Thứ năm, ngày 14 tháng 11 năm 2024
11:01 (GMT +7)

Thơ và lời bình

 

Bếp chưa lên khói, mẹ không có nhà

Mình con thơ thẩn vào ra

Trời đang yên vậy bỗng òa mưa rơi

Chum tương mẹ đã đậy rồi

Nón mê xưa đứng nay ngồi dầm mưa

Áo tơi qua buổi cày bừa

Giờ còn lủn củn khoác hờ người rơm

Đàn gà mới nở vàng ươm

Vào ra quanh một cái nơm hỏng vành

Bất ngờ rụng ở trên cành

Trái na cuối vụ mẹ dành phần con

Nghẹn ngào thương mẹ nhiều hơn

Rưng rưng từ chuyện giản đơn thường ngày...

 

Đinh Nam Khương

 

Sự thật, lúc đầu tôi không hề biết thi sĩ Đinh Nam Khương chính là tác giả của bài thơ "Về thăm mẹ" này, tôi cứ đinh ninh của một nhà thơ nhí nào đó chứ.

Sở dĩ nói như vậy bởi tôi đã đọc từ "Tuyển tập thơ lục bát Việt Nam" thấy các nhà tuyển chọn để tên tác giả "Về thăm mẹ" là một cái tên khác (Đỗ Thị Thúy Lương - 13 tuổi) chứ không phải Đinh Nam Khương. Việc sai sót, nhầm lẫn đáng tiếc này không biết bắt nguồn từ đâu, từ chính tác giả hay từ những người làm sách, hoặc từ một nguyên do nào khác nữa? Chỉ biết là sau này các nhà tuyển chọn cũng như nhà xuất bản đã đính chính và xin lỗi bạn đọc của tuyển thơ này.

Kể ra, với Đinh Nam Khương, cho dù hiện tại con có lớn có khôn như thế nào đi chăng nữa, nhưng khi đã về thăm mẹ, bên căn nhà thơ ấu ngày xưa thì mãi mãi con vẫn là đứa con bé bỏng, dại khờ trong mắt mẹ thôi mà:

"Con về thăm mẹ chiều đông

Bếp chưa lên khói, mẹ không có nhà

Mình con thơ thẩn vào ra

Trời đang yên vậy bỗng òa mưa rơi"

Về nhưng không gặp mẹ, có lẽ người mẹ còn đang lầm lụi ngoài đồng, thế cho nên "bếp chưa lên khói"?

Mà hình như đứa con về thăm mẹ trong một dịp rất tình cờ, đột xuất nên mẹ không hề hay biết, chứ ví như biết trước thì cho dù có bận trăm công nghìn việc mẹ cũng sắp xếp chờ con, đón con ngay từ ngoài đầu ngõ.

Có một nỗi buồn đang xâm chiếm lẫn sự hụt hẫng bởi mẹ vắng nhà, đứa con đành một mình thơ thẩn vào ra. Nỗi nhớ mẹ, phần thương mẹ nên khiến buổi chiều đang yên ả bỗng chốc cơn mưa từ đâu bất ngờ ào ào đổ xuống.

Cơn mưa này có thể là cơn mưa hiện hữu, cơn mưa thực của đất trời (khi ta đọc tiếp một đoạn thơ sau) nhưng chủ đạo của nó vẫn là cơn mưa lòng, cơn mưa đã vỡ òa, nức nở chính từ tâm tư tác giả.

Và sau đây chúng ta sẽ được thưởng thức đoạn thơ "tả chân" quá ám gợi, sinh động và tài tình của tác giả, thiết tưởng khó có thể viết hay hơn được nữa:

"Chum tương mẹ đã đậy rồi

Nón mê xưa đứng nay ngồi dầm mưa

Áo tơi qua buổi cày bừa

Giờ còn lủn củn khoác hờ người rơm

Đàn gà mới nở vàng ươm

Vào ra quanh một cái nơm hỏng vành"

Nhẩn nha, phê phê với những câu lục bát đặc sắc này, tự dưng khiến tôi lại nhớ đến nhiều đoạn văn tả cảnh quê, vườn quê của cụ Tô Hoài, Bùi Hiển...

Thế nhưng, với thơ, Đinh Nam Khương chỉ cần sáu câu là đã vun đầy, nhưng với văn thì những cảnh những tình này khiến nhà văn sĩ phải viết đến cả trang sách chứ chẳng chơi. Giữa thơ và văn có rất nhiều điều cần bàn đến, tuy nhiên, ta không nên bỏ qua cái yếu tố tạo nên sự khác biệt quá rõ ràng này.

"Bất ngờ rụng ở trên cành

Trái na cuối vụ mẹ dành phần con

Nghẹn ngào thương mẹ nhiều hơn

Rưng rưng từ chuyện giản đơn thường ngày...”

Ôi, cái quả na này có gì mà hay hay, lạ lùng thế nhỉ? Cơ chi nó không rụng trước đó mà đợi con về rồi mới rụng? Cho con được nhận món quà ngon, vừa thân thương vừa ấm áp từ một buổi chiều đông con về thăm mẹ.

Phải chăng, tất cả cây cỏ, hoa quả quanh ta đều có hồn chứ không hề vô tri, lãnh đạm như ta thường hay nghĩ?

Cái quả na ở bài thơ này hoàn toàn có thực nhưng nó cũng ẩn dụ biết bao điều: Sự ngọt ngào, nỗi nhớ mong, tình thương con vô bờ bến mà người mẹ cả một đời luôn dành trọn cho con, cho hết thảy chúng ta.

Vâng, "Về thăm mẹ" đứa con bỗng thấy nghẹn ngào, thấy thương mẹ nhiều hơn, vậy thì tại sao trong không ít chúng ta cứ bỏ mặc, cứ hững hờ, cứ vô tâm với mẹ khi mẹ còn đang hiện hữu trên cõi đời này?

Mặc dù như câu kết, bài thơ chỉ "rưng rưng từ chuyện giản đơn thường ngày" nhưng tính nhân văn của nó thì vô cùng sâu sắc và thấm thía biết nhường nào. Nó đánh thức lương tri chúng ta, tạo nên một điều gì đó dữ dội mà dịu êm trong sâu thẳm hồn ta.

Thú thật, đọc bài thơ này của Đinh Nam Khương, gần ba mươi năm nay chứ không phải bây giờ, tôi đã phải xuýt xoa thán phục bởi một bài thơ hay không tưởng. Cũng cùng đề tài về tình mẫu tử, nhưng liệu có mấy ai đã viết một bài thơ về mẹ dung dị, tự nhiên mà xúc động như này? Vẫn có, nhưng quả thật không nhiều lắm đâu là điều chắc chắn. Ví như Trần Đăng Khoa với bài thơ "Mẹ ốm". Tuy nhiên, "Mẹ ốm" của Trần Đăng Khoa được viết khi ấy nhà thơ đang ở độ tuổi thiếu niên chứ không phải "đứa con già"" như tác giả "Về thăm mẹ". Và "Mẹ ốm" chỉ đơn thuần là bài thơ hay và cảm động thôi, còn "Về thăm mẹ" vừa hay vừa cảm động đã đành, nhưng dường như có gì đó cứ nhưng nhức, trắc ẩn ở phía sau từng con chữ.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Thơ Khuất Bình Nguyên

Thơ 2 ngày trước

Thơ Như Bình

Thơ 3 ngày trước

Thơ Phùng Văn Khai

Thơ 4 ngày trước

Ừ thì

Thơ 1 tuần trước

Mảnh vườn của mẹ

Thơ 1 tuần trước

Ô cửa tháng Mười

Thơ 1 tuần trước

Nhà mình

Thơ 2 tuần trước