“Thềm lục địa” – những tình cảm thẳm sâu
Tiến sĩ Đỗ Dũng (Trường Đại học Việt Bắc)
VNTN - Trước khi chuyển về công tác tại trường Đại học Việt Bắc, tôi đã có 36 năm giảng dạy ở trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên về bộ môn Địa lý tự nhiên, tôi rất rành rẽ về khái niệm “thềm lục địa” của Việt Nam và thế giới.
Những ngày tháng 5/2014, nhà cầm quyền Trung Quốc di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 từ đảo Tri Tôn vào sâu quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển Khánh Hòa 132 hải lý (1 hải lý bằng 1800m), lúc đó tôi đang hướng dẫn sinh viên làm khóa luận tốt nghiệp đại học về đề tài biển Đông. Thầy trò cả khoa địa lý chúng tôi, ai ai cũng tỏ ra tức giận và căm ghét hành động, thái độ ngang ngược của nước lớn. Là người hiểu sâu sắc về thềm lục địa, đường bờ, vực thẳm, ca nhon, hẻm vực, vũng, vịnh, biển, đảo, sóng ngầm, thủy triều, vùng nào có trữ lượng dầu khí lớn nhất…, lại từng là lính trinh sát đặc công Sư đoàn 312, chiến đấu ở cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng (Lào), Quảng Trị, Bình Dương (1970 - 1976), trái tim tôi bừng sôi lên dữ dội khi lúc này, đường bờ và thềm lục địa của Tổ quốc bị xâm phạm. Thế là hướng khai thác bài tập về biển Đông tôi giao cho sinh viên lại có phần xáo trộn. Thường xuyên đưa sinh viên đi khảo sát vùng biển Quảng Ninh, Thanh Hóa, Cửa Lò, Huế…, tôi hướng dẫn, ra bài tập về biển, đảo, dòng chảy ngầm, dòng chảy mặt, độ cao của sóng lừng, sóng tròn đầu, và sóng thần cho hết lớp này đến lớp khác ròng rã 36 năm liên tục. Tôi đã cảm nhận sâu sắc, “biển và thềm lục địa” như chính máu thịt của mình.
Có lần tôi đưa sinh viên đi khảo sát “đảo khỉ” Quảng Ninh. Thầy trò tôi bơi bộ không phao từ nhà khách Cẩm Phả ra đảo khỉ, chiều rộng độ 1 hải lý. Lúc bơi ra thì dễ dàng, lúc bơi vào thì không tài nào vào được nữa, sóng đánh dữ dội cản tức ngực. Tất cả đều mệt nhoài và vô cùng lo sợ. Tôi trấn tĩnh động viên trò, rằng cứ bơi theo dòng nước rồi lái mình 45 độ vào bờ. Cứ như thế chúng tôi bơi khoảng 10km mới “cập bến”. Đến sau này, Hòa - một cán bộ trẻ trong khoa tôi chết đuối ở Huế vì bị sóng đánh tràn ra xa, mặc dù có nhiều người kéo lại nhưng không thành. Nhiều năm liền cái chết của người đồng nghiệp cứ ám ảnh tôi, và rồi thôi thúc tôi 10 năm nghiên cứu kỹ càng về Hải dương học, tôi mới giải thích được, rằng dòng chảy có quy luật riêng và có chu kỳ chuyển động theo thập niên, thế kỷ, trăm thế kỷ. Sự chuyển động của các chu kỳ ấy luôn luôn thay đổi theo “pha” chuyển động “tuốc bu lăng” của nó. Tình cảm với biển cả trong tôi đậm sâu như thế, thì thử hỏi khi nghe tin Trung Quốc đặt giàn khoan, làm đường sân bay một cách ngang ngược ở quần đảo Trường Sa thì sao không đau xót? Với tư cách của một nhà khoa học đã nghiên cứu kỹ về hải dương học, tôi biết rằng biển Đông là rốn dầu thế giới, và Việt Nam là nơi quy tụ tới 18 điểm dầu lửa trong vành đai Thái Bình Dương. Cho nên ý đồ khai thác dầu khí, rau câu, rong biển của Trung Quốc là trái Luật Biển quốc tế 1982. Đó là những hành động ăn cướp trắng trợn. Tìm tòi nghiên cứu các đề tài gắn liền với biển, tôi nhận ra từng hơi thở của nó đã ngấm vào sâu thẳm trái tim mình tự lúc nào.
“Hải Dương 981” là một trận “bão lòng” của dân tộc Việt Nam. Tôi đã nhìn thấy lương tri nhân loại đang dồn về hải phận Việt Nam. Bão lòng trong tim tôi bắt nguồn từ tình cảm sâu thẳm với thềm lục địa này, nó thôi thúc tôi tiếp tục lao động, tiếp tục truyền dạy kiến thức và tình yêu biển mặn cho lớp lớp học trò. Yêu nước thương nòi, với tôi bình dị thế thôi!
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...