Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
02:11 (GMT +7)

Thử sức với phim truyền hình trong kỷ nguyên số

VNTN - Trong khoảng 3 đến 5 năm trở lại đây, phim truyền hình đã trở thành “món ngon” của công chúng yêu nghệ thuật trên hầu hết các kênh truyền hình quốc gia chiếm sóng giờ vàng như: Sống chung với mẹ chống, Về nhà đi con, Mê Cung, Sinh tử (kênh VTV1); Tiệm cơm dì ghẻ, Cô gái nhà người ta ( VTV3)... tạo nên những xúc cảm khác nhau cho người xem. Ngoại trừ những hạn chế trong khâu đầu tư cũng như phương tiện kỹ thuật, giới chuyên môn cho rằng đây chính là dòng phim sẽ chiếm ưu thế trong thời kỷ nguyên số bởi có tính xã hội cao và không loại trừ những kịch bản gai góc như: chạy án, mại dâm và đồng tính...

Sự đa dạng trong đời sống điện ảnh

Theo giới chuyên môn định nghĩa, “Phim truyền hình” là một thể loại phim được sản xuất và dùng để phát sóng trên hệ thống truyền hình. Phim truyền hình được sản xuất với chuẩn phim riêng và nó phụ thuộc vào hệ thống truyền hình của từng quốc gia mà có những định dạng khung hình khác nhau. Thông thường các bộ phim truyền hình được sản xuất dưới 2 định dạng là NTSC và DV PAL; những năm gần đây hệ thống truyền hình bắt đầu triển khai những hệ thống phát hình với chuẩn hình ảnh có độ phân giải cao mà chúng ta quen gọi là HD (High - Definition). Hiệu ứng tích cực của công nghệ đã cho phép điện ảnh Việt tận dụng tối đa cơ hội thử nghiệm, không chỉ tạo ra những khuôn hình mới mà còn xuất hiện những kỹ xảo được thực hiện ở trường quay và hậu kỳ, vốn được xem là “độc quyền” của phim trường Hollywood. Nhờ sự bắt kịp xu hướng công nghệ và sự chuyển hướng trong tư duy sáng tác kịch bản của các đạo diễn, nên đã phần nào khắc phục được sự mất cân bằng giữa phim truyền hình Việt và phim ngoại, thậm chí trong một chừng mực nhất định, tại các kênh truyền hình quốc gia như VTV1, VTV3, VTV 9 chiếm sóng khung giờ vàng hiện giờ hoàn toàn là phim truyền hình Việt. Đây là một tín hiệu tích cực khiến giới chuyên môn cũng như người yêu “nghệ thuật thứ 7” có cơ hội nghĩ đến một tương lai mới của điện ảnh. Đó là sự “thoát ế” trong lòng người yêu nghệ thuật trong nước và vượt thoát ra khỏi sự “lép vế” trước phim Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ.

 

Cảnh trong phim “Về nhà đi con”.

Chia sẻ về những thành công gần đây của phim truyền hình Việt, đạo diễn Đỗ Thanh Hải, người từng thành công với series phim truyền hình đình đám Về nhà đi con, nói: Chỉ tính doanh thu từ quảng cáo xen giữa các phân cảnh phim đã đạt trên 200 tỷ đồng, dù mỗi tập phim chỉ kéo chưa đầy 45 phút (kể cả quảng cáo) nhưng vẫn không khiến khán giả bực bội rời xa màn hình, những thành công của phim truyền hình hiện nay chính là kết quả của sự quyết tâm nâng cao chất lượng nội dung kịch bản và đẩy mạnh khai thác đề tài phim từ đời sống xã hội.

Quan điểm này nếu soi chiếu vào đời sống điện ảnh hiện nay thì thấy hoàn toàn có cơ sở. Luật Điện ảnh sửa đổi ngày 18/6/2009, có hiệu lực từ ngày 7/7/2010 đã mở ra hướng phát triển mới cho điện ảnh Việt khi đưa ra quy định tỷ lệ thời lượng phát sóng phim truyện Việt Nam của mỗi đài truyền hình phải đạt ít nhất 30% so với tổng số thời lượng phát sóng phim. Quy định mới này được đánh giá là có ý nghĩa quan trọng giúp các nhà đài chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất và phát sóng phim truyền hình “Made in Việt Nam”. Đồng thời mở ra xu hướng mới trong việc hợp tác sản xuất phim truyền hình theo hướng xã hội hóa. Trong đó, coi trọng việc khai thác triệt để các yếu tố xã hội bao gồm cả những vấn đề mang tầm vĩ mô như phát triển kinh tế, mở rộng hợp tác với nước ngoài hay hẹp hơn ở tầm vi mô là những xung đột trong gia đình, cộng đồng, xã hội... vốn không được đề cập trong phim truyền hình lâu nay, thì giờ đã có đất để dụng võ.

Theo quan sát thị trường phim Việt từ năm 2018, những thay đổi mang tính bước ngoặt cho phim truyền hình đã diễn ra mạnh mẽ. Đầu tiên, phải kể đến việc VFC có chủ trương dành giờ vàng phát sóng cho phim Việt chất lượng cao, đến tích cực ứng dụng KHCN vào từng công đoạn sản xuất phim như: lồng tiếng đồng bộ tại trường quay, chuyển hình ảnh từ chất lượng SD trước đây sang chất lượng full HD, thậm chí đạt chất lượng 4K như các phim Người phán xử, Mê cung... thực sự đã mang đến một diện mạo mới cho phim truyền hình Việt.

Xu hướng tất yếu

Phim truyền hình sản xuất nhanh, do có lợi thế về mặt thời gian, biên độ đề tài rộng và chi phí làm phim không lớn, cộng với khâu rating phim truyền hình đang được xem là một thể nghiệm hết sức mới mẻ không chỉ cho các đạo diễn trẻ mà với ngay cả các đạo diễn gạo cội. Sau cơn sốt của Về nhà đi con, Cô gái nhà người ta. Nếu phân tích một vài số liệu liên quan đến bộ phim truyền hình dài tập Về nhà đi con (85 tập phim) đã được giới điện ảnh thống kê, trung bình nhà sản xuất đã tổ chức các buổi rating khoảng 14,1% tại thị trường Hà Nội và 1,39% tại TP.HCM (tức trung bình mỗi tập phát sóng có 14,13% dân số Hà Nội xem phim và 1,39% dân số TP.HCM xem phim). Những số liệu về sự quan tâm của người dân về phim truyền hình Việt thông qua tỷ lệ người xem phim cụ thể tại bộ phim nói trên cho thấy vị trí của phim Việt đang có những thay đổi hết sức tích cực.

Sự thành công của phim Về nhà đi con nói riêng hay phim truyền hình nói chung hiện được chỉ ra là từ khâu kịch bản, sau đó đến sự hỗ trợ đắc lực của phương tiện kỹ thuật, còn phải kể đến dàn viễn viên góp mặt trong các phim gần đây. Họ đều là những gương mặt trẻ, diễn xuất tốt do được đào tạo kỹ lưỡng tại các cơ sở đào tạo điện ảnh uy tín. Ngoài lớp diễn viên trẻ luôn luôn mới, đạo diễn, nhà sản xuất vẫn không quên mời các diễn viên gạo cội tham gia vào các vai diễn từng trải, có chiều sâu nội tâm và có tầm ảnh hướng lớn đến nội dung phim. Có thể điểm qua những cái tên như NSND Hoàng Dũng, Trọng Trinh, Bùi Bài Bình, Minh Hòa, Hoàng Cúc... trong phim “Sinh tử”, “Cô gái nhà người ta” và “Tình yêu và tham vọng”. Sự nhuần nhuyễn trong từng vai diễn được xem như xương sống trong mỗi bộ phim của họ đã góp phần tạo nên sức nặng cho phim, nếu như không muốn nói là một điểm tựa giúp diễn viên trẻ tự tin thể hiện bản thân, đồng thời tạo tâm thế sẵn đón nhận những lối diễn xuất mới từ các diễn viên trẻ đối với mỗi người xem.

 

NSND Hoàng Dũng ( phải) và NSND Trọng Trinh ( trái) trong phim “Sinh Tử”.

Sự thành công của phim truyền hình trong thời điểm hiện tại còn được tiếp sức bởi làn sóng ưa chuộng cái mới của điện ảnh thế giới. Những cuộc thi dành cho phim truyền hình, hay phim điện ảnh có đề mục dành cho phim truyền hình cũng ngày một nhiều hơn. So với những bộ phim truyền hình bom tấn được đầu tư với nguồn kinh phí khủng trên thế giới thì phim Việt có kinh phí thấp hơn, đề tài phong phú hơn. Tuy còn mới mẻ với nền điện ảnh chung thế giới nhưng những sắc thái riêng của phim truyền hình Việt cũng đã được xác lập. Gần đây nhất, tại LHP Cannes năm 2019, có hai bộ phim: “Trống đợi” của đạo diễn Lê Hữu Đăng Khoa và “Hãy tỉnh thức và sẵn sàng” của đạo diễn trẻ Phạm Thiên Ân. “Trống đợi” là phim ngắn thuộc dạng thể nghiệm về đề tài tình cảm xã hội, được trình chiếu tại “Góc phim ngắn”; phim “Hãy tỉnh thức và sẵn sàng” được lựa chọn công chiếu tại hạng mục quan trọng Tuần lễ đạo diễn - một nhánh của LHP Cannes, nhằm vinh danh dòng phim nghệ thuật gồm phim truyện dài, phim tài liệu, phim ngắn không tranh giải chính. Vượt qua 9 đề cử đến từ nhiều quốc gia khác, phim ngắn “Hãy tỉnh thức và sẵn sàng” của đạo diễn trẻ Phạm Thiên Ân đã giành giải Illy Award dành cho phim ngắn xuất sắc nhất tại hạng mục Directors' Fortnight, thuộc Tuần lễ đạo diễn trong khuôn khổ LHP Cannes 2019. Trước “Trống đợi”, “Hãy tỉnh thức và sẵn sàng” tại một số kỳ LHP quốc tế danh giá khác, lần lượt các phim như: “Đảo của dân ngụ cư”, “Vợ ba”, “Song Lang”, “Cô Ba Sài Gòn”... cũng đã “ẵm” về những giải thưởng danh giá.

Chia sẻ về những thành công hiện nay và đưa ra những dự báo mới cho phim truyền hình, đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho rằng hiện phim truyền hình Việt bắt đầu bước vào một giai đoạn mới: “Đây chính là lúc khán giả đang đòi hỏi cao hơn ở phim truyền hình Việt ở cả nội dung và hình thức thể hiện. Điều này buộc các nhà sản xuất phim phải tự học hỏi kinh nghiệm, bắt kịp với xu thế mới hay tìm những cách khác nhau để nâng cao chất lượng, ví dụ như hợp tác sản xuất với các đài truyền hình nước ngoài”.

Hẳn là đã đến lúc các nhà làm phim phải lắng nghe thị hiếu của người xem, để biết những thiếu và thừa trong nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật nói chung, lĩnh vực điện ảnh nói riêng để đưa ra những món ăn thậm chí là liều thuốc để cân bằng thị hiếu đó. Đồng thời nhà sản xuất cũng cần phải thay đổi trong tư duy sản xuất phim truyền hình, đó chính là cách nghĩ khác về khán giả. Trước đây khán giả hoàn toàn ở thế bị động, phát sóng chương trình gì thì xem chương trình đó nhưng nay thì đã khác. Họ đã và đang toàn quyền chủ động tắt, mở để xem những cái họ muốn và từ đó quyết định sự thành công hay thất bại của một bộ phim nói riêng và một kênh phát sóng của nhà đài nói chung. Khán giả đã chuyên nghiệp hơn điều đó là một thực tế đặt ra những yêu cầu khắt khe hơn cho phim truyền hình Việt, đó là sự chuyên nghiệp, và chỉ có chuyên nghiệp thì phim truyền hình mới có thể giữ được khán giả để trở thành xu hướng chủ đạo trong thời kỳ điện ảnh 4.0.

VY OANH

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Phim ngắn: Có phải là vấn nạn?

Điện ảnh - Truyền hình 1 tháng trước