Thứ tư, ngày 04 tháng 12 năm 2024
15:38 (GMT +7)

Thơ Nguyễn Long – một tấm lòng với Bác

Nguyễn Long tập làm thơ từ khi còn trẻ tuổi.Đầu năm học cấp 3, ông từng có thơ đoạt giải Nhì Cuộc thi thơ của tỉnh Nghĩa Lộ trước đây. Những năm công tác ở miền núi Tây Bắc, rồi những năm là chiến sĩ Quân Giải phóng ở chiến trường Khu 5, Nguyễn Long vẫn tiếp tục làm thơ. Tuy chưa nhiều nhưng những vần thơ ấy đều mang nặng tình cảm với quê hương đất nước, với những năm tháng hào hùng của lịch sử dân tộc. Những năm sau này, trong nhiệm vụ của một giảng viên đại học, Nguyễn Long có điều kiện đi tới nhiều miền đất nước, gặp gỡ nhiều con người, chứng kiến và chiêm nghiệm nhiều vấn đề của cuộc sống, hồn thơ ông trở nên rộng mở hơn và cũng đa tình hơn với những khám phá về bản thân và cuộc đời ở chiều sâu nhân bản và nhân văn hơn.Từ năm 2003 đến nay, Nguyễn Long viết đều, viết khỏe. Ông tự tin trình làng 4 tập phê bình - tiểu luận (có 3 tập in chung) và 13 tập thơ.

Theo dõi hành trình thơ của Nguyễn Long dễ dàng nhận thấy: Ở Nguyễn Long, Đời và Thơ, Thơ và Đời luôn có sự hòa quyện, song hành, nương tựa và nâng đỡ lẫn nhau. Sống để dâng hiến, trao tặng và tìm niềm vui trong sự gắn bó hài hòa với thiên nhiên và con người. Còn làm thơ là để sống thêm một cuộc đời thứ hai từng trải hơn với những nghiệm sinh sâu sắc hơn về đời sống của cá nhân và cộng đồng. Càng về sau này, công việc làm thơ với Nguyễn Long càng trở thành một niềm đam mê lớn, đến mức ông “nhìn đâu cũng ra thơ”. Công cuộc “sinh hạ” những “đứa con tinh thần” của ông trở nên khẩn trương và tha thiết hơn bao giờ hết.

Về giữa nguồn thương (năm 2020) là tập thơ thứ 12 của Nguyễn Long. Tập thơ đã được Tỉnh ủy Thái Nguyên trao giải B năm 2020. Đây là tập thơ khá dày dặn gồm 118 trang với 58 bài thơ (trong đó hơn một nửa số bài đã được giới thiệu trên Tạp chí “Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam”) được tác giả tập hợp lại trên nền tảng của ba mạch cảm hứng lớn: về Bác, về Đảng, về Đất nước và Dân tộc sau hơn ba mươi năm đổi mới. Điều này được xác định rõ ngay ở lời đề từ của tập thơ:

Mừng trăm ba mươi năm Ngày sinh của Bác Hồ

Chín mươi năm Đảng phất cờ thắng lợi

Đất nước hơn ba mươi năm đổi mới

Nên nhịp Đời reo giữa trang Thơ.

Có thể thấy, ở Về giữa nguồn thương, ba mạch cảm hứng này đôi khi được tách riêng nhưng chủ yếu là có sự hòa quyện, gắn kết trong một tổng thể hài hòa, mà ở đó hạt nhân chủ đạo, hay cái gốc chi phối các mạch thơ là cảm xúc và suy nghĩ về Bác Hồ trên các nẻo đường nhà thơ rong ruổi đi tìm dấu chân và dáng hình của Bác.

Nhan đề tập thơ Về giữa nguồn thương cũng cho người đọc thấy rõ một định hướng lớn của tác giả: Về nguồn! Có thể thấy ở đây một chủ thể trữ tình sắm vai người công dân, người cán bộ cách mạng đang rong ruổi trên khắp các nẻo đường của Tổ quốc để lần tìm dấu tích xưa, nơi có dấu chân lãnh tụ trên hành trình tìm đường cứu nước. Cuộc hành hương đó của Nguyễn Long cũng dần mở ra những “Nguồn thương”, “Nguồn trong” của lịch sử dân tộc, đất nướcmà cha ông ta đã bao đời tạo dựng và vun bồi để dành lại cho cháu con hôm nay và mai sau. Mạch cảm hứng trữ tình về “nguồn thương” chảy dài với niềm xúc động, tự hào từ hình ảnh“Bầy chim Lạc…nghiêng cánh về hội tụ giữa nguồn thương” nơi Đất Tổ (Về lại quê nhà), qua Lán Khuổi Nặm (một cái lán nhỏ, đơn sơ nhưng là nơi đã chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng có tầm chiến lược của cách mạng Việt Nam, trong đó có Hội nghị Trung ương lần thứ 8 - Hội nghị của những người lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương đã vạch ra những chiến lược căn bản, có ý nghĩa quyết định đến vận mệnh của đất nước và dân tộc Việt Nam) (Lán Khuổi Nặm), đến niềm yêu tha thiết và hạnh phúc ngập tràn khi cảm nhận đượcrằng “Nguồn trong nên nước tuôn dài/ Tình thương Bác gửi kết đài hoa sen”(Ngày Nguyên Tiêu ở thượng nguồn sông Phó Đáy).

Thơ về Bác Hồ là chủ đề xuyên suốt qua nhiều tập thơ của Nguyễn Long. Cuộc hành hương lịch sử trải dài gần nửa thế kỷ nhà thơ Nguyễn Long đi tìm dấu chân Bác, hình bóng Bác từ cảm xúc khởi nguồn năm 1972 trên đường ra trận cho đến nay vẫn tươi mới và vẹn nguyên niềm trân trọng, tự hào và biết ơn thành kính. Đúng như lời tâm sự của nhà thơ: “Tôi không có may mắn được gặp Bác lúc Người còn sống, nhưng qua sách báo, phim ảnh và những câu chuyện, lời kể về Bác, tôi có cảm giác như thấy Bác vẫn hiển hiện, gần gũi trên thế gian này.Và cũng từ đó, tôi tự đề ra cho mình là trong những điều kiện cho phép, tôi sẽ hành hương theo những nẻo đường Bác đã từng quatrên mảnh đất quê nhà để gặp gỡ thiên nhiên và con người, để mường tượng ra hình bóng Bác ngày nào...” (Ngọn núi con sông - Nguyễn Long, NXB Hội Nhà văn, 2020, tr184). Niềm tâm nguyện đó đã được gửi vào các chuyến đi của Nguyễn Long với khát vọng đau đáu là tìm về những nơi Bác đã qua, đã sống để ghi lại bằng thơ những cảm xúc, những suy nghĩ và chiêm nghiệm của mình về vẻ đẹp và tầm vóc vị Cha già kính yêu của dân tộc. Chỉ thị 06-CT/TW của Đảng (07/11/2006) về tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được ban hành đã chạm vào miền sâu kín trong trái tim giàu cảm xúc của Nguyễn Long và thêm một lần nữa “Hình ảnh vị lãnh tụ với tầm tư tưởng vĩ đại, tấm gương đạo đức trong sáng tuyệt vời đã tạo nên một lực hút kỳ lạ trong tôi, thôi thúc tôi mạnh dạn cầm bút viết về Người để bày tỏ cảm nghĩ, lòng biết ơn và kính phục về Bác Hồ kính yêu” (Ngọn núi con sông - Nguyễn Long, NXB Hội Nhà văn, 2020, tr184). Tập thơ Núi ấm tình Ngườicủa Nguyễn Long ra đời năm 2009 - một tập thơ hiếm hoi của nền thơ Việt Nam hiện đại tập trung viết riêng về Bác - đã ra đời trong một niềm yêu thiết tha như thế và nó đã được trao Giải thưởng Xuất sắc của Ban chỉ đạo Trung ương về chủ đề: Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Trong tập thơ Núi ấm tình Người, Nguyễn Long chủ yếu ghi lại những cảm nghĩ và chiêm nghiệm của bản thân về tấm gương tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Để phù hợp với lối biểu đạt này, nhà thơ thường sử dụng thể thơ tứ tuyệt hoặc tứ tuyệt mở rộng và kể một câu chuyện nhỏ trong tấm gương đạo đức, phong cách của Người. Từ đó, rút ra bài học cho bản thân về cách ứng xử, giao tiếp hoặc đúc kết một bài học đạo lý để mọi người cùng soi chung (Theo ý chí Người, Chụp ảnh, Tiết kiệm, Đôi dép, Hỏi, Thời gian, Tình ruột thịt, Đi thực tế,...).

Ở tập thơ Về giữa nguồn thương vẫn rất đậm nét cảm nghĩ về những di sản tinh thần vô giá mà “Bác Hồ trao lại” cho dân tộc Việt Nam: “Tư tưởng Hồ Chí Minh - ngọn đuốc sáng đường xa/ Thời đại Hồ Chí Minh rạng ngời mấy nghìn năm lịch sử/ Đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh bất tử/ Tài sản muôn đời, vô giá, Bác trao ta”, nhưng nhiều hơn là những bài thơ kể chuyện tác giả tìm về với cảnh cũ rừng xưa để mường tượng ra những khung cảnh, những sự kiện, những quyết định lịch sử của Bác và Trung ương Đảng đã diễn ra trong những năm tháng không yên của lịch sử dân tộc. Ở tập thơ này, Bác Hồ chính là ngọn nguồn cảm hứng của Nguyễn Long, là tâm điểm của bức tranh thiên nhiên sơn thủy và con người. Bác là người sáng lập Đảng cộng sản Đông Dương, Đảng Cộng sản Việt Nam, là vị tổng chỉ huy lỗi lạc và tài tình đã đưa cách mạng Việt Nam đi hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Số lượng bài viết liên quan trực tiếp đến Bác Hồ chiếm dung lượng lớn của tập thơ với 45/58 bài. Mỗi bài thơ viết về Bác thường có độ dài từ bốn đến sáu khổ, bài Theo dấu chân Người dài đến chín khổ. Dung lượng lớn như thế cho phép nhà thơ ghi lại được nhiều cảnh, nhiều sự kiện, nhiều cảm xúc... Chủ thể trữ tình đã chọn cho mình một tư thế công dân đầy trách nhiệm: “Về một lần để gói nhớ đi xa” và vì thế luôn chủ động tìm về những nơi còn in dấu chân Người: “Con mê ngược đầu nguồn tìm dấu chân của Bác”, “Con chập chững theo dốc mòn Người bước”, “Con tìm lên đỉnh Đồng Văn”... Nhan đề tập thơ Về giữa nguồn thương đã nói đến sự trở về và cũng có thể tìm thấy hàng loạt chữ “về” trong cả tập thơ: về ngọn nguồn”, “về lại quê nhà”,“về rừng núi yêu thương”, “về lối cũ, bản xưa”, “về bên cột mốc biên cương”, “về bên Tượng đài lộng gió”... Phương hướng đi của nhà thơ là “trở về” và vị trí đứng của nhà thơ là “bên”, là “trên”: bên cột mốc 108, bên lán Nà Lừa, bên bến sông Cầu, bên tượng đài Bác Hồ, bên suối nguồn Khuôn Tát, bên dòng sông Lô, bên sóng Bạch Đằng, trên cánh đồng Hùng Sơn, trên đảo Cô Tô, trên đường Nguyễn Tất Thành, trên dòng Bằng Giang, trên vùng biên ải, trên đồi Nà Pậu...Có thể thấy, ở bài thơ nào của Nguyễn Long cũng dày đặc những tên địa danh gắn với cuộc đời hoạt động của Bác Hồ khi còn ở chiến khu. Nếu như trước đây từng có người nhận xét: Xuân Diệu là người đưa được nhiều địa danh nhất vào thơ thì bây giờ nhận xét đó phải dành cho Nguyễn Long mới đúng. Bài thơ nào của ông cũng có tên địa danh, có bài dày đặc những tên địa danh. Trong thơ Nguyễn Long, địa danh đã trở thành nơi chuyên chở những cảm xúc, nơi gửi gắm những tình cảm với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Dường như bất kỳ một dấu hiệu nào của đời sống những nơi Nguyễn Long từng qua nếu có liên quan đến Bác Hồ (cuộc đời và thơ ca) và cách mạng đều lập tức gọi về những câu thơ da diết. Ở đây sự thường trực của tình cảm với đối tượng trữ tình là điều dễ nhận ra. Người thơ, qua Đèo De bỗng giật mình Tưởng đâu nhạc ngựa vẳng theo/ Bác về, lồng lộng mây đèo chiến khu”; từ nguồn dòng Phó Đáy như