Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
08:49 (GMT +7)

“Thầy Ký” ở Hóa Thượng

VNTN - Mất đi bàn tay phải khi vừa tròn 20 tuổi, thương binh Lê Trọng Thành (Hóa Thượng, Đồng Hỷ) đã quyết tâm tập viết bằng tay trái và trở thành thầy giáo. Giờ đây, ở tuổi 57, người thương binh ấy vẫn luôn nhiệt huyết với sự nghiệp “trồng người” và hơn hết, ý chí của người lính Cụ Hồ vẫn luôn vẹn nguyên trong anh.

Trở về với nửa vòng tay

Tháng 2-1979, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc xảy ra, binh nhất Lê Trọng Thành cùng với đồng đội ở Trung đoàn 851, Sư đoàn 346, Quân khu 1 được điều động lên biên giới phía Bắc. Khi ấy, anh Thành là Khẩu đội phó của tiểu đội Pháo DK82, đơn vị của anh có nhiệm vụ cắm chốt ở cao điểm 815 (Trà Lĩnh, Cao Bằng) với mục tiêu phục kích, chặn đường tiến đội xe cơ giới của địch từ phía bên kia biên giới sang. Lúc này, đối phương dùng hỏa lực mạnh tấn công nhằm hỗ trợ cho bộ binh nhanh chóng đánh chiếm Cao Bằng, nhưng tiểu đội của anh Thành vẫn kiên cường bám trụ trên trận địa. Không may, trong một trận công kích bằng pháo dữ dội của địch, anh Thành bị thương và ngất đi. Khi tỉnh lại, anh thấy mình đang nằm ở trạm xá dã chiến, toàn thân không thể cử động. "Lúc ấy, tôi không nghĩ đến bản thân mình mà chỉ lo cho đồng đội không biết sống hay chết, nên cứ cố đưa mắt tìm anh em. Như hiểu được ý nghĩ của tôi, cậu quân y khẽ bảo: Đồng chí yên tâm, anh em trong đơn vị đều an toàn. Nghe xong, tôi gật gật và lại không biết gì nữa" - anh Thành xúc động kể.

Thầy Lê Trọng Thành cùng các học sinh trường THCS Hóa Thượng 

Sau đó, do bị thương nặng nên anh Thành được chuyển về Bệnh viện Quân y 91 điều trị, trải qua 2 ca phẫu thuật (cưa 1/3 tay phải, mổ lấy mảnh đạn bên hông) và 3 tháng nằm yên bất động. Đến tháng 6-1980, ở tuổi 20, chàng thanh niên Lê Trọng Thành xuất ngũ trở về quê hương khi chỉ còn một bàn tay trái, cùng các vết thương chằng chịt và những mảnh đạn pháo vẫn nằm lại trong cơ thể.

Tàn nhưng không phế

Trở thành thương binh khi đang ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời, trong khi bạn bè đang thỏa sức thực hiện mọi ước mơ, hoài bão, lúc này anh Thành lại đang loay hoay “học lại” từ đầu. Do mất đi bàn tay thuận, nên những việc trước đây vô cùng đơn giản thì giờ đây anh Thành lại rất vất vả để thực hiện, bắt đầu từ việc nhỏ nhất từ cầm đũa, rửa mặt cho đến việc khó hơn tập xe đạp... Điều đó đã khiến anh Thành hụt hẫng và tưởng chừng sự mặc cảm, tự ti sẽ đè nặng lên đôi vai của người thương binh ấy.

Một lần, anh Thành tình cờ đọc được những lời động viên của Bác dành cho anh em thương binh, bệnh binh, từng lời, từng chữ như thấm vào tâm can anh: “Các đồng chí đã hy sinh một phần xương máu vì Tổ quốc, chẳng may bị thương, bị bệnh... Chắc các đồng chí không khỏi phân vân. Nhưng các đồng chí nên một mặt nuôi lại sức khỏe, một mặt cố gắng học tập. Khi đã khôi phục sức khỏe, các đồng chí sẽ hăng hái tham gia công tác tăng gia sản xuất, để giúp ích cho Tổ quốc…”. Lá thư Bác viết dành cho nhiều người mà sao anh thấy như dành riêng cho mình vậy, lời dạy của Người đã giúp anh suy nghĩ lạc quan hơn và nhận thấy cần phải có kiến thức để tìm công việc phù hợp với sức khỏe. Do vậy, anh đã quyết định đăng ký đi học lại và trở thành học sinh nhiều tuổi nhất trường cấp 3 vào thời điểm ấy.

Để theo chương trình học anh Thành cần phải viết được, đây là thách thức không hề nhỏ, bởi bàn tay trái còn lại cũng không lành lặn. Ba ngón giữa bị mảnh đạn pháo cắt ngang, dù bác sĩ đã nối xương và khâu lại, nhưng do vết thương quá sâu nên bàn tay anh bị co lại, điều này khiến anh gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt thường ngày, giờ lại cầm bút viết thì đúng là cực hình. Những tưởng anh Thành sẽ bỏ cuộc, nhưng với bản lĩnh của người lính “Bộ đội Cụ Hồ” anh Thành lại coi đây là mục tiêu phải thực hiện bằng được.

Những buổi đầu, muốn cầm bút tập viết nhưng bàn tay “ngoan cố” quyết không chịu nghe theo, anh vừa cầm đến bút là những ngón tay quắp lại, cứng đờ, hàng trăm lần cầm lên, rơi xuống khiến mực bắn tung tóe vào người và “khiến tôi trông giống một con công xanh”  anh Thành hóm hỉnh nói. Và dù cố gắng thế nào anh vẫn không thể cầm nổi bút, chứ nói gì đến việc tập viết. Lúc đang bế tắc nhất, câu chuyện cuộc đời cùng hành trình viết nên số phận bằng đôi chân của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đến với anh Thành, nó như một luồng gió thổi bùng lên động lực và lòng quyết tâm vượt qua chính mình của chàng thanh niên trẻ. Anh thổ lộ: Đọc xong cuốn tự truyện “Tôi đi học” của thầy Ký, tôi nhận ra mình vẫn còn may mắn, bởi thầy Ký bị liệt cả hai tay nhưng vẫn có thể dùng chân viết chữ, vậy tôi vẫn còn một tay thì nhất định tôi phải viết được”.

Nghĩ là làm, mỗi sáng anh Thành dậy sớm luyện cổ tay và ngón tay mềm dẻo hơn, sau đó tập phấn, cầm que thật chắc để vẽ xuống nền đất, vẽ gì cũng được miễn sao không bị rơi. Kiên trì trong 1 tháng, anh đã cầm được bút để bắt đầu tập viết những nét chữ đầu tiên. Do viết bằng tay trái nên lúc đầu anh thường viết ngược, thêm nữa do không có điểm tì nên chữ thường bị xô lệch, rất khó viết. Không nản chí, hằng ngày ngoài lúc học trên lớp thời gian còn lại anh dồn toàn bộ vào việc học viết. Anh kiên trì viết từng nét sau đó đến từng từ, từng câu hoàn chỉnh, mỗi ngày anh tự đề ra cho mình một mục tiêu phải hoàn thành. Dần dần, anh rút ra kinh nghiệm không được ấn mạnh ngòi bút, nhờ thế giấy sẽ không bị lệch và chữ thẳng hàng hơn. Sau đó, việc học viết cũng trở nên thú vị và hiệu quả hơn khi anh thường tập viết bằng chính những bài thơ do mình sáng tác. Lúc này, nền kinh tế nước ta vẫn đang trong thời kỳ bao cấp cho nên giấy, mực rất khan hiếm, vì vậy để tiết kiệm anh đã nghĩ ra cách “viết đi, viết lại”, nghĩa là sau khi viết kín trang giấy, anh không vứt đi mà giữ lại và đem phơi cho ráo, sau đó “tô” lại đúng những nét chữ đã khô mực ấy, nhờ thế mà anh vừa quen được cách uốn nét chữ, vừa có đủ giấy tập viết.

Nhớ lại những ngày tháng ấy, anh Lê Trọng Anh em trai anh Thành cho biết: "Thời gian đầu, có khi chăm chỉ cả ngày, mồ hôi đầm đìa mà anh ấy không viết được một chữ hoàn chỉnh. Thi thoảng, luyện viết nhiều quá khiến bàn tay bị “chuột rút”, hay những khi trái gió, trở trời vết thương cũ tái phát, cơ thể đau nhức khiến anh ấy phải nằm một chỗ… thấy vậy, gia đình tôi rất thương. Đã có lúc bố mẹ tôi bảo anh nghỉ học vì thấy vất vả quá, nhưng anh ấy quyết tâm lắm, cứ ngồi dậy được là tôi lại thấy anh cặm cụi cầm bút tập viết bên hiên nhà”.

Với ý chí và sự kiên trì khổ luyện, sau 3 năm, thương binh Lê Trọng Thành đã vượt qua "cuộc chiến" của chính mình, anh đã có thể viết thành thạo, nhanh hơn và đẹp hơn. Niềm vui nhân đôi, khi anh thi đỗ vào khoa Văn của trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (nay là Đại học Sư phạm Thái Nguyên). Đến năm 1987, đang là sinh viên năm thứ 2, anh đạt giải ba toàn quốc trong Cuộc thi viết “Bác Hồ tấm gương đẹp nhất” do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động, đây chính là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng của anh.

Nhọc nhằn cõng chữ lên non

Ra trường, anh Thành về giảng dạy tại trường THCS Văn Hán (xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ), đây là một trong những xã miền núi nghèo nhất của tỉnh lúc bấy giờ. Về công tác một thời gian, anh nhận thấy học sinh bỏ học ngày càng nhiều, do đây là nơi sinh sống của đa số đồng bào dân tộc thiểu số (Tày, Nùng) nên cuộc sống còn nhiều khó khăn, ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm thì việc cho con đi học là điều không tưởng. Thêm nữa, do phong tục còn lạc hậu vì vậy bà con quan niệm việc học mất thời gian, không kiếm được thóc, gạo nên họ cho con ở nhà đi rừng, lên nương kiếm sống.

Trăn trở với tương lai của học trò, anh Thành tranh thủ một buổi lên lớp, một buổi đạp xe qua những cung đường nhiều đèo, lắm dốc, cứ “lên đẩy, xuống dắt” (lên dốc đẩy xe, xuống dốc dắt xe) vượt mấy chục cây số vào từng gia đình vận động cho các em trở lại trường. Có lần, do nhà học sinh ở trên núi cao không đi xe được, anh Thành phải cuốc bộ gần chục cây số, nhưng khi đến nơi thì cả gia đình đi rừng chưa về nên anh phải chờ đến tối mới gặp được. Một lần khác, đang dắt xe xuống dốc, đường trơn nên anh bị ngã, người vẫn lấm lem bùn đất thì anh gặp học trò trên đường đi nương về, thầy trò nhìn thấy nhau chỉ trực khóc, còn bố mẹ em nhìn thấy thầy giáo như vậy đã rất cảm động nên đã quyết định cho con đi học. Lại có gia đình, anh phải kiên trì đến hàng chục lượt mới nhận được cái gật đầu chấp thuận... Ngày qua ngày, khi những con đường đất ngoằn nghèo, nắng bụi mưa lầy đã in dấu chân thầy Thành trên khắp mọi nẻo, cũng là lúc số học sinh quay trở lại với trường, với lớp ngày một nhiều hơn.

Trong hành trình ấy, đã có hôm đang trên đường về thì xe bị thủng săm, dắt bộ chừng cây số mới có chỗ vá. Sửa xong, anh gửi tiền nhưng bác chủ nhà nhất định miễn phí cho thầy giáo, lúc chia tay bác còn biếu thêm mấy cân gạo nếp "để làm quà cho cô ở nhà". Khi ấy, anh Thành ái ngại lắm, nhưng bác đã cười xòa và bảo: “Thầy không biết chúng tôi, chứ người dân cả xã này đều biết thầy là thương binh, chỉ còn một tay vậy mà thầy vẫn đạp xe hơn 20 cây số lên đây dạy học. Người khỏe như chúng tôi đi còn mệt, vậy mà thầy vẫn kiên trì mang con chữ lên cho bọn trẻ khiến chúng tôi cảm phục lắm”.

Đến mãi sau này, dù thầy Thành đã được chuyển công tác về một xã gần nhà hơn (Hóa Thượng, Đồng Hỷ), hình ảnh người thầy thương binh với chiếc xe đạp cọc cạch, một mình vượt quãng đường xa đến với học sinh vùng cao vẫn luôn in đậm trong tâm trí những người dân nơi đây.

Người thầy yêu văn chương

Gần 30 năm đứng trên bục giảng dù gặp nhiều khó khăn, nhưng bằng tình yêu nghề và tinh thần tự học hỏi trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ, vì thế nhiều năm liền anh Thành đều có học sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi của trường và huyện, bản thân anh cũng là giáo viên dạy giỏi. Dù đạt nhiều thành tích xuất sắc, nhưng với anh vui nhất là khi được đứng trên bục giảng chăm lo cho thế hệ tương lai của đất nước. Đó có thể là lúc anh say sưa với từng trang giáo án, hay là phút giây học trò tròn mắt khi nghe anh kể về cuộc chiến mà mình đã đi qua...

Em Tống Thị Mỹ Linh, học sinh lớp 8C, trường THCS Hóa Thượng (Đồng Hỷ) tâm sự: Sau khi biết về quá trình thầy vượt qua số phận để trở thành thầy giáo như ngày hôm nay, em và các bạn rất cảm phục. Với chúng em, thầy Thành chính là “thầy Nguyễn Ngọc Ký” thứ hai.

Khi nói về người anh, người đồng nghiệp của mình, cô Trần Thị Kết, Hiệu trưởng trường THCS Hóa Thượng nơi anh Thành hiện đang công tác tự hào: Không chỉ vững chuyên môn, thầy Thành tích cực trong giảng dạy và sẻ chia với đồng nghiệp trong cuộc sống, do đó thầy luôn được đồng nghiệp yêu quý, tin tưởng. Thầy Thành chính là tấm gương sáng cho thầy cô và học sinh nhà trường noi theo.

Ngoài vững vàng về chuyên môn, thầy Thành còn là cộng tác viên thường xuyên của nhiều tờ báo, tạp chí trong và ngoài tỉnh. Tôi đã đọc tập bản thảo hàng trăm bài, được viết bằng mực cũ với nét chữ nghiêng nghiêng do anh tự sáng tác. Có bài thơ được làm từ ngày đầu tiên anh cầm bút học viết, có bài là cảm xúc khi anh trở thành thầy giáo, nhưng nhiều hơn cả là những bài thơ anh viết về tình yêu dành cho người vợ đã đồng cam, cộng khổ với mình nhiều năm... “Anh về với nửa vòng tay/ Như vầng trăng khuyết đêm nay bồi hồi/ Thương nhau nên giữ lấy lời/ Nên tình yêu chẳng hề vơi tháng ngày/ Dẫu còn một nửa vòng tay/ Nửa em bù lại tròn đầy vầng trăng”  (Nửa vòng tay).

Tạm biệt màu xanh áo lính khi còn rất trẻ nhưng với ý chí và quyết tâm của mình, thương binh Lê Trọng Thành đã khiến biến cố đó trở thành một sự khởi đầu mới cho một tương lai mới, như một sự khẳng định “thương binh tàn nhưng không phế”. Nhưng hơn tất cả, với thầy giáo - thương binh Lê Trọng Thành, mỗi ngày được sống trong hòa bình, được đứng trên bục giảng, truyền lửa đam mê cho thế hệ tương lai của đất nước mới thật đáng trân trọng.

Hương Dịu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước