Thêm công cụ kiểm duyệt, điện ảnh có thực sự hết “sạn”
Ngày 20/5/2023, Thông tư số 05/2023/TT-BVHTT&DL, Quy định tiêu chí phân loại phim và thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo phim đã chính thức có hiệu lực. Thông tư trên áp dụng đối với cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động phổ biến phim tại Việt Nam. Ghi nhận sau hơn một tháng thực thi, đời sống điện ảnh vẫn chưa có những chuyển biến rõ nét.
Chặt chẽ hơn trong khâu kiểm định
So với dự thảo được đưa ra lấy ý kiến trước đó (gồm 5 tiêu chí), Thông tư 05 có thêm tiêu chí C (6 tiêu chí) quy định phim bị cấm chiếu hoàn toàn… Như vậy, với thông tư 05, các nhà quản lý đã bổ sung thêm hình thức kiểm định phim mới, thay vì chỉ tiến hành một bước duy nhất là hậu kiểm đối với các phim trình chiếu tại các rạp trong nước. Xét ở góc độ các nhà sản xuất phim, Thông tư 05 cũng giúp họ không chỉ xác định nội dung, đối tượng phục vụ mà còn nhận diện rõ ràng hơn ranh giới trong phân loại phim để thực hiện dự án.
Trước Thông tư 05, điện ảnh Việt Nam từng chứng kiến nhiều phim phải tiến hành sửa chữa tổng thể nội dung hoặc một phần… do có nhiều cảnh không phù hợp với thuần phong mỹ tục, hoặc cổ súy cho bạo lực… trước khi phát hành ra rạp.
Không bàn đến việc phải kéo dài thời gian thu hồi vốn, việc chỉnh sửa ít nhiều cũng ảnh hưởng đến nội dung phim, đến thời điểm ấn định phim ra rạp trước đó. Có thể điểm qua một vài tên phim gần đây như “Vợ Ba”, sử dụng diễn viên nhí đóng cảnh người lớn, phim “Vị” bị cho là có quá nhiều cảnh “dung tục” hay “Đường đua” tràn lan cảnh bạo lực đã bị từ chối cấp phép hoặc cấm chiếu… cho thấy việc đưa ra những giới hạn trong nghệ thuật là vô cùng mong manh, thậm chí khó phân định rạch ròi.
Trong khi, giới làm phim cho rằng nên xem xét phim ở giá trị nghệ thuật, thông điệp phim chuyển tải, thì giới quản lý lại mổ xẻ phim ở góc độ thuần phong mỹ tục, để thấy sự dị biệt và dung tục. Từ đó, đưa ra những quyết định được coi là “án tử” đối với không ít bộ phim. Và đến Thông tư 05, thì dường như ranh giới đã được phân định đã rõ hơn. Việc trao quyền cho đơn vị sản xuất, phát hành phim tự dán nhãn cảnh báo cho thấy sự chủ động của nhà sản xuất, phát hành trong thực hiện dự án phim nhằm hạn chế sai phạm. Đây là những nỗ lực cho thấy điện ảnh đã nằm trong khuôn khổ của thể chế.
Sẽ có 6 loại quy định mức phân loại phim theo từng độ tuổi và 7 tiêu chí phân loại phim theo: tiêu chí chủ đề, nội dung, tiêu chí về bạo lực; tiêu chí về khỏa thân - tình dục, tiêu chí ma túy và chất kích thích; về kinh dị; về ngôn ngữ thô tục và về hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước. Tất cả sẽ phải được hiển thị và cảnh báo tới khán giả trong quá trình phổ biến, áp dụng chung cho các hình thức phổ biến phim, bao gồm cả phim chiếu mạng.
Khi được dán nhãn cảnh báo, đối tượng không phù hợp với bộ phim sẽ không được phép tiếp cận. Về nguyên tắc là vậy, nhưng rất khó để đảm bảo, với phim chiếu trên nền tảng mạng xã hội, quy định về độ tuổi sẽ được thực thi một cách chặt chẽ. Để xem một bộ phim, người ta có thể gian lận về độ tuổi, trường hợp facebook là một ví dụ điển hình. Facebook quy định độ tuổi dưới 13 không được đăng ký tài khoản, nhưng thực tế rất nhiều trẻ em dưới độ tuổi đó đã sử dụng tài khoản facebook như một công cụ giải trí. Điều này cho thấy, việc trông đợi vào sự trung thực của người sự dụng facebook nói riêng các dịch vụ giải trí trên mạng xã hội nói chung là vô cùng khó. Hiện có rất nhiều các trang chiếu phim lậu đang tràn lan trên không gian mạng và các trang này sử dụng Facebook để lan tỏa. Chỉ cần kích chuột vào đó là người xem mọi lứa tuổi có thể thoải mái vào trang xem rất nhiều thể loại phim trong đó có cả phim Việt Nam.
Chưa kể, ở lĩnh vực điện ảnh, việc thẩm định phim chiếu trên các nền tảng số còn có độ vênh giữa các cơ quan quản lý trong và ngoài nước. Dẫn đến tình trạng phim đoạt giải cao trong nước hay nước ngoài lại không thể trình chiếu rộng rãi tại Việt Nam hoặc vươn ra thế giới. Vô hình chung tạo ra khoảng cách trong giao thoa, hội nhập giữa điện ảnh Việt Nam và thế giới.
