Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
19:33 (GMT +7)

Thực hiện nghị quyết của Đảng bằng việc đổi mới phương thức hoạt động Hội

VNTN - Cũng như nhiều người dân Việt Nam khác, thời gian này, một trong những mối quan tâm của tôi là theo dõi tình hình tổ chức Đại hội Đảng các cấp. Cuối tháng 10, Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 sẽ được tổ chức. Đầu năm 2016, Đại hội Đảng toàn quốc sẽ diễn ra. Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Là hội viên Hội văn học nghệ thuật (VHNT), coi sáng tác là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mình, tôi quan tâm sự nhìn nhận đánh giá của Đảng về tình hình văn học nghệ thuật 5 năm qua; dự báo xu thế phát triển của VHNT thời gian tới sẽ như thế nào?

Trong dự thảo báo cáo tại Đại hội Đảng toàn quốc sắp tới, tôi vui mừng đọc dòng nhận xét ngắn ngủi “văn học, nghệ thuật có bước phát triển”. Dự thảo báo cáo chính trị của Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII trình Đại hội Đảng bộ lần thứ XVIII thì viết cụ thể hơn: “Hoạt động văn hoá, văn học nghệ thuật từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của nhân dân trong tỉnh”.

Như vậy, xét ở diện rộng và diện hẹp, những người làm VHNT thấy mình đã góp chút công sức để đời sống tinh thần phong phú hơn.

Một trong những nguyên nhân làm nên bước phát triển của VHNT là do “sự đổi mới phương thức hoạt động của các hội VHNT”.

Đã từng ở “trong chăn” 2 nhiệm kỳ (từ khi Hội VHTN tỉnh ra đời), chứng kiến bao cơn bĩ cực của Hội, tôi hiểu để “đổi mới phương thức hoạt động” với Hội không hề dễ dàng. Vậy mà 5 năm qua, Hội VHTN đã thay đổi, đã tạo được sức hấp dẫn và lan tỏa.

Nhớ lại cách đây 17 năm, khi tôi chuyển công tác sang cơ quan mới, một đồng nghiệp nửa đùa nửa thật hỏi: “Em ở hội Chè pheng” sang à? Tôi ớ người hỏi lại “Chè pheng là cái gì”. Anh ta cười vô tư: “Con chim Chè pheng ý, nó cứ đập cánh bay loạn xạ, kêu inh ỏi nhưng chả có tác dụng gì…”. Biết là anh đùa nhưng câu nói ấy in sâu trong đầu tôi đến tận bây giờ. Trong suy nghĩ của không ít người, Hội (giai đoạn ấy) hầu như chả có ý nghĩa gì, hầu hết cán bộ Hội đến chỉ ngồi chơi xơi nước hưởng lương.

Nhưng rồi Hội đã đi những bước dài đến ngỡ ngàng để có vị thế, tiếng nói, cùng với anh em trong đại gia đình văn hóa làm nên “sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” (trích Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI).

Giở Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2010-2015, tôi đọc những dòng chữ quý giá này: Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”.

Nghị quyết số 23 thực sự làm nức lòng văn nghệ sĩ khi khẳng định: “Chính phủ xây dựng nghị định về các hội văn học, nghệ thuật, khẳng định các hội là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, được đầu tư, chăm lo cho sự phát triển”; “Tiếp tục đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của văn học, nghệ thuật về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tác, sự tìm tòi, thể nghiệm, nâng cao chất lượng toàn diện nền văn học, nghệ thuật nước nhà”; “Tăng mức đầu tư cho văn học, nghệ thuật; bảo đảm kinh phí cho các chương trình mục tiêu lớn, cho hoạt động sáng tạo của các hội văn học, nghệ thuật, xác định việc đầu tư này là đầu tư cho phát triển…”.

Kịp thời nắm bắt Nghị quyết, lãnh đạo Hội VHNT tỉnh đã đề xuất các chương trình, hoạt động, đẩy “guồng quay” nhanh dần, mang hiệu ứng xã hội. Các Hội VHNT cấp huyện liên tục được thành lập; các Lễ hội thơ giàu tình yêu Tổ quốc; các chương trình thơ ca về người nông dân, người lính Cụ Hồ, các triển lãm ảnh, mỹ thuật hướng về biển đảo; các cuộc thi sáng tác thơ, văn xuôi về đề tài “tam nông”; cuộc thi sáng tác ảnh về môi trường… cho thấy VHNT Thái Nguyên không đứng ngoài cuộc sống. Gắn kết chặt chẽ với hiện thực mà vẫn giữ được “chất” của VHNT. Ấy mới là điều khó và quý.

Báo Văn nghệ Thái Nguyên đã có những “bước nhảy” ngoạn mục, từ chỗ 1 tháng 2 kì (2010), tăng lên tháng 3 kì và bây giờ là tuần 1 kì cộng thêm một trang thông tin điện tử vannghethainguyen.vn. 12 trang báo với đầy đủ “mảng miếng” đã cung cấp cho độc giả hơi thở cuộc sống thông qua các chuyên trang, chuyên mục hấp dẫn người đọc như: Chuyện người chuyện ta, Hướng về Biển Đông, Sáng tác, Nghệ thuật, Văn hóa - Đời sống, Phóng sự - Kí sự…vv. Bên cạnh việc xuất bản, Văn nghệ Thái Nguyên còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện. Với phương châm: “Nhân văn - Trí tuệ - Phát triển”, tờ báo đã, đang và sẽ là địa chỉ tin cậy của độc giả. Làm được như vậy, là cả một quá trình thay đổi tư duy hoạt động, là sự tâm huyết của tập thể và từng cá nhân trong Tòa soạn Báo Văn nghệ Thái Nguyên cũng như Hội VHNT Thái Nguyên.

Là hội viên, tôi chưa khi nào thấy người sáng tác lại sướng như bây giờ. Tác phẩm mới là ý tưởng trong đầu đã được nhà nước hỗ trợ kinh phí để hoàn thành. Tác phẩm mới ở dạng bản thảo, đã được xem xét cho tiền để xuất bản. Các trại sáng tác ở những địa điểm đẹp nhất nước liên tục mở ra, văn nghệ sĩ được “cung phụng” ăn, ở, đi lại để “sinh nở” đứa con tinh thần. “Đứa con” nào “tuấn tú, thông minh” lập tức có người xin nhận đăng báo, dựng phim, trả nhuận bút cao…

Thời gian qua là vậy, tương lai của VHNT đã rõ: “Phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật, tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ. Đổi mới phương thức hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng vừa bảo đảm để văn hóa, văn học - nghệ thuật, báo chí phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm quyền tự do, dân chủ cá nhân trong sáng tạo trên cơ sở phát huy trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân với mục đích đúng đắn; khắc phục tình trạng buông lỏng sự lãnh đạo hoặc mất dân chủ, hạn chế tự do sáng tạo” (Trích Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ).

Với sự năng động vốn có của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh - linh hồn của văn học nghệ thuật địa phương, với cánh cửa rộng mở và đầy ưu ái của Nghị quyết, tôi và những người cầm bút khác có thêm động lực để sáng tạo, sáng tạo hơn nữa cho tâm hồn mình và mọi người cùng nở đóa hoa thơm.

 

Minh Hằng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy