Thiếu vắng tài năng trẻ sân khấu truyền thống
VNTN - Trong vòng 4 tháng, 3 cuộc thi tài năng trẻ quy mô toàn quốc dành cho các nghệ sĩ trẻ sân khấu Kịch nói, Tuồng, Chèo, Cải lương, Dân ca kịch chuyên nghiệp được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì tổ chức. Số Huy chương Vàng, Bạc… trao tặng gần bằng một nửa số nghệ sĩ tham gia, nhưng các Hội đồng giám khảo đều chung nhận định: Chưa thấy ngôi sao nào… lấp lánh!
Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu Tuồng, Chèo chuyên nghiệp toàn quốc diễn ra trong 10 ngày (từ ngày 5-14/8) tại nhà hát Lam Sơn TP. Thanh Hóa, thu hút sự tham gia của 93 diễn viên trẻ dưới 35 tuổi đến từ 12 đơn vị nghệ thuật Chèo, 7 đơn vị nghệ thuật Tuồng chuyên nghiệp trong cả nước, với 88 trích đoạn gồm 52 trích đoạn Chèo, 36 trích đoạn Tuồng. Ban Tổ chức đã trao 23 Huy chương Vàng và 20 Huy chương Bạc cho các diễn viên xuất sắc nhất.
Sau 8 ngày tranh tài sôi nổi, từ 4-11/11/2017, tại Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện Đồng Nai đã diễn ra “Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu Cải lương và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2017”; với sự tham gia của 73 nghệ sĩ, diễn viên, trong đó 57 diễn viên cải lương, 16 diễn viên dân ca kịch, đến từ 20 đơn vị nghệ thuật sân khấu cải lương, dân ca kịch, cơ sở đào tạo nghệ thuật truyền thống trong cả nước, gồm 55 trích đoạn cải lương và 15 trích đoạn dân ca kịch. Ban Tổ chức đã trao 15 Huy chương Vàng và 21 Huy chương Bạc cho các diễn viên tham dự Cuộc thi.
Dù giải thưởng trao tặng khá nhiều, nhưng thực sự chưa có phát hiện “sao” có tầm. Có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, có thể điểm vài vấn đề chính, không mới, nhưng tồn tại nhiều năm qua chưa khắc phục được.
Không có kịch mục - nhân vật mới
Một cái bóng bao trùm sân khấu truyền thống là có rất nhiều trích đoạn kinh điển của các vở diễn kinh điển với những vai diễn của những nghệ sĩ tài năng từ hơn nửa thế kỷ qua. Không thể phủ nhận những nhân vật, những trích đoạn này đều là mẫu mực thể hiện bản lĩnh, tài năng diễn xuất tổng hợp “Thanh - Sắc - Thục - Tinh - Khí - Thần”… của nghệ sĩ trên sân khấu Tuồng, Chèo, Cải lương, Dân ca kịch… gần cả trăm năm nay. Đã có nhiều thế hệ nghệ sĩ thành danh, gắn với vai diễn để đời nhân vật trong các vở này, và diễn xuất của họ còn là “sách giáo khoa” cho các thế hệ nghệ sĩ trẻ kế tiếp học hỏi.
Diễn viên Phan Thị Diệu Hiền của Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế dự thi tiết mục “Bạch Viên Tôn Cát” - Ảnh: Linh Đoan
Nhưng nếu không lấy những trích đoạn kinh điển mẫu mực ấy, thì quả thật tìm trong danh mục các vở diễn Tuồng, Chèo, Cải lương, Dân ca kịch… đương đại, chưa có nhân vật nào có thể đủ “ngón”, “nghề”, “mảng”, “miếng” thay thế các nhân vật “mặc định” này, để diễn viên phát huy tài năng diễn xuất và kỹ thuật biểu diễn. Hơn nữa, vẫn còn tư duy, những trích đoạn cũ, kinh điển đã đạt chuẩn mực nhất định nên thường được giữ nguyên và chọn đi thi.
Nhìn vào các trích đoạn dự thi, gần như là một cuộc “hội ngộ” đầy đủ các trích đoạn thuộc hàng kinh điển của sân khấu Tuồng, Chèo Việt Nam như: “Súy Vân giả dại”, “Huyện tể Cu Sứt”, “Thị Màu lên chùa”, “Đào Tam Xuân loạn trào”, “Đào Tam Xuân đề cờ”, “Hoàng Phi Hổ lăn trướng”, màn III “Lưu Bình Dương Lễ”, “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo”, “Hoàng Trừu kén vợ”... Và cũng là một cuộc “gặp gỡ” thú vị của rất nhiều Súy Vân, Thị Mầu, Thị Kính, Tuần Ty, Đào Huế... của Chèo và nhiều Hồ Nguyệt Cô, Đào Tam Xuân, Tỷ Can, Kim Lân, Châu Xáng, Đát Kỷ, Phàn Định Công, Trịnh Ân... của Tuồng với các sắc thái vừa giống nhau vừa khác nhau. Có thể nói không ngoa, đây là cuộc ganh đua để xem ai “giả dại”, ai “lẳng”, ai “đau khi thoát kiếp người”, ai múa võ đẹp, ai chọc cười hay…, chinh phục được giám khảo và khán giả.
Ví như Nhà hát Tuồng Việt Nam tham gia trích đoạn “Đào Tam Xuân”, “Kim Lân qua đèo” (mỗi trích đoạn có 2 thí sinh cùng thi), “Tỷ Can dâng gan”, “Phàn Định Công đề cờ”, “Châu Xáng qua sông”, “Hồ Nguyệt Cô hoá cáo”, “Đát Kỷ đổi hồn”. Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM tham dự 5 trích đoạn: “Châu Xáng tá Thanh long đao”, “Hoàng Phi Hổ quy Châu”, “Đào Tam Xuân đề cờ”, “Thần Nữ dâng Ngũ linh kỳ”, “La Nhơn đại chiến Đồ Lư”. Với sân khấu Cải lương và Dân ca kịch, dù đã có nhân vật đương đại, nhưng cũng tương tự. Vai diễn công chúa An Thu (Đêm hội Long Trì), vai Đát Kỷ (Khát vọng Đát Kỷ), vai Lê Quyết (Trời Nam), mỗi vai có 3 đoàn dựng. Các vai diễn Trần Thị Dung (Dấu ấn giao thời), Chiêu Linh hoàng hậu (Hồi xuân dược), Hiếu (Một phút một thời), Nam (Kiếp tằm), Võ Thị Sáu (Người con gái đất đỏ),... cũng có ít nhất 2 đoàn "đụng hàng".
Có thể nói, hầu hết diễn xuất của các các nghệ sĩ trẻ đều khá xuất sắc, bởi ngoài những người thầy là nghệ sĩ ưu tú truyền dạy kinh nghiệm và các tuyệt kỹ “nghề”, họ còn có sự sáng tạo trong vai diễn để làm mới nhân vật. Nhưng sự lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian ngắn cho cùng một nhân vật, sẽ dễ khiến khán giả mang cảm giác “chai” cảm xúc, gây ngán vì “ăn” quá nhiều một món (dù ngon).
Tài năng chưa tỏa sáng
Nhìn chung, các Cuộc thi đã mang đến những yếu tố mới lạ, trẻ trung, sức sống thanh xuân của tuổi trẻ. Các đoàn tham dự phần lớn có sự đầu tư kỹ lưỡng, như một tiết mục hoàn chỉnh để sau khi thi có thể là kịch mục biễu diễn thường xuyên của đoàn. Việc chọn lựa nghệ sĩ và diễn viên đi thi đã đặt yếu tố trẻ lên trên, dù độ tuổi hạn định “trẻ” đến tuổi 35, nhưng đa phần ở tuổi từ 25-30 và vào vai chính, thậm chí có cả những diễn viên trẻ tuổi dưới 20.
Đây là những cuộc thi tài năng và thực sự đã xuất hiện những diễn viên trẻ tiềm năng. Nhiều diễn viên trẻ có tìm tòi kỹ thuật bài ca, vận dụng làn hơi và xử lý kỹ thuật ngân rung, luyến láy khá ngọt khi vào bài; hệ thống các làn điệu từ ca salon đến ca trong diễn xuất biểu lộ đời sống nội tâm của nhân vật đã chứng tỏ được khả năng, gây được cảm xúc cho khán giả. Tuy nhiên các diễn viên vượt trội thì số lượng không nhiều và hầu hết đều cân tài, cân sức, một chín một mười… Ngoài ra phần lớn diễn viên trẻ còn mắc nhiều điểm yếu, có sự chênh lệch khá lớn về thanh, sắc, kỹ năng chuyên môn, giữa các đơn vị nghệ thuật ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và các địa phương.
Nguồn: tuoitre.vn
Theo NSND Giang Mạnh Hà, giám khảo các Cuộc thi: “Đây là cuộc thi chuyên nghiệp toàn quốc, là sân chơi lớn dành cho các diễn viên trẻ sân khấu chuyên nghiệp, mà lại bộc lộ sự thiếu chuyên nghiệp. Về giọng ca, không ít thí sinh hát chênh, phô dây đàn, ca rớt nhịp, ca non giọng, đuối hơi. Tiếng nói sân khấu (tức lời thoại) nghe không tròn vành rõ chữ, nói nhanh, nói vấp làm cho người nghe khó hiểu, không biết đang nói gì. Động tác vũ đạo chưa thuần thục, đường nét múa còn khô cứng, chọn trang phục chưa hợp lý. Có khá nhiều diễn viên trẻ bị áp lực tâm lý khiến cho vai diễn bị cứng, thiếu chất. Ở Cuộc thi lần này, chưa thấy xuất hiện ngôi sao tài năng trẻ bừng sáng lấp lánh như kỳ vọng”.
Điểm lại các tiết mục dự thi, nhiều trích đoạn chưa được tập luyện kỹ càng, vẫn còn tình trạng đi thi cho có, không có bàn tay dàn dựng chăm chút của đạo diễn. Tiết mục biên tập - trích đoạn, do chắp vá nên diễn viên không thể hiện diễn biến tâm lý nhân vật chân thực và hợp lý. Nhiều người vì áp lực cuộc thi đã chọn trích đoạn chưa thật phù hợp với năng lực, sở trường nên chưa bộc lộ hết khả năng, thậm chí có thí sinh dự thi không cho thấy khả năng làm diễn viên, chưa nói đến có tài năng…
Đường trường lắm nỗi gian nan
Không chỉ ở các cuộc thi thời gian gần đây, mà hầu khắp các cuộc thi sân khấu truyền thống trước đó từ nhiều năm nay, diễn viên phải diễn xuất các trích đoạn và nhân vật trùng lặp nhau như một chuyện bình thường. So sánh có thể hơi khập khiễng, vì các trích đoạn, các vở diễn kinh điển kia đã được thử thách qua thời gian, ít cũng hơn nửa thế kỷ, có vở có tuổi vài trăm năm. Phần lớn chúng đều mang nội dung liên quan đến những chuẩn mực đạo đức xã hội, gần như là những bài học sâu sắc về nhân tình thế thái trong cuộc sống, nên đã ăn sâu vào tiềm thức khán giả như một hình mẫu trong thế giới quan, nhân sinh quan. Bản thân các vở diễn, các trích đoạn đó đã được “chuẩn” hóa, gọt giũa đến không tì vết để trở thành những “viên ngọc” long lanh, quý giá của sân khấu truyền thống…
Chính vì lẽ đó mà ở hiện tại, muốn một vở diễn có những trích đoạn và nhân vật mang tính điển hình như các vở xưa, có thể phát huy tài năng diễn xuất của diễn viên xem ra còn lắm gian truân. Ngay từ khâu tác giả kịch bản, gần như thiếu và yếu, “tre đã già mà măng chưa mọc”, nhiều tác giả “cây đa cây đề” không có “hậu sinh”, lớp trẻ lại không “mặn” lắm với sân khấu truyền thống. Ngay cả với tác giả chuyển thể cũng rất hiếm, gần như rất ít tác giả có kiến thức phong phú về Tuồng, Chèo, Cải lương, Dân ca kịch…, để có thể chuyển thể thật “nhuyễn”, nhất là với lời ca diễn… Đạo diễn cũng rất hiếm chỉ chuyên dựng cho Tuồng, Chèo, Cải lương, Dân ca kịch, mà phần lớn là đạo diễn “đa năng”, vì thế đôi khi những tinh hoa của sân khấu truyền thống Việt không được chú trọng. Mặt khác, diễn viên trẻ ít, chưa đủ sức kế thừa các thế hệ trước, nên kinh nghiệm diễn xuất điêu luyện của các “cây đa cây đề” cứ rơi rụng dần.
Mới đây nhất, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã quyết định “đặt hàng” Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đào tạo sinh viên một số ngành, chuyên ngành văn hóa đặc thù, khó tuyển sinh nhưng đang thiếu nhân lực, trong đó có nghệ thuật sân khấu. Tuy nhiên, đây mới chỉ như khúc dạo đầu của một bản nhạc.
Từ cuộc thi chính là bước đệm để các nghệ sĩ trẻ tiếp tục lao động, cống hiến trên con đường nghệ thuật và là cơ sở để đề nghị cơ quan có thẩm quyền trao tặng những danh hiệu cao quý. Nhưng đây cũng là dịp để các nhà quản lý, lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật đánh giá thực trạng đội ngũ diễn viên trẻ sân khấu truyền thống hiện nay, từ đó có những giải pháp thúc đẩy, bồi dưỡng, đào tạo lực lượng nghệ sĩ trong thời gian tới.
Hoài Hương
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...