Xây dựng công nghiệp điện ảnh
Sẽ không để lọt lưới những bộ phim đi trái với “thuần phong mỹ tục” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng được trình chiếu tại các rạp, thậm chí trên các nền tảng số, là quyết tâm của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, nếu chỉ tiến hành hậu kiểm (đối với các phim được trình chiếu trên các nền tảng số), giao việc kiểm định, dán nhãn cho các đơn vị kinh doanh cũng rất dễ để lọt những phim xấu, độc hại do các đơn vị kinh doanh chạy theo lợi nhuận.
Điều này, vô hình chung đã và đang tạo ra sự thiếu công bằng với phim Việt (vốn đang chịu sự kiểm duyệt thông qua hình thức tiền kiểm), chưa kể thời điểm hiện tại, điện ảnh được coi là ngành công nghiệp không khói, có thể tạo ra nhiều giá trị kinh tế cho đất nước. Tuy nhiên, để điện ảnh thực sự bứt phát, phát triển đúng như kỳ vọng, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, Đỗ Lệnh Hùng Tú nhận định, vấn đề gốc của điện ảnh Việt Nam là cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng tác giả, biên kịch ở cả trong nước và nước ngoài, để có được đội ngũ đông đảo, cập nhật với thị trường điện ảnh quốc tế, từ đó đưa điện ảnh Việt Nam vươn lên, thoát dần sự phụ thuộc vào kịch bản nước ngoài. Song, sự lệch pha trong sáng tạo, thẩm định nghệ thuật đang trở thành rào cản khiến điện ảnh Việt Nam không có nhiều cơ hội vươn ra thế giới, thậm chí còn bị lép vế ngay chính trong sân nhà.
Theo ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh, Thông tư 05 đã quy định rất rõ đối tượng nào làm được đến đâu, làm như thế nào. Và nó là căn cứ để cho các hội đồng phân loại phim làm việc, cũng như để cho những nhà sản xuất, các nghệ sĩ biết được quy định tại thông tư này để họ triển khai dự án phim. Còn dưới góc độ nhà làm phim, đạo diễn Lương Đình Dũng cho rằng, cá nhân ông ủng hộ quan điểm tự do trong lao động sáng tạo điện ảnh. Nhưng dưới góc nhìn chung và ảnh hưởng của xã hội của điện ảnh, thì những nhà làm phim, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực phổ biến phim nên làm theo quy định, ít nhất là trong thời điểm hiện tại, nếu không muốn có những mối nguy hiểm lớn cho xã hội có nguồn gốc từ điện ảnh.
Điện ảnh đang thở hơi thở của cuộc sống với những lát cắt vô cùng chân thực, đây cũng là lý do việc kiểm duyệt phim được coi trọng. Bởi nói gì thì nói, tính lan tỏa mạnh mẽ của nghệ thuật luôn tạo ra những kết quả bất ngờ. Vì vậy, không có gì là quá khi việc đưa ra quy định cụ thể, chi tiết về phân loại phim được đánh giá là “một bước tiến lớn trong việc phân loại”, phù hợp với xu hướng thế giới, góp phần đưa ra định hướng, tạo điều kiện thuận lợi cho giới sáng tác và sản xuất phim tại Việt Nam.
Song cũng có không ít ý kiến lo ngại về tình trạng sẽ xuất hiện thêm các loại giấy phép con trong quá trình phổ biến phim hiện nay. Điều này hoàn toàn có căn cứ khi Thông tư 05 quy định, cơ sở điện ảnh thực hiện phát hành, phổ biến phim phải có các giấy phép như Giấy phép phân loại phim, Quyết định phát sóng để chiếu hoặc phổ biến phim, đồng thời phải thực thi các quy định về hạn chế độ tuổi và tuân thủ các điều kiện cấp phép, cũng như bất kỳ điều kiện phân loại bổ sung nào theo quy định của cơ quan có thẩm quyền. Như vậy, cơ chế xin - cho vẫn có nguy cơ quay trở lại.
Phổ biến phim, nhất là trong bối cảnh hiện tại đang có sự tham gia mạnh mẽ của các nền tảng xã hội, của trí tuệ nhân tạo, rất khó để có thể loại bỏ được hết “sạn” trong điện ảnh nếu những người làm công tác quản lý, kinh doanh “mặt hàng - điện ảnh” đặc biệt nhạy cảm, không thực sự công tâm sẽ kéo lùi sự phát triển của điện ảnh.
Quay trở lại với Thông tư 05, việc đánh giá những tích cực hay hạn chế của Thông tư tại thời điểm hiện tại vẫn còn quá sớm. Nhưng công chúng yêu điện ảnh có quyền tin rằng sẽ được thưởng thức những món ăn tinh thần đáng đồng tiền bát gạo, đáp ứng nhu cầu giải trí của bản thân mà không lo ngại những tác động tiêu cực đối với bản thân, những người xung quanh.
Vẫn biết, chính sách luôn có độ trễ, nhưng với sự vào cuộc của guồng máy từ quản lý đến nhà sản xuất, đối tượng phát hành, phổ biến phim cùng vào cuộc, tin rằng môi trường điện ảnh sẽ thực sự khởi sắc, góp phần đẩy nhanh mục tiêu đưa Điện ảnh trở thành ngành công nghiệp không khói vào năm 2030 của nước ta hiện nay.
Với Thông tư 05, việc phân loại phim được xếp từ thấp đến cao như sau: Loại P: Phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi; Loại K: Phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ; Loại T13 (13+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên; Loại T16 (16+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên; Loại T18 (18+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên; Loại C: Phim không được phép phổ biến.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...