặc sang trọng bước xuống. Vừa nhìn thấy anh ta thì tất cả những người có mặt trong quán đều ồ lên. Ôi nghệ sĩ chèo Văn Xuân. Anh ta bước đến bên chiếc bàn ông Thái đang ngồi chống cằm theo dõi chiếc xe bằng một vẻ hết sức dửng dưng. Anh ta gỡ chiếc mũ trên đầu xuống, một tay khoanh ngang bụng, đầu hơi cúi. Con chào thầy! Thầy có khỏe không ạ? Thầy còn nhận ra con không? Không dám. Chào anh, ơn giời tôi vẫn khỏe. Tôi không nhận ra anh thì còn ai ở đây biết anh nữa. Mời anh ngồi. Mời tất cả mọi người xuống quán nghỉ ngơi. Người đàn ông tỏ ra xúc động. Ánh mắt cực kỳ sinh động của anh ta liếc qua không gian quán rượu và hỏi. Em Thủy có nhà không thầy? Con vội đi cùng đoàn không có nhiều thời gian thầy ạ. Tiếng ông Thái vẫn hết sức dửng dưng. Cậu đợi nó chút. Nếu không đợi được thì cậu cứ đi.

Thủy từ hầm rượu đi lên. Vẻ đẹp chín lịm đằm thắm của cô chủ quán làm lữ khách đứng ngây người. Em đẹp quá Thủy ạ. Em đẹp hơn xưa rất nhiều. Đúng rồi. Em cứ đứng y như thế để anh ngắm em.

Cánh cửa xe mở toang. Có ai đó trong xe hét lên. Văn Xuân hát đi. Song ca đi. Có vẻ như họ vừa từ một cuộc biểu diễn trở về và sân khấu ấy chưa khiến họ cháy hết nguồn năng lượng hừng hực sẵn có. Thủy vuốt mái tóc ra trước ngực e ngại. Đi đường dài thế anh có mệt không. Hay là chúng ta hát với nhau một đoạn thôi nhé. Kỷ niệm 10 năm ngày gặp lại. Khách đa tình gật đầu. Thế rồi hai người bỗng chốc chìm vào điệu cò lả da diết mơ màng:

"Con cò, cò bay lả, lả bay la

Bay từ, từ cửa phủ

Bay ra, ra cánh đồng

Tình tính tang, tang tính tình

Cô nàng rằng, cô nàng ơi

Rằng có biết, biết hay chăng

Rằng có nhớ, nhớ hay chăng”

Người kể lại câu chuyện này nói lâu quá rồi cũng không nhớ là họ đã chia tay nhau như thế nào. Chỉ biết là sau cái buổi hôm ấy, dân thị trấn bắt đầu thêu dệt về mối tình của một đôi trai tài gái sắc. Chàng ở kinh kỳ, nàng chốn sơn cước. Với nghiệp cầm ca, chàng nay đây mai đó, còn nàng chí thú làm ăn. Khoảng cách xa xôi tình phai nghĩa nhạt. Chàng đã là người của công chúng và lấy vợ sinh con. Còn nàng, vẫn lựa chọn một cuộc sống tự do. Cho đến một ngày, có một lái buôn trẻ tuổi người miền biển say rượu trong quán Thủy và ngủ lại. Sáng hôm sau đó, người ta không thấy Thủy mở quán. Và rồi cô tuyên bố đóng cửa quán rượu, về thành phố học nghề. Thủy thì có thể học gì? Những kẻ nhàn rỗi thường tỏ ra lo lắng cho người khác như thế. Người ta bảo, ba mươi tuổi mới đi học nghề thì muộn quá. Nhưng với Thủy thì sớm hay muộn quan trọng gì đâu. Ông Thái không còn chống gậy đi dọc con phố mà ngó nghiêng như độ ngũ tuần nữa. Giờ, bộ vest được thay bằng áo sơ mi caro với ghi lê màu sáng, râu để rậm, đồng hồ SK mặt lửa, giày thể thao phom rộng như kiểu tài tử xinê Pháp thập niên bốn mươi. Ông không đi đến tận ngọn phố, nhưng ngày nhiều lần qua lại từ tòa thương nghiệp về nhà. Hồi ấy, dân lao động còn không xem đi bộ là môn thể dục. Người lao động quần quật thì coi những người đi bộ là rảnh rỗi đi cho đỡ cuồng cẳng, tiêu cơm. Ông Thái đã ngoài sáu mươi, đi qua con phố phơi đầy sa nhân trên vỉa hè bị bọn đàn bà sồn sồn trêu. Ông cứ đứng ngồi, quét dọn phơi phóng như chúng em đây là khỏe, cần gì thể dục? Ông Thái cười. Hiếm hoi lắm ông mới đáp trả. Và ông nói "lao động không phải là thể dục, lao động có thể làm người ta kiệt sức, còn thể dục để duy trì thể lực, tăng cường sức khỏe".

Nói thế thôi, chứ người lao động tay chân thường không phân biệt được lao động với thể dục. Cũng như hễ thấy người nào đó không làm việc gì mà lại thích thơ ca hò vè là quy cho tội "xướng ca vô loài". Cũng không phải để cho dân phố bàn tán lâu. Ba năm trôi qua nhanh như một kỳ vay đến hạn trả. Thủy trở về thị trấn phố núi và mở một tiệm may, có thể nói là khang trang nhất phố huyện lúc bấy giờ. Khi cái biển hiệu "Nhà may Thủy Hồ" được treo lên, người ta ngơ ngác. Hồ là ai thế? Rồi lại có người trả lời cho. Hồ là chồng cô chứ ai. Thế cưới bao giờ? Ai mà biết. Chồng cô làm gì? Cũng chả ai biết. Mãi sau này, vào những dịp lễ lớn, ngày Tết, thấy bọn học trò ra vào nhà Thủy, mọi người mới biết chồng Thủy là giáo viên. Những đứa trẻ lần lượt chào đời. Chúng đẹp đến đáng bị ghen tỵ. Đứa con gái càng lớn càng giống mẹ. Giống từ làn da trắng đến đôi mắt nâu thăm thẳm và dáng người cao ráo. Giống đến nỗi, mỗi lần cô bé bước đi trên phố, ai cũng phải kêu sao nó lại giống mẹ đến thế. Chỉ có ông Thái là người ta không còn thấy. Họ bảo những năm cuối đời ông Thái lên thành phố sống với em trai ruột vài năm rồi lại tiếp tục cái sứ mệnh đem sự bặt thiệp của mình làm sang cho cõi khác.

Những ngày gần Tết, con phố lâm sản bừa bộn, nhộn nhịp người mua kẻ bán, ô tô xe cộ bụi mù. Thủy Hồ là một thế giới không thể trộn lẫn, sáng choang, mềm mại và thơm tho. Các cô gái tấp nập ra vào thử áo mới diện Tết. Phụ nữ trung tuổi phát tướng thì đến thuê cho tiện. Những người phu vác thi thoảng ngửng mặt lau mồ hôi, lén nhìn một người đàn bà khó đoán tuổi mặc một bộ áo dài gấm đính kim sa đang ngồi tỉ mẩn đính những quả pháo bằng nhựa lên chậu đào phai rất lớn để ở cửa tiệm. Thủy đấy. Một số người vác từ bến sông lên những bó lá dong to tướng, sau khi vần lên thùng xe, họ mới nói hổn hển nói tranh với thở. Ai chả biết là Tết. Cái nhà ấy toàn thế thôi.

Thế là thế nào thì chả ai nói. Vì dân ở đây từ xưa đến giờ vẫn nhìn người đàn bà ấy bằng ánh mắt ngưỡng mộ. Trong thâm tâm họ. Thị trấn này, nếu thiếu đi một người đàn bà, con phố này thiếu đi một tiệm may, thì cũng chả sao cả. Với điều kiện, người ấy không phải là Thủy Hồ.

Truyện ngắn. Tống Ngọc Hân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 6 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 6 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước