Thần tốc tiến công giải phóng Sài Gòn
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày 30/4/1975 đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi. Trong ánh hào quang chiến thắng, có những chiến công thầm lặng, những cống hiến hy sinh của nhiều cán bộ chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân.
Gặp gỡ một trong những người trong cuộc, tôi càng hiểu và thêm trân trọng các thế hệ đã sống, chiến đấu để thực hiện khát vọng Độc lập – Tự do của dân tộc.
Sục sôi khí thế tiến công
Chiến thắng không bao giờ dễ dàng và luôn phải đánh đổi bằng xương máu. Chỉ ít phút trước khi giải phóng Sài Gòn, máu của hai bên vẫn đổ. Chia sẻ với chúng tôi những kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời binh nghiệp, đại tá Lê Huy Thuần, nguyên chiến sĩ Lữ đoàn 234, Quân đoàn 3, hiện sinh sống tại xóm Khánh Hòa, xã Linh Sơn, thành phố Thái Nguyên, dù rất tự hào về bản lĩnh, ý chí của những người lính; về khí thế tiến công dũng mãnh của các đơn vị trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, vẫn xúc động ngậm ngùi nhớ những người đã ngã xuống.
Ông cho biết trước khi mở màn chiến dịch Tây Nguyên, để bảo đảm bí mật, bất ngờ cho trận quyết chiến Buôn Ma Thuột, Bộ Tư lệnh chiến dịch chỉ đạo các sư đoàn tổ chức ém quân ở Kon Tum. Một số đơn vị tiến hành tập kích các căn cứ quân sự địch tại Kon Tum và Pleiku. Lữ đoàn của ông ém tại Võ Định, phía Bắc Kon Tum. Lúc này lữ đoàn có biên chế 1 đại đội pháo 57 ly, 2 đại đội 37 ly, 2 trung đội 23 ly, một tiểu đội ZSU23, A72. Địch bị đánh lừa hết điều quân xuống giữ Kon Tum rồi lại điều quân giữ Pleiku. Bộ Tư lệnh chiến dịch hạ quyết tâm chiến đấu và quyết chiến. Quân ta bí mật mở đường các ngả vào Buôn Ma Thuột.
Sáng ngày 5/3/1975, ta tổ chức tấn công các căn cứ xung quanh Buôn Ma Thuột, các quân binh chủng hợp thành cơ động vào vị trí chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Lữ đoàn 234 pháo phòng không cùng lữ đoàn pháo 232 sẵn sàng bắn máy bay địch. Đồng bào, dân quân du kích Tây Nguyên không quản ngại hy sinh gian khổ giúp bộ đội kéo pháo vào trận địa.
Nữ du kích Củ Chi Nguyễn Trung Kiên dẫn xe tăng ta tiến vào giải phóng Sài Gòn. Nguồn: netnews.vn.
2 giờ sáng ngày 10/3/1975, quân ta mở cuộc tiến công vào các mục tiêu then chốt tại Buôn Ma Thuột. Lữ đoàn 234 cử một phân đội sử dụng tên lửa vác vai A72 phối thuộc cùng tiểu đoàn đặc công 198 đánh sân bay Hòa Bình. Lợi dụng công sự kiên cố, bọn địch chống trả quyết liệt làm quân ta chịu nhiều tổn thất về lực lượng. Sáng 10/3 địch sử dụng 3 máy bay A37 ném bom vào các căn cứ xung quanh sân bay đã mất, một khẩu đội pháo của đơn vị ông bị trúng bom, một số chiến sĩ hy sinh. 10 giờ sáng hôm đó ta tiếp tục tổ chức tấn công sân bay Hòa Bình. Địch cho máy bay ném bom phản kích và phản pháo dữ dội. Tên lửa A72 của lữ đoàn bắn rơi một máy bay ném bom. Xe đơn vị ông chở đội hình đi đánh sân bay Hòa Bình trúng pháo làm ông và 12 chiến sĩ bị thương, may mắn ông chỉ bị thương nhẹ và tiếp tục chiến đấu.
5 giờ 30 phút ngày 11/3/1975, các trận địa pháo của ta từ 4 hướng khai hỏa dồn dập tấn công vào sào huyệt của địch. Các đơn vị bộ binh, dân quân du kích cùng xe tăng đánh thẳng vào sở chỉ huy Sư đoàn 23 Ngụy. Các trận chiến diễn ra vô cùng ác liệt. Đến 11 giờ ngày 11/3/1975, các mũi thọc sâu của binh chủng hợp thành đã hợp quân tại sư đoàn bộ của Ngụy.
Chiến thắng Buôn Ma Thuột đã tạo ra thời cơ mới, thúc đẩy nhanh việc tiến công thần tốc, táo bạo, nhanh chóng hoàn thành giải phóng Tây Nguyên, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thực hiện mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên, Lữ đoàn 234 tiếp tục cùng các đơn vị tiến công đánh chiếm Phước An, đánh đèo Phượng Hoàng. Đèo Phượng Hoàng có địa hình quanh co hiểm trở dài 12 km, địch huy động lực lượng với hơn 4.000 binh lính thực hiện phương án chặn đường tiến quân của ta trên QL21 (nay là QL26) về đồng bằng, thiết lập “lá chắn thép” với sở chỉ huy cùng các trận địa pháo, xe tăng. Bộ Tư lệnh chiến dịch điều động ba mũi quân mở cuộc tấn công. Máy bay của địch từ sân bay Thành Sơn – Phan Rang ra ném bom nhưng đã bị pháo cao xạ của ta khống chế. Từ ngày 29/3/1975 pháo binh ta dội lửa dồn dập suốt 3 ngày đêm lên đèo Phượng Hoàng hỗ trợ cho 3 mũi quân áp sát mục tiêu. Chiều 1/4/1975, các mũi tiến công của ta mở trận công kích, dội pháo tới tấp vào Sở chỉ huy Lữ đoàn Dù trên đỉnh đèo, tạo cơ hội cho bộ binh và xe tăng tiến lên chọc thủng “lá chắn thép” làm chủ trận địa, mở toang cánh cửa xuống đồng bằng, đánh chiếm tiếp các căn cứ quân sự còn lại và tiến thẳng về hướng Nam giải phóng Nha Trang…
Đập tan hệ thống phòng ngự Tây Nguyên, cắt đứt các con đường rút lui chiến thuật, buộc quân địch tháo chạy trong hoảng loạn tạo cho chúng ta thời cơ vô cùng thuận lợi. Dù cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn, bom đạn ác liệt, những người lính vẫn vững tin vào chiến thắng. Tinh thần lạc quan và bản lĩnh của cán bộ chiến sĩ luôn được thể hiện bằng hành động cụ thể trong chiến đấu. Ý chí quyết chiến, quyết thắng tạo cho quân và dân ta sức mạnh phi thường làm kẻ thù khiếp sợ.
Mọi trái tim đều hướng đến Sài Gòn
Giống như các cựu chiến binh khác, ông Lê Huy Thuần ít nói về mình, chỉ nói về đơn vị và đồng đội. Ông cho rằng trách nhiệm của người lính cầm súng là thực hiện nghiêm chỉnh mệnh lệnh của chỉ huy. Để tiêu diệt kẻ thù phải có sự kề vai chiến đấu của đồng chí, đồng đội. Không ai có thể tự mình làm nên chiến thắng. Thấy tôi ngạc nhiên khi ông kể chi tiết nhiều địa danh, phiên hiệu đơn vị và cả tên một số chiến sĩ, ông cho biết cũng như nhiều người lính thời kỳ ấy, ông cũng tìm hiểu và ghi nhật ký, những gì đã từng ghi thì khó quên. Ông tiếc là sau này khi sang chiến đấu tại Campuchia, cuốn nhật ký phải gửi lại hậu cứ và đã bị thất lạc. Những trang nhật ký của ông không chỉ ghi lại các sự kiện, những diễn biến từng trận đánh mà còn thể hiện tâm tư, tình cảm với quê hương, với lý tưởng cao đẹp rèn đúc nên tinh thần những người trẻ lên đường đi đánh giặc cứu nước. Ông nói vui: Mình ghi nhật ký, nhưng bao giờ cũng thể hiện sự lạc quan. Chiến tranh ác liệt, lỡ hy sinh mọi người đọc thấy này nọ lại cho là mình lập trường không kiên định.
Ngày 10/4, Lữ đoàn 234 được giao nhiệm vụ tham gia đội hình của binh chủng hợp thành tiến công Sài Gòn. Do Phan Rang, Phan Thiết địch lập tuyến cố thủ và có các đơn vị khác đang bao vây tiêu diệt, Lữ đoàn 234 vòng lên hướng Đà Lạt cùng các đơn vị xe tăng Lữ đoàn 273, Trung đoàn bộ binh 28, tiểu đoàn pháo của Lữ đoàn 232, lực lượng pháo mặt đất của Lữ đoàn 40 hợp thành mũi tiến công sân bay Tân Sơn Nhất. Chúng tôi được phổ biến quy định về trang phục, quy định về đeo băng vải đỏ trên cánh tay phải để phân biệt lực lượng ta và địch. Mỗi cán bộ chiến sĩ được phát một khẩu hiệu in sẵn dán trên mũ biểu thị quyết tâm giải phóng Sài Gòn. Tôi được phát khẩu hiệu: “Giặc chạy lên trời ta lôi xuống/ Giặc chui xuống đất ta kéo lên”.
Đại tá Lê Huy Thuần
Tinh thần quyết tâm và ý chí chiến đấu của bộ đội ngập tràn. Chúng tôi xác định đây là thời cơ có một không hai để đi đến trận cuối cùng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Có thể nói mọi trái tim chúng tôi đều hướng đến Sài Gòn, dinh lũy đầu não của bè lũ tay sai bán nước. Với khí thế tiến quân thần tốc một ngày bằng 30 năm, đội hình binh chủng hợp thành của mũi tiến quân do một trung đội dân quân du kích và biệt động thành dẫn đường ào ạt nhằm hướng Sài Gòn xông tới. Chúng tôi được quán triệt bỏ qua các ổ kháng cự nhỏ lẻ, tập trung lực lượng đánh vào cửa số 5 sân bay Tân Sơn Nhất.
Đêm 29/4, chúng tôi áp sát Sài Gòn. Tuy nhiên đêm đó chúng tôi vấp một con rạch chỉ có chiếc cầu sắt, chiếc xe tăng đi đầu vừa lên cầu thì cầu sụp xuống vì quá yếu. Không còn cách nào vượt qua, chúng tôi được lệnh thay đổi mục tiêu, vòng sang ngã tư Bảy Hiền tiến đánh Bộ Tổng tham mưu Ngụy. Sáng 30/4, trận chiến tại ngã tư Bảy Hiền diễn ra ác liệt. Tại đây trong tình thế không còn gì để mất, địch điên cuồng chống cự, các lực lượng của đơn vị bạn cũng đã tổ chức tiến công và chịu nhiều tổn thất. Một vài căn nhà lớn, nhân dân đã gom nhiều thi thể bộ đội. Không để quân địch gây tội ác và chặn bước tiến của ta, các loại pháo được lệnh hạ nòng cùng pháo xe tăng, các loại hỏa tiễn và súng bộ binh bắn thẳng vào các căn nhà có ổ đề kháng, dập tắt sự kháng cự. Chỉ kịp lấy võng hoặc tấm tăng che tạm số thi thể bộ đội hy sinh nằm bên đường, chúng tôi lại tiếp tục hành tiến. Lúc này tiếng súng chỉ còn lác đác, người dân đổ ra đường đón chào quân giải phóng. Nhiều tên lính vứt vũ khí, cởi bỏ áo để mình trần lếch thếch đi bên đội hình của ta.
Hai lá cờ của Quân giải phóng tung bay trên nóc tòa nhà Bộ Tổng tham mưu
Quân đội VNCH sáng 30/4/1975. Nguồn: netnews.vn.
Tôi cùng ba chiến sĩ tháp tùng tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Thật, quê ở xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đi trên chiếc xe Zep thu được của địch dẫn đầu đội hình tiến quân. Đến cổng Bộ Tổng tham mưu xe vừa dừng, chúng tôi ôm súng lao ra áp sát hàng rào. Một tên lính ném lựu đạn làm tiểu đoàn trưởng bị thương. Phát hiện tên lính, cả bốn chúng tôi đồng loạt nổ súng tiêu diệt. Lúc đó khoảng 11 giờ trưa. Đây cũng là người tiểu đoàn trưởng cuối cùng bị thương và tên lính Ngụy cuối cùng bị tiêu diệt trước giờ giải phóng.
Thấy Tiểu đoàn trưởng bị thương rất nặng, chúng tôi hỏi những người dân bên đường về bệnh viện gần nhất và được nhân dân nhiệt tình giúp đỡ đưa đi viện. Anh bị đứt 7 khúc ruột nhưng các y bác sĩ bệnh viện Vì Dân cứu chữa kịp thời nên đã qua khỏi.
Lữ đoàn của chúng tôi chỉ đóng quân tại Bộ Tổng tham mưu ít giờ đồng hồ, sau đó nhận lệnh tới sân bay Tân Sơn Nhất phối hợp chuẩn bị bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước từ Hà Nội vào thăm Sài Gòn vừa giải phóng.
Trong suốt cuộc đời binh nghiệp của mình, ông Lê Huy Thuần đã tham gia nhiều trận đánh, nhưng ký ức về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 luôn tươi mới, nhiều cảm xúc và để lại cho tôi những ấn tượng sâu sắc. Bản lĩnh, ý chí của những người lính trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước vẫn tiếp tục truyền lửa cho các thế hệ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.
Phan Thái
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...