nhìn thấy “Rừng còn vương những ánh trăng vàng/ Tiếng “cót két” “thuyền nan” ngày trước”; đứng bên lán Nà Nưa thấy hồn mình gần lại với ngày xa xưa trước:“Giữa cơn sốt, lòng Bác như lửa cháy/ Thời cơ vàng, quyết giành lại non sông”;đứng trên đài quan sát - nơi ngày xưa Bác chỉ huy chiến dịch Biên giới lại “Bồi hồi nhớ thuở đạn bom/ Bác đi chiến dịch, suối còn hò reo”... Cứ như thế, nhà thơ mê mải với đời và mê mải với thơ. Ông nhận thấy:“Khắp mọi miền trên đất nước ngàn hoa/ Pác Bó, Tân Trào, Nhà Rồng, Phan Thiết.../ Cây Trường Sơn hay Trường Sa sóng biếc/ Bóng hình Người soi sáng bước đường ta”. Dường như nhà thơ cứ “bước đi một bước giây giây lại dừng” nên mê mải nhẩm đếm bước chân của thời gian: “Sáu mươi năm điều Bác hằng mong/ Trên cả nước đã thành sự thật”, “Bẩy mươi hai năm theo đường sáng Bác Hồ...”, “Hơn trăm năm ngày Bác rời Tổ quốc, tìm đường.../ Ba mươi năm Đất nước mình đổi mới...”, “Bỗng nao nao nhớ tới Bác Hồ/ Từng đến đây hơn tám mươi năm trước...”. Phải có một tình yêu mãnh liệt mới đau đáu kiếm tìm trên mỗi cung đường, mỗi địa danh mình đi qua và trong mỗi khoảnh khắc thời gian trôi chảy... hơi ấm và bóng hình đã xa xôi để nhận ra di sản tinh thần vô giá mà Người trao lại cho con cháu hôm nay. Những nghiệm sinh cho Nguyễn Long những khẳng định chắc chắn về sự đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Người đã chọn cho dân tộc và đất nước mình. Bởi vậy, sau 90 năm đi “theo đường sáng Bác Hồ”, đất nước Việt Nam đã từng ngày thay da đổi thịt, vẻ đẹp của Nông thôn mới nơi núi rừng Việt Bắc đã hiện hữu như thực như mơ. Tập trung ở các bài thơ Đất nước vào xuân, Non nước hữu tình, Lên biên giới, Trên cánh đồng Hùng Sơn, Yên Bình, Đi giữa Điện Biên... là hình ảnh “đất trời Tổ quốc đã sang xuân” với “Khói nhà máy vờn bay chào vận hội/ Đường xe vui rộng mở ngát chân trời...”, rồi “Cờ phấp phới nóc nhà cao thị trấn”,“...ngược xuôi tíu tít xe hàng/ Đường hữu nghị ta mở lòng nghênh đón/ Khung trời rộng cho bồ câu bay lượn...” và nữa là hình ảnh “Trường học tươi ngói mới”, “em thơ đang vui bước tới trường”. Nói đến câu chuyện đất nước đổi mới, Nguyễn Long nhiều lần nhắc đến hình ảnh mái trường tươi, cô giáo trẻ, học sinh ríu rít, tiếng học bài rộn rã... có lẽ bởi ông là một nhà giáo tâm huyết với nghề và thấm thía vai trò của giáo dục trong phát triển và phục hưng đất nước, đồng thời cũng nhìn rõ những khó khăn của giáo dục miền núi trên con đường hội nhập cùng đất nước bước vào vận hội mới nên từ thực tế miền núi ông muốn có một cái nhìn xa hơn cho nền giáo dục nước nhà, đặc biệt là giáo dục ở vùng núi cao xa xôi cách trởđể mong có ngày “miền núi tiến kịp miền xuôi”. Ta có thể thấy ở đây hình ảnh thực của một cái tôi trữ tình nhà giáo già an yên hiền hòa trong cuộc sống đời thường nhưng vẫn trăn trở với nghề nghiệp, mong góp phần sức lực nhỏ bé của mình cho sự nghiệp phát triển nền giáo dục nước nhà:“Thanh thản khi hoàn thành nhiệm vụ/ Về giữa đời thường vui với cháu con/ Góp kinh nghiệm cùng chiều sâu trí tuệ/ Cho ngành mình thêm rạng nét son”.

Nói về sự đổi thay của đất nước, Nguyễn Long hay có cái nhìn đối sánh xưa- nay khi nhà thơ nhận rõ rằng“Giữa đời mới vẫn ngời năm tháng trước...”. Một số câu thơ dường như có vẳng đâu đây âm vang thơ Tố Hữu:“Ngày nào xơ xác đồi nương/ Nay thành cả dãy phố phường đông vui/ Ngày nào nghèo rải khắp nơi/ Nay trường rộn rã tiếng cười em thơ...”. Có khi nhà thơ sử dụng trực tiếp cặp từ đối sánh“xưa - nay”, có khi là một cách nói cụ thể hơn: “sáu mươi năm trước...nay” hoặc “bảy nhăm năm trước...nay” và cảm hứng nổi trội là say mê, tự hào và biết ơn tha thiết: “Nay đứng nhìn trời đất mênh mông/ Lòng tưởng nhớ cùng biết ơn trĩu nặng”, “Mắt trông theo hướng Bác Hồ/ Thấy đời sáng giữa vô bờ ơn sâu”...

 Niềm hạnh phúc của nhà thơ là được say sưa ngắm nhìn và ngợi ca non sông gấm vóc đang trên đường đổi mới. Trong mạch cảm xúc dâng trào, nhà thơ hay sử dụng các tính từ chỉ trạng thái: say ngắm, mê mẩn lòng, vương vấn lòng, bồi hồi nhớ...đồng thời cũng hay sử dụng biện pháp đảo ngữ (“xanh rừng, biếc núi, trong sông”) để tạo ấn tượng về các sắc màu tươi tắn của cuộc sống mà ông thiết tha yêu mến, chỉ muốn được ôm vào lòng cho thỏa niềm hạnh phúc. Cái tôi trữ tình trong thơ Nguyễn Long tự hào “Thấy Tổ quốc đẹp giàu từ ngọn gió” nên cứ mải mê, “mê mải giữa dòng đời” với tâm thế: “Chúng con trang trải lòng mình/ Giữa nông thôn mới nặng tình chiến khu”. Và chính ở đây, góc nhìn của nhà thơ đã thể hiện rõ niềm xúc cảm về sự đổi mới đang diễn ra ở nơi mảnh đất vùng cao chiến khu xưa - nơi vốn trước đây đường xá đi lại khó khăn; đời sống nhân dân lầm than cơ cực, nghèo khó... nhưng cũng là cái nôi của ân tình cách mạng, nơi khai sinh ra Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nơi chứng kiến những bước đi đầy khó khăn nhưng cũng đầy bản lĩnh của một dân tộc không cam chịu cúi đầu làm nô lệ.

Thơ Nguyễn Long không lôi cuốn người đọc bởi sự mới mẻ trong thi pháp nhưng sự giản dị, gần gũi, chân thực và cái da diết, nhiệt thành của một tấm lòng thơ với Bác Hồ, với Đảng, với non sông gấm vóc dân tộc luôn là nguồn cảm hứng bất tận có khả năng truyền cho người đọc niềm tin yêu và gắn bó với con người và cuộc đời. Đọc thơ ông, chúng ta thêm một lần nữa được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Bác Hồ từ những điều bình dị mà lớn lao và nhận thức rõ trách nhiệm công dân của mỗi người để cùng chung sức góp phần đưa sự nghiệp của Người đến bến bờ thắng lợi. 

30.6.2022

Đào Thủy Nguyên

 

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy